Thư Viện
Bài học 151: Ê The 13–15


Bài Học 151

Ê The 13–15

Lời Giới Thiệu

Biên sử của tiên tri Ê The về nền văn minh của dân Gia Rết là một bằng chứng rằng những người chối bỏ Chúa và các vị tiên tri của Ngài sẽ không được thịnh vượng. Ê The cảnh báo Cô Ri An Tum Rơ, một nhà vua Gia Rết, rằng dân của ông sẽ bị hủy diệt nếu ông và gia đình ông không chịu hối cải. Khi Cô Ri An Tum Rơ và dân của ông từ chối hối cải, thì chiến tranh và sự tà ác leo thang trong nhiều năm cho đến khi toàn thể dân tộc Gia Rết bị hủy diệt. Chỉ có Ê The và Cô Ri An Tum Rơ sống sót để chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Ê The. Các chương này cũng là một cách ứng nghiệm của sắc lệnh của Thượng Đế rằng “bất cứ dân nào chiếm hữu [đất hứa] này đều phải phục vụ Thượng Đế, bằng không, họ sẽ bị quét sạch” (Ê The 2:9).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Ê The 13:1–12

Mô Rô Ni ghi lại những lời tiên tri của Ê The về Tân Giê Ru Sa Lem và cổ thành Giê Ru Sa Lem

Giải thích rằng một số thành phố được biết đến qua những cái tên mô tả những đặc điểm quan trọng của chúng. Đọc những cái tên sau đây mô tả các thành phố, và yêu cầu học sinh đoán xem thành phố nào phù hợp với mỗi cái tên: Thành Phố Ánh Sáng (Paris, Pháp); Thành Phố Vĩnh Cửu (Rome, Ý); Thành Phố Lộng Gió (Chicago, Illinois, Hoa Kỳ); Hòn Ngọc Phương Đông (Manila, Philippines); và Thành Phố Lâu Đài (Mexico City, Mexico). Yêu cầu học sinh đề nghị những cái tên đó có thể truyền đạt điều gì về các thành phố này.

Nêu ra rằng Mô Rô Ni ghi lại những lời tiên tri của Ê The về ba thành phố: Tân Giê Ru Sa Lem (xin xem Ê The 13:6–8, 10); thành phố Hê Nóc, mà “sẽ từ trên trời mà giáng xuống” (Ê The 13:3; xin xem thêm Môi Se 7:62–64); và Giê Ru Sa Lem ở Đất Thánh (xin xem Ê The 13:11). Nói cho lớp học biết là Ê The đã dạy dân Gia Rết rằng xứ nơi họ đang sống là địa điểm của một thành phố trong tương lai và có tầm quan trọng rất lớn (xin xem Ê The 13:2–3). Mời học sinh đọc thầm Ê The 13:4–8 cùng tìm kiếm tên của các thành phố đã được đề cập đến trong các câu này.

  • Tên của các thành phố này là gì? (Giê Ru Sa Lem và Tân Giê Ru Sa Lem). Ê The dùng cái tên nào để mô tả Giê Ru Sa Lem ở Đất Thánh và Tân Giê Ru Sa Lem mà một ngày nào đó sẽ được xây dựng trên lục địa Châu Mỹ? (“Thành phố thánh.”)

  • Các em nghĩ việc sống trong một thành phố được biết là “một thành phố thánh” thì sẽ như thế nào?

Mời học sinh đọc thầm Ê The 13:10–11 cùng tìm kiếm cách mà người ta sẽ hội đủ điều kiện để sống trong những thành phố thánh này như thế nào.

  • Người ta sẽ hội đủ điều kiện để sống trong những thành phố này bằng cách nào? (Bằng cách có y phục của họ được “tẩy trắng qua máu của Chiên Con.”)

  • Những người có y phục được “tẩy trắng qua máu của Chiên Con” có nghĩa là gì? (Điều này có nghĩa rằng người ta đã trở nên trong sạch và được thanh tẩy khỏi tội lỗi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con của Thượng Đế; xin xem 1 Nê Phi 12:11; An Ma 5:21).

Giải thích rằng một cái tên khác cho Tân Giê Ru Sa Lem là Si Ôn (xin xem Môi Se 7:62; Những Tín Điều 1:10). Trong khi Tân Giê Ru Sa Lem và thành phố Giê Ru Sa Lem sẽ được thiết lập trong tương lai, tất cả các tín hữu của Giáo Hội có thể tìm cách thiết lập Si Ôn ngay từ bây giờ ở bất cứ nơi nào họ sinh sống (xin xem GLGƯ 6:6; 14:6). Trong ý nghĩa cơ bản nhất, Si Ôn là “có tấm lòng thanh khiết” (GLGƯ 97:21). Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả D. Todd Christofferson

“Si Ôn là Si Ôn bởi vì đặc điểm, thuộc tính và sự trung tín của dân cư của Si Ôn [xin xem Môi Se 7:18]. Hãy nhớ rằng ‘Chúa gọi dân Ngài là Si Ôn, vì họ đồng một lòng và một trí, và sống trong sự ngay chính; và không có một người nào nghèo khó trong số họ’ (Môi Se 7:18). Nếu chúng ta muốn thiết lập Si Ôn trong nhà, chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu của mình, thì chúng ta phải đạt được tiêu chuẩn này. Chúng ta sẽ cần (1) trở nên đồng một lòng và một trí; (2) trở thành một dân tộc thánh, riêng cá nhân và tập thể, và (3) chăm sóc cho người nghèo khó và người túng thiếu” (“Hãy Đến Với Si Ôn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 38).

Cho học sinh một giây lát để suy ngẫm điều họ có thể làm để giúp thiết lập một tiêu chuẩn cao hơn trong nhà của họ và trong các chi nhánh hay tiểu giáo khu của họ. Thỉnh thoảng các anh chị em có thể muốn cho họ thời gian để viết những ý nghĩ của họ vào sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Ê The 13:13–15:34

Dân Gia Rết bác bỏ những lời cảnh báo của tiên tri Ê The và tiếp tục sống trong sự tà ác và chiến tranh cho đến khi họ bị hủy diệt

Tóm lược Ê The 13:13–14 bằng cách giải thích rằng dân Gia Rết chối bỏ Ê The và xua đuổi ông ra khỏi bọn họ. Vào ban ngày, Ê The ẩn mình trong “hố đá,” nơi ông đã hoàn thành biên sử của ông về dân Gia Rết. Vào ban đêm, ông ra ngoài để xem những điều gì đã xảy đến với dân của ông là dân Gia Rết. Ông đã viết về những điều ông trông thấy.

Mời học sinh đọc thầm Ê The 13:15–19, tìm kiếm những điều mô tả về xã hội của dân Gia Rết. Sau khi họ đã đọc xong, hãy mời họ mô tả xã hội của dân Gia Rết bằng lời riêng của họ. Sau đó mời một học sinh đọc to Ê The 13:20–22. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm sứ điệp Chúa truyền lệnh cho Ê The phải giao cho Cô Ri An Tum Rơ.

  • Sứ điệp của Ê The giao cho Cô Ri An Tum Rơ là gì? (Nếu Cô Ri An Tum Rơ và gia đình ông chịu hối cải, Chúa sẽ cứu mạng dân chúng và cho phép Cô Ri An Tum Rơ giữ lại vương quốc của ông. Nếu họ không chịu hối cải, mọi người trong vương quốc đều sẽ bị hủy diệt ngoại trừ Cô Ri An Tum Rơ).

  • Cô Ri An Tum Rơ và dân của ông phản ứng như thế nào?

Tóm lược Ê The 13:23–14:20 bằng cách giải thích rằng chiến tranh tiếp tục trong xứ. Ba người liên tiếp—Sa Rết, Ga La Át, và Líp—cố gắng chiếm lấy vương quốc của Cô Ri An Tum Rơ. Cuối cùng, các tập đoàn bí mật đạt được nhiều quyền hành hơn, và toàn bộ dân tộc trở nên chìm đắm trong chiến tranh. “Tất cả dân chúng khắp xứ đều gây cảnh đổ máu mà không một ai ngăn cản được” (Ê The 13:31). Kẻ thù cuối cùng của Cô Ri An Tum Rơ là một người tên là Si Giơ.

Yêu cầu học sinh đọc thầm Ê The 14:21–25, 30–3115:1–2 cùng tìm kiếm mức độ hủy diệt do các cuộc chiến tranh này gây ra. Sau đó mời một học sinh đọc to Ê The 15:3–5. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà Cô Ri An Tum Rơ cố gắng làm để cứu số dân còn lại khỏi cảnh hủy diệt.

  • Cô Ri An Tum Rơ đã làm gì? (Ông đề nghị từ bỏ vương quốc cho Si Giơ).

  • Si Giơ đã phản ứng như thế nào trước đề nghị của Cô Ri An Tum Rơ? (Hắn nói rằng hắn sẽ tha cho dân chúng nếu hắn có thể được phép giết chết Cô Ri An Tum Rơ. Xin xem thêm Ê The 14:24).

Tóm lược Ê The 15:6–11 bằng cách giải thích rằng dân của Cô Ri An Tum Rơ và dân của Si Giơ tiếp tục đánh nhau. Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng trận chiến này, mà trong đó dân tộc Gia Rết bị hủy diệt, đã xảy ra ở gần một ngọn đồi tên là Ra Ma. Hàng trăm năm sau đó, nền văn minh của dân Nê Phi đã bị hủy diệt trong một trận chiến cũng gần ngọn đồi đó mà lúc đó được gọi là Cơ Mô Ra. (Xin xem Ê The 15:11; Mặc Môn 6:6).

Mời học sinh đọc thầm Ê The 15:12–17. Trước khi họ đọc, yêu cầu họ tìm kiếm các chi tiết về tình trạng của dân Gia Rết và nhận ra một điều gì đặc biệt buồn trong truyện ký này. Khi họ đã có thời gian để đọc rồi, thì hãy yêu cầu một vài học sinh báo cáo về điều họ đã nhận ra.

Nhắc nhở học sinh rằng Ê The đã dành ra nhiều năm để cảnh báo mọi người phải hối cải (xin xem Ê The 12:2–3; 13:20). Viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng: Nếu chúng ta bác bỏ lời cảnh báo của Chúa phải hối cải, …

Mời một học sinh đọc to Ê The 15:18–19. Yêu cầu lớp học dò theo cùng nhận ra những cách để hoàn tất lời phát biểu đó ở trên bảng. Sau khi học sinh chia sẻ ý kiến của họ, hãy hoàn tất lời phát biểu đó bằng cách viết nguyên tắc sau đây: Nếu chúng ta bác bỏ lời cảnh báo của Chúa phải hối cải, thì Thánh Linh của Ngài sẽ rút lui và Sa Tan sẽ chiếm được quyền hành đối với tâm hồn chúng ta.

  • Việc dân Gia Rết từ chối hối cải trước đó đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của họ để thay đổi sau này?

Tóm lược Ê The 15:20–32 bằng cách giải thích rằng quân đội của Cô Ri An Tum Rơ và Si Giơ chiến đấu cho đến khi chỉ còn lại Cô Ri An Tum Rơ và Si Giơ. Sau đó Cô Ri An Tum Rơ giết chết Si Giơ. Như Ê The đã tiên tri, tất cả dân chúng trong vương quốc đã bị giết chết ngoại trừ Cô Ri An Tum Rơ, là người sau đó đã sống để nhìn thấy một dân tộc khác—dân tộc Gia Ra Hem La—thừa huởng xứ đó (xin xem Ê The 13:21; Ôm Ni 1:20–22). Yêu cầu một học sinh đọc Ê The 15:33 để cho thấy rằng những lời của Chúa phán qua Ê The đã được ứng nghiệm.

Nêu ra rằng lịch sử của dân Gia Rết là một ví dụ đặc biệt về điều xảy ra cho dân chúng khi họ bác bỏ những lời mời lặp đi lặp lại của Thượng Đế là phải hối cải. Mặc dù đó là một ví dụ đặc biệt nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra các nguyên tắc trong truyện ký này mà có thể giúp đỡ chúng ta. Giải thích rằng giống như dân Gia Rết, ngày nay có nhiều người bác bỏ lời mời của Thượng Đế phải hối cải, do đó họ mất Thánh Linh của Chúa. Những người này thường biện minh cho lời từ chối hối cải của mình. Đọc những lời biện minh sau đây, và mời học sinh giải thích điều họ sẽ nói để trả lời một người nào đó đã nói những điều này. Khi học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ, hãy khuyến khích họ tham khảo các nguyên tắc mà họ đã học được trong Ê The 13–15.

  1. “Tôi biết những cuốn phim tôi xem không đáp ứng các tiêu chuẩn của Giáo Hội, nhưng dường như chúng không có ảnh hưởng xấu nào đến tôi cả.”

  2. “Việc uống rượu với bạn bè của tôi không phải là xấu lắm đâu—chúng tôi chỉ muốn vui vẻ thôi.”

  3. “Tôi gian lận chỉ vì tất cả mọi người khác trong lớp của tôi đều làm thế. Không thể nào có được điểm tốt nếu tôi không gian lận.”

  4. “Đó chỉ là một chút hình ảnh sách báo khiêu dâm thôi mà. Điều đó không giống như tôi đang đi ra ngoài và làm điều vô đạo đức. Ngoài ra tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào tôi cảm thấy muốn dừng lại.”

  5. “Tôi không cần phải hối cải bây giờ. Tôi có thể chờ cho đến khi sắp đi truyền giáo hoặc kết hôn trong đền thờ.”

Hãy chắc chắn là học sinh hiểu rằng khi người ta phạm tội và không hối cải, thì họ luôn phải đương đầu với những hậu quả của các tội lỗi đó. Trấn an học sinh rằng nếu họ đã phạm tội, thì họ có thể hối cải tội lỗi của họ và có lại được Thánh Linh của Chúa trong cuộc sống của họ. Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Neil L. Andersen

“Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có khả năng và tha thiết muốn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Ngoại trừ tội lỗi của một số người chọn sự diệt vong sau khi đã biết được sự trọn vẹn thì không có tội lỗi nào không thể được tha thứ. Thật là một đặc ân kỳ diệu cho mỗi người chúng ta để từ bỏ tội lỗi của mình và đến cùng Đấng Ky Tô. Sự tha thứ thiêng liêng là một trong những trái tuyệt vời nhất của phúc âm, loại bỏ tội lỗi và nỗi đau đớn khỏi tâm hồn của chúng ta và thay vào đó bằng niềm vui và lương tâm yên ổn” (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 40–41).

Mời học sinh xem xét cuộc sống của họ về bất cứ tội lỗi nào đã làm gián đoạn việc họ có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh. Khuyến khích họ dựa vào quyền năng của Sự Chuộc Tội để có những thay đổi mà sẽ giúp họ giữ được sự đồng hành của Thánh Linh và chống lại quyền năng của Sa Tan.

Để giúp học sinh hiểu một nguyên tắc khác được giảng dạy trong Ê The 13–15, yêu cầu họ đọc thầm các đoạn sau đây: Ê The 13:27; 14:24; 15:6, 22, 28. Trước khi họ đọc, hãy yêu cầu họ tìm kiếm các từ và cụm từ mà nhấn mạnh đến những cảm nghĩ tức giận và ước muốn trả thù của dân Gia Rết. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu những từ và cụm từ này).

  • Dựa vào sự nghiên cứu Ê The 13–15 của các em, những hậu quả của nỗi tức giận và ước muốn trả thù của dân Gia Rết là gì?

  • Các nguyên tắc nào về cơn tức giận và sự trả thù mà chúng ta có thể học được từ những đoạn cuối trong lịch sử của dân Gia Rết? (Học sinh có thể chia sẻ một vài nguyên tắc khác nhau. Hãy chắc chắn rằng những câu trả lời của họ phản ảnh rằng cơn tức giận và sự trả thù dẫn dân chúng đến việc chọn những điều làm tổn thương chính họ và những người khác).

  • Cơn tức giận có thể mang đến những hậu quả nào cho một cá nhân hoặc một gia đình?

Làm chứng rằng chúng ta có thể vượt qua những cảm nghĩ tức giận và ước muốn trả thù khi chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được sự tha thứ và an ủi qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Khuyến khích học sinh tìm đến Chúa trong lời cầu nguyện để có được sự giúp đỡ mà họ cần nếu họ cảm thấy tức giận một người khác.

Xem Lại Ê The

Hãy dành một chút thời gian để giúp học sinh xem lại sách Ê The. Hãy yêu cầu họ suy nghĩ về những điều họ đã học được từ sách này, cả trong lớp giáo lý lẫn trong việc học hỏi thánh thư riêng của họ. Nếu cần, hãy mời họ xem lại nhanh một số phần tóm lược của chương trong Ê The để giúp họ nhớ lại. Sau khi đã có đủ thời gian, mời một vài học sinh chia sẻ một điều gì đó đầy soi dẫn đối với họ từ Ê The hay đã giúp họ có đức tin lớn hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Ê The 13:3–5. Tân Giê Ru Sa Lem và cổ thành Giê Ru Sa Lem

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy về Tân Giê Ru Sa Lem và thành Giê Ru Sa Lem được xây cất thời xưa:

“Để hình dung ra ý nghĩa của [Tân Giê Ru Sa Lem], chúng ta cần phải biết năm sự kiện này: 1. Cổ thành Giê Ru Sa Lem, thành phố có nhiều giáo vụ riêng của Chúa ở giữa con người, sẽ được xây cất lại trong những ngày sau cùng và trở thành một trong hai thủ đô lớn trên thế giới, một thành phố ngàn năm mà từ đó lời của Chúa sẽ đi ra. 2. Tân Giê Ru Sa Lem, một Si Ôn mới, một thành phố của Thượng Đế, sẽ được xây cất trên lục địa Châu Mỹ. 3. Thành phố Hê Nóc, Si Ôn nguyên thủy, ‘Thành Phố Thánh Thiện, … được cất lên trời.’ (Môi Se 7:13–21) 4. Thành phố Hê Nóc, với dân cư của nó giờ đây được chuyển hóa trong trạng thái phục sinh của họ, sẽ trở lại, là một Tân Giê Ru Sa Lem, để gia nhập với thành phố cùng tên mà đã được xây cất trên lục địa Châu Mỹ. 5. Khi địa cầu này trở thành thiên cầu ‘thành thánh, là Giê Ru Sa Lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống,’ khi trái đất này trở thành nơi trú ngụ của các đấng thiên thượng vĩnh viễn. (Khải Huyền 21:10–27.)” (Doctrinal New Testament Commentary, tập 3 [1973], 580–81).

Ê The 13:2–4, 6. Tân Giê Ru Sa Lem sẽ được xây cất ở đâu?

Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng trong những ngày sau cùng, Tân Giê Ru Sa Lem sẽ được xây cất ở Hoa Kỳ, trong Hạt Jackson, Missouri (xin xem GLGƯ 57:1–4; 84:1–4). Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích về mối quan hệ giữa sự quy tụ hiện tại của các tín hữu Giáo Hội và sự thiết lập cuối cùng của Tân Giê Ru Sa Lem:

“Hãy để cho Y Sơ Ra Ên quy tụ đến các giáo khu của Si Ôn trong tất cả các quốc gia. Hãy để cho mỗi xứ là một Si Ôn đối với những người đã được chỉ định đến sống ở đó. Hãy để phúc âm trọn vẹn có sẵn cho tất cả các thánh hữu trong mọi quốc gia. Đừng từ chối bất cứ phước lành nào dành cho họ. Hãy để các đền thờ mọc lên ở nơi mà trong đó các giáo lễ trọn vẹn của ngôi nhà của Chúa có thể thực hiện được. Nhưng vẫn có một nơi trung tâm, một nơi mà ngôi đền thờ chính sẽ tọa lạc, một nơi mà Chúa sẽ đến. … Và nơi trung tâm đó là chỗ mà người ta gọi là Independence ở Hạt Jackson, Missouri, nhưng trong một ngày sẽ đến, nơi này sẽ là Si Ôn của Thượng Đế chúng ta và Thành Phố Thánh của dân Ngài” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 595).

Ê The 15:19. Làm thế nào Sa Tan có quyền năng đối với tâm hồn của chúng ta?

Mặc dù quỷ dữ có quyền năng lớn lao để cám dỗ và lừa gạt chúng ta, nhưng nó không thể chế ngự quyền tự quyết của chúng ta trừ khi chúng ta nhượng bộ ảnh hưởng của nó. Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích:

“Chúng tôi không cần phải trở nên bất động với nỗi sợ hãi về quyền hành của Sa Tan. Nó không thể có quyền năng gì đối với chúng ta trừ khi chúng ta cho phép nó. Nó thực sự là một kẻ hèn nhát, và nếu chúng ta đứng vững, thì nó sẽ rút lui. …

“Chúng ta đã nghe các diễn viên hài và những người khác biện minh hoặc giải thích về những hành động xấu của họ bằng cách nói: ‘Quỷ dữ đã khiến tôi làm điều đó.’ Tôi không thực sự nghĩ rằng quỷ dữ có thể khiến cho chúng ta làm bất cứ điều gì. Chắc chắn là nó có thể cám dỗ và nó có thể lừa gạt, nhưng nó không có thẩm quyền đối với chúng ta mà chúng ta không cho nó.

“Khả năng để chống lại Sa Tan có thể mạnh hơn chúng ta nghĩ. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng ‘Tất cả những ai có thể xác đều có quyền năng đối với những người không có thể xác. Quỷ dữ không có quyền năng đối với chúng ta chỉ khi nào chúng ta cho phép nó. Lúc nào mà chúng ta chống lại bất cứ điều gì đến từ Thượng Đế, thì quỷ dữ có được quyền năng’ (Teachings of the Prophet Joseph Smith, do Joseph Fielding Smith tuyển chọn, Salt Lake City: Deseret Book Co., 1938, p. 181)” (“The Great Imitator,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 35).

Ê The 15:19–30. Những hậu quả của sự trả thù và nỗi tức giận

Lời phát biểu sau đây của Anh Cả David E. Sorensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi khuyến khích chúng ta nên tha thứ hơn là nhượng bộ những cảm nghĩ tức giận hay ước muốn trả thù:

“Khi một người nào đó làm tổn thương chúng ta hay những người chúng ta quan tâm, thì nỗi đau đớn có thể gần như tràn đầy. Chúng ta có thể cảm thấy như thể nỗi đau đớn hay sự bất công là điều quan trọng nhất trên thế gian và chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là việc tìm cách trả thù. Nhưng Đấng Ky Tô, Hoàng Tử Bình An, dạy chúng ta một cách thức tốt hơn. Là điều có thể rất khó để tha thứ cho một người nào đó về tác hại họ đã gây ra cho chúng ta, nhưng khi chúng ta tha thứ thì chúng ta mở lòng mình cho một tương lai sáng lạn hơn. Việc làm sai trái của người khác không còn chế ngự cuộc sống của chúng ta nữa. Khi chúng ta tha thứ cho người khác, thì điều đó giải thoát chúng ta để chọn cách chúng ta sẽ sống cuộc sống của mình. Tha thứ có nghĩa là các vấn đề của quá khứ không còn sai khiến vận số của chúng ta nữa, và chúng ta có thể tập trung vào tương lai với tình yêu thương của Thượng Đế trong lòng” (“Forgiveness Will Change Bitterness to Love,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2003, 12).