Thư Viện
Bài Học 9: 1 Nê Phi 5


Bài Học 9

1 Nê Phi 5

Lời Giới Thiệu

Trong khi trông chờ các con trai của bà trở lại từ Giê Ru Sa Lem, vợ của Lê Hi, Sa Ri A sợ rằng họ đã bỏ mạng trong việc cố gắng lấy các bảng khắc bằng đồng. Khi họ trở lại an toàn với các bẳng khắc, bà đã nhận được một bằng chứng vững mạnh hơn rằng Thượng Đế đã hướng dẫn và bảo tồn gia đình của bà. Lê Hi đã xem xét tỉ mỉ các bảng khắc bằng đồng và thấy rằng chúng có giá trị lớn lao đối với gia đình của ông. Trong khi đọc các bảng khắc này, ông đã chan hòa Đức Thánh Linh và ông đã nói tiên tri rằng các thánh thư mà các bảng khắc này chứa đựng sẽ được bảo tồn cho con cháu của ông.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy 

1 Nê Phi 5:1–9

Các con trai của Lê Hi trở lại an toàn cùng gia đình của họ trong vùng hoang dã 

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 5:1–3. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các lý do tại sao Sa Ri A bắt đầu than phiền.

  • Những lời than phiền của Sa Ri A là gì? (Các câu trả lời có thể gồm có việc Lê Hi là một người mộng tưởng hão huyền, ông đã dẫn gia đình rời khỏi đất thừa hưởng của họ, và ông đã đưa ra những quyết định mà có thể đưa đến việc mất mạng sống của các đứa con trai của họ và có thể dẫn đến cái chết của họ trong vùng hoang dã.

Yêu cầu các học sinh suy nghĩ về thời gian mà họ có thể đã than phiền về một tình huống mặc dù họ đã không có tất cả chi tiết về tình huống đó.

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 5:4–6. Yêu cầu lớp học lưu ý đến cách Lê Hi đã trả lời những lời than phiền của Sa Ri A.

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về việc Lê Hi trả lời những lời than phiền của Sa Ri A? (Các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng Lê Hi đã trả lời với chứng ngôn và niềm tin tưởng nơi Chúa thay vì với nỗi sợ hãi hay nghi ngờ. Ông đã không trả lời một cách giận dữ hay thiếu kiên nhẫn).

  • Chúng ta có thể học được gì từ câu trả lời của Lê Hi cho Sa Ri A?

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 5:7–9.

  • Sa Ri A đã nhận được gì từ kinh nghiệm này?

1 Nê Phi 5:10–22

Lê Hi xem xét tỉ mỉ các bảng khắc bằng đồng 

Yêu cầu các học sinh suy nghĩ về việc họ sẽ cân nhắc điều gì để hy sinh mạng sống của mình để đạt được hoặc giữ gìn hay không.

Mời một học sinh tóm lược 1 Nê Phi 3–4 và cho biết về những điều gia đình Lê Hi đã hy sinh để lấy được các bảng khắc bằng đồng. (Nê Phi và các anh của ông đã liều mạng mình, hy sinh của cải của mình và đi một khoảng đường xa).

  • Các em nghĩ tại sao sự hy sinh như vậy là cần thiết?

Giải thích rằng sau khi gia đình dâng lên của lễ hy sinh và tạ ơn Chúa, Lê Hi bắt đầu ngay lập tức đọc nội dung của các bảng khắc. Mời vài học sinh thay phiên nhau đọc to 1 Nê Phi 5:11–16. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều Lê Hi đã khám phá ra trên các bảng khắc bằng đồng. Các anh chị em có thể muốn liệt kê vắn tắt những câu trả lời của họ lên trên bảng.

Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 5:10. Yêu cầu họ tìm kiếm từ mô tả việc Lê Hi đọc thánh thư. (Ông “tra cứu thánh thư.”) Mời các học sinh tự sắp xếp họ thành từng cặp để thảo luận câu hỏi sau đây;

  • Sự khác biệt giữa việc tra cứu và chỉ đọc thánh thư là gì? (Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh cho biết về những lúc họ đã tra cứu thánh thư).

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Khi tôi nói ‘học hỏi, ’ tôi có ý nói đến một việc gì đó nhiều hơn là chỉ đọc. Đôi khi là một điều tốt để đọc một quyển thánh thư trong một thời gian đã định nhằm đạt được một ý nghĩa tổng quát trong sứ điệp của thánh thư, nhưng đối với sự cải đạo, các em nên quan tâm về số thời giờ mà mình dành cho thánh thư hơn số thời giờ mà mình đọc vào lúc ấy. Đôi khi tôi hình dung ra các em đọc một vài câu, ngừng lại để suy ngẫm về chúng, đọc kỹ lại câu đó lần nữa, và trong khi các em suy nghĩ về ý nghĩa của chúng, cầu nguyện để xin hiểu được, đặt ra những câu hỏi trong tâm trí mình, chờ đợi các ấn tượng thuộc linh, và viết xuống những ấn tượng đó và sự hiểu biết có được nhằm giúp cho các em có thể ghi nhớ và học hỏi thêm. Khi học hỏi theo cách này, các em không thể đọc nhiều chương hay câu trong nửa giờ đồng hồ, nhưng các em sẽ dành chỗ trong lòng mình cho lời của Thượng Đế, và Ngài sẽ ngỏ lời cùng các em. Hãy nhớ đến lời mô tả của An Ma về những gì mà ông cảm thấy được: ‘Nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta; phải, nó bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với ta’ [An Ma 32:28]” (“Đến Khi Ngươi Đã Cải Đạo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 11–12).

Cho các học sinh thời gian để suy ngẫm về việc học thánh thư của họ. Yêu cầu họ viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ về những cách họ tra cứu thánh thư một cách có ý nghĩa. Sau khi họ đã viết xong, hãy mời họ cân nhắc cách cải thiện việc học thánh thư của họ. Yêu cầu họ chọn một cách để cải thiện sự tra cứu thánh thư riêng của họ. Khuyến khích họ viết mục tiêu này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh chia sẻ mục tiêu này với một người nào đó (ví dụ, với các anh chị em, một người cha hay mẹ, hoặc một học sinh khác) mà sẽ nhắc nhở họ về mục tiêu và khuyến khích họ đạt được mục tiêu này.

Giải thích rằng Chúa đã ban phước cho Lê Hi về việc tra cứu thánh thư. Để giúp các học sinh khám phá ra các phước lành này, hãy mời họ im lặng đọc 1 Nê Phi 5:16–20.

  • Việc tra cứu các bảng khắc bằng đồng đã ảnh hưởng như thế nào đến Lê Hi?

Hãy nhấn mạnh rằng khi Lê Hi tra cứu thánh thư, ông đã được chan hòa Đức Thánh Linh và nhận được điều mặc khải “về dòng dõi của ông” (con cháu của ông). Cam đoan với các học sinh rằng trong khi tra cứu thánh thư, chúng ta có thể được chan hòa Đức Thánh Linh và nhận được mặc khải. Tương tự như thế, khi hy sinh thời giờ và nghị lực của mình để tra cứu thánh thư như Lê Hi đã làm, chúng ta có thể nhận được sức mạnh để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.

  • Các em đã được ban phước nhờ việc tra cứu thánh thư về những phương diện nào?

  • Các em đã cảm thấy Đức Thánh Linh vào lúc nào trong khi học thánh thư?

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây, trong đó Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ làm chứng về các phước lành của việc tra cứu thánh thư:

Anh Cả Robert D. Hales

“Khi muốn nói chuyện với Thượng Đế, chúng ta cầu nguyện. Và khi muốn Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta tìm hiểu thánh thư; vì lời của Ngài được phán qua các vị tiên tri của Ngài. Rồi Ngài sẽ dạy chúng ta khi chúng ta lắng nghe những thúc giục của Đức Thánh Linh.

“Nếu gần đây các anh chị em chưa nghe tiếng Ngài phán cùng mình, thì hãy quay lại với thánh thư với đôi tai và đôi mắt mở rộng để sẵn sàng lãnh hội. Thánh thư là đường dây cứu rỗi phần thuộc linh của chúng ta” (“Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 26–27).

Đọc to 1 Nê Phi 5:21–22, yêu cầu các học sinh dò theo trong thánh thư của họ. Trong khi đọc, các anh chị em hãy nhấn mạnh những câu này: “Theo sự thông sáng trong Chúa là chúng tôi phải mang theo các biên sử này trong khi chúng tôi hành trình trong vùng hoang dã.”

  • Tại sao là điều khôn ngoan để chúng ta mang theo thánh thư trong các cuộc hành trình của mình?

  • Trong những phương diện nào chúng ta có thể mang theo thánh thư với mình?

Hãy nêu lên rằng Lê Hi và gia đình của ông đã lấy được các bảng khắc bằng đồng nhờ vào sự hy sinh lớn lao. Nếu không có thánh thư, Lê Hi và gia đình của ông có lẽ đã không thành công trong cuộc hành trình của họ. Khuyến khích các học sinh giữ thánh thư với họ trong khi họ hành trình qua cuộc sống hữu diệt.

Mời các học sinh suy ngẫm về việc học thánh thư riêng của họ. Hãy cân nhắc việc mời một học sinh thường xuyên đọc thánh thư để đưa ra lời khuyến khích và chứng ngôn cho các bạn của học sinh đó. Khuyến khích các học sinh tạo ra thói quen dành thời giờ hằng ngày để tra cứu thánh thư.

Ghi Chú: Bài học này đủ dài để có thể có đủ thời giờ dành cho sinh hoạt thông thạo thánh thư từ bài học trước.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 5:10–22. Giá trị của thánh thư

Để giảng dạy cách chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn qua việc học thánh thư của chúng ta, Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ câu chuyện về Lê Hi tra cứu các bảng khắc bằng đồng:

“Khi Nê Phi và các anh em của ông trở về [từ Giê Ru Sa Lem với các bảng khắc bằng đồng], thì Lê Hi, cha của họ, đã vui mừng. Lê Hi bắt đầu tra cứu thánh thư “từ đầu” và “nhận thấy đây là những điều mà [họ] mong muốn có được, phải, nó có một giá trị lớn lao … vì nhờ đó [Lê Hi và con cháu của ông] có thể bảo tồn cho con cháu [họ] những lệnh truyền của Chúa.’

“Quả thật, các bảng khắc bằng đồng là một biên sử của tổ tiên của Lê Hi, kể cả ngôn ngữ, gia phả của họ, và quan trọng hơn hết, là phúc âm do các vị thánh tiên tri của Thượng Đế giảng dạy. Khi Lê Hi tra cứu những bảng khắc, ông đã học được những gì mà tất cả chúng ta học được qua việc nghiên cứu thánh thư:

“• Chúng ta là ai.

“• Chúng ta có thể trở thành người như thế nào.

“• Những lời tiên tri cho chúng ta và cho con cháu chúng ta.

“• Các giáo lệnh, luật pháp, giáo lễ, và giao ước mà chúng ta phải sống theo để nhận được cuộc sống vĩnh cửu.

“• Và cách thức chúng ta phải sống để kiên trì cho đến cùng và trở về cùng Cha Thiên Thượng trong vinh dự.

“Các lẽ thật này vô cùng quan trọng đến nỗi Cha Thiên Thượng đã cho Lê Hi lẫn Nê Phi thấy rõ ràng những khải tượng trong đó lời của Thượng Đế được tượng trưng như là một thanh sắt. Hai cha con đã học được rằng việc nắm chặt lấy lời hướng dẫn chắc chắn, không lay chuyển, hoàn toàn đáng tin cậy này là cách duy nhất để tiếp tục ở trên con đường chật và hẹp mà dẫn đến Đấng Cứu Rỗi của chúng ta” (“Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 25).

1 Nê Phi 5:18–19. Các bảng khắc bằng đồng

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng về tầm quan trọng của việc gia đình của Lê Hi lấy được các bảng khắc bằng đồng:

“Đối với dân Nê Phi, giá trị của Các Bảng Khắc bằng Đồng không thể được đánh giá quá cao. Nhờ vào các bảng khắc này, họ đã có thể bảo tồn ngôn ngữ (1 Nê Phi 3:19), hầu hết nền văn minh, và sự hiểu biết về tôn giáo của những người từ đó mà ra. (1 Nê Phi 22:30.) Trái lại, dân Mu Léc là những người đã được dẫn ra khỏi Giê Ru Sa Lem khoảng 11 năm sau khi Lê Hi ra đi, và là những người không có biên sử tương đương với Các Bảng Khắc bằng Đồng, chẳng bao lâu đã sa vào sự bội giáo và vòng vô tín ngưỡng cùng mất đi ngôn ngữ, nền văn minh và tôn giáo của họ.Ôm Ni 14–18).

“Từ vị tiên tri này đến vị tiên tri khác và từ thế hệ này đến thế hệ khác, Các Bảng Khắc bằng Đồng được dân Nê Phi truyền lại và bảo tồn.Mô Si A 1:16; 28:20; 3 Nê Phi 1:2.) Vào một ngày nào đó trong tương lai, Chúa đã hứa sẽ cho ra đời các bảng khắc này, một cách minh bạch vào đúng lúc và giữ lại sự sáng rực rỡ ban đầu của chúng, và các câu chuyện thánh thư được ghi chép lại trên chúng sẽ ‘đi tới mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.’An Ma 37:3–5; 1 Nê Phi 5:18–19.)” ((Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì [1966], 103).