Thư Viện
Tự Học Ở Nhà Đơn Vị 29


Bài Học Tự Học ở Nhà

Mặc Môn 8:12Ê The 3 (Đơn Vị 29)

Tài Liệu Chuẩn Bị dành cho Giảng Viên Chương Trình Lớp Giáo Lý Tự Học ở Nhà

Tóm Lược Các Bài Học Tự Học ở Nhà Hằng Ngày

Phần tóm lược sau đây về các giáo lý và nguyên tắc mà các học sinh đã học trong khi họ nghiên cứu Mặc Môn 8:12Ê The 3 (đơn vị 29) không nhằm được giảng dạy như là một phần bài học của các anh chị em. Bài học các anh chị em giảng dạy chỉ tập trung vào một số ít giáo lý và nguyên tắc này. Tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh trong khi các anh chị em cân nhắc các nhu cầu của học sinh.

Ngày 1 (Mặc Môn 8:12–41)

Học sinh đã khám phá ra rằng Mô Rô Ni đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta và rằng ông đã viết một phần mô tả lời tiên tri về các hoàn cảnh mà chúng ta đang sống. Họ đã có thể thấy lý do tại sao Sách Mặc Môn là một sự ban cho có giá trị từ Chúa mà có thể hướng dẫn họ sống qua những ngày sau cùng. Dựa vào phần mô tả của Mô Rô Ni về những ngày sau cùng, học sinh cũng đã học được rằng Thượng Đế sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm về cách chúng ta đối xử với những người nghèo khó và hoạn nạn.

Ngày 2 (Mặc Môn 9)

Mô Rô Ni hoàn tất biên sử của cha ông bằng cách tuyên bố rằng nếu chúng ta chịu hối cải và khẩn cầu Thượng Đế, thì chúng ta sẽ không có tì vết khi chúng ta đi vào nơi hiện diện của Ngài. Từ Mô Rô Ni, học sinh đã học được rằng vì Thượng Đế là bất biến, nên Ngài sẽ ban cho các phép lạ theo đức tin của con cái Ngài và rằng nếu chúng ta cầu nguyện trong đức tin lên Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ ban cho các phước lành mà sẽ giúp chúng ta thực hiện sự cứu rỗi của mình.

Ngày 3 (Ê The 1–2)

Học sinh đã học được rằng sách Ê The là phần tóm lược của Mô Rô Ni về 24 bảng khắc bằng vàng được dân Lim Hi khám phá ra, như được ghi lại trong sách Mô Si A. Những tấm bảng khắc này cho biết truyện ký về dân Gia Rết, là những người được Chúa hướng dẫn đến vùng đất hứa. Bằng cách nghiên cứu những kinh nghiệm của dân Gia Rết, học sinh đã học được rằng khi chúng ta hành động trong đức tin theo sự hướng dẫn mà Chúa đã ban cho chúng ta, thì chúng ta có thể nhận được hướng dẫn thêm từ Ngài. Tại một thời điểm trong cuộc hành trình đến vùng đất hứa, Chúa đã sửa phạt anh của Gia Rết vì không khẩn cầu Ngài. Bằng cách nghiên cứu kinh nghiệm này, học sinh đã học được tầm quan trọng của việc khẩn cầu Cha Thiên Thượng thường xuyên trong lời cầu nguyện. Kinh nghiệm của anh của Gia Rết với Chúa khi đóng các chiếc thuyền đã giúp học sinh nhận ra rằng khi chúng ta khẩn cầu Chúa và làm phần vụ của mình để giải quyết vấn đề của mình thì chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ của Chúa.

Ngày 4 (Ê The 3)

Khi anh của Gia Rết cố gắng giải quyết vấn đề về việc cung cấp ánh sáng trong các chiếc thuyền, ông đã cho thấy rằng khi chúng ta khiêm nhường khẩn cầu Chúa, thì Ngài sẽ ban phước cho chúng ta tùy theo đức tin của chúng ta và ý muốn của Ngài. Học sinh đã học được rằng khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa, thì chúng ta sẽ được gần Ngài hơn. Anh của Gia Rết sống theo những nguyên tắc này, và ông đã thấy được thể linh của Đấng Cứu Rỗi và một khải tượng tuyệt vời về tất cả các dân cư trên trái đất.

Lời Giới Thiệu

Sách Ê The là phần tóm lược biên sử của dân Gia Rết. Tiên tri Ê The làm biên sử này trên 24 tấm bảng khắc bằng vàng, mà được một nhóm người của Vua Lim Hi khám phá ra. Ý kiến giảng dạy sau đây sẽ giúp học sinh hiểu một số nguyên tắc về sự cầu nguyện mà được dạy trong Ê The 1.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Ê The 1

Qua những lời cầu nguyện của anh của Gia Rết, ông và gia đình cùng bạn bè của ông nhận được lòng thương xót và sự hướng dẫn

Bắt đầu lớp học bằng cách yêu cầu học sinh suy nghĩ về một tình huống mà họ đang ở trong đó khi họ thực sự cảm thấy cần phải cầu nguyện để được giúp đỡ. Mời một vài học sinh chia sẻ kinh nghiệm của họ, hoặc chia sẻ một trong những kinh nghiệm riêng của các anh chị em.

Nhắc học sinh rằng sách Ê The là phần tóm lược của Mô Rô Ni về biên sử của dân Gia Rết Gia Rết, anh của ông, bạn bè và gia đình của họ sống trong thời kỳ Tháp Ba Bên (khoảng năm 2200 Trước Công Nguyên), khi Thượng Đế làm lộn xộn tiếng nói của dân chúng. Mời một học sinh đọc to Ê The 1:33–35, và yêu cầu các học sinh khác tìm ra lý do tại sao Gia Rết và anh của ông đã cảm thấy cần phải cầu nguyện để được giúp đỡ. Trước khi học sinh đọc, các anh chị em có thể giải thích rằng cụm từ “kêu cầu Chúa” là một cách “cầu nguyện” khác. Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Gia Rết và anh của ông đã cần sự giúp đỡ nào từ Chúa?

  • Những câu này cho các em biết gì về cảm nghĩ của Gia Rết như thế nào về đức tin của anh của ông?

Chia học sinh ra thành từng cặp. Mời mỗi cặp học sinh lần lượt đọc to cho một cặp học sinh khác nghe từ Ê The 1:35–42. Trước khi họ đọc, hãy yêu cầu họ tìm kiếm (1) mỗi lần anh của Gia Rết kêu cầu Chúa và (2) mỗi lần Chúa cho thấy lòng trắc ẩn với anh của Gia Rết là do những lời cầu nguyện của ông. Sau khi có đủ thời gian, hãy mời một vài cặp học sinh chia sẻ một ví dụ về việc Chúa cho thấy lòng trắc ẩn với anh của Gia Rết và gia đình của ông vì họ đã cầu nguyện nhiều lần.

Hỏi: Những nguyên tắc nào chúng ta có thể học được về lời cầu nguyện từ những câu này? (Khi học sinh chia sẻ những nguyên tắc mà họ đã nhận ra, hãy nhấn mạnh nguyên tắc sau đây: Khi chúng ta luôn kêu cầu Thượng Đế trong đức tin, thì Ngài sẽ có lòng trắc ẩn đối với chúng ta. Viết nguyên tắc này lên trên bảng).

Giải thích cho học sinh biết rằng là điều quan trọng phải nhớ rằng “cầu nguyện là hành động mà qua đó ý muốn của Đức Chúa Cha và ý muốn của người con đều được tương ứng với nhau. Mục đích của sự cầu nguyện không phải là thay đổi ý muốn của Thượng Đế, mà là để bảo đảm cho chúng ta và những người khác các phước lành mà Thượng Đế sẵn lòng ban cho, nhưng chúng ta phải cầu xin để nhận được” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu Nguyện”).

Mời học sinh xem lại Ê The 1:34, 36, 38 và tìm kiếm điều mà anh của Gia Rết đã cầu xin trong lời cầu nguyện của ông. Yêu cầu một học sinh liệt kê những điều các học sinh nhận ra dưới cụm từ “kêu cầu Thượng Đế” trong nguyên tắc mà các anh chị em đã viết ở trên bảng.

Hãy nhấn mạnh rằng Gia Rết và anh của ông có đức tin và sẵn lòng vâng lời Chúa. Đề nghị học sinh đánh dấu cụm từ “chúng ta hãy trung thành với Chúa” vào cuối Ê The 1:38.

Mời học sinh xem lại Ê The 1:35, 37, 40–42 và tìm kiếm những cách thức cụ thể mà Thượng Đế đã ban phước cho anh của Gia Rết và gia đình cùng bạn bè của ông. Khi học sinh nhận ra các phước lành này, thì hãy yêu cầu một học sinh liệt kê dưới từ lòng trắc ẩn trong nguyên tắc các anh chị em đã viết ở trên bảng. Nêu lên rằng Chúa đã ban cho anh của Gia Rết các phước lành mà ông đã cầu nguyện để có.

Viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng, hoặc chuẩn bị những câu hỏi này trên một tờ giấy phát tay. Yêu cầu học sinh tham khảo nguyên tắc được viết ở trên bảng và cùng với người trong cặp của họ, thảo luận các câu hỏi này. Những câu hỏi này sẽ giúp họ hiểu và cảm nhận được tầm quan trọng của nguyên tắc đó.

Các em nghĩ việc “kêu cầu Thượng Đế” khác với chỉ “dâng một lời cầu nguyện” như thế nào?

Khi nào các em hoặc một người nào đó các em biết đã kinh nghiệm được lòng trắc ẩn của Cha Thiên Thượng để đáp ứng cho một lời cầu nguyện?

Các em có thể biết được điều gì về Chúa từ những sự đáp ứng của Ngài đối với những lời cầu nguyện của anh của Gia Rết?

Một khi học sinh đã có thời gian để thảo luận những câu hỏi này, các anh chị em có thể yêu cầu họ chia sẻ một kinh nghiệm mà họ đã thảo luận trong nhóm của họ hoặc chia sẻ những hiểu biết sâu sắc từ cuộc thảo luận của họ.

Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta và ước muốn của Ngài để ban phước cho chúng ta khi chúng ta thường xuyên kêu cầu Ngài. Mời học sinh cân nhắc cách họ có thể áp dụng nguyên tắc ở trên bảng. Ví dụ, họ có thể đặt ra một mục tiêu để cầu nguyện thường xuyên hơn hoặc chọn một cách để làm cho những lời cầu nguyện của họ chân thành hơn. Các anh chị em có thể muốn cho họ thời gian để viết điều họ muốn làm trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

Giải thích rằng một sự nghiên cứu về những lời cầu nguyện của anh của Gia Rết có thể giúp chúng ta hiểu sâu thêm về tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta và các phước lành có được nhờ vào sự cầu nguyện. Mời một học sinh đọc to Ê The 1:43. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm thêm phước lành mà Thượng Đế đã hứa với Gia Rết và anh của ông. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã học được, hãy nêu lên rằng anh của Gia Rết đã không cầu nguyện một cách cụ thể về phước lành của việc có được con cháu của ông trở thành một dân tộc vĩ đại. Các anh chị em có thể đề nghị học sinh đánh dấu trong thánh thư của họ cụm từ ở cuối Ê The 1:43 mà cho thấy lý do tại sao Thượng Đế đã đáp ứng lời cầu nguyện của anh của Gia Rết theo cách này: “vì ngươi đã cầu khẩn ta trong bấy lâu nay.”

Hỏi: Chúng ta có thể học được những nguyên tắc nào từ tấm lòng rộng lượng của Chúa đối với Gia Rết và anh của ông, như đã được cho thấy trong Ê The 1:43?

Có vài nguyên tắc có thể học được từ câu thánh thư này. Một nguyên tắc quan trọng là: Nếu chúng ta cầu nguyện thường xuyên lên Thượng Đế với đức tin, thì chúng ta có thể nhận được các phước lành vượt quá điều chúng ta cầu xin.

Hỏi: Khi nào các em đã có một kinh nghiệm mà cho thấy nguyên tắc này là đúng thật? Các em có biết một người nào đã có kinh nghiệm như vậy, hoặc các em có thể nghĩ về một người nào đó trong thánh thư mà có kinh nghiệm như vậy không? (Nói cho học sinh biết là các anh chị em sẽ cho họ một giây lát để suy nghĩ về các ví dụ trước khi yêu cầu họ trả lời. Các anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ một ví dụ từ cuộc sống riêng của các anh chị em).

Để kết thúc bài học này, hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng Thượng Đế nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài đầy sự thông sáng và lòng trắc ẩn và rất thích được ban phước cho con cái của Ngài. Ngài rất hài lòng khi chúng ta chân thành và luôn luôn cầu nguyện lên Ngài. Khuyến khích học sinh nỗ lực cầu nguyện với nhiều đức tin hơn. Khuyến khích họ nhớ rằng Cha Thiên Thượng tràn đầy lòng trắc ẩn và sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của họ theo điều Ngài biết sẽ mang lại các phước lành lớn nhất trong cuộc sống của họ.

Đơn Vị Kế Tiếp (Ê The 4–12)

Trong đơn vị kế tiếp, học sinh sẽ học thêm về dân Gia Rết. Mặc dù các vị tiên tri cảnh báo dân Gia Rết đừng lập vua, nhưng dân chúng vẫn làm, và các vua mang dân chúng vào cảnh tù đày. Những người mong muốn quyền lực của thế gian thường sử dụng các tập đoàn bí mật để tiến hành những ước muốn ích kỷ của họ. Mô Rô Ni ghi lại nhiều điều kỳ diệu mà đã được thực hiện nhờ vào một số người có đức tin lớn lao. Ông dạy rằng những người nào hạ mình xuống trước mặt Thượng Đế và có đức tin nơi Ngài đều sẽ nhận được ân điển của Ngài để giúp họ khắc phục những yếu kém của họ.