Bài Học 145
Ê The 3
Lời Giới Thiệu
Khi trả lời câu hỏi của Chúa— “Ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi có ánh sáng trong thuyền?” —anh của Gia Rết đã chuẩn bị mười sáu viên đá và khiêm tốn cầu xin Chúa sờ vào những viên đá này “[để] nó [có thể] chiếu sáng nơi tối tăm” (Ê The 2:23; 3:4). Vì anh của Gia Rết đã có đức tin rất lớn, nên ông đã nhìn thấy ngón tay của Đấng Cứu Rỗi chạm vào các viên đá. Sau đó, Chúa đã cho anh của Gia Rết thấy Ngài và mặc khải nhiều điều. Chúa đã truyền lệnh cho anh của Gia Rết phải viết ra những điều ông đã nghe thấy và niêm phong những bài viết này cho đến khi Chúa muốn cho ra mắt những bài viết đó.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Ê The 3:1–20
Chúa sờ vào những viên đá để cung cấp ánh sáng cho các chiếc thuyền của dân Gia Rết và cho anh của Gia Rết thấy Ngài
Mời một học sinh làm người ghi chép. Sau đó hỏi học sinh câu hỏi sau đây và yêu cầu người ghi chép liệt kê những câu trả lời của học sinh lên trên bảng.
-
Giới trẻ thành tâm cầu nguyện về một số điều gì?
Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng một trong những người bạn của họ đang cầu nguyện về một trong những điều được liệt kê ở trên bảng. Người bạn này muốn biết làm thế nào để cải thiện những lời cầu nguyện và hành động của mình để có thể nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa. Khuyến khích học sinh hãy suy nghĩ về lời yêu cầu này sau khi họ học tấm gương của anh của Gia Rết trong Ê The 3, tìm kiếm sự hiểu biết mà họ có thể chia sẻ với người bạn của họ.
Nhắc nhở học sinh rằng trong bài học trước, họ đã thảo luận về truyện ký về anh của Gia Rết cầu vấn Chúa để được cung cấp ánh sáng trong các chiếc thuyền của dân Gia Rết.
-
Anh của Gia Rết đã làm gì để giúp cung cấp ánh sáng cho các chiếc thuyền? (Xin xem Ê The 3:1).
-
Anh của Gia Rết đã cầu xin Chúa làm gì để cung cấp ánh sáng? (Xin xem Ê The 3:1, 4).
-
Điều gì gây ấn tượng cho các em về những nỗ lực của anh của Gia Rết?
Nêu lên rằng anh của Gia Rết đã đi chuẩn bị những viên đá với nỗ lực lớn lao. Sau đó mời học sinh cân nhắc xem những viên đá có thể hữu hiệu như thế nào trong việc cung cấp ánh sáng nếu Chúa đã không sờ vào những viên đá đó. Mời học sinh đọc thầm Ê The 3:2–5 cùng tìm kiếm các cụm từ nào cho thấy rằng anh của Gia Rết đã nhận ra rằng mình tùy thuộc vào Chúa.
Sau khi học sinh đã có thời gian để đọc xong rồi, hãy chia họ ra thành từng cặp. Yêu cầu họ báo cáo với nhau kết quả tìm kiếm của họ. Cũng đề nghị rằng họ chia sẻ điều gây ấn tượng cho họ về lời cầu nguyện của anh của Gia Rết.
Trong khi học sinh đọc Ê The 3:2, họ có thể có những câu hỏi về các cụm từ “chúng con không xứng đáng trước mặt Ngài” và “bản chất của chúng con trở nên luôn luôn xấu xa.” Giúp họ thấy rằng khi anh của Gia Rết sử dụng những từ này, thì ông nhắc tới tình trạng chúng ta đã thừa hưởng “vì sự sa ngã.” Chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế về phương diện thể xác lẫn thuộc linh, và chúng ta còn tự tách rời khỏi Ngài khi phạm tội. So với Ngài, chúng ta yếu kém và không xứng đáng. Nếu không có sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể trở lại để ở nơi hiện diện của Ngài.
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn ý nghĩa của các câu họ đã đọc, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để chúng ta nhận ra rằng chúng ta phụ thuộc vào Chúa khi cầu xin sự giúp đỡ của Ngài?
-
Trong Ê The 3:1–5, các em thấy bằng chứng nào về việc anh của Gia Rết đã có đức tin rằng Chúa có thể giúp ông giải quyết vấn đề của ông? (Khi cần thiết, hãy nhắc học sinh tìm kiếm các cụm từ mô tả nỗ lực của anh của Gia Rết và các cụm từ cho thấy sự tin cậy của ông nơi Chúa).
Để nhấn mạnh đến quyền năng của đức tin của anh của Gia Rết, hãy yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Chắc chắn Thượng Đế, cũng như người đọc, cảm thấy một điều gì đó rất đáng chú ý trong sự ngây thơ như trẻ con và lòng nhiệt thành của đức tin của người này. ‘Này, thưa Chúa, Ngài có thể làm được việc này.’ Có lẽ không có một lời nào mạnh mẽ hơn về đức tin được người trong thánh thư phát biểu. … Trong khi vị tiên tri không chắc chắn về khả năng của mình, thì ông biết chắc về quyền năng của Thượng Đế” (“Rending the Veil of Unbelief,” trong Nurturing Faith through the Book of Mormon: The 24th Annual Sidney B. Sperry Symposium [1995], 12).
Hãy cho thấy hình Anh của Gia Rết Thấy Được Ngón Tay của Chúa (62478; Gospel Art Book [2009],số 85). Mời học sinh đọc Ê The 3:6. Yêu cầu lớp học dò theo và tưởng tượng ra kinh nghiệm nào được ghi trong câu này có thể giống như anh của Gia Rết.
-
Các em sẽ nghĩ gì hoặc cảm thấy như thế nào nếu các em có một kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của anh của Gia Rết?
Tóm lược Ê The 3:6–8 bằng cách giải thích rằng khi anh của Gia Rết thấy được ngón tay của Chúa, ông “ngã xuống trước mặt Chúa” (Ê The 3:6). Ông rất ngạc nhiên khi thấy rằng ngón tay của Chúa “cũng giống như là ngón tay có thịt và máu của một người vậy” (Ê The 3:6). (Về sau, anh của Gia Rết biết được rằng ông đã nhìn thấy một phần thể linh của Chúa [xin xem Ê The 3:16]).
Mời học sinh đọc thầm Ê The 3:9, cùng tìm lý do tại sao anh của Gia Rết đã có thể thấy được ngón tay của Chúa.
Sau khi học sinh trả lời, viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng:
Yêu cầu học sinh đề nghị những từ mà có thể được sử dụng để hoàn tất lời phát biểu này. Học sinh nên đề nghị từ đức tin để hoàn tất câu này. Họ cũng có thể đề nghị những từ như nỗ lực, lòng khiêm nhường, nhu cầu, và lòng chân thành. Giúp họ thấy rằng tất cả những từ này tượng trưng cho những cách biểu lộ về đức tin của chúng ta. Sau đó hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng: Khi chúng ta khiêm nhường khẩn cầu Chúa, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta theo đức tin của chúng ta và ý muốn của Ngài.
Hãy tham khảo lại bản liệt kê ở trên bảng từ đầu bài học. Chọn ra một hoặc hai danh mục từ bản liệt kê này. Mời học sinh chia sẻ những ý nghĩ của họ về việc làm thế nào một người nào đó có thể cho thấy đức tin nơi Chúa trong những tình huống cụ thể đó. Sau khi học sinh đã chia sẻ xong, hãy nhắc lại nguyên tắc các anh chị em vừa viết ở trên bảng.
-
Các em đã có những kinh nghiệm nào mà đã giúp các em biết rằng nguyên tắc này là đúng?
Để giúp học sinh áp dụng nguyên tắc này trong cuộc sống của họ, hãy mời họ suy nghĩ về một tình huống mà trong đó họ cần sự giúp đỡ của Chúa. Cho họ thời gian để viết vào sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về một cách mà họ có thể sử dụng thêm đức tin khi họ khiêm nhường tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa. Khuyến khích học sinh theo đuổi đến cùng những điều họ đã viết. Các anh chị em có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm các anh chị em đã có khi nhận được các phước lành vì đã sử dụng đức tin nơi Chúa.
Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây, trong đó Anh Cả Jeffrey R. Holland giải thích rằng những kinh nghiệm trong quá khứ của chúng ta có thể củng cố đức tin của chúng ta.
“Đức tin dự bị được tạo thành bởi những kinh nghiệm trong quá khứ—bởi điều đã biết được, mà mang đến một nền tảng cho niềm tin” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 18).
-
Bắt đầu tại Tháp Ba Bên anh của Gia Rết đã có một số kinh nghiệm nào mà có khả năng củng cố đức tin của ông nơi Chúa? Các em nghĩ rằng những kinh nghiệm này đã chuẩn bị cho ông như thế nào để sử dụng đức tin lớn lao như vậy khi ông mang những sinh đá đến với Chúa?
Mời học sinh chia ra thành từng cặp và thảo luận các câu hỏi sau đây:
-
Những kinh nghiệm nào đã củng cố đức tin của các em nơi Chúa? Những kinh nghiệm đó có thể chuẩn bị cho các em như thế nào để sử dụng đức tin càng lớn hơn về sau này trong cuộc sống của các em?
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Ê The 3:9–12. Yêu cầu lớp học dò theo. Rồi hỏi câu hỏi sau đây:
-
Khi Chúa hỏi “Ngươi có tin những lời ta sẽ nói ra không?” anh của Gia Rết đáp: “Thưa Chúa, có” (Ê The 3:11–12). Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để anh của Gia Rết cam kết sẽ tin những lời của Chúa trước khi ông nghe những lời này?
Giải thích rằng sau khi Anh Cả Holland dạy về đức tin dựa trên kinh nghiệm quá khứ, ông dạy về một đức tin trọn vẹn hơn mà chúng ta cần phải phát triển. Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bednar:
“Đức tin cứu chuộc thường phải được sử dụng đối với những kinh nghiệm trong tương lai—điều chưa biết mà mang đến một cơ hội cho điều kỳ diệu. Đức tin chính xác, đức tin dời được núi, đức tin như của anh của Gia Rết, đi trước phép lạ và sự hiểu biết. … Đức tin là đồng ý vô điều kiện—và đi trước— bất cứ điều kiện nào mà Thượng Đế có thể đòi hỏi cả trong tương lai gần lẫn xa.
“Đức tin của anh của Gia Rết đã được trọn vẹn” (Christ and the New Covenant, 18–19).
Khuyến khích học sinh suy xét xem họ có đủ đức tin nơi Chúa để cam kết tin tưởng và tuân theo điều Ngài sẽ mặc khải cho họ ngay cả trước khi Ngài mặc khải điều đó không.
Mời học sinh đọc thầm Ê The 3:13–20, cùng tìm kiếm phước lành mà anh của Gia Rết đã nhận được nhờ vào đức tin của ông. Các anh chị em có thể muốn cho họ thời gian để viết về các lẽ thật ông đã học được và kinh nghiệm mà ông đã có. Khi học sinh đã có thời gian để viết rồi, hãy cân nhắc việc yêu cầu một vài người trong số họ chia sẻ điều họ đã viết.
Lúc bắt đầu bài học này, khi học sinh đọc về anh của Gia Rết thấy được ngón tay của Chúa, các anh chị em hỏi họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu họ đã có một kinh nghiệm tương tự. Giờ đây sau khi họ đã đọc nhiều hơn về kinh nghiệm của anh của Gia Rết, các anh chị em có thể cân nhắc việc hỏi câu hỏi này một lần nữa.
Làm chứng rằng khi chúng ta sử dụng đức tin như đức tin của anh của Gia Rết, thì chúng ta sẽ đến gần Chúa hơn.
Ê The 3:21–28
Chúa truyền lệnh cho anh của Gia Rết phải viết những điều ông đã thấy và niêm phong biên sử của ông
Mời một học sinh đọc Ê The 3:25–26, và yêu cầu lớp học nhận ra những điều Chúa đã cho anh của Gia Rết thấy trong khải tượng. Mời học sinh báo cáo điều họ học được.
Tóm lược Ê The 3:21–24, 27–28 bằng cách giải thích rằng Chúa đã truyền lệnh cho anh của Gia Rết phải viết xuống những điều ông đã nghe thấy và phải niêm phong những bài viết của ông. Chúa cũng giải thích rằng Ngài sẽ chuẩn bị một cách thức để những bài viết của anh của Gia Rết được phiên dịch trong tương lai— nhờ vào hai viên đá. Những viên đá này là một phần của vật được gọi là U Rim và Thu Mim (xin xem GLGƯ 17:1; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “U Rim và Thu Mim”).
Kết thúc bằng cách khuyến khích học sinh áp dụng điều họ đã học được ngày hôm nay để tìm cách cho thấy đức tin và sự tin cậy của họ nơi Chúa. Chia sẻ sự bảo đảm của các anh chị em rằng khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế sẽ ban phước cho chúng ta như Ngài đã ban phước cho anh của Gia Rết.