Bài Học 20
1 Nê Phi 19
Lời Giới Thiệu
Trong chuơng này, Nê Phi đã giải thích rằng một số người sẽ không kính trọng Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, Chúa Giê Su Ky Tô. Theo nghĩa bóng, họ chà đạp Chúa Giê Su Ky Tô dưới chân họ bằng cách xem Ngài là hư không và từ chối không lưu tâm đến lời dạy của Ngài. Nê Phi cũng thuật lại những lời giảng dạy của các vị tiên tri thời xưa đã báo trước rằng những người chịu trách nhiệm về việc đánh roi và đóng đinh Đấng Cứu Rỗi, cũng như con cháu của họ, sẽ bị phân tán và khổ sở cho đến khi họ xoay lòng hướng tới Chúa. Vào lúc đó, Chúa sẽ ″nhớ những điều Ngài đã giao ước với tổ phụ họ” (xin xem 1 Nê Phi 19:15). Nê Phi đã giải thích rằng ông đã viết những điều này để thuyết phục dân ông nhớ tới Chúa và tin nơi Ngài. Ông cũng dạy dân ông phải so sánh thánh thư với họ để giúp họ tin nơi Chúa.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
1 Nê Phi 19:1–19
Nê Phi ghi lại những lời tiên tri của Chúa Giê Su Ky Tô để giúp dân chúng nhớ tới Đấng Cứu Chuộc của họ
Giơ lên một quyển Sách Mặc Môn. Tóm lược 1 Nê Phi 19:1–4 bằng cách giải thích rằng Nê Phi được truyền lệnh phải làm hai bộ bảng khắc—một bộ để ghi lại lịch sử (tôn giáo) thiêng liêng và bộ kia để ghi lại lịch sử thế tục của dân ông. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 19:3, 5–6. Yêu cầu những người khác trong lớp học tìm kiếm điều Nê Phi đã nói về những sự việc ″thiêng liêng″.
-
Nê Phi đã đưa ra lý do nào để lưu giữ một biên sử về những sự việc thiêng liêng?
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 19:7. Trước khi người ấy đọc, hãy giải thích rằng trong câu này, cụm từ ″Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên″ ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô. Câu này cũng có từ hư không, có nghĩa là ″con số không.″ Xem một người là hư không có nghĩa là đối xử với người đó thể như họ là không có giá trị gì cả.
-
Sau khi nói rằng ông sẽ chỉ viết về điều thiêng liêng thì Nê Phi đã bắt đầu viết về điều gì?
-
Theo 1 Nê Phi 19:7, một số người chà đạp Đấng Cứu Rỗi dưới chân họ hoặc ″xem Ngài là hư không″ bằng cách nào?
-
Việc từ chối không nghe theo lời khuyên dạy của Chúa giống như việc xem Ngài là hư không hoặc chà đạp Ngài dưới chân mình như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 19:8–10. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những cách mà người ta đối xử với Đấng Cứu Rỗi như là một con số không trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh nên đánh dấu các từ và cụm từ họ tìm ra).
-
Trong những cách thức nào, người ta đối xử với Đấng Cứu Rỗi như là một con số không trong thởi gian giáo vụ trên trần thế của Ngài?
-
Những chi tiết nào trong các câu này cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi đã không xem chúng ta ″là con số không″? (Các học sinh nên hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi đã hứng chịu tất cả mọi điều, ″vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người.″)
-
Khi nghĩ về những câu này, các em có những cảm nghĩ nào về Đấng Cứu Rỗi?
Mời một học sinh đọc 1 Nê Phi 19:13−14, và yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà tiên tri Giê Nốt nói rằng sẽ là những lý do tại sao những người đóng đinh Đấng Cứu Rỗi (và con cháu của họ) sẽ ″bị mọi dân tộc trừng phạt.″
-
Giê Nót đưa ra những lý do nào về việc tại sao những người đóng đinh Đấng Cứu Rỗi (và con cháu của họ) sẽ ″bị mọi dân tộc trừng phạt.″
Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng: Họ trở lòng.
-
Các em nghĩ trở lòng xa Chúa có nghĩa là gì?
Sau khi các học sinh trả lời, hãy nói cho lớp học biết rằng các anh chị em muốn vài học sinh giúp mình minh họa cách cụm từ này có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay. Mời vài học sinh lên bảng. Yêu cầu mỗi người họ viết một ví dụ về một hành động mà có thể cho thấy rằng một người đã trở lòng mình xa Chúa. Sau đó, yêu cầu họ giải thích một số hậu quả nào có thể đến khi trở lòng mình theo cách họ đã liệt kê. (Ví dụ, một học sinh có thể viết ngừng học thánh thư và rồi giải thích rằng một hậu quả của hành động này là khả năng nhận được mặc khải bị giảm bớt).
Sau khi vài học sinh đã giải thích các ví dụ của họ, hãy nói cho lớp học biết rằng bất cứ lý do tại sao chúng ta có thể trở lòng xa Chúa là gì đi nữa, thì chúng ta cũng có thể chọn để xoay lòng mình trở lại cùng Ngài. Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 19:14−17, và tìm kiếm các lời hứa của Chúa với những người xoay lòng họ trở lại cùng Ngài.
-
Chúa phân tán Y Sơ Ra Ên vào lúc nào? (Khi họ trở lòng xa Chúa).
-
Chúa quy tụ Y Sơ Ra Ên vào lúc nào? (Khi họ xoay lòng trở lại cùng Ngài).
-
Chúa đã nói Ngài sẽ làm gì cho những người không còn trở lòng chống lại Ngài nữa?
-
Các em nghĩ việc Chúa sẽ nhớ tới những người này và các giao ước Ngài đã lập với tổ phụ của họ có nghĩa là gì?
Giúp các học sinh hiểu rằng Chúa không quên những người này. Họ đã sống theo cách mà Ngài không thể ban cho họ tất cả các phước lành của phúc âm. Khi các con cháu của họ xoay lòng trở lại cùng Ngài, Chúa hứa sẽ nhớ tới họ, quy tụ họ vào Giáo Hội của Ngài, và ban tất cả các phước lành của phúc âm cho họ.
-
Các em nghĩ các lời hứa trong các câu 15–17 có ý nghĩa gì đối với chúng ta? (Một ý kiến nên được nêu lên từ cuộc thảo luận này là nếu chúng ta xoay lòng trở lại cùng Chúa, Ngài sẽ tôn trọng các giao ước chúng ta đã lập với Ngài.
Yêu cầu các học sinh suy ngẫm những câu hỏi sau đây và viết câu trả lời vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ. (Các anh chị em có thể muốn viết những câu hỏi này lên trên bảng).
-
Loại hành động nào cho thấy rằng các em và gia đình các em đã xoay lòng trở lại cùng Chúa?
-
Những hành động như vậy đã giúp các em và gia đình các em nhận được các phước lành của Chúa vào lúc nào?
Cân nhắc việc mời một vài học sinh chia sẻ các câu trả lời của họ với lớp học. Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư.
Vắn tắt giải thích rằng Nê Phi có ý định dành biên sử của mình cho tất cả những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên—kể cả chúng ta. Mời một học sinh đọc 1 Nê Phi 19:18−19, và yêu cầu lớp học nhận ra điều Nê Phi đã muốn thuyết phục chúng ta để làm. Làm chứng rằng khi chúng ta nhớ tới Chúa và xoay lòng trở lại cùng Ngài, thì Ngài ban cho chúng ta các phước lành của phúc âm Ngài.
1 Nê Phi 19:20–24
Nê Phi giải thích lý do tại sao ông đã sử dụng thánh thư cổ xưa để giảng dạy cho dân ông
Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, phỏng theo một bài nói chuyện với các nhà giáo dục tôn giáo thuộc Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội:
″Tôi sẽ lập lời hứa này với các anh chị em về việc đọc Sách Mặc Môn: Các anh chị em sẽ được sách ấy thu hút khi các anh chị em hiểu rằng Chúa đã gồm vào trong sách ấy sứ điệp của Ngài dành cho các anh chị em. Nê Phi, Mặc Môn, và Mô Rô Ni đã biết điều đó, và những người biên soạn sách cũng thêm vào những sứ điệp dành cho các anh chị em. Tôi hy vọng rằng các anh chị em có sự tin tưởng rằng sách ấy được viết cho các học sinh của các anh chị em. Có những sứ điệp giản dị, trực tiếp dành cho họ mà sẽ cho họ biết cách để thay đổi. Sách ấy có ý nghĩa như thế. Đó là chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội và sách đó có thể tác động trong cuộc sống của họ như thế nào. Năm nay, các anh chị em sẽ có một kinh nghiệm để cảm thấy sự thay đổi có được bởi quyền năng của Sự Chuộc Tội nhờ vào việc nghiên cứu sách ấy” (“The Book of Mormon Will Change Your Life,” Ensign, tháng Hai năm 2004, 11).
-
Khi các em nghiên cứu Sách Mặc Môn, việc biết được rằng Nê Phi, Mặc Môn và Mô Rô Ni đã gồm các sứ điệp vào cho các em sẽ hữu ích như thế nào?
Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:
″Sách Mặc Môn được viết cho chúng ta ngày nay. Thượng Đế là tác giả của sách này. Đó là một biên sử về một dân tộc sa ngã, được biên soạn bởi những người được cảm ứng vì phước lành của chúng ta. Những người đó chưa bao giờ có sách này cả—sách này là nhằm dành cho chúng ta. Mặc Môn, vị tiên tri thời xưa, mà tên sách đã được đặt theo tên của ông, đã tóm lược các biên sử của nhiều thế kỷ. Thượng Đế, là Đấng biết được sự cuối cùng từ lúc ban đầu, đã nói cho ông biết điều gì phải được gồm vào phần tóm lược của ông mà chúng ta sẽ cần trong thời kỳ của mình” (“The Book of Mormon Is the Word of God,” Ensign, tháng Giêng năm 1988, 3).
″Nếu họ thấy được thời kỳ của chúng ta và chọn những điều có giá trị lớn nhất cho chúng ta thì đó không phải là cách chúng ta cần phải học Sách Mặc Môn sao? Chúng ta cần phải thường xuyên tự hỏi: ′Tại sao Chúa đã soi dẫn cho Mặc Môn (hay Mô Rô Ni hoặc An Ma) để gồm điều đó vào biên sử của ông? Tôi có thể học được bài học nào từ điều đó để giúp tôi sống trong thời kỳ và thời đại này?′″ (“The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 6).
Mời lớp học im lặng đọc 1 Nê Phi 19:22−23, và tìm kiếm phần mô tả của Nê Phi về cách ông đã giúp các anh của mình tìm ra những sứ điệp cho bản thân họ trong thánh thư.
-
Nê Phi trông mong kết quả nào từ việc so sánh thánh thư với bản thân ông và dân ông?
-
Từ lợi ích có nghĩa là gì? (Giúp ích, mang đến thuận lợi, có lợi).)
Chuẩn bị biểu đồ sau đây làm tờ tài liệu phân phát, hoặc trưng nó lên trên bảng và yêu cầu các học sinh chép lại vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư.
So Sánh Thánh Thư với Bản Thân Chúng Ta |
Áp Dụng Các Lẽ Thật của Thánh Thư | ||
---|---|---|---|
Tình huống hay hoàn cảnh nào được mô tả trong đoạn thánh thư này? |
Điều này giống một tình huống trong cuộc sống của tôi hoặc trong thế giới xung quanh tôi như thế nào? |
Lẽ thật hay sứ điệp nào được giảng dạy trong đoạn thánh thư này? |
Làm thế nào tôi có thể hành động theo lẽ thật hay sứ điệp này trong hoàn cảnh của mình? |
Giới thiệu biểu đồ bằng cách giải thích rằng so sánh có nghĩa là đối chiếu. So sánh thánh thư với bản thân mình có nghĩa là chúng ta đối chiếu một hoàn cảnh trong thánh thư với tình huống trong cuộc sống của chúng ta hoặc trong thế giới xung quanh chúng ta. Việc nhận ra những điểm tương đồng giữa các hoàn cảnh trong thánh thư và tình huống trong cuộc sống của chúng ta chuẩn bị cho chúng ta cách tìm ra và áp dụng các lẽ thật trong thánh thư. Cùng các lẽ thật đó được áp dụng cho những người chúng ta đọc trong thánh thư đều có thể áp dụng cho chúng ta khi chúng ta ở trong hoàn cảnh tương tự.
Để giúp các học sinh hiểu việc so sánh dẫn đến việc áp dụng như thế nào, hãy mời họ điền vào biểu đồ của họ trong khi các anh chị em ôn lại với họ đoạn thánh thư thông thạo đầu tiên trong Sách Mặc môn, 1 Nê Phi 3:7. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 3:7.
-
Nê Phi đã đáp ứng các hoàn cảnh nào khi ông nói những lời này? (Ông đã được một vị tiên tri—cha ông, Lê Hi—yêu cầu trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng. Các anh của ông đã ta thán về nhiệm vụ khó khăn này).
-
Hoàn cảnh của Nê Phi giống như thế nào với tình huống trong cuộc sống của các em? Khi nào Chúa đã trông mong các em làm một điều gì đó khó khăn?
-
Lẽ thật nào đã giúp Nê Phi trong tình huống của ông? (Nê Phi biết rằng bất cứ lúc nào Chúa ban một lệnh truyền cho con cái của Ngài, Ngài đều cung ứng một đường lối cho họ để hoàn thành lệnh truyền ấy).
-
Các em có thể làm gì để hành động theo lẽ thật này trong tình huống của các em?
Mời một vài học sinh chia sẻ cách họ so sánh 1 Nê Phi 3:7 với bản thân họ và cách họ có thể áp dụng câu đó vào cuộc sống của họ. (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).
Để kết thúc bài học, giơ lên một quyển Sách Mặc Môn một lần nữa. Nhắc các học sinh nhớ rằng Nê Phi đã xem những bài viết của mình về Đấng Cứu Rỗi là thiêng liêng và có giá trị lớn lao đối với ông và những người khác. Khuyến khích các học sinh nghiên cứu thánh thư và tìm kiếm các sứ điệp mà Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã đặt vào trong thánh thư cho chúng ta. Hãy làm chứng rằng khi chúng ta so sánh thánh thư với bản thân mình, chúng ta sẽ học hỏi và có được lợi ích từ thánh thư.
Khuyến khích các học sinh tự mình nghiên cứu thánh thư và tìm ra các đoạn họ có thể so sánh với bản thân họ. Họ có thể thử đề tên của họ vào một số câu và đọc các câu này thể như Chúa hoặc vị tiên tri của Ngài đang ngỏ lời trực tiếp với họ. Ví dụ, họ có thể đọc phần đầu của 2 Nê Phi 31:20 giống như sau: “Vậy nên, các người [thay tên mình vào đây] phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô.″
Các anh chị em có thể muốn cung cấp những biểu đồ với chỗ trống cho các học sinh để sử dụng ở nhà. Mời họ đến buổi học kế tiếp sẵn sàng chia sẻ cách họ đã so sánh thánh thư với bản thân mình và cách họ đã học và nhận được lợi ích từ kinh nghiệm đó.