Thư Viện
Bài Học 45: Gia Cốp 3–4


Bài Học 45

Gia Cốp 3–4

Lời Giới Thiệu

Trong Gia Cốp 3, chúng ta đọc phần kết luận của một bài giảng mà Gia Cốp đã đưa ra cho dân ông. Gia Cốp đã vắn tắt đưa ra những lời an ủi và hứa hẹn cho những người có tấm lòng thanh khiết. Ông cũng khiển trách những kẻ kiêu ngạo và dâm ô ở giữa dân ông, cảnh cáo họ về những hậu quả mà sẽ đến nếu họ không hối cải. Gia Cốp 4 chứa đựng những lời mà Gia Cốp đã được soi dẫn để viết cho những người mà một ngày nào đó sẽ đọc biên sử của ông. Ông đã làm chứng về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và khuyên nhủ các độc giả của ông nên tự hòa hiệp với Thượng Đế Đức Chúa Cha qua Sự Chuộc Tội. Với một tiếng nói cảnh cáo, ông đã nói về dân Do Thái là những người sẽ chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô và sự minh bạch của phúc âm Ngài.

Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy

Gia Cốp 3

Gia Cốp an ủi và khuyên bảo những người có tấm lòng thanh khiết và thúc giục những người khác hối cải.

Mời các học sinh suy nghĩ về lời khuyên nào họ có thể đưa ra cho người khác trong những hoàn cảnh sau đây:

  1. Một thiếu nữ đang cố gắng sống ngay chính nhưng đau khổ vì cha của mình bị nghiện rượu.

  2. Một thiếu niên cố gắng hết sức để sống theo phúc âm nhưng trải qua những thử thách vì cha mẹ ly dị.

  3. Một thiếu nữ chuyên cần cố gắng yêu thương gia đình mình nhưng gặp khó khăn ở nhà vì tính ích kỷ và những hành động không ân cần của chị mình.

Mời các học sinh im lặng đọc câu đầu tiên của Gia Cốp 3:1. Yêu cầu họ nhận ra Gia Cốp ngỏ lời cùng ai trước tiên trong chương này.

Giải thích rằng Gia Cốp đang nói thẳng với những người phạm tội kiêu ngạo và tội lỗi tình dục. Rồi ông hướng sự chú ý của mình tới những người ngay chính đang trải qua những thử thách vì sự tà ác của những người khác. Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 3:1–2. Yêu cầu họ tìm kiếm bốn điều mà Gia Cốp đã yêu cầu những người có tấm lòng thanh khiết nên làm.

  • Bốn điều mà Gia Cốp đã khuyên nhủ những người có tấm lòng thanh khiết nên làm là gì? (″Hãy hướng về Thượng Đế với một tinh thần cương quyết, … hãy cầu nguyện lên Ngài với một đức tin nhiệt thành, … hãy ngẩng đầu lên nhận những lời êm ái của Thượng Đế và thụ hưởng tình thương của Ngài.”) Gia Cốp đã hứa gì với những người có tấm lòng thanh khiết nếu họ vẫn luôn luôn trung tín? (Sự an ủi trong khi hoạn nạn và sự bảo vệ khỏi kẻ thù).

  • Các em nghĩ chúng ta có thể làm gì để nhận được lời của Thượng Đế?

Về câu hỏi liên quan đến những lời hứa của Gia Cốp đối với những người có tấm lòng thanh khiết, hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu rằng Thượng Đế sẽ an ủi những người có tấm lòng thanh khiết trong cảnh hoạn nạn của họ. Các anh chị em có thể cần giải thích rằng từ an ủi có nghĩa là khuyên giải một người nào đó đang buồn bã hay lo âu. Để giúp các học sinh suy ngẫm và áp dụng lẽ thật này, hãy hỏi:

  • Chúa đã an ủi các em như thế nào?

  • Việc cầu nguyện với đức tin đã giúp các em trong lúc thử thách như thế nào?

  • Khi nào Thượng Đế đã giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của Ngài?

Giải thích rằng sau khi ngỏ lời cùng những người có tấm lòng thanh khiết, Gia Cốp đã một lần nữa nói với những người không có tấm lòng thanh khiết.

Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 3:3–4. Yêu cầu lớp học nhận ra điều Gia Cốp đã thúc giục những người ô uế phải làm.

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu dân của Gia Cốp không hối cải?

Hãy nêu lên rằng Gia Cốp đã nói rằng dân La Man ngay chính hơn một số dân Nê Phi vào lúc này. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 3:5–7, tìm kiếm những phương diện khi dân La Man ngay chính hơn một số dân Nê Phi.

  • Dân La Man ngay chính hơn một số dân Nê Phi về những phương diện nào?

  • Các em học được các nguyên tắc nào từ Gia Cốp 3:7 về các mối quan hệ gia đình? (Vợ chồng phải yêu thương nhau và cha mẹ phải yêu thương con cái mình).

  • Một số hậu quả nào có thể đến khi những người trong gia đình không yêu thương nhau và không làm tròn các trách nhiệm trong gia đình của họ?

Hãy yêu cầu các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 3:10, tìm kiếm lời cảnh cáo cụ thể mà Gia Cốp đã đưa ra cho các tổ phụ Nê Phi.

  • Gia Cốp đã đưa ra lời cảnh cáo nào cho các tổ phụ Nê Phi?

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng cho những người trong gia đình nêu gương sáng cho nhau?

Đọc to Gia Cốp 3:11–12 cho các học sinh nghe. Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng trong câu 11, cụm từ ″thức tỉnh những năng lực của tâm hồn mình″ ám chỉ sự cần thiết phải thức tỉnh về mặt thuộc linh. Trong Gia Cốp 3:12, cụm từ “tội thông dâm và dâm dật″ ám chỉ tội lỗi tình dục. Khi đọc các câu này, các anh chị em hãy nhấn mạnh vào ″những hậu quả ghê gớm″ của tội lỗi tình dục. Ngoài ra, hãy nhắc các học sinh về những lời hứa của Gia Cốp cho những người có tấm lòng thanh khiết (xin xem Gia Cốp 3:1–2). Giúp các học sinh hiểu rằng cách tốt nhất để nhận được những lời hứa đó là luôn luôn có tấm lòng thanh khiết. Tuy nhiên, những người vi phạm tội lỗi tình dục có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh, là những người sẽ giúp họ hối cải, trở nên trong sạch nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và nhận được các phước lành đã được hứa cho những người có tấm lòng thanh khiết.

Gia Cốp 4

Gia Cốp làm chứng rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được hòa giải với Thượng Đế

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy đặt một tấm hình nhỏ của Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa bảng. Xung quanh tấm hình đó, hãy viết một vài từ tượng trưng cho những điều có thể làm cho người ta xao lãng đối với Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Ví dụ, các anh chị em có thể gồm vào một số điều tốt lành—như học vấn, thể thao, và bạn bè—là những điều quan trọng nhưng không nên trở thành tiêu điểm chính trong cuộc sống của chúng ta. Các anh chị em cũng có thể liệt kê những điều khác—như hình ảnh sách báo khiêu dâm, âm nhạc không lành mạnh, và ma túy—là những điều nguy hại cho tinh thần chúng ta dẫn dắt chúng ta rời xa Đấng Cứu Rỗi.

Yêu cầu các học sinh giở đến Gia Cốp 4:14. Giải thích rằng câu này gồm có cụm từ ″nhìn xa quá điểm nhắm.″ Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy rằng trong câu này ″điểm nhắm chính là Đấng Ky Tô″ (″Jesus of Nazareth, Savior and King,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2007, 45). Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh viết lời phát biểu này trong thánh thư của họ cạnh bên Gia Cốp 4:14.

Sau khi chia sẻ lời giải thích này, hãy mời một học sinh đọc to Gia Cốp 4:14–15.

  • Các em nghĩ việc nhìn xa quá điểm nhắm có thể có nghĩa là gì? (Tập trung cuộc sống của chúng ta vào bất cứ điều gì khác hơn Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài).

  • Theo như Gia Cốp, các thái độ và hành động nào ngăn cản dân Do Thái chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô?

Giải thích rằng mặc dù Gia Cốp nói một cách cụ thể tới các tội lỗi của một số người Do Thái, nhưng những phần của Gia Cốp 4:14–15 cũng có thể áp dụng cho chúng ta và có thể là một lời cảnh báo cho chúng ta. Để giúp các học sinh thấy được sự áp dụng này, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao đôi khi người ta chối bỏ ″những lời nói minh bạch″ và thay vì thế tìm kiếm những điều họ không thể hiểu? Một số nguy cơ của việc coi nhẹ các lẽ thật giản dị của phúc âm là gì?

  • Chúng ta có thể thêm gì lên trên bảng như là những ví dụ khác về những điều làm cho dễ xao lãng khỏi Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài? (Thêm những câu trả lời của các học sinh vào những từ mà các anh chị em đã viết lên trên bảng rồi).

Xóa bỏ những từ các anh chị em đã viết lên trên bảng và viết câu hỏi sau đây: Chúng ta có thể làm gì để không nhìn xa quá điểm nhắm mà thay vì thế vẫn luôn luôn tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô?

Viết những phần tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: Gia Cốp 4:4–5; Gia Cốp 4:6–7; Gia Cốp 4:8–9; Gia Cốp 4:10; Gia Cốp 4:11–13.Giải thích rằng trong Gia Cốp 4, Gia Cốp chia sẻ những nguyên tắc mà có thể giúp chúng ta luôn luôn tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô. Chỉ định các học sinh làm việc theo từng cặp và tìm kiếm các nguyên tắc này trong một đoạn thánh thư đã được liệt kê trên bảng. (Tùy theo số các học sinh trong lớp học của mình, các anh chị em có thể muốn chỉ định mỗi đoạn cho nhiều hơn một cặp học sinh. Hoặc các anh chị em có thể cần phải yêu cầu một cặp học sinh đọc nhiều hơn một đoạn thánh thư).

Sau một vài phút, hãy mời các học sinh báo cáo những câu trả lời của họ. Khi họ làm như vậy, các anh chị em có thể muốn đặt ra những câu hỏi để giúp họ nghĩ sâu hơn về điều họ đã học được trong những câu thánh thư này. Để giúp các anh chị em hướng dẫn cuộc thảo luận này, những câu hỏi sau đây đã được sắp xếp theo những câu thánh thư đã được chỉ định:

  • Gia Cốp 4:4–5. Việc có được chứng ngôn về các vị tiên tri đã giúp các em tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? Các em đã được củng cố như thế nào bởi chứng ngôn của những người khác về Đấng Cứu Rỗi? Gia Cốp nói rằng việc dân ông tuân giữ luật Môi Se là hữu hiệu trong việc ″hướng dẫn tâm hồn [họ] đến cùng″ Chúa. Trong những phương diện nào các nỗ lực của chúng ta để tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế và tuân giữ các lệnh truyền có thể hướng dẫn tâm hồn chúng ta đến cùng Chúa?

  • Gia Cốp 4:6–7. Bằng cách nào sự mặc khải ban cho các vị tiên tri giúp chúng ta nhận được niềm hy vọng và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? Sự mặc khải cá nhân, hoặc sự làm chứng thuộc linh mà các em đã nhận được, đã củng cố đức tin của các em như thế nào? Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để nhớ rằng chỉ nhờ vào ân điển của Chúa chúng ta mới có thể làm được công việc của Ngài?

  • Gia Cốp 4:8–9. Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để nhận ra rằng những công việc của Chúa thì ″vĩ đại và kỳ diệu″? Công việc của Đấng Cứu Rỗi với tư cách là Đấng Sáng Tạo thế gian ảnh hưởng đến chứng ngôn của các em về Ngài như thế nào? Việc ″coi thường những điều mặc khải của Thượng Đế″ có ý nghĩa gì đối với các em? Bằng cách nào chúng ta có thể cho Chúa thấy rằng chúng ta quý trọng những điều mặc khải do Ngài ban cho?

  • Gia Cốp 4:10. Một số ví dụ về làm thế nào một người không thể ″tìm cách khuyên dạy Chúa, mà phải nhận lãnh những lời khuyên dạy từ Ngài″ là gì?

  • Gia Cốp 4:11–13. Như đã được đề cập trong bài học 35, từ hòa giải có nghĩa là mang đến sự hòa hợp. Sự Chuộc Tội giúp chúng ta được hòa hợp với Cha Thiên Thượng như thế nào? Gia Cốp nhắc chúng ta nhớ về tầm quan trọng của việc giảng dạy về Sự Chuộc Tội, bằng cách hỏi: ″Tại sao không nói tới sự chuộc tội của Đấng Ky Tô … ?” Chúng ta có thể tuân theo nguyên tắc này như thế nào khi chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình với những người khác và khi chúng ta có những cơ hội khác để giảng dạy phúc âm? Khi chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình, tại sao là điều quan trọng để làm như vậy trong một cách thức mà người khác sẽ có thể hiểu được? Thánh Linh giúp chúng ta hoàn thành điều này trong các phương diện nào?

Do kết quả của phần thảo luận này, hãy chắc chắn rằng lẽ thật sau đây là rõ ràng: Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được tràn đầy niềm hy vọng và hòa giải với Thượng Đế.

Chia sẻ những cảm nghĩ biết ơn của các anh chị em đối với Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài. Hãy làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là ″điểm nhắm″ mà chúng ta nên tập trung cuộc sống của mình vào đó. Để kết thúc bài học, hãy yêu cầu các học sinh cân nhắc điều họ sẽ làm để tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong suốt một vài ngày kế tiếp. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ viết kế hoạch của họ vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. Hãy cân nhắc việc mời một vài người trong số họ nói cho lớp học biết điều họ dự định sẽ làm.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Việc lặp lại giúp các học sinh ghi nhớ địa điểm của các đoạn thánh thư thông thạo. Một cách để khuyến khích việc lặp lại là sử dụng các tấm thẻ có đoạn thánh thư thông thạo (số danh mục 32335; cũng có sẵn dưới dạng PDF tại trang mạng si.lds.org). Nếu các anh chị em không truy cập được các tấm thẻ này, hãy giúp các học sinh tạo ra những tấm thẻ riêng của họ, với các từ chính của đoạn thánh thư ở bên một mặt của mỗi tấm thẻ và phần tham khảo ở phía bên kia. Chia các học sinh ra thành từng cặp. Yêu cầu họ dành ra một vài phút để đố lẫn nhau với những tấm thẻ này. Ví dụ, một học sinh có thể đọc những từ chính trong khi học sinh khác xác định phần tham khảo thánh thư. Mời các học sinh sử dụng những tấm thẻ này thường xuyên để tự đố mình và đố lẫn nhau.

Xin Lưu Ý: Bài học này có thể đủ dài để có đủ thời giờ dành cho sinh hoạt ôn lại đoạn thánh thư thông thạo này. Các anh chị em có thể thực hiện sinh hoạt này vào lúc bắt đầu lớp học, trong giờ nghỉ giữa các phần của bài học, hoặc vào cuối lớp học. Hãy giữ sinh hoạt này ngắn gọn để cho phép thời giờ cho bài học. Đối với các sinh hoạt ôn lại khác, xin xem bản phụ lục trong sách học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Gia Cốp 4:4. Các vị tiên tri thời Cựu Ước làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô

Hơn 400 năm trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, Gia Cốp đã nói rằng tất cả các vị tiên tri trước ông đều đã làm chứng về Đấng Cứu Rỗi (xin xem Gia Cốp 4:4). Một số người có thể tự hỏi tại sao Kinh Cựu Ước không nói thêm về Chúa Giê Su Ky Tô. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã trích dẫn lời giải thích của Nê Phi về “những điều minh bạch và quý báu bị lấy đi” từ Kinh Thánh (xin xem 1 Nê Phi 13:26–29) rồi ông nhận xét:

″Chắc chắn là lẽ thật minh bạch và quý báu nhất trong tất cả mọi lẽ thật bị mất khỏi Kinh Thánh, nhất là Kinh Cựu Ước, là những lời tuyên bố rõ ràng và rõ rệt về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô, vai trò đã được tiền sắc phong của Ngài với tư cách là Đấng Mê Si và Đấng Cứu Rỗi của thế gian, và các yếu tố giao ước của phúc âm Ngài mà đã được giảng dạy từ A Đam xuống suốt mỗi gian kỳ kế tiếp. Do đó mục đích cao nhất của Sách Mặc Môn là phục hồi cho toàn thể gia đình của Thượng Đế sự hiểu biết thiết yếu đó về vai trò của Đấng Ky Tô trong sự cứu rỗi mỗi người nam, người nữ và trẻ em hiện đang, đã hoặc sẽ sống trên thế gian” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon[1997], 6–7).

Gia Cốp 4:5. Thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô

Bài viết của Gia Cốp mang lại một sự hiểu biết quan trọng trong luật Môi Se và Kinh Cựu Ước. Trong Gia Cốp 4:5, chúng ta học được rằng các vị tiên tri trước thời Gia Cốp đã thờ phượng Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, điều đó cho thấy rằng họ đã biết về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử là hai Đấng riêng biệt. Những lời của Gia Cốp cho thấy rằng luật Môi Se còn có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một bộ giáo lệnh và các bộ luật nghiêm khắc như một số nhà học giả hiện đại đã nghĩ. Luật Môi Se làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và dẫn người ngay chính đến sự thánh hóa qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

Gia Cốp 4:10. ″Nhận lãnh những lời khuyên dạy từ Ngài″

Chủ Tịch Marion G. Romney thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích về tầm quan trọng của việc biết và tuân theo lời khuyên dạy của Chúa:

Tôi không nghĩ rằng nhiều tín hữu của Giáo Hội cố ý [làm theo] những lời thuyết phục của loài người hoặc lời khuyên dạy của chính họ thay vì lưu tâm đến lời khuyên dạy của Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta không giữ mình tuân theo lời khuyên dạy của Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng thay thế lời khuyên dạy của Ngài bằng lời khuyên dạy của mình. Thực ra, không có điều gì khác chúng ta có thể làm ngoài việc làm theo lời khuyên dạy của chính mình khi chúng ta không biết đến những lời chỉ dẫn của Chúa” (“Seek Not to Counsel the Lord,” Ensign, tháng Tám năm 1985, 5).