Thư Viện
Bài Học 98: An Ma 41


Bài Học 98

An Ma 41

Lời Giới Thiệu

Khi tiếp tục khuyên dạy con trai Cô Ri An Tôn của mình, An Ma dạy rằng kế hoạch phục hồi gồm có không những là sự phục sinh của thể xác mà còn là sự phục hồi linh hồn mà trong đó trạng thái vĩnh cửu của chúng ta phản ảnh những hành động và ước muốn trên trần thế của chúng ta. An Ma nhấn mạnh rằng sự tà ác không bao giờ có thể dẫn đến hạnh phúc.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 41

An Ma giảng dạy Cô Ri An Tôn về kế hoạch phục hồi

Yêu cầu lớp học suy xét các hành động của một người có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu họ tin vào những lời phát biểu sau đây (tạm ngừng sau mỗi mục để cho phép học sinh trả lời):

Không có cuộc sống sau khi chết.

Sau khi chết, chúng ta sẽ được làm cho hoàn hảo bất kể những việc làm của chúng ta trên thế gian.

Trong Sự Phán Xét Cuối Cùng, chúng ta sẽ được tưởng thưởng cho những việc làm tốt lành của mình và bị trừng phạt vì những hành động xấu của mình.

  • Tại sao là điều quan trọng để có được một sự hiểu biết đúng đắn về điều sẽ xảy ra với chúng ta sau khi chết?

Nhắc nhở học sinh rằng trong An Ma 40 họ đã học về những lời giảng dạy của An Ma cho Cô Ri An Tôn về thế giới linh hồn, sự phục sinh, và sự phán xét. Giải thích rằng trong An Ma 41 chúng ta học được rằng Cô Ri An Tôn đã hoang mang bởi điều mà một số người đang giảng dạy về sự phục sinh. Nêu ra rằng cụm từ “đã đi lạc lối” trong An Ma 41:1, và mời học sinh đọc câu này cùng tìm kiếm điều đang khiến cho một số người đi lạc lối.

  • Tại sao có một số người đi lạc lối? (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng làm sai lạc ý nghĩa của thánh thư là bóp méo, xuyên tạc, hoặc thay đổi ý nghĩa của thánh thư).

  • An Ma đã nói là ông sắp giải thích cho Cô Ri An Tôn điều gì?

Một khi học sinh nhận ra từ sự phục hồi, các anh chị em có thể muốn viết từ đó lên trên bảng. Giải thích rằng sự phục hồi có nghĩa là mang lại hoặc đặt lại vào một trạng thái cũ.

Giải thích rằng An Ma muốn Cô Ri An Tôn hiểu rằng có một khía cạnh thể chất và một khía cạnh tinh thần với điều ông gọi là “kế hoạch phục hồi” (An Ma 41:2). Mời học sinh im lặng tra cứu An Ma 41:2–5 cùng tìm kiếm những điều sẽ được phục hồi về thể chất cho chúng ta sau cái chết và những điều mà sẽ được phục hồi về phần thuộc linh. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm điều họ tìm thấy. Trước khi học sinh đọc, là điều có thể hữu ích cho các anh chị em để giải thích rằng điều cần thiết có nghĩa là điều tiên quyết.

  • Khía cạnh thể chất của kế hoạch phục hồi được đề cập trong An Ma 41:2 là gì? (Trong sự phục sinh, linh hồn sẽ được phục hồi cho thể xác, và tất cả các bộ phận của thể xác sẽ được phục hồi).

  • Khía cạnh về mặt thuộc linh của kế hoạch phục hồi được mô tả trong An Ma 41:3–5 là gì? (Khi học sinh trả lời, hãy viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúng ta sẽ được phục hồi cho hạnh phúc hay đau khổ tùy theo các những việc làm và ước muốn của chúng ta trên trần thế).

Mời học sinh tưởng tượng rằng họ đang giảng dạy những câu này cho một lớp Hội Thiếu Nhi.

  • Làm thế nào các em sẽ giải thích giáo lý về sự phục hồi thuộc linh để trẻ em có thể hiểu được?

Nhắc nhở học sinh rằng Cô Ri An Tôn đã vi phạm luật trinh khiết và đã từ bỏ các trách nhiệm truyền giáo của mình (xin xem An Ma 39:2–4).

  • Một sự hiểu biết đúng đắn về giáo lý về sự phục hồi thuộc linh đã giúp Cô Ri An Tôn có những lựa chọn tốt hơn như thế nào? Sự hiểu biết giáo lý này có thể ảnh hưởng đến những hành động và ước muốn của chúng ta như thế nào?

Làm chứng về lẽ thật của giáo lý này, và chia sẻ những ý nghĩ của các em về công lý của Thượng Đế trong việc phục hồi điều tốt hoặc điều xấu cho mỗi chúng ta tùy theo những ước muốn và hành động của chúng ta.

Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng: Nếu tôi đã phạm tội thì sao?

  • Theo kế hoạch phục hồi, chúng ta nhận được gì nếu đã phạm tội?

  • Có cách nào để có được sự tốt lành và hạnh phúc được phục hồi lại cho chúng ta khi chúng ta đã làm điều sai không?

Mời một học sinh đọc to An Ma 41:6–9. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều chúng ta có thể làm để có sự tốt lành và hạnh phúc được phục hồi cho chúng ta ngay cả khi chúng ta đã phạm tội. (Chúng ta phải hối cải và mong muốn sự ngay chính suốt cuộc sống của chúng ta).

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong An Ma 41:6–7 gợi ý rằng chúng ta chịu trách nhiệm về điều chúng ta nhận được khi phục sinh? Trong ý nghĩa nào chúng ta là quan tòa của chính mình? (Những lựa chọn của chúng ta trên trần thế định đoạt loại phán xét chúng ta sẽ nhận được khi chúng ta đứng trước Thượng Đế).

Hãy nêu ra rằng một số người nghĩ rằng họ có thể trở về sống với Thượng Đế mà không lãnh trách nhiệm cá nhân về các hành động của họ. Họ thường nói rằng những lựa chọn đầy tội lỗi của họ rất thú vị. Đôi khi những người phạm tội còn có thể dường như là được hạnh phúc.

Mời học sinh đứng lên và đọc to An Ma 41:10 chung với nhau. Hãy nêu ra rằng An Ma 41:10 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng học sinh tô đậm đoạn này trong một cách đặc biệt để họ sẽ có thể tìm ra dễ dàng. (Vì đây là một đoạn thánh thư thông thạo, các anh chị em có thể yêu cầu họ cùng nhau lặp lại nhiều hơn một lần. Các anh chị em có thể hỏi xem có ai trong lớp học có thể lặp lại bằng cách đọc thuộc lòng). Khi họ đã đọc xong, hãy yêu cầu lớp học ngồi xuống. Viết lên trên bảng ”Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”

  • Tại sao câu ”sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” là đúng?

  • Một ví dụ về cách Sa Tan muốn chúng ta vi phạm một lệnh truyền và tin rằng chúng ta vẫn có thể được hạnh phúc là gì?

Để giúp học sinh biết ơn về sự khác biệt giữa những thú vui trần tục thoáng qua và hạnh phúc mà Chúa ban cho, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Glenn L. Pace thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Các sinh hoạt luôn luôn bị Chúa nghiêm cấm và trong nhiều năm không được xã hội tán thành thì bây giờ được chấp nhận và khuyến khích bởi cùng một xã hội đó. Các phương tiện truyền thông phục vụ cho các sinh hoạt này theo cách làm cho chúng trông hấp dẫn. …

“… Đừng nhầm lẫn thú vui của hạ thiên giới với hạnh phúc và niềm vui của thượng thiên giới. Đừng nhầm lẫn việc thiếu tự chủ với sự tự do. Sự tự do trọn vẹn mà không bị kiềm chế thích hợp làm cho chúng ta thành nô lệ cho dục vọng của chúng ta. Đừng ghen tị với một cuộc sống kém hơn và thấp hơn. …

“… Các lệnh truyền các anh chị em tuân thủ không phải do một Thượng Đế vô cảm ban cho để ngăn cản các anh chị em không có được sự vui thú, mà được ban cho bởi một Cha Thiên Thượng đầy tình thương yêu là Đấng muốn các anh chị em được hạnh phúc trong khi các anh chị em đang sống trên thế gian này cũng như trong cuộc sống mai sau” (“They’re Not Really Happy,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 40).

Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng: Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết lời phát biểu đó trong quyển thánh thư của họ bên cạnh An Ma 41:10. (Lời phát biểu được tìm thấy trong “To ‘the Rising Generation,’” New Era, tháng Sáu năm 1986, 5).

“Các em không thể làm sai mà cảm thấy đúng. Không thể như vậy được!” (Chủ Tịch Ezra Taft Benson).

Nói cho học sinh biết rằng An Ma 41:11 giải thích lý do tại sao là điều không thể thực sự hạnh phúc khi chọn điều sai. Sao chép biểu đồ sau đây lên trên bảng (các anh chị em có thể muốn làm như vậy trước khi lớp học bắt đầu), hoặc chuẩn bị nó như là một tờ giấy phát tay cho mỗi học sinh. Sắp xếp cho học sinh theo từng cặp và chỉ dẫn họ để so sao cho mỗi cụm từ An Ma 41:11 thích hợp với ý nghĩa của cụm từ đó. Cũng mời họ thảo luận các câu hỏi kèm theo.

Các cụm từ trong An Ma 41:11 mô tả việc ở trong “trạng thái thiên nhiên”

Ý nghĩa

  1. “Trạng thái trần tục”

  1. Bị hạn chế và gánh nặng bởi tội lỗi của chúng ta

  1. “Ở trong mật đắng và trong sự trói buộc của điều bất chính”

  1. Thiếu các phước lành và sự hướng dẫn của Thượng Đế; đánh mất sự đồng hành của Đức Thánh Linh

  1. “Không có được Thượng Đế trên thế gian này”

  1. Bị điều khiển bởi ý muốn của xác thịt

Trong câu này, chúng ta thấy rằng “bản chất của Thượng Đế” là “bản chất hạnh phúc.” Điều này cho các em biết về lý do tại sao tình trạng tội lỗi là trái ngược với bản chất hạnh phúc?

Một số ví dụ cụ thể nào về lý do tại sao người ta có thể tự tìm thấy mình trong một trạng thái bất hạnh?

(Trả lời: 1-c, 2-a, 3-b)

Để giúp học sinh thấy việc kiên định trong một “trạng thái thiên nhiên” liên quan đến giáo lý phục hồi, hãy mời một học sinh đọc An Ma 41:12. Sau khi câu này đã được đọc rồi, hãy yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi của An Ma. Sau đó yêu cầu học sinh đọc câu trả lời của An Ma cho chính câu hỏi của ông trong An Ma 41:13. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ tô đậm điều An Ma nói sẽ được trả lại cho chúng ta như là một phần của kế hoạch phục hồi).

Yêu cầu học sinh tưởng tượng ra rằng mình có một người bạn đang chọn hành động theo những cách trái với các lệnh truyền của Chúa, nhưng muốn được phục hồi lại sự ngay chính. Mời học sinh giải thích giáo lý về sự phục hồi cho người bạn trong nhóm, như thể họ là người bạn đó, bằng cách sử dụng An Ma 41:12–13. (Học sinh có thể sử dụng lời riêng của họ hoặc lời lẽ của câu được viết ở trên bảng: “Chúng ta sẽ được phục hồi lại hạnh phúc hay đau khổ tùy theo những việc làm và ước muốn của chúng ta trên trần thế”).

Cho học sinh thấy một cái boomerang (vũ khí của thổ dân Úc ném ra bay tới đích rồi quay về chỗ người ném) hoặc vẽ hình một cái boomerang lên trên bảng.

Hỏi học sinh cái boomerang làm gì khi được ném ra một cách chính xác. (Nó trở về địa điểm cũ nơi nó đã được ném ra). Yêu cầu họ im lặng đọc An Ma 41:14–15 cùng tìm kiếm những cách mà trong đó một cái boomerang có thể tượng trưng cho các lẽ thật đã được giảng dạy trong các câu này. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm các câu này). Mời học sinh giải thích điều họ đã tìm thấy.

  • Các em hy vọng sẽ nhận được một số điều nào từ những người khác và từ Chúa trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau? (Các câu trả lời có thể gồm có lòng nhân từ, lòng thương xót và tình yêu thương Hãy cân nhắc việc liệt kê những câu trả lời của học sinh lên trên bảng).

  • Có khi nào các em ban phát lòng nhân từ, lòng thương xót, hay lòng tử tế cho người khác và về sau nhận được trở lại không?

Khuyến khích học sinh đặt ra mục tiêu để hành động theo các phương diện và phát triển thái độ mà phản ảnh điều họ hy vọng sẽ được phục hồi lại trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. Làm chứng về hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta hành động trong sự ngay chính.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—An Ma 41:10

Xin lưu ý: Vì tính chất của bài học và vì bài học này dài, nên sinh hoạt sau đây tốt nhất sẽ được sử dụng vào một ngày khác khi các anh chị em có thêm thời gian.

Viết câu sau đây lên bảng: … là hạnh phúc.

Mời học sinh tìm ra một lời phát biểu ngược lại với giáo lý đã được giảng dạy trong An Ma 41:10. (Một câu trả lời có thể có là “Sự ngay chính là hạnh phúc.”) Sau đó mời học sinh liệt kê các hành vi ngay chính cụ thể mà họ cảm thấy sẽ phù hợp vào chỗ trống. (Ví dụ, “Phục vụ người khác là hạnh phúc.”) Hỏi học sinh xem họ có thể làm chứng rằng bất cứ hành động nào trong số những hành động ngay chính này đều dẫn đến hạnh phúc. Sau khi một vài học sinh đã chia sẻ những kinh nghiệm và chứng ngôn của họ, hãy mời lớp học viết trên một tấm thẻ bỏ túi hoặc tờ giấy một hoặc hai hành động ngay chính họ có thể làm trong tuần để gia tăng hạnh phúc của họ. Khuyến khích họ mang theo tờ giấy của họ như là một lời nhắc nhở và báo cáo về những nỗ lực của họ trong những ngày tới.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 41:10. Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu

Lời phát biểu sau đây từ sách Trung Thành với Đức Tin củng cố ý kiến rằng học sinh có thể vui chơi và tìm thấy hạnh phúc trong những cách ngay chính:

“Nhiều người cố gắng tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong những sinh hoạt trái với các lệnh truyền của Chúa. Họ cố tình làm ngơ kế hoạch của Thượng Đế dành cho họ, họ chối bỏ nguồn chân hạnh phúc duy nhất. Họ nhượng bộ quỷ dữ, là kẻ ‘muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy’ (2 Nê Phi 2:27). Cuối cùng họ học biết được sự thật về lời cảnh cáo của An Ma đưa ra cho con trai của ông là Cô Ri An Tôn: ‘Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu’ (An Ma 41:10). …

“Khi các anh chị em tìm kiếm hạnh phúc, hãy nhớ rằng con đường duy nhất để đi đến hạnh phúc thật sự là sống theo phúc âm. Các anh chị em sẽ tìm được hạnh phúc thanh thản, vĩnh cửu khi các anh chị em cố gắng tuân giữ các giáo lệnh, cầu xin sức mạnh, hối cải các tội lỗi của mình, tham gia vào những sinh hoạt lành mạnh, và phục vụ một cách có ý nghĩa. Các anh chị em sẽ học biết cách có niềm vui thú trong vòng giới hạn đã được đề ra bởi Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 79–80).

An Ma 41:10–11. Tất cả mọi người đang ở trong “trạng thái thiên nhiên”

Chủ tịch David O. McKay đã dạy rằng chúng ta có một trạng thái kép và khả năng lựa chọn hạnh phúc qua sự tự chủ:

Việc sống một cuộc sống với lẽ thật và sự thanh khiết về mặt đạo đức mang lại niềm vui và hạnh phúc, trong khi những vi phạm các luật pháp về đạo đức và xã hội chỉ đưa đến sự bất mãn, buồn phiền, và sự suy thoái, khi tiến đến cực độ.

“Con người có một trạng thái kép, một trạng thái liên quan đến cuộc sống trần thế hay động vật; trạng thái kia, cuộc sống thuộc linh, hơi giống như đấng thiêng liêng. Thể xác của con người chỉ là đền thờ tạm mà linh hồn trú ngụ trong đó. Có quá nhiều, rất nhiều người có khuynh hướng xem thể xác như là con người và do đó, hướng các nỗ lực của họ đến sự thỏa mãn những thú vui, ham muốn, thèm khát, niềm đam mê của thể xác. Quá ít người nhận ra rằng con người thực sự là một linh hồn bất diệt, mà ‘tri thức, hay ánh sáng lẽ thật’ đã được kích hoạt với tư cách là một thực thể cá nhân trước khi thể xác được sinh ra, và rằng thực thể thuộc linh này, với tất cả những nét đặc trưng, sẽ tiếp tục sau khi thể xác ngừng đáp ứng với môi trường trần thế của nó.

“Cho dù một người vẫn luôn luôn hài lòng ở giữa những điều mà chúng ta gọi là thế giới động vật, hài lòng với điều mà thế giới động vật sẽ cho người đó, nhượng bộ mà không cần nỗ lực cho ước muốn thèm khát và đam mê của người ấy, và càng ngày càng lún sâu hơn vào thế giới đầy lạc thú, hoặc cho dù qua sự tự chủ, người ấy vươn lên về phía những tận hưởng trí tuệ, đạo đức, và thuộc linh tùy thuộc vào loại lựa chọn của mình mỗi ngày—thật sự, từng giờ phút của cuộc đời người ấy” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1967, 6---7).

An Ma 41:11. “Ngược lại với bản chất hạnh phúc”

Anh Cả F. Enzio Busche thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích rằng việc tận tâm nghiên cứu những lời của các tôi tớ được xức dầu của Chúa sẽ giúp chúng ta nhận thức được khi nào chúng ta đang sa vào một trạng thái trái với trạng thái hạnh phúc:

“Thỉnh thoảng, chúng ta rất dễ ở trong một trạng thái ngược lại với trạng thái hạnh phúc, và không nhất thiết vì chúng ta đã theo đuổi sự tà ác hay bất chính trọn vẹn. Mà chừng nào chúng ta còn đang ở trong trạng thái thử thách này trên trần thế, thì kẻ nghịch thù có thể ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta có thể đã trở nên sơ suất một chút. Chúng ta có thể đã xao lãng đối với các mối quan hệ của mình những người gần gũi nhất. Có lẽ chúng ta có thể đã cho phép những thói quen hoặc những thái độ nhỏ và xấu bước vào cuộc sống của chúng ta; hoặc thậm chí có lẽ chúng ta còn đánh mất một mức độ hiểu biết nào đó về tầm quan trọng của việc tuân giữ một giao ước một cách chính xác. Nếu vậy thì chúng ta đang ở trong một trạng thái nguy hiểm. Chúng ta phải bắt đầu ý thức về trạng thái đó. Chúng ta không thể có đủ khả năng để bỏ qua tình thế ấy. Chúng ta có thể nhận xét rằng một thời gian nào đó chúng ta không thực sự hạnh phúc, rằng chúng ta phải luôn luôn buộc mình mỉm cười, hoặc có lẽ là chúng ta đang ở trong một trạng thái gần với nỗi chán nản. … Mặc dù có thể đánh lừa người khác, chúng ta không thể tự lừa dối mình, và chúng ta không thể lừa dối Chúa. …

“Phúc âm trọn vẹn được các tôi tớ được xức dầu của Chúa thuyết giảng trên khắp thế giới, để mọi người có thể tiến đến một sự nhận thức về trạng thái của mình. Để được gần gũi với những lời của các tôi tớ đã được xức dầu của Chúa, điều cần thiết là phải đọc và nghiên cứu thánh thư với sự cam kết và tận tâm.

“… Chúa không muốn chúng ta trở nên nhận thức được trạng thái vô nghĩa và đau khổ của chúng ta (xin xem Mô Si A 4:11; An Ma 26:12; Hê La Man 12:7; Môi Se 1:10) chỉ vào Ngày Phán Xét. Bây giờ và mỗi ngày trong cuộc sống trên trần thế của chúng ta, Ngài muốn cải thiện khả năng nhận thức của chúng ta, để chúng ta có thể trở thành quan tòa của chính mình, khi Ngài kêu gọi chúng ta đến với một tiến trình hối cải liên tục” (“University for Eternal Life,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 72).

An Ma 41:11. Chúng ta có thể thay đổi bản tính của mình nhờ vào ân điển của Đấng Ky Tô

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Thực chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản và thường xuyên trong bản tính của chúng ta mà có thể thực hiện được qua sự trông cậy của chúng ta vào ‘công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh’ (2 Nê Phi 2:8). Khi chọn tuân theo Đức Thầy, chúng ta chọn để được thay đổi—để được Thượng Đế sinh ra trong phần thuộc linh. ” (“Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 20).