Thư Viện
Bài Học 95: An Ma 38


Bài Học 95

An Ma 38

Lời Giới Thiệu

Síp Lân đã phục vụ với cha mình, An Ma, với tư cách là một người truyền giáo ở giữa dân Giô Ram (xin xem An Ma 31:7). Sau công việc truyền giáo này, An Ma đã bày tỏ niềm vui trong sự kiên định và lòng trung tín mà Síp Lân đã cho thấy trong khi chịu đựng sự ngược đãi. An Ma cũng làm chứng với Síp Lân về quyền năng giải thoát của Đấng Cứu Rỗi và đưa ra lời khuyên dạy về các nỗ lực liên tục của Síp Lân để giảng dạy phúc âm.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 38:1–3

An Ma bày tỏ niềm vui về lòng trung tín của Síp Lân

Nếu các anh chị em đã mời học sinh làm sinh hoạt áp dụng mang về nhà ở cuối bài học trước, hãy nhắc nhở họ về hai câu hỏi mà các anh chị em đã mời họ hỏi cha mẹ họ hoặc một người lớn đáng tin cậy:

  • Sự tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế đã giúp đỡ anh/chị (cô/bác) như thế nào?

  • Anh/chị (cô/bác) có lời khuyên nào dành cho tôi mà có thể giúp tôi được khôn ngoan hơn khi còn trẻ không?

Yêu cầu học sinh báo cáo về những kinh nghiệm của họ với sinh hoạt này. Sau khi học sinh đã chia sẻ rồi, hãy hỏi:

  • Kinh nghiệm này ảnh hưởng đến ước muốn của các em như thế nào để tuân giữ các lệnh truyền của Chúa?

Giải thích rằng An Ma 38 ghi chép lời khuyên dạy mà An Ma đã đưa ra cho con trai Síp Lân của ông. Mời một học sinh đọc to An Ma 38:1–3. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các cụm từ mô tả An Ma đã cảm thấy như thế nào về Síp Lân và tại sao. Mời học sinh báo cáo điều họ tìm ra.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ An Ma 38:2–3 về ảnh hưởng mà con cái ngay chính có thể có đối với cha mẹ của họ? (Các câu trả lời của học sinh có thể khác nhau. Hãy chắc chắn là họ nhận ra lẽ thật rằng khi giới trẻ luôn kiên định và trung thành trong việc tuân giữ các lệnh truyền, thì họ có thể mang lại niềm vui lớn lao cho cha mẹ của họ.

  • Có khi nào cha mẹ của các em cảm thấy niềm vui vì một quyết định tốt mà các em đã đưa ra hoặc vì các nỗ lực của các em để sống theo phúc âm không?

  • Các nỗ lực của các em để tuân giữ các lệnh truyền ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của các em với cha mẹ của mình?

Các anh chị em có thể muốn chia sẻ một ví dụ về gia đình của mình đã được ảnh hưởng như thế nào bởi những lựa chọn ngay chính của con cái trong gia đình.

An Ma 38:4–9

An Ma làm chứng về quyền năng giải thoát của Đấng Cứu Rỗi

Giải thích rằng An Ma đã nhắc nhở Síp Lân rằng cả hai người họ đều đã cảm nhận được quyền năng giải thoát của Đấng Cứu Rỗi. Chuẩn bị biểu đồ sau đây làm tờ giấy phát tay, hoặc trưng nó lên trên bảng và yêu cầu học sinh chép lại sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Síp Lân (An Ma 38:4–5)

An Ma (An Ma 38:6–8)

Ông đã được giải thoát khỏi điều gì?

Tại sao ông đã nhận được phước lành của sự giải thoát?

Chúng ta có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của ông?

Lớp học cùng nhau hoàn tất biểu đồ, hoặc chỉ định học sinh hoàn tất theo từng cặp. Yêu cầu học sinh tham khảo các đoạn thánh thư được liệt kê trên biểu đồ khi họ trả lời câu hỏi. Khuyến khích họ kết hợp điều họ đã biết về việc Chúa giải thoát Síp Lân (xin xem An Ma 38:2–3) và An Ma (xin xem Mô Si A 27; An Ma 36). Sau khi học sinh hoàn tất biểu đồ, hãy hỏi những câu hỏi sau đây để giúp họ thảo luận các nguyên tắc mà họ đã học được:

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của Síp Lân? (Học sinh có thể nhận ra các nguyên tắc khác nhau. Hãy chắc chắn rằng họ nhận ra lẽ thật sau đây: Nếu chúng ta chịu đựng tất cả mọi điều với lòng kiên nhẫn và tin cậy Thượng Đế, thì Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi các thử thách, khó khăn, và khổ não cùng nâng chúng ta lên vào ngày cuối cùng).

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của An Ma? (Mặc dù học sinh có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau, nhưng hãy chắc chắn là họ bày tỏ rằng để nhận được sự xá miễn các tội lỗi và tìm kiếm sự bình an cho linh hồn của chúng ta, chúng ta phải thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tìm kiếm lòng thương xót của Ngài.

Mời một học sinh đọc to An Ma 38:9. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều An Ma muốn con trai mình học hỏi về Đấng Cứu Rỗi.

  • Tại sao là điều quan trọng để chúng ta biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là ″cách thức hoặc phương tiện duy nhất mà qua đó [chúng ta] có thể được cứu rỗi”?

  • Về những phương diện nào các em đã cảm nhận được sự giải thoát nhờ vào quyền năng của Đấng Cứu Rỗi? (Các anh chị em có thể muốn cho học sinh thời gian để suy ngẫm câu hỏi này trước khi yêu cầu họ trả lời). Các em đã làm gì để tìm kiếm sự giải thoát đó?

Cho học sinh thời gian để suy ngẫm cách họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa với một thử thách cá nhân.

An Ma 38:10–15

An Ma khuyên bảo Síp Lân phải tiếp tục giảng dạy phúc âm và phát triển các thuộc tính ngay chính

Giải thích rằng An Ma đã khuyến khích Síp Lân nên phát triển những đức tính mà sẽ giúp ông khi ông tiếp tục giảng dạy phúc âm và phục vụ những người khác. Lời khuyên dạy của An Ma cho Síp Lân có thể áp dụng cho bất cứ ai muốn phục vụ, giảng dạy, hoặc ảnh hưởng tốt đến những người khác. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 38:10–15 cùng tìm kiếm lời khuyên dạy mà sẽ đặc biệt hữu ích đối với họ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm điều họ tìm thấy.

Đưa cho học sinh một quyển sách hướng dẫn học tập ở phần cuối của bài học này. Giải thích rằng khi họ sử dụng sách hướng dẫn này, họ sẽ thấy cách những nỗ lực của chúng ta để phát triển các thuộc tính ngay chính chuẩn bị cho chúng ta để giảng dạy và phục vụ người khác. Mời họ chọn một phần lời khuyên dạy của An Ma ở cột bên trái của sách hướng dẫn và hoàn tất sinh hoạt học tập tương ứng ở cột bên phải. (Nếu các anh chị em không thể sao chụp quyển sách hướng dẫn học tập, thì hãy làm cho sinh hoạt được thích nghi bằng cách hướng dẫn một cuộc thảo luận trong lớp và sử dụng thông tin trong sách hướng dẫn học tập với tính cách là một nguồn tài liệu).

Khi học sinh đã có đủ thời gian để hoàn tất một trong các sinh hoạt học tập trong sách hướng dẫn học tập, hãy cân nhắc việc yêu cầu vài người trong số họ chia sẻ điều họ đã học được từ sinh hoạt này và cách họ hoạch định để áp dụng. Nếu các anh chị em đã đưa cho học sinh quyển hướng dẫn học tập, hãy khuyến khích họ mang sách đó về nhà và học hỏi thêm về lời dạy của An Ma cho Síp Lân.

Sách Hướng Dẫn Học Tập cho An Ma 38:10–12

Xem xét các phần khác nhau của lời khuyên dạy của An Ma được liệt kê ở dưới đây, và chọn một phần mà các em muốn cải thiện. Hoàn tất sinh hoạt học tập tương ứng để giúp các em áp dụng lời khuyên dạy này trong cuộc sống của các em.

Lời Khuyên Dạy của An Ma

Các Sinh Hoạt Học Tập

Hãy“chuyên tâm và ôn hòa trong mọi việc” (An Ma 38:10).

Sự chuyên tâm là nỗ lực kiên định, cẩn thận, và tận tâm. Ôn hòa là “sử dụng sự điều độ trong mọi sự việc và sử dụng sự tự chủ” (Kent D. Watson, “Ôn Hòa trong Mọi Sự Việc,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 38). Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về lý do tại sao hai đặc tính này là cần thiết khi một người dạy phúc âm và phục vụ người khác. Cũng viết về bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống của các em mà trong đó các em có thể chuyên tâm hoặc ôn hòa hơn và làm thế nào việc cải thiện những lĩnh vực đó sẽ giúp các em giảng dạy và phục vụ người khác một cách hiệu quả hơn.

“Hãy lưu ý đừng dương dương tự đắc; … đừng khoe khoang” (An Ma 38:11).

Một khía cạnh của tính kiêu ngạo là sự tin cậy nhiều nơi bản thân mình hơn nơi Thượng Đế. Tính kiêu ngạo cũng là hiển nhiên khi một người nghĩ rằng mình tốt hơn hoặc quan trọng hơn những người khác. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về điều gì có thể xảy ra nếu một tín hữu Giáo Hội kiêu ngạo trong chức vụ kêu gọi của mình. Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Các môn đồ chân chính nói với sự tin tưởng dịu dàng, không phải tính kiêu ngạo khoác lác” (“Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 73). Hãy nghĩ về một người nào đó các em quen biết đã giảng dạy phúc âm “với sự tin tưởng dịu dàng.” Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về người ấy và về sự giảng dạy của người ấy đã có ảnh hưởng gì đối với các em. Cũng viết một hoặc hai cách các em sẽ tìm kiếm để tránh tính kiêu ngạo.

“Hãy tỏ lòng can đảm nhưng đừng hống hách” (An Ma 38:12).

Đọc những lời của Sứ Đồ Phao Lô trong Phi Líp 1:14 (trong Kinh Tân Ước) để xem các tôi tớ của Thượng Đế có thể cho thấy lòng can đảm như thế nào. Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy cách chúng ta có thể tránh được tính hống hách: “Tôi không tin rằng chúng ta cần phải … lớn tiếng, huênh hoang, hay vô cảm trong cách tiếp cận của chúng ta [với công việc truyền giáo]” (trong James P. Bell, In the Strength of the Lord: The Life and Teachings of James E. Faust [1999], 373). Trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em, hãy viết về cách một người có thể can đảm nhưng không hống hách. Ghi lại một cách cụ thể các em sẽ áp dụng lời khuyên dạy phải can đảm nhưng không hống hách. Cũng hãy viết về lời khuyên dạy này có thể giúp các em thành công trong việc giảng dạy và phục vụ người khác như thế nào.

“Hãy kiềm chế mọi dục vọng của mình” (An Ma 38:12).

Kiềm chế có nghĩa là dằn lại, hướng dẫn, hoặc kiểm soát. Một dục vọng là một cảm xúc mạnh mẽ. Suy ngẫm về những câu hỏi sau đây, và viết câu trả lời của các em trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để chúng ta phải kiềm chế những dục vọng của mình? Các em nghĩ kiềm chế những dục vọng của mình có thể giúp các em tràn đầy tình yêu thương như thế nào? Các em sẽ làm gì để noi theo lời khuyên dạy của An Ma phải kiềm chế mọi dục vọng của các em?

“Đừng để trở nên biếng nhác” (An Ma 38:12).

Hãy xem lại các đoạn thánh thư được liệt kê trong bảng mục lục cho bộ ba quyển thánh thư tổng hợp dưới phần “Sự Biếng Nhác, Biếng Nhác, Biếng Nhác Hơn.” Tìm kiếm lời khuyên dạy về ý nghĩa của sự biếng nhác và về sự phản nghĩa của sự biếng nhác. Chọn hai câu được liệt kê dưới mục từ và nghiên cứu các câu đó. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về điều các em học được từ những câu mình đã chọn. Hãy viết về làm thế nào lời khuyên dạy phải tránh sự biếng nhác sẽ giúp các em giảng dạy và phục vụ người khác một cách hiệu quả hơn. Cuối cùng, hãy viết một cách cụ thể các em sẽ tránh biếng nhác.