Thư Viện
Bài Học 16: 1 Nê Phi 15


Bài Học 16

1 Nê Phi 15

Lời Giới Thiệu

Sau khi Nê Phi nhận được một khải tượng giống như khải tượng của cha ông đã nhận được, ông trở về lều của cha mình. Ở đó ông đã bắt gặp các anh của ông đang tranh luận về những lời giảng dạy của Lê Hi. Nê Phi khiển trách các anh của mình về lòng dạ chai đá của họ và nhắc nhở họ cách nhận được mặc khải cho bản thân họ. Sau đó ông giải thích một số lời giảng dạy của Lê Hi về các cành thiên nhiên của cây ô liu và ý nghĩa của khải tượng của Lê Hi về cây sự sống. 1 Nê Phi 15 đối chiếu các nỗ lực chuyên cần của Nê Phi để tìm kiếm lẽ thật với các nỗ lực tùy tiện của các anh của ông (xin xem 1 Nê Phi 15:9–11).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 15:1–11

Các anh của Nê Phi ta thán rằng họ không thể hiểu nổi khải tượng của Lê Hi

Yêu cầu các học sinh liệt kê một số sinh hoạt đòi hỏi nỗ lực của bản thân mình trước khi chúng ta có thể vui hưởng những kết quả. Các anh chị em có thể muốn liệt kê những câu trả lời của họ lên trên bảng. (Các câu trả lời có thể gồm có bài tập ở nhà, làm vườn, chơi một nhạc cụ, chơi một môn thể thao, và tập thể dục. Mời các học sinh suy nghĩ về những ví dụ họ đã trải qua).

  • Về các sinh hoạt các em đang nghĩ tới, các em đã nhìn thấy mối quan hệ nào giữa nỗ lực mình có với các kết quả kéo theo sau?

Sau khi các học sinh trả lời cho câu hỏi này, hãy khuyến khích họ tìm kiếm một mẫu mực tương tự trong bài học này trong khi họ nghiên cứu 1 Nê Phi 15.

Nói cho các học sinh biết rằng 1 Nê Phi 15 bắt đầu với Nê Phi trở lại lều của cha ông sau khi đã nhận được một khải tượng tương tự như khải tượng của Lê Hi. Hãy mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:1–2, 7. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà Nê Phi đã bắt gặp khi ông trở lại lều của cha ông.

  • Nê Phi đã bắt gặp điều gì khi ông trở lại lều của cha ông?

  • Các anh của Nê Phi đã tranh luận về điều gì? Tại sao?

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:3. Yêu cầu lớp học nhận ra lý do tại sao các anh của Nê Phi đang gặp khó khăn trong việc hiểu những điều Lê Hi đã dạy cho họ.

  • Theo như 1 Nê Phi 15:3, tại sao các anh của Nê Phi đã gặp khó khăn trong việc hiểu những điều Lê Hi đã dạy cho họ?

  • Nê Phi đã làm gì để học được các lẽ thật thuộc linh? (Để giúp các học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ đọc 1 Nê Phi 10:17).

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:8.

  • Khi suy xét rằng Nê Phi mới vừa nhận được khải tượng thiêng liêng để đáp ứng những câu hỏi của ông (xin xem 1 Nê Phi 11–14), thì tại sao là điều tự nhiên để ông hỏi các anh của ông là họ đã cầu vấn Chúa chưa?

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:9. Sau đó hãy yêu cầu một học sinh khác viết câu trả lời của các anh của Nê Phi lên trên bảng:

Các anh không có cầu vấn, vì Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều như vậy.

Gạch dưới cụm từ ″các anh không có″ ở trên bảng.

  • Các anh của Nê Phi đã không làm điều gì?

Thêm câu trả lời (đã cầu vấn Chúa, cầu nguyện, hoặc cầu xin Chúa) vào câu ở trên bảng để bây giờ câu ấy đọc là:

Các anh không có cầu vấn Chúa, vì Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều như vậy.

(Nói cách khác, ″Các anh không có cầu xin, vì Chúa không phán bảo với các anh.″)

  • Lối suy nghĩ của La Man và Lê Mu Ên có vấn đề gì?

Hãy chắc chắn rằng các học sinh nhận ra sự thiếu sót trong cách suy nghĩ của các anh của Nê Phi. Hãy mời họ sắp xếp lại hoặc nói lại cho rõ nghĩa câu ở trên bảng để câu này mô tả rõ lý do tại sao các anh của Nê Phi đã không nhận được sự giúp đỡ của Chúa trong việc hiểu những lời giảng dạy của Lê Hi. Những câu trả lời có thể đưa ra là ″Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều như vậy vì các anh không có cầu vấn Chúa″ và ″Vì các anh không có cầu xin Chúa, nên Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều này.″

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:10–11. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các lẽ thật Nê Phi đã dạy cho các anh của ông để giúp họ biết cách nhận được những sự đáp ứng từ Thượng Đế.

  • Nê Phi đưa ra lời khuyên bảo nào cho các anh của mình để giúp họ hiểu những lời của cha họ và nhận được sự đáp ứng từ Thượng Đế? (Nê Phi khuyên bảo các anh của mình đừng chai đá trong lòng, hãy cầu xin trong đức tin, tin rằng họ sẽ được đáp ứng, và chuyên tâm trong việc tuân giữ các lệnh truyền. Giúp các học sinh thấy rằng Nê Phi đã biết được giá trị của các nguyên tắc này vì ông đã tự mình tuân theo các nguyên tắc này và do đó đã nhận được mặc khải).

Để giúp các học sinh nhận ra các nguyên tắc từ các câu này, hãy viết những điều sau lên trên bảng:

Nếu …, thì …

  • Căn cứ vào điều chúng ta đọc trong 1 Nê Phi 15:10–11, chúng ta có thể hoàn tất lời phát biểu này như thế nào?

Các học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng họ nên cho thấy sự hiểu biết rằng nếu chúng ta cầu vấn Chúa trong đức tin và tuân theo các lệnh truyền của Ngài, thì chúng ta sẽ được chuẩn bị để nhận được sự mặc khải và hướng dẫn từ Ngài. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).

Chuẩn bị các câu hỏi sau đây trước khi bắt đầu lớp học, hoặc là trên bảng hoặc là bằng một tờ tài liệu phân phát.

  1. Các em có thể giải thích nguyên tắc này như thế nào để giúp một người nào đó hiểu về cách được Chúa giảng dạy và hiểu được các lẽ thật thuộc linh?

  2. Các nỗ lực cá nhân của các em đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của các em để nhận được sự hướng dẫn của Chúa và hiểu được phúc âm?

Sắp xếp các học sinh thành từng cặp. Trong mỗi cặp, yêu cầu một người suy ngẫm câu hỏi thứ nhất và người kia suy ngẫm câu hỏi thứ hai. Yêu cầu họ chia sẻ những câu trả lời với nhau. Sau khi các học sinh đã có đủ thời giờ để thảo luận những câu hỏi của họ, hãy mời một vài người chia sẻ những ý nghĩ của họ với lớp học. Nhấn mạnh rằng nỗ lực và ước muốn của chúng ta để tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh có thể có một ảnh hưởng đầy ý nghĩa về chứng ngôn và sự gần gũi của chúng ta với Chúa.

1 Nê Phi 15:12–20

Nê Phi giải thích về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên

Vắn tắt tóm lược 1 Nê Phi 15:12–20. Giải thích rằng để giúp giải quyết những cuộc tranh luận của các anh mình, Nê Phi đã giảng dạy cho họ biết về ý nghĩa của lời tiên tri của Lê Hi về ″các cành cây ô liu thiên nhiên” và về Dân Ngoại (xin xem 1 Nê Phi 10:12–14; 15:7). Ông giải thích rằng cây ô liu tượng trưng cho gia tộc Y Sơ Ra Ên. Vì gia đình của Lê Hi đã rời bỏ Giê Ru Sa Lem và bị tách rời khỏi gia tộc Y Sơ Ra Ên nên nó giống như một cái cành đã bị gãy lìa khỏi cây ô liu (xin xem 1 Nê Phi 15:12). Ông giải thích thêm rằng trong những ngày sau, phúc âm trọn vẹn sẽ được ban cho dân Ngoại nhiều năm sau khi con cháu của Lê Hi ″sa vào vòng vô tín ngưỡng” (1 Nê Phi 15:13). Sau đó dân Ngoại sẽ mang phúc âm đến cho dòng dõi của Lê Hi, khôi phục lại cho họ sự hiểu biết về Đấng Cứu Chuộc của họ và các phước lành giao ước của tổ phụ họ. Điều này sẽ giống như sự quy tụ và ghép nhánh vào cây ô liu (xin xem 1 Nê Phi 15:13–17). Sự phục hồi này sẽ xảy ra không những cho con cháu của Lê Hi mà còn cho tất cả gia tộc Y Sơ Ra Ên (xin xem 1 Nê Phi 15:18–20; xin xem thêm 1 Nê Phi 10:12–14).

Làm chứng rằng Chúa giữ các lời hứa của Ngài và nhớ các giao ước của Ngài với con cái của Ngài. Ngài mong muốn tất cả đều nhận được các phước lành của phúc âm.

1 Nê Phi 15:21–36

Nê Phi trả lời những câu hỏi của các anh ông về khải tượng của Lê Hi

Giải thích rằng trong phần còn lại của 1 Nê Phi 15, chúng ta đọc những câu trả lời của Nê Phi cho những câu hỏi của các anh ông về khải tượng của Lê Hi. Nê Phi sử dụng điều ông học được trong khải tượng của mình để giảng dạy cho họ.

Trưng ra những lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson lên trên bảng hoặc trên một tờ tài liệu phân phát. Mời các học sinh đoán từ hoặc cụm từ mà cần phải được thêm vào mỗi câu.

  1. ″Trong … chúng ta có thể tìm ra quyền năng để chống lại cám dỗ.”

  2. … có quyền năng để củng cố Các Thánh Hữu và trang bị cho họ với Thánh Linh.”

  3. ″Của Ngài là một trong các ân tứ quý báu nhất Ngài đã ban cho chúng ta.″

Một khi một vài học sinh đã chia sẻ những điều họ đã đoán ra, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 15:23–24. Mời các học sinh tìm kiếm một cụm từ trong đoạn này mà sẽ giúp họ hoàn tất một cách chính xác những lời phát biểu của Chủ Tịch Benson. Sau khi các câu này đã được đọc lên, hãy yêu cầu các học sinh một lần nữa đoán từ hay cụm từ dùng để hoàn tất mỗi một lời phát biểu. Xem lại với lớp học những câu trả lời đúng. (Các câu trả lời: 1—lời của Thượng Đế; 2—lời của Thượng Đế ; 3—lời. [Xin xem ″The Power of the Word,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 80, 82.])

Yêu cầu các học sinh im lặng tra cứu 1 Nê Phi 15:24–25. Mời một nửa số học sinh nhận ra trong các câu này một số phước lành về việc tuân theo lời của Thượng Đế. Yêu cầu nửa lớp kia nhận ra những từ hay cụm từ nào đề nghị cách chúng ta nên tuân theo lời của Thượng Đế để nhận được các phước lành đó. Yêu cầu mỗi nhóm chia sẻ điều họ tìm ra.

  • Chúng ta cần phải làm gì để ″nghe theo,″ ″giữ vững,″ và ″chú tâm″ đến lời của Thượng Đế? (Các câu trả lời có thể gồm có việc học thánh thư hằng ngày, lắng nghe và chú tâm đến lời khuyên bảo của các vị lãnh đạo đầy soi dẫn của Giáo Hội, và tìm kiếm cùng tuân theo sự mặc khải cá nhân qua lời cầu nguyện).

Mời các học sinh phát biểu bằng lời riêng của họ một nguyên tắc tóm lược điều các câu này giảng dạy về việc học thánh thư và các phước lành mà nguyên tắc này mang vào cuộc sống của chúng ta. Một câu trả lời có thể đưa ra là việc học và tuân theo lời của Thượng Đế hằng ngày củng cố chúng ta chống lại những cám dỗ của Sa Tan. Muốn cho các học sinh một cơ hội để làm chứng về nguyên tắc này, hãy hỏi:

  • Việc học thánh thư hằng ngày đã củng cố các em chống lại cám dỗ vào lúc nào? (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Các lẽ thật này vô cùng quan trọng đến nỗi Cha Thiên Thượng đã cho Lê Hi lẫn Nê Phi thấy rõ ràng những khải tượng trong đó lời của Thượng Đế được tượng trưng như là một thanh sắt. Cả hai cha con đã học biết rằng việc nắm chặt lấy lời hướng dẫn chắc chắn, không lay chuyển, hoàn toàn đáng tin cậy này là cách thức duy nhất để tiếp tục ở trên con đường chật và hẹp dẫn đến Đấng Cứu Rỗi của chúng ta” (“Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 25).

Nhắc các học sinh nhớ rằng trong khải tượng của Lê Hi, những người bám chặt vào thanh sắt đều được dẫn dắt một cách an toàn xuyên qua đám sương mù tối đen, mà tượng trưng cho những cám dỗ của quỷ dữ (xin xem 1 Nê Phi 12:17).

Vắn tắt tóm lược 1 Nê Phi 15:26–29. Nói cho các học sinh biết rằng các anh của Nê Phi đã yêu cầu ông giải thích ý nghĩa của dòng sông mà cha của họ đã thấy trong khải tượng của ông. Ông đã giải thích rằng dòng sông tượng trưng cho một ngục giới gớm ghê được chuẩn bị cho kẻ tà ác, tách rời họ khỏi Thượng Đế và dân Ngài.

  • Nê Phi đã nhận biết điều gì về dòng sông mà cha của ông đã không thấy? (Nước trong dòng sông đó dơ bẩn).

Giải thích rằng trong 1 Nê Phi 15:33–36, Nê Phi giảng dạy về công lý của Thượng Đế và lý do tại sao kẻ tà ác sẽ bị tách ra khỏi người ngay chính. Mời vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 15:33–36.

  • Tại sao kẻ tà ác sẽ bị tách rời khỏi người ngay chính?

  • Việc biết được rằng không có người ô uế nào có thể được vào vương quốc của Thượng Đế đã giúp đỡ La Man và Lê Mu Ên như thế nào?

Khuyến khích các học sinh cân nhắc các nguyên tắc họ đã học được trong 1 Nê Phi 15 bằng cách im lặng suy ngẫm những câu hỏi sau đây:

  • Trong những phương diện nào các khải tượng của Lê Hi và Nê Phi cho thấy mối quan tâm của Thượng Đế đối với La Man và Lê Mu Ên? Trong những phương diện nào các khải tượng này cho thấy mối quan tâm của Thượng Đế đối với các em?

  • Các em có thể làm gì để áp dụng các nguyên tắc mà các em đã học được khi nghiên cứu chương này? (Các anh chị em có thể muốn mời các học sinh viết những câu trả lời cho câu hỏi này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ).

Cân nhắc việc kết thúc bài học này bằng cách đọc lại cho lớp học nghe 1 Nê Phi 15:25. Hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các phước lành nhận được khi chúng ta lưu tâm đến lời của Thượng Đế và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Hãy cam đoan với họ về tình yêu thương lớn lao mà Thượng Đế đã dành cho họ và Ngài sẽ ban phước cho họ trong các nỗ lực ngay chính của họ.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 15:12–13. Dân Do Thái và Dân Ngoại

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận ra ″dân Do Thái″ và ″dân Ngoại″ được nói tới trong 1 Nê Phi 15: “Cả Lê Hi lẫn Nê Phi chia tất cả mọi người thành hai nhóm, dân Do Thái và dân Ngoại. Dân Do Thái là dân tộc thuộc vương quốc Giu Đa hoặc con cháu của họ; tất cả những người khác được xem là dân Ngoại. Do đó, chúng ta là dân Ngoại của những người được nói tới trong câu thánh thư này [1 Nê Phi 15:13]; chúng ta là những người đã nhận được phúc âm trọn vẹn; và chúng ta sẽ mang phúc âm tới dân La Man, là những người Do Thái, vì tổ phụ của họ đến từ Giê Ru Sa Lem và từ vương quốc Giu Đa” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 556). Hãy lưu ý rằng dân La Man được xem như là dân Do Thái vì tổ tiên của họ đã đến từ xứ Giu Đa.

Anh Cả McConkie cũng nhận ra một cách cụ thể dân Ngoại là những người sẽ phụ giúp rất nhiều trong Thời Kỳ Phục Hồi: “Joseph Smith … là dân Ngoại mà qua bàn tay của ông Sách Mặc Môn đã ra đời, và các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô … là dân Ngoại, là những người mang sự cứu rỗi đến cho dân La Man và dân Do Thái” (The Millennial Messiah [1982], 233). Mặc dù Joseph Smith và những người khác, là những người cho ra đời Sách Mặc Môn, là một phần tử của gia tộc Y Sơ Ra Ên qua dòng dõi của họ, nhưng họ được xem là dân Ngoại vì họ không phải từ xứ Giu Đa.

1 Nê Phi 15:13–16. Sự Phục Hồi phúc âm ngày sau

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Thưa các anh chị em, các anh chị em có ý thức được điều chúng ta có không? Các anh chị em có nhận ra được vị trí của chúng ta trong lịch sử nhân loại đầy bi hùng không? Đây là trọng điểm của tất cả những gì đã xảy ra từ trước. Đây là thời kỳ phục hưng. Đây là những ngày phục hồi. Đây là thời gian mà loài người từ khắp thế gian đến ngọn núi của nhà Chúa để tìm kiếm và học biết đường lối của Ngài và bước đi trên những con đường của Ngài. Đây là thời tổng kết của tất cả các thế kỷ kể từ ngày Đấng Ky Tô giáng sinh cho đến ngày kỳ diệu hôm nay” (“Trên Tuyệt Đỉnh của Các Thời Đại,” Liahona, tháng Giêng năm 2000, 74).