Thư Viện
Bài Học 14: 1 Nê Phi 12–13


Bài Học 14

1 Nê Phi 12–13

Lời Giới Thiệu

Sau khi thấy được trong khải tượng giáo vụ trên trần thế và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Nê Phi đã thấy rằng sau bốn thế hệ ngay chính, con cháu của ông sẽ trở nên kiêu ngạo và rằng họ sẽ nhượng bộ những cám dỗ của quỷ dữ và sẽ bị hủy diệt. Ông cũng được cho thấy sự bất chính của những người theo Sa Tan trong giáo hội vĩ đại và khả ố. Ông thấy rằng họ sẽ lấy các lẽ thật minh bạch và quý báu ra khỏi Kinh Thánh, khiến cho nhiều người phải vấp ngã về phần thuộc linh. Mặc dù có những cảnh đau khổ này, nhưng khải tượng của Nê Phi cũng cho ông lý do để có được hy vọng lớn. Ông thấy rằng Thượng Đế sẽ chuẩn bị đường lối cho Sự Phục Hồi phúc âm trong những ngày sau. Ông cũng thấy rằng biên sử của dân ông (Sách Mặc Môn) sẽ ra đời vào những ngày sau để phục hồi các lẽ thật minh bạch và quý báu đã bị mất trên thế gian.

Xin lưu ý: Các anh chị em có thể không có đủ thời giờ để dạy hết tất cả tài liệu trong bài học này. Trong khi chuẩn bị, các anh chị em hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết được những phần nào của bài học là quan trọng nhất và có thể được áp dụng nhiều nhất cho các học sinh của mình. Các anh chị em có thể cần phải tóm lược những phần của bài học mà cho phép đủ thời giờ để giảng dạy các giáo lý và nguyên tắc quan trọng nhất một cách hữu hiệu.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 12

Nê Phi thấy được tương lai của các dân tộc Nê Phi và La Man

Tóm lược 1 Nê Phi 12 bằng cách giải thích rằng chương này là một phần tiếp tục của khải tượng của Nê Phi. Trong khải tượng này, vị thiên sứ đã cho Nê Phi thấy việc các biểu tượng trong khải tượng về cây sự sống sẽ áp dụng như thế nào cho dòng dõi của ông. Ông được cho thấy rằng một số con cháu của ông sẽ nhận được tất cả các phước lành của Sự Chuộc Tội. Tuy nhiên, Nê Phi cũng thấy rằng con cháu của ông sẽ cuối cùng bị dòng dõi của các anh của ông (dân La Man) hủy diệt. Mời các học sinh đọc 1 Nê Phi 12:16–19. Yêu cầu họ tìm kiếm những lý do mà dân Nê Phi sẽ bị hủy diệt (xin xem 1 Nê Phi 12:19). Hãy nhắc các học sinh rằng khi họ sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì họ có thể khắc phục được tính kiêu ngạo và cám dỗ.

1 Nê Phi 13:1–9

Nê Phi thấy giáo hội vĩ đại và khả ố

Yêu cầu học sinh nào có chơi một môn thể thao hãy giơ tay lên. Yêu cầu một vài người chia sẻ về môn thể thao họ chơi. Giải thích rằng trong thể thao, các đội thường chuẩn bị cho những trận đấu bằng cách nghiên cứu các trận đấu và chiến lược trong quá khứ của đối thủ.

  • Tại sao là điều hữu ích cho một đội để nghiên cứu các chiến lược của đối thủ trước khi họ tranh tài?

Giải thích rằng Nê Phi đã thấy trong khải tượng những ước muốn và chiến lược của những người sẽ chống đối Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau. Khuyến khích các học sinh tìm kiếm các chiến lược đó trong khi họ nghiên cứu chương này để họ có thể sẵn sàng nhận ra và không bị lừa gạt bởi những chiến lược đó.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to 1 Nê Phi 13:1–4, 6. Yêu cầu một học sinh nhận ra nhóm người mà Nê Phi đã thấy đang thành hình trong số những người dân Ngoại ngày sau.

Để giúp các học sinh hiểu nội dung của các câu này, hãy chia sẻ lời chú thích dẫn giải sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu các học sinh lắng nghe kỹ và nhận ra một định nghĩa về giáo hội vĩ đại và khả ố.

″Các danh hiệu giáo hội của quỷ dữgiáo hội vĩ đại và khả ố được sử dụng để nhận ra tất cả … các tổ chức có bất cứ tên hoặc tính chất nào—bất kể về chính trị, triết lý, giáo dục, kinh tế, xã hội, bác ái, hành chính hoặc tôn giáo—mà nhằm dẫn dắt con người vào con đường xa rời Thượng Đế và luật pháp của Ngài và do đó xa khỏi sự cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế” (Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì [1966], 137–38).

Hãy nói rõ rằng cụm từ ″giáo hội vĩ đại và khả ố″ không ám chỉ một giáo phái hay giáo hội cá biệt nào. Cụm từ này ám chỉ bất cứ và tất cả những tổ chức nào nhằm dẫn dắt con người xa rời Thượng Đế và các luật pháp của Ngài.

Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh viết cụm từ tất cả các tổ chức nhằm dẫn dắt con người rời xa Thượng Đế và luật pháp của Ngài ở ngoài lề trang bên cạnh 1 Nê Phi 13:6.

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để biết rằng Sa Tan tổ chức các lực lượng của nó để dẫn dắt chúng ta ra khỏi Thượng Đế và các luật pháp của Ngài?

Giải thích rằng Nê Phi đã mô tả giáo hội vĩ đại và khả ố này. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 13:5–9.

  • Những người trong giáo hội vĩ đại và khả ố này muốn những điều gì? (Xin xem 1 Nê Phi 13:7–8).

  • Theo như 1 Nê Phi 13:5, 9, những người thuộc giáo hội vĩ đại và khả ố tìm cách hoàn thành điều gì? Tại sao? (Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Sa Tan và những kẻ theo nó muốn hủy diệt Các Thánh Hữu của Thượng Đế và mang họ vào cảnh tù đày.)

  • Làm thế nào việc biết được những ước muốn và ý định của Sa Tan và những kẻ theo nó có thể giúp chúng ta chống lại chúng?

Nói cho các học sinh biết rằng về sau trong chương này họ sẽ học về một trong những cách mà giáo hội vĩ đại và khả ố đã cố gắng hủy diệt những người đang tìm kiếm Thượng Đế.

1 Nê Phi 13:10–19

Nê Phi thấy bàn tay của Thượng Đế trong việc thiết lập một vùng đất tự do là nơi phúc âm sẽ được phục hồi

Làm chứng rằng Chúa đã bảo đảm rằng công việc của Ngài sẽ thẳng tiến mặc cho các nỗ lực của giáo hội vĩ đại và khả ố khiến cho nhiều người vấp ngã về phần thuộc linh. Ngài đã làm như vậy bằng cách chuẩn bị đường lối cho Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài.

Những lời phát biểu được liệt kê dưới đây tóm lược các sự kiện đầy ý nghĩa mà Nê Phi đã thấy trong khải tượng của ông. Yêu cầu các học sinh đọc 1 Nê Phi 13:10–19 và so sao cho mỗi câu thánh thư tham khảo được liệt kê dưới đây giống với sự kiện được mô tả trong câu thánh thư đó. (Các anh chị em có thể muốn trưng bày những câu tham khảo thánh thư và những lời phát biểu này lên trên bảng trước khi lớp bắt đầu. Hoặc các anh chị em có thể làm một tờ tài liệu phân phát có ghi những câu thánh thư tham khảo và những lời phát biểu. Dưới đây, những câu thánh thư tham khảo được so giống với những lời phát biểu. Để sinh hoạt này được thành công, các anh chị em sẽ cần phải thay đổi thứ tự của những lời phát biểu trong khi các anh chị em trưng bày chúng lên trên bảng hoặc thêm chúng vào tờ tài liệu phân phát).

1 Nê Phi 13:12Columbus đi tàu đến Châu Mỹ

1 Nê Phi 13:13Những Người Hành Hương đi tàu đến Châu Mỹ để tìm tự do tôn giáo

1 Nê Phi 13:14Những người thổ dân Mỹ bị đuổi ra khỏi xứ xở của họ

1 Nê Phi 13:15Những người dân Ngoại thịnh vượng ở Châu Mỹ

1 Nê Phi 13:16–19Mặc dù quân địch đông hơn, nhưng quân đội cách mạnh Mỹ vẫn chiến thắng

Trong khi các học sinh chia sẻ câu trả lời của họ, các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ viết một từ hay cụm từ chính trong thánh thư của họ cạnh mỗi đoạn thánh thư. Ví dụ, họ có thể viết Columbus cạnh bên 1 Nê Phi 13:12.

  • Theo như 1 Nê Phi 13:12, tại sao Columbus đã đi tàu đến Châu Mỹ?

  • Theo như 1 Nê Phi 13:13, tại sao những Người Hành Hương di cư đến Châu Mỹ?

  • Theo như 1 Nê Phi 13:15–19, tại sao những người dân Ngoại thịnh vượng và giành được độc lập từ ″tất cả các quốc gia khác″?

Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Joseph F. Smith:

″Quốc gia Hoa Kỳ hùng cường này mà Thượng Đế đã dựng lên bởi quyền năng của bàn tay toàn năng của Ngài để vương quốc của Thượng Đế có thể được thiết lập trong những ngày sau trên thế gian. Nếu Chúa đã không chuẩn bị đường lối bằng cách thiết lập nền tảng của quốc gia đầy vinh quang này thì sẽ không thể nào (theo luật pháp nghiêm ngặt và sự hẹp hòi của chính phủ quân chủ trên thế giới) đặt nền tảng cho vương quốc vĩ đại của Ngài đến được. Chúa đã làm điều này” (Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 [1939], 409).

Hãy làm chứng rằng Chúa đã chuẩn bị đường lối cho Sự Phục Hồi bằng cách thiết lập một quốc gia có tự do tôn giáo là nơi Ngài có thể phục hồi Giáo Hội của Ngài. Hãy làm chứng rằng Chúa đã chuẩn bị, và sẽ tiếp tục chuẩn bị, đường lối cho phúc âm phục hồi của Ngài để đến với mỗi quốc gia.

Nếu các anh chị em đang giảng dạy bài học này trong một quốc gia ở bên ngoài Hoa Kỳ, thì hãy hỏi:

  • Chúa đã chuẩn bị đường lối như thế nào cho việc rao giảng phúc âm phục hồi trong quốc gia của chúng ta?

1 Nê Phi 13:20–42

Nê Phi thấy những người dân Ngoại tương lai với quyển Kinh Thánh, Sách Mặc Môn và các thánh thư ngày sau

Mời một học sinh đọc 1 Nê Phi 13:20–24. Yêu cầu học sinh đó nhận ra vật mà Nê Phi thấy những người Mỹ đi khai hoang thời xưa ″đã phổ biến trong dân họ.″ Giơ lên một quyển Kinh Thánh, và giải thích rằng đó là quyển sách trong khải tượng của Nê Phi. Các anh chị em có thể muốn mời các học sinh viết Kinh Thánh ở ngoài lề trang bên cạnh 1 Nê Phi 13:20.

Giải thích rằng vị thiên sứ đã dạy cho Nê Phi biết rằng Kinh Thánh là một biên sử ″rất có giá trị″ (1 Nê Phi 13:23). Khi những điều mặc khải trong Kinh Thánh đã được ghi lại đầu tiên, thì những điều mặc khải này ″chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa” (1 Nê Phi 13:24). Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 13:26–27.

  • Giáo hội vĩ đại và khả ố đã lấy điều gì ra khỏi Kinh Thánh? Tại sao những điều này đã bị lấy đi?

Yêu cầu một học sinh khác đọc to 1 Nê Phi 13:29.

  • Điều gì đã xảy ra vì những điều minh bạch và quý báu cùng nhiều giao ước của Chúa đã bị lấy ra khỏi Kinh Thánh?

Yêu cầu bốn học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 13:34–36, 39. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều Chúa sẽ làm để giúp dân Ngài khắc phục các nỗ lực của giáo hội vĩ đại và khả ố.

  • Theo như 1 Nê Phi 13:34, Chúa sẽ phổ biến điều gì vì lòng thương xót của Ngài?

  • Theo như 1 Nê Phi 13:35–36, điều gì sẽ ″được giấu kín″ để phổ biến cho dân Ngoại? (Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh viết bên cạnh 1 Nê Phi 13:35 rằng “những điều này” ám chỉ Sách Mặc Môn.

  • Theo như 1 Nê Phi 13:39, còn có điều gì khác mà Chúa cho phổ biến trong những ngày sau, ngoài Sách Mặc Môn không? Chúa đã cho phổ biến ″những quyển sách nào khác″ là phần của Thời Kỳ Phục Hồi? (Giáo Lý và Giao Ước, Trân Châu Vô Giá, và Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith).

Mời các học sinh đọc 1 Nê Phi 13:40–41. Yêu cầu họ tìm kiếm một phần mô tả về các thánh thư của Sự Phục Hồi sẽ làm cho tất cả mọi người biết đến điều gì. Sau khi các học sinh chia sẻ điều họ đã tìm ra rồi, hãy giơ lên một quyển Kinh Thánh và chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về lẽ trung thực của Kinh Thánh. Giơ lên một quyển Sách Mặc Môn và đặt sách ấy chung với Kinh Thánh. Làm chứng rằng Sách Mặc Môn và các thánh thư ngày sau phục hồi các lẽ thật minh bạch và quý báu mà giúp chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và giúp chúng ta biết cách đến cùng Ngài.

Yêu cầu các học sinh tìm ra một cụm từ ở cuối sách 1 Nê Phi 13:41 có mô tả điều Chúa sẽ làm với biên sử của dân Do Thái (Kinh Thánh) và các biên sử của con cháu của Nê Phi (Sách Mặc Môn). Làm chứng rằng các biên sử này ″sẽ lập thành một” (1 Nê Phi 13:41) và “được kết hợp lại” (2 Nê Phi 3:12) để giúp chúng ta biết rõ ràng cách đến cùng Đấng Cứu Rỗi.

Để giúp các học sinh biết ơn sự phục hồi các lẽ thật minh bạch và quý báu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào, hãy mời họ suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô và giúp các em đến gần Ngài hơn?

Sau khi cho các học sinh có thời giờ để suy ngẫm, hãy mời một vài học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ. Các anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn và sách này đã củng cố chứng ngôn của các anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và giúp các anh chị em biết cách đến cùng Ngài. Khi kết thúc lớp học, các anh chị em hãy khuyên nhủ các học sinh học kỹ Sách Mặc Môn trong suốt năm, tìm kiếm những điều giảng dạy và các câu chuyện củng cố chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy cho họ biết cách đến cùng Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 12–14. Khái Quát

Biểu đồ sau đây giúp chúng ta hình dung ra những sự kiện quan trọng dẫn đến việc thiết lập vương quốc của Thượng Đế trên thế gian:

các sự kiện lịch sử

1 Nê Phi 13. Từ dân Ngoại trong Sách Mặc Môn có nghĩa là gì?

Dân Ngoại có nghĩa là ″các dân tộc.″ Từ này ám chỉ (1) những người không thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên, (2) những người không tin nơi Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên hoặc không có phúc âm, dù dòng dõi của họ là gì, và (3) những người không đến từ xứ Giu Đa hoặc không sống trong đó. Ví dụ, những người hành hương và đi khai hoang ở Châu Mỹ được gọi là dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:3–13. Những người phổ biến Sách Mặc Môn được gọi là dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:34. Sách Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá cũng được dân Ngoại phổ biến (xin xem 1 Nê Phi 13:39). Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được gọi là quốc gia dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:34, 39.

1 Nê Phi 13:20–29. Các lẽ thật minh bạch và quý báu bị lấy ra khỏi Kinh Thánh

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy rằng: ″Các yếu tố … bị mất từ Kinh Thánh đều ′minh bạch và quý báu nhất.′ Các yếu tố này minh bạch trong sự giản dị và rõ ràng, ′dễ hiểu … đối với loài người′; các yếu tố này quý báu trong sự tinh khiết và vô cùng có giá trị, ý nghĩa cứu rỗi và tầm quan trọng vĩnh cửu đối với con cái của Thượng Đế” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 5).

Joseph Smith dạy rằng “nhiều điểm quan trọng về sự cứu rỗi của loài người đã được lấy ra từ Kinh Thánh, hoặc bị mất trước khi Kinh Thánh được sưu tập (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 217). Ông cũng nói rằng ông tin Kinh Thánh ″khi Kinh Thánh phát xuất từ ngòi bút của các tác giả nguyên thủy,″ và rằng ″những người phiên dịch thiếu kinh nghiệm, những người sao chép lại lơ đễnh, hoặc các thầy tế lễ quỷ quyệt và đồi bại đã phạm nhiều lỗi lầm” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, 207).

Các anh chị em có thể cho các học sinh thấy rằng những lời phát biểu này của Joseph Smith đều có trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kinh Thánh”). Các anh chị em có thể khuyến khích các học sinh đánh dấu những lời phát biểu này trong thánh thư của họ.

1 Nê Phi 13:32–40. Những điều minh bạch và quý báu được phục hồi

Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói rằng các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội là một phương tiện chính yếu để phục hồi các lẽ thật đã mất:

″Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Đấng Ky Tô. Sách này phục hồi các lẽ thật quý báu về Sự Sa Ngã, Sự Chuộc Tội, Sự Phục Sinh và cuộc sống sau cái chết trần thế.

″Trước Sự Phục Hồi, các tầng trời đã khép lại trong nhiều thế kỷ. Nhưng với các vị tiên tri và sứ đồ trên thế gian một lần nữa, các tầng trời đã được một lần nữa mở ra với các khải tượng và những điều mặc khải. Nhiều điều mặc khải đến với Tiên Tri Joseph Smith đã được viết xuống trong một quyển sách được biết là Giáo Lý và Giao Ước. Sách này gồm có những sự hiểu biết thêm về các nguyên tắc và giáo lễ, và là một nguồn tài liệu quý báu liên quan đến kết cấu của chức tư tế. Ngoài ra, chúng ta còn có một quyển thánh thư khác được gọi là Trân Châu Vô Giá. Quyển này gồm có sách Môi Se, là sách đến với Tiên Tri Joseph Smith qua sự mặc khải, và sách Áp Ra Ham mà ông phiên dịch từ một cuộn sách Ai Cập do ông mua được. Từ các sách này, chúng ta không những học được thêm rất nhiều về Môi Se, Áp Ra Ham, Hê Nóc, và các vị tiên tri khác, mà còn thêm nhiều chi tiết hơn về Sự Sáng Tạo. Chúng ta biết rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được giảng dạy cho tất cả các vị tiên tri từ lúc khởi đầu—chính là từ thời A Đam” (“Sự Phục Hồi Tất Cả Mọi Điều,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 67–68).

Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith cũng giúp phục hồi nhiều lẽ thật minh bạch và quý báu. Bản Dịch của Joseph Smith là ″phần hiệu đính hay bản dịch Kinh Thánh của Phiên Bản King James bằng tiếng Anh mà Tiên Tri Joseph Smith bắt đầu vào tháng Sáu năm 1830. Ông được Thượng Đế truyền lệnh làm công việc phiên dịch này và xem đó như là một phần của sự kêu gọi của ông với tư cách là một vị tiên tri.

″Bản Dịch của Joseph Smith đã phục hồi một số điều minh bạch và quý báu đã bị mất khỏi Kinh Thánh (1 Nê Phi 13). Mặc dù không phải là Kinh Thánh chính thức của Giáo Hội, nhưng bản dịch này thật sự mang đến nhiều điều hiểu biết đầy thú vị và rất có giá trị trong việc hiểu Kinh Thánh. Bản dịch này cũng là một chứng thư về sự kêu gọi và giáo vụ thiêng liêng của Tiên Tri Joseph Smith” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Bản Dịch Joseph Smith,” scriptures.lds.org; xin xem thêm 2 Nê Phi 3:11; History of the Church, 1:238).

Với sự mặc khải tiếp tục trong Giáo Hội của Chúa, tiến trình của việc mang lại các giáo lý và nguyên tắc minh bạch và quý báu của phúc âm cho những người trên khắp thế giới vẫn đang tiếp diễn. Những điều giảng dạy đầy soi dẫn của các vị tiên tri và sứ đồ của Chúa là thiết yếu cho sự hiểu biết các lẽ thật minh bạch và quý báu của phúc âm.

1 Nê Phi 10–14. Khái quát về khải tượng của Nê Phi

Khải tượng của Nê Phi