Thư Viện
Bài Học 18: 1 Nê Phi 17


Bài Học 18

1 Nê Phi 17

Lời Giới Thiệu

Sau khi hành trình trong vùng hoang dã trong tám năm, gia đình của Lê Hi đi tới một bờ biển mà họ gọi là xứ Phong Phú. Sau khi họ đã ổn định cuộc sống ở xứ Phong Phú, Chúa đã truyền lệnh cho Nê Phi phải đóng một chiếc tàu. Khi các anh của ông biết được điều ông đang cố gắng làm, họ chế nhạo ông và rồi ta thán cùng từ chối giúp đỡ. Nê Phi giảng dạy cho các anh của ông biết rằng mặc dù Chúa đã tìm cách phán bảo họ qua tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ của Thánh Linh, nhưng sự bất chính của họ đã ngăn cản họ cảm nhận được lời của Ngài. Ngài đã khiển trách họ về sự tà ác của họ và khuyên nhủ họ phải hối cải.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 17:1−51

Gia đình Lê Hi hành trình đến xứ Phong Phú nơi mà Nê Phi được truyền lệnh phải đóng một chiếc tàu

Vẽ sơ đồ sau đây lên trên bảng.

Easy Difficult

Yêu cầu các học sinh cân nhắc xem họ hiện mô tả cuộc sống của họ là dễ dàng hay khó khăn, và tại sao. (Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh thảo luận những câu trả lời của họ với một người bạn chung nhóm. Hoặc mời vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ của họ với toàn thể lớp học. (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 17:1, 4, 6. Trong khi người này đọc, hãy yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ và cụm từ cho thấy thời gian Nê Phi và gia đình của ông ở trong vùng hoang dã là dễ dàng hay khó khăn.

  • Nê Phi đã mô tả thời gian của họ trong vùng hoang dã là dễ dàng hay khó khăn? Các từ nào cho thấy thời gian đó là khó khăn?

Giải thích rằng Nê Phi và gia đình ông cũng được ban phước dồi dào trong thời gian này. Mời các học sinh đọc lướt qua 1 Nê Phi 17:2, 5, 12−13 để nhận ra một số cách thức mà Nê Phi và gia đình của ông được ban phước trong cuộc hành trình của họ. Yêu cầu một vài học sinh giải thích điều họ đã tìm ra.

Nói cho các học sinh biết rằng Nê Phi đã dạy một nguyên tắc giải thích về lý do tại sao gia đình của ông có thể được phước trong thời điểm khó khăn này. Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 17:3 và nhận ra nguyên tắc bắt đầu với từ nếu.Vắn tắt giải thích rằng trong thánh thư, các nguyên tắc đôi khi được nói đến theo dạng ″nếu—thì″. Từ nếu giới thiệu một hành động, và từ thì giới thiệu kết quả (tích cực hay tiêu cực) chúng ta sẽ trải qua do hành động ấy.

Mặc dù 1 Nê Phi 17:3 không có từ thì, nhưng nó mô tả một hành động cùng với một vài phước lành do hành động đó mà ra. Yêu cầu các học sinh nói hai từ ″nếu—thì″ của nguyên tắc mà họ đã nhận ra. Họ nên nói một điều gì đó tương tự như điều sau đây: Nếu chúng ta tuân giữ các lệnh truyền, thì Chúa sẽ củng cố chúng ta và cung ứng phương tiện cho chúng ta để hoàn thành điều Ngài đã truyền lệnh. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng). Mời các học sinh tìm kiếm bằng chứng hiển nhiên của nguyên tắc này khi họ nghiên cứu kinh nghiệm của Nê Phi và khi họ suy nghĩ về cuộc sống của họ.

Phân phát một tài liệu có những câu hỏi sau đây (hoặc viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu):

  1. Chúa truyền lệnh cho Nê Phi phải làm điều gì? (1 Nê Phi 17:7−8) Nê Phi đã trả lời như thế nào? 1 Nê Phi 17:9−11, 15−16) Các anh của ông đã trả lời như thế nào? (1 Nê Phi 17:17−21)

  2. Bằng cách nào Chúa đã giúp Môi Se hoàn thành nhiệm vụ mà ông đã được truyền lệnh để làm? (1 Nê Phi 17:23−29)

  3. Các anh của Nê Phi giống con cái của Y Sơ Ra Ên như thế nào? (1 Nê Phi 17:30, 42)

  4. Chúa đã truyền lệnh điều gì có thể khó khăn đối với tôi?

  5. Làm thế nào tôi có thể đáp ứng giống như Nê Phi và Môi Se? Bằng cách nào tôi có thể tránh được những lỗi lầm của các anh của Nê Phi và con cái của Y Sơ Ra Ên?

Giới thiệu những câu hỏi trên bằng cách giải thích rằng những câu hỏi này sẽ giúp các học sinh thấy cách Nê Phi tiếp tục sống theo nguyên tắc trong 1 Nê Phi 17:3 sau khi ông tới xứ Phong Phú. Những câu hỏi này cũng sẽ giúp các học sinh áp dụng nguyên tắc đó cho bản thân họ. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 17:7−8. Yêu cầu những người khác trong lớp học nhận ra điều Nê Phi được truyền lệnh để làm. Yêu cầu các học sinh ghi câu trả lời dưới câu hỏi 1 trên tài liệu phân phát hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

  • Lệnh truyền này có thể là khó khăn đối với Nê Phi về những phương diện nào?

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 17:9−11 và một học sinh khác đọc to 1 Nê Phi 17:15–16. Trước khi họ đọc, hãy yêu cầu lớp học lắng nghe kỹ câu trả lời của Nê Phi đối với lệnh truyền phải đóng một chiếc tàu.

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về câu trả lời của Nê Phi?

Yêu cầu các học sinh viết một phần tóm lược câu trả lời của Nê Phi dưới câu hỏi 1 trên tờ tài liệu phân phát hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

Yêu cầu vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 17:17−21. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những từ và cụm từ cho thấy thái độ của La Man và Lê Mu Ên. Yêu cầu các học sinh viết phần tóm lược câu trả lời của La Man và Lê Mu Ên cho lệnh truyền phải đóng một chiếc tàu. Mời một hoặc hai học sinh chia sẻ phần tóm lược của họ với lớp học.

Giải thích rằng Nê Phi đã đáp ứng những lời than vãn của các anh của ông bằng cách nhắc họ nhớ rằng Chúa đã giúp Môi Se hoàn thành nhiệm vụ khó khăn để giải phóng con cái Y Sơ Ra Ên thoát khỏi cảnh nô lệ. Nê Phi cũng so sánh tấm lòng chai đá của các anh của ông với tấm lòng chai đá của con cái Y Sơ Ra Ên. Mời các học sinh nghiên cứu các đoạn thánh thư và ghi lại các câu trả lời của họ cho các câu hỏi 2 và 3. Tùy vào nhu cầu của các học sinh của mình, các anh chị em có thể yêu cầu họ làm điều này riêng cá nhân họ hoặc chung với những người trong nhóm.

Sau khi các học sinh đã hoàn tất các câu 2 và 3, hãy hỏi:

  • Bằng cách nào Chúa đã giúp Môi Se hoàn thành nhiệm vụ mà ông đã được truyền lệnh phải làm?

  • Các em nghĩ tấm gương của Môi Se có thể đã giúp đỡ Nê Phi như thế nào?

  • Trong những phương diện nào các anh của Nê Phi giống như con cái Y Sơ Ra Ên?

Hãy nêu lên rằng khi Chúa ban cho chúng ta những nhiệm vụ hay lệnh truyền khó khăn, thì chúng ta có thể chọn để đáp ứng như Nê Phi đã làm, hoặc chúng ta có thể đáp ứng như La Man và Lê Mu Ên đã làm. Giải thích rằng mặc dù Thượng Đế đã không phán bảo chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ như đóng một chiếc tàu hoặc rẽ Biển Đỏ, nhưng Ngài đã ban cho các lệnh truyền và phán bảo chúng ta phải hoàn thành những điều mà một số người thấy là khó khăn. Ví dụ, Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải duy trì những ý nghĩ đức hạnh và giữ ngày Sa Bát được thánh. Ngài kỳ vọng chúng ta sẽ làm tròn những sự kêu gọi của Giáo Hội (chẳng hạn với tư cách là chủ tịch nhóm túc số hay lớp học) và phục vụ những người khác. Ngài cũng kỳ vọng chúng ta phải tuân giữ các giao ước của mình và vẫn luôn tích cực trong Giáo Hội, ngay cả khi đang gặp thử thách. Cho các học sinh thời giờ để ghi lại những câu trả lời cho các câu hỏi 4 và 5. Khuyến khích họ trả lời câu hỏi 4 bằng cách viết về bất cứ điều gì Chúa đã truyền lệnh mà có thể là khó khăn đối với họ.

Sau khi các học sinh đã có đủ thời giờ để viết rồi, hãy đọc to lời bày tỏ đức tin của Nê Phi trong 1 Nê Phi 17:50. Sau đó yêu cầu các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 17:51 và cân nhắc cách câu này áp dụng vào cuộc sống của họ như thế nào. Khuyến khích họ thêm tên của họ sau từ tôivà thay cụm từ đóng một chiếc tàu với một nhiệm vụ hoặc lệnh truyền mà họ thấy là khó khăn. Cân nhắc việc mời các học sinh nào cảm thấy thoải mái khi làm như vậy để đọc to 1 Nê Phi 17:51 với những chỗ họ đã thay thế. Nhắc lại lần nữa nguyên tắc đã được viết lên trên bảng.

  • Nê Phi đã có kinh nghiệm nào với nguyên tắc này mà đã làm cho ông tin tưởng rằng Chúa sẽ giúp ông làm tròn bất cứ lệnh truyền nào?

  • Các em đã trải nghiệm được điều gì mà đã làm cho các em tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ giúp các em hoàn thành bất cứ điều gì Ngài phán bảo với các em?

Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng khi chúng ta tuân giữ các lệnh truyền, Chúa sẽ củng cố chúng ta và cung ứng cho chúng ta cách thức để hoàn thành những điều Ngài đã truyền lệnh.

1 Nê Phi 17:45−55

Nê Phi khiển trách La Man và Lê Mu Ên về sự tà ác của họ

Nê Phi Khuất Phục Hai Người Anh Hay Chống Đối của Mình

Trưng ra hình Nê Phi Khuất Phục Hai Người Anh Hay Chống Đối của Mình (62044; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 70). Mời các học sinh tóm lược điều đang xảy ra trong tấm hình ấy. Nếu các học sinh không biết câu trả lời, hãy mời họ tìm ra câu trả lời trong 1 Nê Phi 17:48, 53–54.

  • Theo như 1 Nê Phi 17:53, tại sao Chúa làm chấn động hai anh của Nê Phi? (Các anh chị em có thể muốn các học sinh lưu ý đến cước chú 53a để giúp họ hiểu rằng từ làm chấn động trong văn cảnh này có nghĩa là ″làm cho run rẩy.″)

Giải thích rằng sự chấn động Chúa đã làm cho La Man và Lê Mu Ên chỉ là một trong nhiều cách mà Chúa đã giao tiếp với họ. Mời các học sinh đọc 1 Nê Phi 17:45 và nhận ra một vài cách mà Chúa đã giao tiếp với La Man và Lê Mu Ên trong quá khứ.

  • Chúa đã giao tiếp với La Man và Lê Mu Ên bằng một số cách nào? Cách nào trong những cách thức này là cách Chúa thường tìm kiếm nhất để giao tiếp với chúng ta?

Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh đánh dấu lời phát biểu sau đây trong 1 Nê Phi 17:45: “Vị ấy đã nói với các anh bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái.″ Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

″Đức Thánh Linh nói bằng một tiếng nói mà các anh chị em cảm thấy hơn là các anh chị em nghe. Tiếng nói này được mô tả là ′tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái’ [GLGƯ 85:6]. Và trong khi chúng ta nói về việc ′lắng nghe′ lời thì thầm của Thánh Linh, hầu hết thường thường là một người mô tả sự thúc giục thuộc linh bằng cách nói ′tôi có cảm tưởngrằng …’” (“Personal Revelation: The Gift, the Test, and the Promise,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 60).

Các anh chị em có thể muốn mời các học sinh viết lẽ thật sau đây trong thánh thư của họ bên cạnh 1 Nê Phi 17:45: Đức Thánh Linh nói bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái mà chúng ta cảm thấy nhiều hơn là nghe. (Để nhấn mạnh nguyên tắc này, các anh chị em có thể muốn yêu cầu các học sinh đọc Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3).

  • Các em đã cảm thấy tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Đức Thánh Linh nói với các em vào lúc nào?

  • Các em làm gì để giúp mình cảm thấy và nhận ra tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái của Đức Thánh Linh?

Sau khi các học sinh đã trả lời, các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ đánh dấu cụm từ sau đây trong 1 Nê Phi 17:45: “Nhưng vì các anh đã mất hết cảm giác đến đỗi các anh không còn cảm thấy lời nói của vị ấy nữa.″ Yêu cầu các học sinh đọc câu đầu tiên của 1 Nê Phi 17:45 và nhận ra lý do tại sao La Man và Lê Mu Ên đã trở nên “mất hết cảm giác.” Mời họ báo cáo điều họ tìm ra.

  • Tại sao việc ″nhạy làm điều bất chính″ khiến cho La Man và Lê Mu Ên trở nên “mất hết cảm giác.”

  • Làm thế nào các tội lỗi của chúng ta có thể ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta để cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh?

Sau khi các học sinh đã trả lời xong, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust, là người đã phục vụ với tư cách là một thành sinh trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

″Máy điện thoại cầm tay được sử dụng nhiều cho việc giao tiếp liên lạc trong thời kỳ chúng ta. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, chúng ta thấy có những chỗ mất tín hiệu ở một máy điện thoại cầm tay. Điều này có thể xảy ra khi người sử dụng máy điện thoại cầm tay đang ở trong một đường hầm hay một hẻm núi, hay khi gặp trở ngại khác.

″Sự truyền thông thiêng liêng cũng giống như vậy. … Chúng ta thường đặt mình vào những nơi mất tín hiệu thuộc linh—những nơi và hoàn cảnh làm chặn đứng những sứ điệp thiêng liêng. Một số chỗ mất tín hiệu này gồm có cơn giận dữ, hình ảnh sách báo khiêu dâm, sự phạm giới, tính ích kỷ, và những tình trạng khác xúc phạm đến Thánh Linh″ (“Các Anh Chị Em Có Nhận Được Sứ Điệp Đúng Không?” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 67).

Để kết thúc, hãy mời các học sinh xem xét các sứ điệp Chúa đã tìm cách để truyền đạt cho họ mới gần đây. Khuyến khích họ suy ngẫm xem có bất cứ ″chỗ mất tín hiệu thuộc linh″ nào mà có thể ngăn cản họ nhận được sự truyền đạt như vậy không. (Các anh chị em có thể muốn yêu cầu các học sinh viết về điều này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ). Hãy làm chứng rằng Đức Thánh Linh nói bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái mà chúng ta cảm thấy được nhiều hơn là nghe. Cũng làm chứng rằng chúng ta có thể cảm nhận được sự truyền đạt này khi tìm cách được xứng đáng với những thúc giục dịu dàng này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 17:8−9. Thử thách mà Nê Phi đã gặp trong việc đóng chiếc tàu

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:

″Nê Phi không phải là một thủy thủ. Ông đã được nuôi dạy ở Giê Ru Sa Lem, một thành phố ở sâu trong đất liền, chứ không phải ở ven Biển Địa Trung Hải. Dường như ông không biết nhiều hay có kinh nghiệm nhiều với các dụng cụ và kỷ năng cần thiết để đóng một chiếc tàu. Ông có thể chưa từng thấy một chiếc tàu vượt đại dương. Vậy mà, trong thực tế, Nê Phi đã được truyền lệnh và chỉ dẫn để đóng một thứ mà ông chưa bao giờ đóng trước đó để đi đến một nơi mà ông chưa từng đến trước đó″ (“Learning to Love Learning” [Bài nói chuyện tại buổi lễ phát bằng tại trường Brigham Young University, ngày 24 tháng Tư năm 2008], 4, speeches.byu.edu).

1 Nê Phi 17:45. ″Các anh đã mất hết cảm giác″

Chủ Tịch Henry B. Eyring trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích rằng việc Thánh Linh vắng mặt trong cuộc đời của một người có thể cho biết về sự cần thiết phải hối cải.

″Một … điều kiện để có được sự đồng hành thường xuyên và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh là phải trong sạch. Thánh Linh cần phải rút lui khỏi những người không trong sạch.

“… Nếu các anh chị em gặp khó khăn trong việc cảm nhận Đức Thánh Linh, thì các anh chị em có thể suy ngẫm một cách khôn ngoan xem có bất cứ điều gì mà các anh chị em cần phải hối cải và nhận được sự tha thứ không.

″Nếu đã cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh hôm nay thì các anh chị em có thể lấy điều đó làm bằng chứng hiển nhiên rằng Sự Chuộc Tội đang tác động trong cuộc sống của các anh chị em. Vì lý do đó và nhiều lý do khác, nên sẽ là điều rất hay nếu các anh chị em tự đặt mình vào các vị thế và vào những nhiệm vụ mà mời gọi những thúc giục của Đức Thánh Linh. Việc cảm nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Linh tác động trong hai cách thức: Đức Thánh Linh chỉ ngự trong một đền thờ trong sạch, và sự tiếp nhận Đức Thánh Linh thanh tẩy chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể cầu nguyện với đức tin để biết điều phải làm để được thanh tẩy và như vậy được hội đủ điều kiện để có sự đồng hành của Đức Thánh Linh và sự phục vụ của Chúa. Và với sự đồng hành ấy các anh chị em sẽ được củng cố để chống lại cám dỗ và được quyền để phát hiện sự lừa gạt” (“Gifts of the Spirit for Hard Times,” Ensign, tháng Sáu năm 2007, 23).