Thư Viện
Bài học 112: Hê La Man 11-12


Bài Học 112

Hê La Man 11–12

Lời Giới Thiệu

Chương 11 và 12 trong sách Hê La Man bao gồm 14 năm lịch sử dân Nê Phi trong đó dân chúng trải qua một chu kỳ của sự ngay chính và tà ác. Lịch sử này cho thấy cách người ta có thể nhanh chóng quên Chúa và cách Ngài sửa phạt họ để giúp họ hối cải và trở lại cùng Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hê La Man 11

Dân Nê Phi trải qua một chu kỳ của sự ngay chính và tà ác

Vẽ lại biểu đồ sau đây lên trên bảng. Giải thích biểu đồ này tượng trưng cho điều mà thường được gọi là chu kỳ kiêu ngạo.

Righteous Cycle

Yêu cầu học sinh cân nhắc điều họ sẽ viết cho yếu tố thứ tư của chu kỳ. Cho phép học sinh thảo luận về các câu trả lời có thể đưa ra. Sau khi đã thảo luận được một chút, hãy viết Sự Khiêm Nhường và Hối Cải bên cạnh số 4 trong biểu đồ. Giải thích rằng sinh hoạt thánh thư sau đây sẽ cho thấy cách mà những người dân trong Sách Mặc Môn đã trải qua chu kỳ này. Nêu ra rằng chu kỳ này thường được nhìn thấy trong các xã hội lớn, nhưng nó cũng có thể phản ảnh mẫu mực trong cuộc sống của gia đình và cá nhân.

Nhắc nhở học sinh rằng ngay cả sau khi Nê Phi đã nói với dân chúng về cái chết của vị trưởng phán quan, “nhưng họ đã chai đá trong lòng và không chịu nghe theo những lời của Chúa” (Hê La Man 10:13). Vào cuối năm thứ 71 của chế độ các phán quan, dân chúng đã “chia rẽ nhau và bắt đầu sát hại lẫn nhau bằng gươm” (Hê La Man 10:18).

  • Vào lúc này, các em nghĩ những người dân Nê Phi này ở chỗ nào trong chu kỳ kiêu ngạo?

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy sao chép biểu đồ sau đây lên trên bảng. Đừng bao gồm các câu trả lời được in nghiêng trong cột thứ ba và thứ tư. Nếu có thể, sao chép biểu đồ trong tờ giấy để phát tay cho mỗi học sinh. Nếu điều này không thể thực hiện được, yêu cầu họ sao chép biểu đồ trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Làm mẫu cách để hoàn tất biểu đồ bằng cách hoàn tất dòng đầu tiên chung với lớp học. Mời một học sinh đọc to Hê La Man 11:1–2. Yêu cầu lớp học đưa ra một bản tóm lược ngắn gọn về tình trạng của dân chúng như được mô tả trong các câu này. Viết những câu trả lời của họ lên trên biểu đồ. Sau đó yêu cầu học sinh nhận ra giai đoạn nào hoặc các giai đoạn nào của chu kỳ mà dân chúng đang ở đó. Viết những câu trả lời của họ lên trên biểu đồ.

Khi học sinh hiểu cách hoàn tất biểu đồ, hãy cho họ thời giờ để làm như vậy. Các anh chị em có thể yêu cầu họ làm việc riêng, theo từng cặp hoặc nhóm nhỏ, hoặc cùng chung với lớp học.

Những năm của chế độ các phán quan

Các câu trong Hê La Man 11

Phần mô tả tình trạng của dân chúng

(Các) giai đoạn trong chu kỳ

72–73

1–2

Cảnh tranh chấp và chiến tranh gia tăng, và đảng cướp bí mật tiếp tục công việc hủy diệt.

2, 3

73–75

3–6

Do lời cầu xin của Nê Phi lên Chúa, nên nạn đói thay thế chiến tranh, và hàng ngàn người bắt đầu chết đói.

2, 3

75

7–11

Dân chúng bắt đầu tưởng nhớ tới Chúa và hạ mình, và họ quét sạch bọn cướp Ga Đi An Tôn ra khỏi họ.

3, 4

76

17–20

Dân chúng vui mừng và tôn vinh Thượng Đế. Họ sống ngay chính, và bắt đầu thịnh vượng trở lại.

4, 1

77–79

21–23

Sự thịnh vượng và hòa bình được khôi phục lại. Những cuộc tranh chấp đều nhỏ nhặt, và được giải quyết bằng những mặc khải và lời giảng dạy phúc âm.

1

80

24–26

Dân chúng trở nên kiêu ngạo, giận dữ, và tà ác lần nữa. Một đảng cướp tà ác phát triển trở lại trong dân chúng, với những vụ giết người và kế hoạch bí mật của họ.

2, 3

80–81

27–35

Bọn cướp gây ra cảnh tàn phá và hủy diệt, và các quân đội Nê Phi và La Man không thể hủy diệt đảng cướp tà ác. Bọn cướp giết chết nhiều người và bắt theo một số người, kể cả phụ nữ và trẻ em, vào nơi hoang dã. Những thử thách dẫn dân chúng tới việc tưởng nhớ đến Chúa.

3, 4

Sau khi học sinh đã có thời gian để hoàn tất biểu đồ, hãy yêu cầu họ báo cáo điều họ đã học được từ sinh hoạt này. Rồi đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Theo Hê La Man 11:4, tại sao Nê Phi cầu nguyện xin có nạn đói? (Ông hy vọng rằng một nạn đói sẽ dẫn dân chúng tới việc tưởng nhớ đến Chúa và hối cải).

  • Dân chúng đã có thể làm gì để tránh giai đoạn “đau khổ và hủy diệt” của chu kỳ?

Học sinh có thể đưa ra nhiều câu trả lời hay cho câu hỏi này. Hãy chắc chắn rằng họ nhận ra nguyên tắc sau đây: Qua lòng khiêm nhường và sự hối cải, chúng ta có thể tránh được tính kiêu ngạo và sự hủy diệt. Hãy nêu lên rằng dân Nê Phi có thể đã tránh được các giai đoạn thứ hai và thứ ba của chu kỳ. Họ có thể đã sống ngay chính và luôn luôn khiêm nhường, hối cải không chậm trễ bất cứ khi nào họ phạm tội. Nếu họ đã sống theo cách này, thì họ vẫn phải trải qua một số thử thách, nhưng họ không phải chịu đựng nỗi đau khổ khủng khiếp và sự hủy diệt vì sự tà ác của họ mà ra.

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 11:36–37. Yêu cầu lớp học dò theo cùng lắng nghe về sự thay đổi mà đã xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.

  • Sau khi tưởng nhớ đến Chúa, dân Nê Phi đã mất bao lâu để “chín muồi để chờ đón sự hủy diệt”? (Bốn năm).

  • Giai đoạn nào của chu kỳ kiêu ngạo được mô tả ở phần cuối của Hê La Man 11?

Yêu cầu học sinh nhận ra và suy nghĩ về thời gian cụ thể mà họ đã thấy được chu kỳ này đến mức độ nào đó trong cuộc sống của họ hoặc cuộc sống của những người họ biết. Mời họ suy ngẫm điều họ có thể làm để tránh những giai đoạn thứ hai và thứ ba của chu kỳ. Khuyến khích họ viết các ý kiến cụ thể mà họ nhận được khi họ suy ngẫm.

Hê La Man 12

Mặc Môn giải thích lý do tại sao Chúa sửa phạt dân chúng

Hãy viết điều sau đây lên trên bảng: ”Và do đó mà chúng ta có thể thấy được …” Giải thích rằng Mặc Môn đã sử dụng cụm từ này để chỉ ra những bài học được rút ra từ các câu chuyện ông đã ghi lại.

  • Dựa trên Hê La Man 11, các em sẽ hoàn tất lời phát biểu này như thế nào?

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 12:1, và yêu cầu lớp học tìm cách Mặc Môn đã hoàn tất lời phát biểu.

  • Cụm từ “lòng dạ của con cái loài người là giả dối” có nghĩa gì đối với các em?

  • Điều gì giúp cho lòng các em vẫn luôn luôn tận tụy cùng Chúa?

Yêu cầu học sinh yên lặng nghiên cứu Hê La Man 12:2–3 tìm kiếm các bài học khác mà Mặc Môn muốn chúng ta học hỏi từ lịch sử này của dân Nê Phi. Nhắc nhở học sinh rằng Mặc Môn thường sử dụng các cụm từ như “chúng ta có thể thấy” (câu 2}) và “do đó chúng ta thấy” (câu 3) khi ông chia sẻ các lẽ thật chúng ta có thể học được từ các câu chuyện trong thánh thư.

  • Bằng lời riêng của các em, Mặc Môn muốn chúng ta học các bài học nào? (Học sinh có thể đưa ra các câu trả lời như sau: Nếu chúng ta không cẩn thận, sự thịnh vượng của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến việc quên Chúa; Chúa khiển trách dân Ngài để khuấy động họ tưởng nhớ đến Ngài).

  • Các em nghĩ tại sao những người thịnh vượng đôi khi lại quên Chúa?

  • Các em nghĩ tại sao người ta đôi khi cần phải bị sửa phạt trước khi họ nhớ tới Chúa? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ sửa phạt có nghĩa là sửa chỉnh một người nào đó bằng hình phạt hay loại đau khổ nào đó).

Yêu cầu học sinh suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Chúa có thể sửa phạt chúng ta trong những cách nào ngày nay?

Để giúp học sinh trả lời câu hỏi này, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Sự sửa phạt thiêng liêng có ít nhất ba mục đích: (1) thuyết phục chúng ta phải hối cải, (2) cải tiến và thánh hóa chúng ta, và (3) đôi khi đổi hướng lộ trình của chúng ta trong cuộc sống thành lộ trình mà Thượng Đế biết là con đường tốt hơn” (“Phàm Những Kẻ Ta Yêu thì Ta Quở Trách Sửa Phạt,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 98).

  • Làm thế nào sự sửa phạt của Chúa là bằng chứng về tình yêu thương của Ngài?

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 12:4–6. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các thái độ mà làm cho người ta khó để nhớ tới Thượng Đế. Mời học sinh báo cáo điều họ tìm ra.

Giải thích rằng Mặc Môn đã mô tả những người từ chối để cho Chúa hướng dẫn họ là những người “còn kém hơn bụi đất thế gian” (Hê La Man 12:7). Yêu cầu một học sinh đọc to Hê La Man 12:7–8.

  • Tại sao những người như vậy được coi là “còn kém hơn bụi đất thế gian”? (Giúp học sinh hiểu rằng Mặc Môn đã không dạy rằng con người là kém giá trị đối với Cha Thiên Thượng hơn bụi đất. Thay vì thế, ông đang thu hút sự chú ý đến một thực tế rằng bụi đất luôn luôn tuân theo lệnh truyền của Thượng Đế, nhưng con người thường thì không).

Tóm tắt Hê La Man 12:9–22 bằng cách đề cập rằng trong những câu này Mặc Môn nhắc nhở chúng ta về quyền năng vĩ đại của Chúa—rằng Chúa có thể truyền lệnh cho các nguyên tố vật lý di chuyển hoặc thay đổi và rằng Ngài có thể làm cho một người phạm tội bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Ngài. Mời học sinh tra cứu Hê La Man 12:23–26, tìm kiếm bằng chứng cho thấy là chúng ta đều có giá trị nhiều hơn bụi đất. Các em có thể muốn đề nghị học sinh nên đánh dấu các từ và cụm từ quan trọng đối với họ.

  • Ân tứ nào có sẵn cho chúng ta khi chúng ta hối cải và lưu tâm đến tiếng nói của Chúa?

  • Bằng chứng này có giá trị như thế nào đối với Thượng Đế?

Viết những lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng. Mời học sinh viết một lời kết thúc cho bài học hôm nay bằng cách hoàn tất những lời phát biểu này trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Và như vậy tôi thấy trong Hê La Man 11–12 rằng …

Và do đó tôi sẽ …

Làm chứng rằng khi chúng ta tưởng nhớ tới Chúa, lưu tâm đến tiếng nói của Ngài, và hối cải, thì chúng ta cho thấy lòng khiêm nhường và đức tin của mình nơi Ngài. Để đổi lại, Ngài giữ lời hứa của Ngài để ban phước và làm cho chúng ta thịnh vượng, cuối cùng ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu.