Bài Học 73
An Ma 6–7
Lời Giới Thiệu
Sau khi thiết lập trật tự trong Giáo Hội ở Gia Ra Hem La, An Ma đi tới thành phố Ghê Đê Ôn. Ông nhận thấy dân chúng ở đó trung tín nhiều hơn dân ở Gia Ra Hem La. Vì vậy, sứ điệp của ông ở Ghê Đê Ôn là khác với sứ điệp của ông ở Gia Ra Hem La. Ông khuyến khích mọi người phải tiếp tục trông cậy vào Chúa và tìm cách áp dụng Sự Chuộc Tội của Ngài trong cuộc sống của họ. Ông đã làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ mang lấy cái chết và tội lỗi chúng ta, và Ngài cũng sẽ mang lấy những nỗi đau đớn, buồn phiền, đau ốm, và yếu đuối của chúng ta, để Ngài có thể biết được cách giúp đỡ chúng ta.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma 6
An Ma thiết lập trật tự trong Giáo Hội ở Gia Ra Hem La và đi thuyết giảng ở Ghê Đê Ôn
Trước khi bắt đầu bài học, hãy mời một học sinh chuẩn bị chia sẻ vắn tắt với lớp học một số cách mà em ấy đã cảm thấy được phước vì những nỗ lực của mình để đi nhà thờ. Để bắt đầu bài học, yêu cầu học sinh này lên trước lớp học và chia sẻ những ý nghĩ mà em ấy đã chuẩn bị. Các anh chị em cũng có thể chia sẻ việc các anh chị em đã được ban phước như thế nào qua việc tham dự nhà thờ.
Giới thiệu An Ma 6 bằng cách giải thích rằng chương này dạy An Ma và các vị lãnh đạo khác của chức tư tế đã củng cố Giáo Hội ở Gia Ra Hem La như thế nào.
Mời một học sinh đọc to An Ma 6:4–6. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà các tín hữu của Giáo Hội ở Gia Ra Hem La đã làm cho những người không biết Thượng Đế. Mời học sinh báo cáo điều họ đã học được.
Viết lên trên bảng lẽ thật sau đây: Giáo Hội được thiết lập vì sự an lạc của tất cả mọi người. Để giúp học sinh suy nghĩ về việc lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ, hãy hỏi:
-
Các em nghĩ Giáo Hội ngày nay có thể ban phước như thế nào cho những người không biết Thượng Đế?
Mời học sinh suy nghĩ về một người nào đó cần phải biết Thượng Đế rõ hơn. Người này có thể là tín hữu của Giáo Hội, hoặc tín hữu của một tôn giáo khác. Làm chứng về các phước lành chúng ta nhận được vì chúng ta là tín hữu của Giáo Hội, và khuyến khích học sinh mời người khác chia sẻ về các phước lành đó.
An Ma 7:1–13
An Ma tiên tri về sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô
Chia lớp học ra thành từng cặp. Yêu cầu mỗi cặp thảo luận câu trả lời của họ cho câu hỏi sau đây:
-
Các em đang phấn khởi về một số sự kiện nào trong tương lai?
Sau khi các cặp học sinh đã có thời gian để thảo luận các câu trả lời của họ cho câu hỏi này, hãy yêu cầu một vài học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ với cả lớp. Sau đó giải thích rằng sau khi An Ma thiết lập trật tự trong Giáo Hội ở Gia Ra Hem La, ông đã đi đến thành phố Ghê Đê Ôn. Ông nói với dân chúng ở đó rằng trong số tất cả những sự việc xảy đến trong tương lai, thì có một việc “quan trọng hơn hết thảy” (An Ma 7:7). Ông dạy các nguyên tắc mà sẽ giúp dân chúng chuẩn bị cho các phước lành mà sẽ đến vì sự kiện này trong tương lai.
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:3–6. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những hy vọng An Ma đã có về dân chúng ở Ghê Đê Ôn. Sau đó mời một học sinh khác đọc to An Ma 7:18–19. Yêu cầu học sinh mô tả điều An Ma đã biết được bằng sự soi dẫn về dân chúng ở Ghê Đê Ôn.
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 7:7, 9–10 cùng tìm kiếm sự kiện mà An Ma đã cảm thấy là quan trọng nhất để cho dân chúng biết.
-
Theo An Ma, “có một việc quan trọng hơn hết thảy” sắp xảy đến là gì? Các em nghĩ tại sao sự giáng lâm của Đấng Cứu Rỗi luôn luôn là sự kiện quan trọng nhất?
-
Các em nghĩ tại sao An Ma nói với một dân tộc đã tin tưởng và đã có đức tin vững mạnh rằng họ cần phải hối cải?
Giải thích rằng sau đó An Ma dạy tại sao sự giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô là sự kiện quan trọng nhất trong suốt lịch sử con người. Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 7:11–13. Mời những người khác trong lớp dò theo và nhận ra điều Đấng Cứu Rỗi đã mang lấy thay cho chúng ta. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng giúp đỡ có nghĩa là cứu giúp hoặc trợ giúp một người nào đó).
Hãy nêu lên rằng An Ma 7:11–13 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu đoạn này trong một cách đặc biệt để họ sẽ có thể dễ dàng tìm thấy.
Liệt kê các câu trả lời của học sinh theo tiêu đề theo chiều ngang ở phía trên cùng của tấm bảng. Câu trả lời có thể gồm có đau đớn, buồn phiền, cám dỗ, bệnh tật, cái chết, sự yếu đuối (yếu kém hoặc bất tài),và tội lỗi.
Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm từ “mọi” trong An Ma 7:11. Yêu cầu họ đặt tên cho các ví dụ của từng tình huống được viết ở trên bảng. Khi học sinh đưa ra ví dụ, viết các ví dụ đó ở bên dưới các tiêu đề tương ứng. (Ví dụ, ung thư có thể được liệt kê dưới bệnh tật, và khuyết tật ở thể xác có thể được liệt kê dưới sự yếu đuối).
Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce C. Hafen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:
“Sự Chuộc Tội không phải chỉ dành cho những người tội lỗi” (“Beauty for Ashes: The Atonement of Jesus Christ,” Ensign, tháng Tư năm 1990, 7). Các anh chị em có thể muốn viết lời phát biểu này lên trên bảng và đề nghị học sinh viết lời này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh An Ma 7:11–13.
-
Dựa trên điều chúng ta đã đọc trong An Ma 7:11–13, các em nghĩ Anh Cả Hafen có ý nói gì khi ông nói rằng “Sự Chuộc Tội không phải chỉ dành cho những người tội lỗi”?
Viết lên trên bảng lẽ thật sau đây: Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ để giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết và giúp chúng ta vượt qua những thử thách của trần thế.
Để giúp học sinh hiểu thêm về cách họ có thể trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
″Các anh chị em có đang đương đầu với một con quỷ—thuốc lá, ma túy, cờ bạc hoặc bệnh dịch hình ảnh sách báo khiêu dâm độc hại hiện nay không? … Các anh chị em có hoang mang về giới tính của mình hay đang tìm kiếm lòng tự trọng không? Các anh chị em—hoặc một người nào đó mà mình yêu thương—có đang đương đầu với bệnh tật, chán nản hoặc cái chết không? Dù các anh chị em cần phải làm bất cứ điều gì khác để giải quyết những mối quan tâm này, thì trước tiên hãy đến với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tin cậy vào những lời hứa của thiên thượng. …
″Sự trông cậy này vào bản tính thương xót của Thượng Đế là điều chủ yếu của phúc âm mà Đấng Ky Tô đã giảng dạy. Tôi làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không những nâng chúng ta khỏi gánh nặng tội lỗi, mà còn luôn cả gánh nặng thất vọng và đau khổ, gánh nặng đau buồn và tuyệt vọng của chúng ta nữa. [Xin xem An Ma 7:11–12.] Từ lúc ban đầu, việc tin cậy vào sự giúp đỡ như vậy là để cho chúng ta một lý do lẫn một con đường để tiến triển, một cách để khích lệ chúng ta mang lấy sự cứu rỗi của mình″ (“Những Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 70–71).
-
Làm thế nào một sự hiểu biết về An Ma 7:11–13 có thể giúp chúng ta khi chúng ta phải đối phó với những thử thách?
Để giải thích một số cách chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ và sức mạnh nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy đọc các tình huống sau đây. Sau khi đọc mỗi tình huống, hãy yêu cầu học sinh giải thích bằng cách nào Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp một người đối phó với một thử thách như vậy, qua Sự Chuộc Tội của Ngài,.
-
Một thiếu nữ bị liệt cả hai chân vì tai nạn ô tô.
-
Một thiếu niên xấu hổ về một số lựa chọn xấu của mình. Em ấy cảm thấy chán nản và vô giá trị.
-
Cha của một thiếu niên vừa mới qua đời, và người thiếu niên này cùng mẹ của mình dọn đến một thành phố mới. Em ấy cảm thấy buồn và cô đơn, và không thể thấy được làm thế nào mà bất cứ điều gì còn có thể đúng nữa.
Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về sức mạnh của Sự Chuộc Tội và mức độ tiếp cận của Sự Chuộc Tội. Sau đó cho học sinh một vài phút để trả lời trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư cho một trong những câu hỏi sau đây. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những câu hỏi này trước khi lớp học bắt đầu, hoặc chuẩn bị một tờ giấy phát tay với các câu hỏi, hoặc đọc các câu hỏi từ từ để học sinh có thể viết xuống).
-
Có khi nào Sự Chuộc Tội đã giúp các em hoặc một người nào đó các em biết trong một trong những cách được đề cập trong An Ma 7:11–13 không?
-
Các em sẽ làm gì để trông cậy vào Sự Chuộc Tội khi các em đối phó với những thử thách?
Mời một vài học sinh chia sẻ với lớp học về điều họ đã viết. (Nhắc học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).
An Ma 7:14–27
An Ma khuyến khích dân chúng tiếp tục đi theo con đường dẫn đến vương quốc của Thượng Đế
Để nhắc nhở học sinh cách An Ma mô tả trạng thái thuộc linh của dân chúng ở Ghê Đê Ôn, hãy mời một người trong số họ đọc An Ma 7:19. Nhấn mạnh rằng dân chúng “đang đi trong con đường dẫn đến vương quốc của Thượng Đế.” Giải thích rằng An Ma muốn giúp họ ở lại trên con đường đó.
Để giúp học sinh thấy rằng bằng cách sống theo các nguyên tắc phúc âm, chúng ta đi theo con đường dẫn đến vương quốc của Thượng Đế, hãy vẽ hình một con đường ngang qua tấm bảng. Ở đầu con đường, hãy viết Trần thế. Ở cuối con đường, hãy viết Vương quốc của Thượng Đế. Chia lớp ra thành hai nhóm. Mời một nhóm nghiên cứu An Ma 7:14–16 và nhóm kia nghiên cứu An Ma 7:22–24. Yêu cầu các nhóm đó tìm kiếm điều chúng ta cần phải làm và chúng ta cần phải là người như thế nào để đi theo con đường dẫn đến vương quốc của Thượng Đế.
Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để đọc, hãy mời một vài người trong số họ lên trên bảng. Yêu cầu họ viết dọc trên con đường các hành động và các thuộc tính họ đã tìm thấy mà dẫn đến vương quốc của Thượng Đế. Các anh chị em có thể cân nhắc việc hỏi học sinh xem một số hành động hoặc thuộc tính dọc trên con đường có ý nghĩa gì đối với họ. Các anh chị em cũng có thể yêu cầu họ nghĩ về cách họ có thể noi theo con đường này trong cuộc sống của họ. Làm chứng rằng khi chúng ta sống trung tín, thì chúng ta “đang đi trong con đường dẫn đến vương quốc của Thượng Đế” (An Ma 7:19).