Bài Học 91
An Ma 33
Lời Giới Thiệu
Một nhóm dân Gia Rôm muốn biết cách noi theo lời dạy của An Ma để gieo lời của Thượng Đế vào lòng họ và thực hành đức tin. Bằng cách sử dụng thánh thư, An Ma dạy dân chúng về sự thờ phượng, cầu nguyện, và lòng thương xót chúng ta có thể nhận được từ Thượng Đế nhờ vào Đấng Cứu Rỗi. Ông khuyến khích dân chúng tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và tin vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.
Xin lưu ý: Bài Học 94 cung cấp một cơ hội cho ba học sinh để dạy. Các anh chị em có thể muốn chọn ra ba học sinh bây giờ và cung cấp cho họ những bản sao của các phần đã được chỉ định của bài học 94 để họ có thể chuẩn bị. Khuyến khích họ thành tâm nghiên cứu tài liệu học và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để họ sẽ biết cách thích ứng bài học với nhu cầu của các bạn học cùng lớp.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma 33
An Ma giảng dạy những người dân Gia Rôm bắt đầu tin vào Chúa Giê Su Ky Tô
Viết từ thực hành lên trên bảng.
-
Thực hành (tập) một điều gì đó có nghĩa là gì? (Khi học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể yêu cầu một học sinh cho thấy cách tập (thể dục) cánh tay của mình, có lẽ bằng cách hít đất, hoặc bằng đôi chân của mình, có lẽ bằng cách chạy tại chỗ).
Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 33:1 cùng nhận ra cách thực hành mà dân Gia Rôm muốn hiểu. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy viết câu hỏi sau đây lên trên bảng: Chúng ta thực hành đức tin như thế nào? Mời các học sinh tìm kiếm ít nhất ba câu trả lời cho câu hỏi này khi họ nghiên cứu và thảo luận An Ma 33.
Giải thích rằng khi An Ma bắt đầu trả lời câu hỏi của dân Gia Rôm về cách thực hành đức tin thì ông đã sửa chỉnh một ý nghĩ sai lạc mà họ có về sự thờ phượng. Mời một học sinh đọc to An Ma 33:2. Yêu cầu lớp học nhận ra ý nghĩ sai lạc của dân Gia Rôm về việc thờ phượng Thượng Đế.
-
Tại sao những người dân Gia Rôm này nghĩ rằng họ không thể thờ phượng Thượng Đế? (Vì họ không được phép vào nhà hội của họ).
Yêu cầu học sinh tóm lược điều họ đã học được trong An Ma 31 về hình thức thờ phượng của dân Gia Rôm. (Xin xem An Ma 31:22–23. (Dân Gia Rôm dâng lên cùng một lời cầu nguyện mỗi tuần một lần trong nhà hội, và họ không bao giờ nói về Thượng Đế nữa trong thời gian còn lại của tuần đó).
-
Tại sao việc tham dự Giáo Hội là một phần quan trọng của sự thờ phượng của chúng ta? Một số cách nào chúng ta có thể thờ phượng Thượng Đế ngoài việc tham dự các buổi họp hàng tuần của Giáo Hội?
Giải thích rằng An Ma đã trích dẫn những lời dạy của một vị tiên tri tên là Giê Nốt để sửa chỉnh những ý nghĩ sai lạc của dân Gia Rôm về sự thờ phượng Thượng Đế. Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 33:3 cùng tìm kiếm từ mà An Ma đã sử dụng xen kẽ với từ thờ phượng. (Từ này là cầu nguyện).
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 33:4–10 cùng nhận ra mỗi tình huống mà trong đó Giê Nốt nói là ông cầu nguyện.
-
Giê Nốt đã cầu nguyện vào lúc nào và ở đâu?
-
An Ma đã dạy điều gì về sự thờ phượng khi ông trích dẫn lời của Giê Nốt? (Giúp học sinh nhận ra lẽ thật sau đây: Chúng ta có thể liên tục thờ phượng Thượng Đế qua lời cầu nguyện).
Chỉ đến câu hỏi ở trên bảng: Chúng ta thực hành đức tin bằng cách nào? Hãy viết Phải cầu nguyện luôn luôn.
-
Trong những phương diện nào sự cầu nguyện là một sự thực hành đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Có khi nào các em đã cầu nguyện trong một tình huống giống như những người mà Giê Nốt đã đề cập đến không? Lời cầu nguyện của các em đã được đáp ứng như thế nào? (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).
Mời học sinh im lặng xem lại An Ma 33:4–5, 8–9. Yêu cầu họ tìm kiếm các cụm từ đề cập đến lòng thương xót của Thượng Đế (chẳng hạn như “Ngài thật đầy lòng thương xót” và “Ngài đã thương xót”).
Để giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và lòng thương xót của Cha Thiên Thượng, hãy mời một học sinh đọc to An Ma 33:11–16. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm một cụm từ được thấy bốn lần trong các câu này. (Cụm từ này là “vì Vị Nam Tử của Ngài.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm cụm từ này).
-
Các em nghĩ Giê Nốt có ý nói gì khi ông nói: “Ngài đã cất bỏ những sự đoán phạt của Ngài khỏi con, cũng vì Vị Nam Tử của Ngài”? (Giúp học sinh nhận ra lẽ thật sau đây: Chúng ta nhận được lòng thương xót của Cha Thiên Thượng, kể cả sự tha thứ tội lỗi của chúng ta, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể muốn mời học sinh viết lẽ thật này trong thánh thư của họ gần bên An Ma 33:11–16).
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về lòng thương xót chúng ta có thể nhận được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cân nhắc việc chia sẻ câu chuyện sau đây được Chủ Tịch Gordon B. Hinckley trích dẫn:
“Giáo viên nói: ‘Chào các em trai, chúng ta đến lúc học rồi.’ Chúng hét to lên và lớn tiếng chế nhạo. ‘Nào, tôi muốn có một trường học tốt, nhưng tôi thú nhận rằng tôi không biết cách làm thế nào, trừ khi các em giúp đỡ tôi. Chúng ta có một vài luật lệ nhé. Các em hãy cho tôi biết, và tôi sẽ viết lên trên bảng.’
“Một đứa hét lên: “Không ăn cắp!’ Một đứa khác hét lên: ‘Đi học đúng giờ.’ Cuối cùng, mười luật lệ xuất hiện trên bảng đen.
“Giáo viên nói: ‘Này, một luật lệ sẽ không hữu hiệu trừ khi có một hình phạt kèm theo. Chúng ta sẽ làm gì nếu một người vi phạm luật lệ?’
“Cả lớp học đáp: ‘Đánh vào mông mười lần mà không cho mặc áo khoác.’
“‘Các em trai ơi, điều đó khá khắt khe đó. Các em có chắc là mình sẵn sàng thi hành theo không?’ Một đứa khác hét lên: ‘Em ủng hộ quyết định đó,’ và giáo sinh nói: ‘Được rồi, chúng ta sẽ tuân theo quyết định đó! Thôi lớp học hãy trở lại trật tự đi!’
“Khoảng một ngày sau, ‘Tom Cồ’ nhận thấy rằng túi đồ ăn trưa của mình đã bị đánh cắp. Người ta tìm ra kẻ cắp—đó là một học sinh khoảng mười tuổi bụng đói. ‘Chúng ta đã tìm ra kẻ cắp và nó phải bị trừng phạt theo luật lệ của các em—mười roi đánh vào mông. Jim, hãy lên đây!’ giáo viên nói thế.
“Đứa bé run rẩy chậm chạp đi lên với một chiếc áo khoác to đùng kéo lên tận cổ và nó nài xin: ‘Thưa thầy, thầy có thể đánh em mạnh tới chừng nào cũng được, nhưng xin đừng cởi áo em ra!’
Giáo viên nói: “‘Hãy cởi áo em ra.’ ‘Em đã giúp lập ra luật lệ này!’
“‘Ôi thầy ơi, xin đừng bắt em phải cởi áo ra!’ Đứa bé bắt đầu mở nút áo, và giáo viên đã thấy gì? Đứa bé không có mặc áo sơ mi, và cho thấy một thân thể xương xẩu khẳng khiu.
“‘Làm thế nào tôi có thể quất roi đứa bé này đây?’ Giáo viên nghĩ như thế. ‘Nhưng tôi phải làm thôi, tôi phải làm một điều gì đó nếu tôi muốn giữ cho trường học được trật tự.’ Mọi thứ đều im lặng như tờ.
“‘Tại sao em không mặc áo sơ mi, hở Jim?’
“Nó đáp: ‘Cha em qua đời và mẹ em rất nghèo. Em chỉ có một cái áo sơ mi và mẹ em đã giặt ngày hôm nay, và em mặc cái áo khoác to của anh trai em để giữ cho em ấm.’
“Giáo viên, với cây roi trong tay, lưỡng lự. Ngay lúc đó thì ‘Tom Cồ’ nhảy dựng lên và nói: ‘Thưa thầy, nếu thầy không phản đối, thì em sẽ chịu nhận đòn cho nó ạ.”
“‘Tốt lắm, có một luật nào đó quy định rằng một người có thể trở thành người thay thế cho người khác. Các em đều đồng ý cả chứ?”
“Tom cởi áo ra, và sau năm roi thì cây roi bị gãy! Giáo viên ôm lấy đầu mình và nghĩ: ‘Làm thế nào tôi có thể hoàn tất nhiệm vụ khủng khiếp này?’ Sau đó, ông nghe tiếng thổn thức trong lớp, và ông đã thấy gì? Bé Jim đã nhón người lên và quàng hai tay lên quanh cổ của Tom. ‘Tom, tôi xin lỗi đã lấy trộm đồ ăn trưa của bạn, nhưng tôi đói khủng khiếp. Tom, tôi sẽ yêu thương bạn cho đến khi tôi chết vì bạn đã nhận đòn thay cho tôi! Vâng, tôi sẽ yêu thương bạn mãi mãi!’” [Tác giả không rõ.]
Sau khi trích câu chuyện này, Chủ Tịch Hinckley nói: “Để sử dụng một cụm từ từ câu chuyện đơn giản này, Chúa Giê Su, Đấng Cứu Chuộc của tôi, đã ‘nhận đòn thay cho tôi’ và nhận đòn thay cho các anh chị em” (“The Wondrous and True Story of Christmas,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2000, 4).
-
Câu chuyện này liên quan như thế nào đến những lời dạy của An Ma về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi? (Nếu cần, hãy giải thích rằng sự sẵn lòng của Tom để “nhận đòn thay cho Jim” tượng trưng cho Sự Chuộc Tội. Đấng Cứu Rỗi đã nhận lấy hình phạt cho tội lỗi của chúng ta để chúng ta sẽ không phải chịu đựng hình phạt đó nếu chúng ta hối cải).
Giải thích rằng sau khi trích dẫn những lời của Giê Nốt, An Ma trích dẫn những lời của Giê Nốc là một vị tiên tri khác. Đọc to An Ma 33:15–16 cho học sinh nghe. Nhấn mạnh việc Cha Thiên Thượng không hài lòng khi người ta từ chối không hiểu điều mà Vị Nam Tử đã làm cho họ.
Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 33:12–14 cùng tìm kiếm nguồn tài liệu mà An Ma đã sử dụng khi chia sẻ những lời dạy này.
-
Tại sao An Ma quen thuộc với những lời nói của Giê Nốt và Giê Nốc? (Vì những lời đó nằm trong thánh thư. Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng những lời nói của An Ma trong các câu 12 và 14 cho thấy rằng dân Gia Rôm cũng có đọc các thánh thư này. Nhấn mạnh rằng thánh thư làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô).
Ở bên dưới câu hỏi trên bảng, hãy viết Học tập và tin tưởng thánh thư.
Hãy nêu ra rằng An Ma nhắc đến một câu chuyện khác trong thánh thư để giúp dân Gia Rôm phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Trưng bày hình Môi Se và Con Rắn bằng Đồng (62202; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 16). Tóm lược câu chuyện này bằng cách giải thích rằng khi Môi Se dẫn dân Y Sơ Ra Ên vào vùng hoang dã, nhiều người đã bắt đầu nổi dậy chống lại ông và Chúa. Để đối phó với sự bất tuân này, Chúa đã sai rắn độc cắn dân chúng. Dân chúng tìm đến Môi Se để được giúp đỡ. Môi Se đã cầu nguyện và được chỉ dẫn phải làm một con rắn ở trên một cây sào để cho dân chúng nhìn lên. Ông tuân theo, làm một con rắn bằng đồng. (Xin xem Dân Số Ký 21:4–9). Yêu cầu học sinh đọc to An Ma 33:19–20. Mời lớp học nhận ra điều đã xảy ra với những người nhìn vào con rắn bằng đồng và điều đã xảy ra cho những người chọn không nhìn.
-
Theo An Ma 33:20, tại sao nhiều người đã chọn không nhìn?
Yêu cầu học sinh suy ngẫm xem họ sẽ chọn để nhìn nếu họ ở trong tình huống đó không.
Trưng bày hình Chúa Bị Đóng Đinh (62505; Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 57). Giải thích rằng con rắn bằng đồng trên cây sào là một “biểu tượng” (An Ma 33:19). Nói cách khác, đó là một biểu tượng về điều gì đó sắp xảy ra trong tương lai. Đó là biểu tượng về việc Chúa Giê Su Ky Tô bị treo trên thập tự giá (xin xem Giăng 3:14).
Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 33:21–23 cùng tìm kiếm cách An Ma so sánh câu chuyện này với dân Gia Rôm. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã khám phá ra, hãy chỉ đến câu hỏi ở trên bảng một lần nữa: Làm thế nào chúng ta có thể thực hành đức tin?
-
Câu chuyện về dân Y Sơ Ra Ên và con rắn bằng đồng có thể dạy gì về điều chúng ta cần phải làm để được chữa lành phần thuộc linh?
-
An Ma 33:22–23 trả lời câu hỏi này như thế nào? (Học sinh cần nhận ra lẽ thật sau đây: Chúng ta thực hành đức tin bằng cách chọn để tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài).
Ở bên dưới câu hỏi trên bảng, hãy viết Tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
-
Các em thấy những hành động hoặc thái độ nào ở những người tin vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?
Để nhấn mạnh rằng sự tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một sự lựa chọn của chúng ta, hãy hướng sự chú ý của học sinh đến cụm từ sau đây trong An Ma 33:23: “Và tất cả những điều này các người đều có thể làm được nếu các người muốn.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm cụm từ này.
Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng, và cân nhắc việc khuyến khích học sinh viết trong thánh thư của họ. (Lời phát biểu này được tìm thấy trong bài “Cầu vấn Chúa” [bài nói chuyện cùng các nhà sư phạm tôn giáo HTGDCGH, ngày 2 tháng Hai năm 2001], 1, si.lds.org.)
Yêu cầu học sinh trả lời cho một trong những câu hỏi sau đây trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. (Các anh chị em có thể muốn viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu, hãy chuẩn bị một tờ giấy phát tay với các câu hỏi, hoặc đọc các câu hỏi chầm chậm để học sinh có thể viết xuống).
-
Sự lựa chọn của các em để tin vào Đấng Cứu Rỗi đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của các em?
-
Việc học hỏi thánh thư riêng cá nhân đã củng cố đức tin của các em như thế nào nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Sự cầu nguyện và thờ phượng riêng cá nhân hàng ngày đã củng cố đức tin của các em như thế nào nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Các em cảm thấy Cha Thiên Thượng muốn các em phải làm gì để thực hành đức tin lớn hơn?
Mời một vài học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ. Làm chứng về tầm quan trọng của việc chọn để tin nơi Đấng Cứu Rỗi.