Bài Học Tự Học ở Nhà
An Ma 17–24 (Đơn Vị 17)
Lời Giới Thiệu
Bốn người con trai của Vua Mô Si A đã chọn từ chối các cơ hội và những điều xa hoa ở nhà để họ có thể thuyết giảng phúc âm ở giữa dân La Man. Các câu chuyện về bốn người truyền giáo minh họa cách học sinh có thể chuẩn bị để giảng dạy một cách hiệu quả phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho người khác.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma 17–22
Am Môn và các anh em của ông giảng dạy cho hai nhà vua La Man
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng hoặc trên một tờ giấy: ″Một điều quan trọng nhất các em có thể làm để chuẩn bị cho một sự kêu gọi để phục vụ [một công việc truyền giáo] là …”
Mời một vài học sinh cho biết họ đã cảm thấy như thế nào khi thấy một người trong gia đình hoặc một người bạn trở về từ việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian một cách trung tín. Sau đó hỏi học sinh: Người này trở nên khác như thế nào sau khi phục vụ truyền giáo? Các em nghĩ điều gì đã gây ra sự thay đổi?
Hỏi học sinh làm thế nào họ có thể hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng. Sau khi học sinh đã trả lời xong, hãy chia sẻ với họ cách Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã hoàn tất lời phát biểu này: “chỉ có một điều quan trọng nhất mà các em có thể làm để chuẩn bị cho sự kêu gọi phục vụ [truyền giáo] là trở thành một người truyền giáo từ lâu trước khi các em đi truyền giáo” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 45).
Hãy hỏi: Trong những cách nào các thiếu niên và thiếu nữ có thể noi theo lời khuyên bảo của Anh Cả Bednar và trở thành những người truyền giáo trước khi họ phục vụ truyền giáo toàn thời gian?
Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson:
″Công việc truyền giáo là một bổn phận của chức tư tế—một nghĩa vụ mà Chúa kỳ vọng nơi chúng ta là những người đã được ban cho rất nhiều. Các em thiếu niên, tôi khuyên các em phải chuẩn bị phục vụ với tư cách là người truyền giáo. Hãy giữ mình được trong sạch và thanh khiết cùng xứng đáng để đại diện cho Chúa. Hãy giữ gìn sức khỏe và sức mạnh của các em. Học hỏi thánh thư. Nơi nào có sẵn, hãy tham dự lớp giáo lý hoặc viện giáo lý. Hãy làm quen với quyển sách hướng dẫn người truyền giáo Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.
“Một lời cùng các em thiếu nữ: Mặc dù không có cùng trách nhiệm chức tư tế như các thiếu niên để phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian, nhưng các em cũng có phần đóng góp quan trọng như những người truyền giáo và chúng tôi hoan nghênh sự phục vụ của các em” (“Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau Lần Nữa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 6).
Viết câu sau đây lên trên bảng: Chúa sẽ ban phước cho chúng ta với Đức Thánh Linh và quyền năng để giảng dạy lời Ngài khi chúng ta …
Chia lớp ra thành bốn nhóm. Chỉ định mỗi nhóm một trong số các đoạn thánh thư sau đây: An Ma 17:1–4; An Ma 17:9–13; An Ma 17:19–25; 18:1–9; An Ma 17:26–30. (Thích ứng với sinh hoạt này nếu các anh chị em có một lớp học ít người).
Mời học sinh im lặng đọc đoạn thánh thư đã được chỉ định cho họ cùng tìm kiếm điều các con trai của Mô Si A đã làm để ban phước cho họ với Thánh Linh và với quyền năng khi họ giảng dạy phúc âm. Giải thích rằng khi học sinh đã làm xong, các anh chị em sẽ yêu cầu họ chia sẻ điều họ đã khám phá và cách họ sẽ hoàn tất câu ở trên bảng.
Sau khi đã có đủ thời gian, mời một người từ mỗi nhóm giải thích điều mà các con trai của Mô Si A đã làm và cách mà những người trong nhóm sẽ hoàn tất nguyên tắc ở trên bảng. Những câu trả lời của học sinh có thể gồm có những điều sau đây: tra cứu thánh thư, nhịn ăn và cầu nguyện, có lòng kiên nhẫn, nêu gương sáng, tin cậy nơi Chúa, chân thành phục vụ người khác, và yêu thương người khác như là anh chị em của mình. Khi học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ, hãy liệt kê những câu trả lời này lên trên bảng. Yêu cầu học sinh giải thích họ nghĩ làm thế nào mỗi hành động hoặc đặc tính có thể giúp một cá nhân chia sẻ phúc âm một cách hiệu quả hơn.
Nếu bất cứ học sinh nào của các anh chị em đã được cải đạo theo phúc âm sau khi đã được những người truyền giáo toàn thời gian giảng dạy, thì các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ chia sẻ cảm nghĩ của họ khi họ đang học hỏi phúc âm.
Nhắc nhở học sinh rằng sau khi Am Môn bảo vệ đàn chiên của nhà vua, thì Vua La Mô Ni sững sờ trước sức mạnh của Am Môn cũng như sự vâng lời và lòng trung tín của ông trong việc làm tròn các lệnh truyền của nhà vua (xin xem An Ma 18:8–10). La Mô Ni đã được chuẩn bị để nghe sứ điệp mà Am Môn đã đến để chia sẻ với ông. Mời học sinh lần lượt đọc to từ An Ma 18:24–29. Yêu cầu lớp học tìm kiếm cách Am Môn xây đắp trên sự hiểu biết của La Mô Ni về Thượng Đế để ông có thể chuẩn bị cho La Mô Ni hiểu giáo lý chân chính.
Hỏi học sinh các câu hỏi sau đây:
-
Nếu đã có một cuộc trò chuyện về Thượng Đế với một người bạn thuộc tín ngưỡng khác, các em có thể sử dụng niềm tin mà các em lẫn người bạn đó cùng chia sẻ như thế nào, như Am Môn đã làm? Nỗ lực này có thể giúp người bạn của các em như thế nào?
-
Các em có thể nói về đề tài phúc âm nào khác với những người bạn của mình để mở ra cơ hội chia sẻ phúc âm với họ không?
Nhắc nhở học sinh rằng Vua La Mô Ni cũng như cha của ông đã trở nên dễ lĩnh hội để nghe về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Yêu cầu một học sinh đọc to An Ma 18:39–41— về phản ứng của La Mô Ni đối với việc học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô. Yêu cầu một học sinh khác đọc An Ma 22:14–18— về phản ứng của cha của La Mô Ni. Mời lớp học dò theo trong quyển thánh thư của họ và tìm kiếm những phản ứng giống nhau của những người này.
Hỏi: Cả hai người đều muốn làm gì khi họ học về Chúa Giê Su Ky Tô?
Giải thích rằng La Mô Ni và cha của ông đã được Thánh Linh cảm động qua những lời giảng dạy của những người truyền giáo. Vậy nên họ muốn các phước lành của phúc âm và đã sẵn lòng từ bỏ tội lỗi của mình và hối cải. Nhắc nhở học sinh về lẽ thật mà họ đã nghiên cứu tuần này: Chúng ta phải sẵn lòng từ bỏ tất cả tội lỗi của mình để được thay đổi về mặt thuộc linh và được Thượng Đế sinh ra.
Mời một học sinh đọc to lời phát biểu của Anh Cả Dallin H. Oaks được tìm thấy trong sách hướng dẫn học tập của họ: ″Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. ′Hối cải′ là sứ điệp thường xuyên nhất của điều này, và hối cải có nghĩa là từ bỏ tất cả các cách thực hành của—cá nhân, gia đình, chủng tộc và quốc gia—mà trái ngược với các giáo lệnh của Thượng Đế. Mục đích của phúc âm là biến đổi con người bình thường thành những người thiêng liêng, và điều đó đòi hỏi phải có sự thay đổi” (″Sự Hối Cải và Thay Đổi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2003 37).
Mời học sinh suy nghĩ về cuộc sống của họ và xem xét xem họ có cần phải từ bỏ bất cứ tội lỗi nào để được thay đổi về mặt thuộc linh như La Mô Ni và cha của ông không. Kết thúc bằng cách chia sẻ lời khuyến khích và chứng ngôn rằng khi chúng ta sẵn lòng từ bỏ các tội lỗi của mình thì Chúa sẽ giúp chúng ta thay đổi và tăng trưởng.
(An Ma 25–32)
Yêu cầu học sinh xem xét câu hỏi này: Các em sẽ nói gì với một người nào đó chống lại Đấng Ky Tô? Trong đơn vị kế tiếp, học sinh sẽ học cách An Ma đáp ứng những câu hỏi và lời chế nhạo của Cô Ri Ho, là một người chống lại Đấng Ky Tô. Ngoài ra, họ sẽ tìm hiểu thêm về đức tin khi họ đọc về cách An Ma và những người khác đã làm để giảng dạy cho dân Giô Ram bội giáo, là những người đã rời xa những đường lối của Chúa.