Thư Viện
Bài Học 12: 1 Nê Phi 8


Bài Học 12

1 Nê Phi 8

Lời Giới Thiệu

Trong 1 Nê Phi 8, Lê Hi thuật lại khải tượng của ông về cây sự sống. Trong khải tượng đó, Lê Hi ăn trái cây tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế và các phước lành chúng ta có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lê Hi được cho thấy những nhóm người khác nhau. Một số người trở nên lạc lối và không đi đến bên cây ấy. Những người khác trở nên hổ thẹn sau khi ăn trái cây ấy và họ sa vào những lối cấm và lạc mất luôn. Những người khác bám chặt vào thanh sắt, ăn trái cây ấy và vẫn luôn chân thật và trung tín. Một nhóm khác chọn không tìm kiếm con đường dẫn đến bên cây sự sống.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 8:1–18

Lê Hi trải qua một khải tượng trong đó ông ăn trái cây sự sống và mời gia đình ông cũng làm như vậy

Mời các học sinh suy nghĩ về thời gian họ cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho họ. Yêu cầu họ im lặng cân nhắc về những sự lựa chọn của họ ảnh hưởng như thế nào đến việc họ gần gũi với Thượng Đế và khả năng của họ để cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Sau khi cho họ thời giờ để suy ngẫm, hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng Cha Thiên Thượng yêu thương mỗi người họ. Trong khi lớp học nghiên cứu 1 Nê Phi 8, hãy khuyến khích các học sinh tìm kiếm những điều họ có thể làm và những điều họ nên tránh nếu họ muốn đến gần Thượng Đế hơn và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài một cách dồi dào hơn trong cuộc sống của họ.

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 8:2. Yêu cầu lớp học nhận ra điều Lê Hi đã kinh nghiệm được ngay sau khi các con trai của ông trở lại từ Giê Ru Sa Lem với các bảng khắc bằng đồng. Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 8:5–12.

  • Khải tượng của Lê Hi chú trọng vào các vật nào? (Cây sự sống và trái của cây ấy).

  • Lê Hi sử dụng những từ và cụm từ nào để mô tả trái cây ấy? (Xin xem 1 Nê Phi 8:10–11; các anh chị em cũng có thể muốn các học sinh đọc 1 Nê Phi 11:8–9 để thấy cách Nê Phi mô tả cây ấy).

Giải thích rằng Chúa thường sử dụng những đồ vật quen thuộc làm các biểu tượng để giúp chúng ta hiểu các lẽ thật vĩnh cửu. Để giúp các học sinh nhận ra cây và trái cây trong giấc mộng của Lê Hi tượng trưng cho điều gì, hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe kỹ và nhận ra cây và trái cây tượng trưng cho điều gì.

Anh Cả  Neal A. Maxwell

“Cây sự sống là … tình thương yêu của Thượng Đế (xin xem 1 Nê Phi 11:25). Tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài đã được bày tỏ sâu sắc nhất trong việc Ngài ban Chúa Giê Su làm Đấng Cứu Chuộc của chúng ta: ‘Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài’ (Giăng 3:16). Dự phần vào tình yêu thương của Thượng Đế là dự phần vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su và sự giải phóng và niềm vui nhận được từ tình yêu thương của Thượng Đế” (“Lessons from Laman and Lemuel,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, 8).

  • Theo như Anh Cả Maxwell, cây sự sống tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế đã được cho chúng ta thấy đặc biệt qua ân tứ nào? (Giúp các học sinh hiểu rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là cách diễn đạt rõ nhất về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Khi những người trong khải tượng của Lê Hi ăn trái cây sự sống, điều đó có nghĩa là họ dự phần vào các phước lành của Sự Chuộc Tội).

  • Giải phóng có nghĩa là giải thoát hay tự do. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ và mang niềm vui đến cho chúng ta bằng cách nào?

Để giúp các học sinh nhận ra một trong số các nguyên tắc đã được minh họa trong 1 Nê Phi 8:10–12, hãy yêu cầu họ nhận ra trong 1 Nê Phi 8:11 những câu mô tả điều Lê Hi đã làm (“Cha liền bước đến hái một trái ăn”). Sau đó hãy yêu cầu họ tìm kiếm những kết quả của hành động của ông trong 1 Nê Phi 8:12 (“nó làm cho tâm hồn cha chan hòa một niềm hân hoan cực độ”). Các anh chị em cũng có thể muốn nêu lên với các học sinh rằng, trong 1 Nê Phi 8:10, Lê Hi đã mô tả trái cây đó “hấp dẫn, làm người ta cảm thấy vui sướng.” (Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh nên đánh dấu những cụm từ này trong thánh thư của họ).

  • Lê Hi đã trải qua những cảm nghĩ nào sau khi ăn trái cây đó?

  • Chúng ta có thể “dự phần” vào Sự Chuộc Tội bằng cách nào? (Qua tiến trình hối cải).

  • Tại sao việc dự phần vào Sự Chuộc Tội làm tâm hồn chúng ta “chan hòa một niềm hân hoan cực độ”?

Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng việc đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và dự phần vào Sự Chuộc Tội mang đến hạnh phúc và niềm vui. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).

  • Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã mang hạnh phúc và niềm vui đến cho cuộc sống của các em vào lúc nào? (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).

1 Nê Phi 8:19–35

Trong khải tượng của ông, Lê Hi thấy nhiều nhóm người khác nhau và sự thành công hay thất bại của họ trong việc đi đến bên cây sự sống

Giấc Mơ của Lê Hi

Hãy trưng ra hình Giấc Mơ của Lê Hi (62620; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 69), và nêu ra những biểu tượng của lớp học đã được thảo luận: cây và trái cây. Giải thích rằng trong khải tượng này, Chúa cũng sử dụng các biểu tượng khác để dạy cho Lê Hi cách đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và dự phần vào Sự Chuộc Tội của Ngài. Hỏi các học sinh xem họ thấy các biểu tượng nào khác trong hình. (Các câu trả lời có thể gồm có dòng sông, thanh sắt, đám sương mù tối đen, và tòa nhà rộng lớn vĩ đại).

Nhắc các học sinh nhớ rằng Chúa cũng cho Nê Phi thấy khải tượng đó. Về sau Nê Phi ghi lại những ý nghĩa của các biểu tượng và hình ảnh khác nhau này trong khải tượng đó (xin xem 1 Nê Phi 11, 12, và 15).

Chuẩn bị biểu đồ sau đây để làm một bản tài liệu phân phát, hoặc trưng bày nó lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu. (Chừa trống cột bên phải ngoại trừ các phần tham khảo thánh thư). Mời các học sinh sử dụng các phần tham khảo chéo đã được cung cấp để nhận ra lời chú thích của mỗi yếu tố trong khải tượng của Lê Hi. Cùng chung với lớp học ôn lại biểu tượng thứ nhất, cây có trái màu trắng. Yêu cầu các học sinh dành riêng ra một vài phút để nhận ra ý nghĩa của bốn biểu tượng còn lại. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ ghi chép những câu trả lời của họ trong thánh thư của họ cạnh bên các câu tương ứng trong 1 Nê Phi 8).

Biểu Tượng trong Khải Tượng của Lê Hi

Lời Giải Thích được Nê Phi Chia Sẻ

1 Nê Phi 8:10–12—Cây có trái màu trắng

1 Nê Phi 11:21–25 (Tình yêu thương của Thượng Đế; các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô)

1 Nê Phi 8:13—Dòng sông có nước dơ bẩn

1 Nê Phi 12:16; 15:26–29 (Tính dơ bẩn; đáy sâu của ngục giới)

1 Nê Phi 8:19—Thanh sắt

1 Nê Phi 11:25 (Lời của Thượng Đế)

1 Nê Phi 8:23—Sương mù tối đen

1 Nê Phi 12:17 (Những cám dỗ của quỷ dữ)

1 Nê Phi 8:26—Tòa nhà rộng lớn vĩ đại

1 Nê Phi 11:35–36; 12:18 (Tính kiêu ngạo và những ảo ảnh hão huyền của thế gian)

Mời các học sinh chia sẻ những lời giải thích mà họ đã khám phá ra. Để giúp họ thấy được tầm quan trọng của 1 Nê Phi 8 trong cuộc sống của họ, hãy yêu cầu các học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời lớp học lắng nghe lý do tại sao là điều quan trọng cho họ để nghiên cứu khải tượng của Lê Hi:

″Các anh chị em có thể nghĩ rằng giấc mơ hay khải tượng của Lê Hi không có ý nghĩa gì đặc biệt đối với các anh chị em nhưng thật ra là có đấy. Các anh chị em có ở trong khải tượng đó; tất cả chúng ta đều dự phần vào trong đó. …

″Giấc mơ hay khải tượng của Lê Hi … có tất cả những gì một Thánh Hữu Ngày Sau cần hiểu đối với thử thách của cuộc sống″ (″Finding Ourselves in Lehi’s Dream,” Ensign, tháng Tám năm 2010, 22).

Trong khi các học sinh nghiên cứu phần còn lại của khải tượng, hãy khuyến khích họ tìm kiếm những người nào trong khải tượng có thể tiêu biểu cho họ. Hãy cam đoan với họ rằng dù họ tự thấy mình ở vị trí nào trong khải tượng, mỗi người họ đều có quyền năng và khả năng để chọn hội đủ điều kiện cho các phước lành của Sự Chuộc Tội.

Chia các học sinh ra thành hai nhóm. Giải thích rằng mỗi nhóm sẽ tìm kiếm những điều khác nhau khi lớp học cùng nhau đọc 1 Nê Phi 8:21–33.

Yêu cầu nhóm 1 tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi sau đây. (Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng hoặc trên một tờ giấy phân phát).

  • Những người trong khải tượng của Lê Hi đã gặp những chướng ngại vật nào?

  • Những chướng ngại vật đó tượng trưng cho điều gì?

  • Ngày nay những chướng ngại vật đó có những hình thức nào?

  • Các em thấy các nguyên tắc nào trong các câu này?

Mời nhóm 2 tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi sau đây. (Trước khi lớp học bắt đầu, viết những câu hỏi này lên trên bảng hay trên một tờ giấy phân phát).

  • Điều gì đã giúp những người đi tới bên cây đó và ăn trái của nó?

  • Về các phương diện nào, một thanh sắt giống như lời của Thượng Đế?

  • Làm thế nào lời của Thượng Đế giúp chúng ta khắc phục những chướng ngại vật ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu?

  • Các em thấy các nguyên tắc nào trong các câu này?

Mời vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Nê Phi 8:21–33. Rồi mời các học sinh trong nhóm 1 chia sẻ những câu trả lời của họ cho những câu hỏi đã được chỉ định. Cũng yêu cầu họ chia sẻ các nguyên tắc họ thấy trong những câu này. Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu rằng tính kiêu ngạo, vật chất thế gian, và phục tùng những cám dỗ đều có thể ngăn giữ chúng ta nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội. Mời các học sinh suy ngẫm về những chướng ngại vật này có thể cản trở sự tiến triển thuộc linh của họ như thế nào.

Yêu cầu các học sinh trong nhóm 2 chia sẻ những câu trả lời của họ cho những câu hỏi mà họ đã được chỉ định. Sau khi thảo luận những sự hiểu biết sâu sắc của họ, hãy mời họ chia sẻ các nguyên tắc họ thấy trong 1 Nê Phi 8:21–33. Các nguyên tắc họ nhận ra có thể gồm có những điều sau đây:

Nếu chúng ta bám chặt vào lời của Thượng Đế, thì điều này sẽ giúp chúng ta khắc phục được cám dỗ và những ảnh hưởng của thế gian.

Việc bám chặt vào lời của Thượng Đế giúp chúng ta đến gần Chúa hơn và nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội.

  • Trong 1 Nê Phi 8:24 and 30, những lời nào mô tả nỗ lực của dân chúng để bám vào thanh sắt và đi tới bên cây đó?

  • Các em nghĩ ″cố sức tiến tới″ có nghĩa là gì?

  • Các em nghĩ bám chặt và tiếp tục giữ chặt lời của Thượng Đế có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể cần giải thích rằng trong 1 Nê Phi 8:30, từ chặt có nghĩa là gắn chắc chắn).

  • Tại sao chúng ta học thánh thư mỗi ngày?

Sau khi thảo luận những câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng trong khải tượng, một số người, như La Man và Lê Mu Ên, sẽ không ăn trái cây ấy (xin xem 1 Nê Phi 8:22–23, 35–38). Điều này tượng trưng cho việc họ từ chối hối cải và dự phần các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Một số người cảm thấy sa ngã mặc dù sau khi đã ăn trái cây ấy (xin xem 1 Nê Phi 8:25, 28). Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng sau khi chúng ta đã bắt đầu nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội, chúng ta cần phải chuyên cần và trung tín, hối cải tội lỗi của chúng ta và cố gắng tuân giữ các giao ước của mình. Khuyến khích các học sinh noi theo gương của những người ăn trái cây và vẫn ở lại bên cây đó (xin xem 1 Nê Phi 8:33).

Để giúp các học sinh thấy các nguyên tắc trong khải tượng của Lê Hi đã ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào, hãy mời họ trả lời cho một trong các câu hỏi sau đây trong sổ ghi chép trong lớp học hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

  • Lời của Thượng Đế đã hướng dẫn các em hoặc giúp các em khắc phục được cám dỗ, tính kiêu ngạo hoặc vật chất thế gian vào lúc nào?

  • Các em đã cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho các em khi các em đọc hoặc lắng nghe lời của Ngài vào lúc nào?

Mời một vài học sinh chia sẻ trách nhiệm của họ với lớp học.

Khuyến khích các học sinh hành động theo điều họ đã học được và cảm nhận trong khi học 1 Nê Phi 8 bằng cách đặt ra một mục tiêu thực tiễn để bắt đầu hay tiếp tục khai triển một thói quen học thánh thư riêng hằng ngày. Chia sẻ với các học sinh các phước lành đã đến với cuộc sống của các anh chị em qua việc học thánh thư thường xuyên.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 8

Khi đề cập đến khải tượng về cây sự sống, Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói: “Hình ảnh của Đấng Ky Tô và cây sự sống được liên kết chặt chẽ. Ngay vào phần đầu của Sách Mặc Môn … Đấng Ky Tô đã đươc mô tả là nguồn sống và niềm vui vĩnh cửu, bằng chứng sống về tình yêu thương thiêng liêng, và phương tiện nhờ đó Thượng Đế sẽ làm tròn giao ước của Ngài với gia tộc Y Sơ Ra Ên và quả thật toàn thể gia đình nhân loại, mang lại cho họ tất cả những lời hứa vĩnh cửu của họ” (Christ and the New Covenant [1997], 160, 162).

1 Nê Phi 8:4-35

Biểu đồ sau đây đưa ra thêm chi tiết về điều Nê Phi đã học biết được từ khải tượng về cây sự sống:

Biểu tượng từ Khải Tượng của Lê Hi (1 Nê Phi 8)

Lời Giải Thích Ban Cho Nê Phi (1 Nê Phi 11–12)

1 Nê Phi 8:10–12—Cây có trái màu trắng

1 Nê Phi 11:21–25 (Tình yêu thương của Thượng Đế; các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô)

1 Nê Phi 8:13—Dòng sông có nước dơ bẩn

1 Nê Phi 12:16 (Tình trạng dơ bẩn; đáy sâu của ngục giới)

1 Nê Phi 8:19—Thanh sắt

1 Nê Phi 11:25 (Lời của Thượng Đế)

1 Nê Phi 8:23—Sương mù tối đen

1 Nê Phi 12:17 (Những cám dỗ của quỷ dữ)

1 Nê Phi 8:26—Tòa nhà rộng lớn vĩ đại

1 Nê Phi 11:35–36; 12:18 (Tính kiêu ngạo và những ảo ảnh hão huyền của thế gian)

1 Nê Phi 8:21–23—Những người bắt đầu trên con đường dẫn đến bên cây nhưng bị lạc mất trong đám sương mù

Nê Phi thấy những loại người sau đây trong khải tượng của ông:

  • 1 Nê Phi 11:28 (Đám đông đã nghe Chúa Giê Su giảng dạy nhưng “xua đuổi Ngài ra khỏi bọn họ”)

  • 1 Nê Phi 11:31–33 (Những người đóng đinh Chúa Giê Su ngay cả sau khi Ngài đã chữa lành người bệnh và đuổi quỷ)

  • 1 Nephi 11:34–36 (Đám đông quy tụ lại với nhau trong một tòa nhà rộng lớn vĩ đại để chiến đấu chống lại mười hai vị sứ đồ của Chiên Con)

  • 1 Nê Phi 12:1–3, 13–15 (Dân Nê Phi và dân La Man quy tụ lại để gây chiến với nhau và tàn sát trong chiến tranh)

  • 1 Nephi 12:19–23 (Vì kiêu ngạo nên dân Nê Phi bị dân La Man hủy diệt; và dân La Man sa vào vòng vô tín ngưỡng)

1 Nê Phi 8:24–25, 28—Những người tới được bên cây đó (và ăn trái cây) bằng cách bám vào thanh sắt nhưng sa ngã khi họ bị những người ở trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại chế nhạo

1 Nê Phi 8:26–27, 31–33—Những người mong muốn đến tòa nhà rộng lớn vĩ đại hơn là họ mong muốn cây đó và trái của cây ấy

1 Nê Phi 8:30, 33—Những người bám vào thanh sắt, ăn trái cây đó và không sa ngã

1 Nê Phi 15:24, 36 (Những người bám chặt vào lời nói của Thượng Đế, chống lại những cám dỗ của kẻ nghịch thù, và dự phần vào ân tứ lớn lao nhất trong tất cả các ân tứ của Thượng Đế)

1 Nê Phi 8:19. Các phước lành của việc bám chặt vào lời của Thượng Đế

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy về các phước lành đến từ việc bám chặt vào lời của Thượng Đế:

“[Lê Hi] thấy rằng nếu con người chịu bám chặt vào thanh sắt thì họ có thể tránh được dòng sông dơ bẩn, tránh xa những lối cấm, ngừng lang thang trong những con đường xa lạ dẫn đến sự hủy diệt. Không những lời của của Thượng Đế dẫn chúng ta đến trái cây, hấp dẫn hơn hết thảy mọi trái khác, mà còn trong lời của Thượng Đế và qua lời này chúng ta có thể tìm ra quyền năng để chống lại cám dỗ, quyền năng để phá hủy công việc của Sa Tan và các quỷ sứ của nó. … Lời của Thượng Đế, như được tìm thấy trong thánh thư, trong lời của các vị tiên tri tại thế, và trong điều mặc khải cá nhân, có quyền năng để củng cố Các Thánh Hữu và trang bị cho họ với Thánh Linh để họ có thể chống lại điều tà ác, bám chặt vào điều tốt lành, và tìm ra niềm vui trong cuộc sống này” Ensign, tháng Năm năm 1986, 80.)

1 Nê Phi 8:26–27. ″Tòa nhà rộng lớn vĩ đại”

Tòa nhà rộng lớn vĩ đại tương phản với cây sự sống, tòa nhà đó tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh Cả Glenn L. Pace thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đối chiếu những tiêu chuẩn của Thượng Đế với hành vi của những người ở trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại:

″Đối với các anh chị em nào đi lần lần đến tòa nhà rộng lớn vĩ đại đó, thì tôi xin nói rõ ràng hoàn toàn rằng những người ở trong tòa nhà đó dứt khoát không có điều gì để cho ngoại trừ sự hài lòng tức thời, tạm bợ liên kết chắc chắn với nỗi buồn phiền và đau khổ lâu dài. Các lệnh truyền các anh chị em tuân thủ không phải do một Thượng Đế vô cảm ban cho để ngăn cản các anh chị em không cho vui thú, mà do Cha Thiên Thượng ban cho là Đấng muốn các anh chị em được hạnh phúc trong khi các anh chị em đang sống trên thế gian này cũng như trong cuộc sống mai sau” (“They’re Not Really Happy,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 40).