Bài Học 44
Gia Cốp 2:12–35
Lời Giới Thiệu
Trung thành với trách nhiệm với tư cách là một vị lãnh đạo chức tư tế, Gia Cốp đã kêu gọi dân ông hối cải, cảnh báo họ về các tội lỗi của tính kiêu ngạo và sự vô luân về mặt tình dục. Ông đã dạy về những nguy cơ và hậu quả của hai tội lỗi thường thấy này.
Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy
Gia Cốp 2:12–21
Gia Cốp khiển trách dân ông về tính kiêu ngạo
Viết lên trên bản những điều sau đây: tiền bạc, trí thông minh, bạn bè, tài năng, sự hiểu biết phúc âm. Mời các học sinh suy nghĩ về các phước lành Chúa đã ban cho họ trong những lãnh vực này. Khuyến khích họ suy ngẫm về điều họ cảm thấy đối với các phước lành này trong khi họ học Gia Cốp 2.
Yêu cầu một học sinh đọc to Gia Cốp 2:12–13. Mời những người khác trong lớp học dò theo, nhận ra điều mà nhiều người Nê Phi đang tìm kiếm.
Sau khi các học sinh trả lời, hãy nêu lên rằng Gia Cốp đã bảo dân ông rằng họ đã nhận được nhiều của cải nhờ vào ″bàn tay thiên ân.″ Các anh chị em có thể muốn giải thích từ thiên ân dùng để chỉ Thượng Đế.
-
Tại sao là điều quan trọng đối với chúng ta để nhớ rằng tất cả các phước lành chúng ta có đều từ Cha Thiên Thượng mà ra?
-
Theo như Gia Cốp 2:13, tại sao có nhiều dân Nê Phi dương dương tự đắc trong lòng mình?
Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Yêu cầu lớp học lắng nghe những sự hiểu biết sâu rộng về ý nghĩa của việc dương dương tự đắc:
″Theo bản chất, tính kiêu hãnh là tội lỗi so sánh, vì nó thường bắt đầu với câu nói “Hãy xem tôi tuyệt vời biết bao và những điều trọng đại mà tôi đã làm,” và luôn luôn kết thúc với câu “Do đó, tôi giỏi hơn mấy người nhiều.′ …
“… Thật là có tội khi nói: “Tạ ơn Thượng Đế, tôi đặc biệt hơn mấy người.” Thật sự đó là ước muốn được ngưỡng mộ hoặc thèm muốn. Đó là tội tự đề cao” (“Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 56).
Khuyến khích các học sinh im lặng suy ngẫm xem họ đã từng cảm thấy có tội khi nghĩ rằng họ giỏi hơn một người nào đó không.
Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 2:14–16. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các cụm từ cho thấy những hậu quả của tính kiêu ngạo. Yêu cầu họ báo cáo điều họ tìm thấy.
-
Các em nghĩ tại sao tính kiêu ngạo có khả năng ″hủy diệt tâm hồn [chúng ta]″? Gia Cốp 2:16).
Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 2:17–21. Yêu cầu họ tìm kiếm các cụm từ dạy về cách chúng ta có thể khắc phục tính kiêu ngạo và các thái độ không thích hợp về của cải vật chất. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu các cụm từ họ tìm thấy. Sau khi họ đã nghiên cứu các câu này rồi, hãy mời họ chọn một cụm từ họ tìm thấy. Cho vài học sinh cơ hội để giải thích cách các cụm từ họ đã chọn có thể giúp họ khắc phục tính kiêu ngạo hoặc thái độ không thích hợp đối với sự giàu có vật chất. (Là một phần của sinh hoạt này, các anh chị em cũng có thể đề nghị các học sinh đọc các đoạn thánh thư sau đây: 1 Các Vua 3:11–13; Mác 10:17–27, kể cả Bản Dịch Joseph Smith trong cước chú 27a; 2 Nê Phi 26:31; An Ma 39:14; GLGƯ 6:7).
-
Các em nghĩ việc tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế có nghĩa là gì? Các em nghĩ việc nhận được một niềm hy vọng nơi Đấng Ky Tô có nghĩa là gì?
-
Việc tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế và nhận được một niềm hy vọng nơi Đấng Ky Tô có thể ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với sự giàu có và của cải vật chất như thế nào?
Yêu cầu các học sinh tưởng tượng ra cách họ sẽ tóm lược điểm chính của Gia Cốp 2:12–21 cho một học sinh vắng mặt trong lớp học ngày hôm nay. Cho hai hoặc ba học sinh một cơ hội để chia sẻ điều họ sẽ nói. Các học sinh có thể nói ra các nguyên tắc chân chính khác nhau. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu là chúng ta nên tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế trên hết tất cả những mối quan tâm khác. Cho các học sinh thời gian để viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ về một cách thức họ có thể sử dụng các phước lành và cơ hội mà Chúa đã ban cho họ để xây đắp vương quốc của Thượng Đế và ban phước cho cuộc sống của những người khác.
Gia Cốp 2:22–35
Gia Cốp khiển trách những người đã vi phạm luật trinh khiết
Viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:
″Tội lỗi ghê gớm của thế hệ này là …”
Mời các học sinh nghĩ về cách Chủ Tịch Benson đã có thể kết thúc câu này. Rồi đọc lời phát biểu sau đây:
″Tội lỗi ghê gớm của thế hệ này là sự vô luân về mặt tình dục. Tiên Tri Joseph đã nói điều này sẽ là nguồn cám dỗ, hành hạ và khó khăn cho các anh cả của Y Sơ Ra Ên hơn bất cứ điều gì khác” (The Teachings of Ezra Taft Benson [1988], 277).
Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 2:22–23, 28, nhận ra những từ và cụm từ mà Gia Cốp đã sử dụng để mô tả tính chất nghiêm trọng của sự vô luân về mặt tình dục. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ thói tà dâm ám chỉ tội lỗi tình dục). Yêu cầu các học sinh chia sẻ những từ và cụm từ họ khám phá ra.
Để giúp các học sinh hiểu luật trinh khiết, hãy đọc lời phát biểu sau đây từ cuốn sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Yêu cầu các học sinh lắng nghe những hành động mà họ nên tránh.
″Tiêu chuẩn của Chúa về sự trong sạch về mặt tình dục là rõ ràng và không thay đổi. Đừng nên có bất cứ mối quan hệ tình dục nào trước khi kết hôn, và hoàn toàn chung thủy với người phối ngẫu của mình sau khi kết hôn. …
″Đừng bao giờ làm điều gì mà có thể dẫn đến việc phạm tội tình dục. Hãy đối xử với những người khác một cách tôn trọng, đừng bao giờ xem họ như món đồ được sử dụng để thỏa mãn ước muốn dâm đãng và ích kỷ của mình. Trước khi kết hôn, đừng tham gia vào việc hôn nhau say đắm, nằm trên một người khác, hay chạm tay vào những phần thân thể riêng tư, thiêng liêng của người khác, có hay không có mặc áo quần. Đừng làm bất cứ điều gì khác để khơi dậy những cảm nghĩ về tình dục. Đừng khơi dậy những mối cảm xúc đó trong thân thể của các em” (Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [cuốn sách nhỏ, 2011], 35–36).
Hãy nêu lên rằng theo như Gia Cốp 2:23–24, một số người trong thời Gia Cốp đã cố gắng bào chữa cho tội lỗi tình dục của họ.
-
Đôi khi người ta tìm cách bào chữa sự vô luân về mặt tình dục như thế nào trong thời nay?
-
Giới trẻ có thể làm một số điều nào để tránh bị các cám dỗ tình dục khắc phục? (Các câu trả lời có thể gồm có việc cầu nguyện để có được sức mạnh, chơi với bạn bè tốt, chọn thú giải trí lành mạnh, và tránh những tình huống và những nơi mà có thể có cám dỗ).
Các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng một trong số các tội lỗi của dân Nê Phi dường như là tình trạng thực hành tục đa hôn trái phép. Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 2:27–30. Trước khi họ đọc, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ hầu thiếp ám chỉ một người phụ nữ kết hôn hợp pháp với một người đàn ông nhưng là người có một vị thế thấp hơn một người vợ.
-
Theo như Gia Cốp 2:27, thì “lời của Chúa” về việc có hơn một người vợ là gì? (Hãy chắc chắn rằng rõ ràng là từ lúc đầu, Chúa đã truyền lệnh rằng một người đàn ông phải kết hôn với một người vợ mà thôi. Xin xem thêm GLGƯ 49:15–16).
Giải thích rằng tục đa hôn trái phép là một ví dụ về thói tà dâm hoặc tội lỗi tình dục. Dưới mắt của Thượng Đế, tội lỗi tình dục là rất nghiêm trọng.
-
Theo như Gia Cốp 2:30, khi nào dân của Chúa được phép thực hành tục đa hôn? (Khi Chúa truyền lệnh điều đó).
Hãy nêu lên rằng trong một vài thời điểm trong lịch sử của thế gian, Chúa đã truyền lệnh cho dân ngài thực hành tục đa hôn. Ví dụ, tục đa hôn được thực hành trong thời Cựu Ước bởi Áp Ra Ham và Sa Ra (xin xem Sáng Thế Ký 16:1–3; GLGƯ 132:34–35, 37) và bởi cháu nội của họ là Gia Cốp (xin xem GLGƯ 132:37), và tục này được thực hành trong một thời gian vào những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội phục hồi, bắt đầu với Joseph Smith (xin xem GLGƯ 132:32–33, 53).
Để nhấn mạnh rằng sự vô luân về mặt tình dục có một ảnh hưởng hủy diệt đối với gia đình, hãy đọc to Gia Cốp 2:31–35. Yêu cầu các học sinh đọc dò theo, tìm kiếm một số hậu quả về sự vô luân. Hãy nêu lên rằng mặc dù Gia Cốp chỉ nói tới nam giới, nhưng luật trinh khiết cũng quan trọng đối với nữ giới.
-
Theo như Gia Cốp, các gia đình bị ảnh hưởng như thế nào khi một người trong gia đình vi phạm luật trinh khiết? Sự giúp đỡ này giải thích như thế nào về lý do tại sao việc vi phạm luật trinh khiết là một tội lỗi nghiêm trọng như vậy?
-
Một số người trẻ tuổi biện minh rằng họ có thể vi phạm luật trinh khiết vì hành động của họ không làm tổn thương một người nào khác. Sự vô luân của một người có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
Để kết thúc phần thảo luận này về những hậu quả của tội lỗi tình dục, hãy cân nhắc việc đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời các học sinh lắng nghe các hậu quả của sự vô luân về mặt tình dục.
″Những hành vi chung chăn chung gối bên ngoài vòng cam kết lâu dài của hôn nhân đều bị Chúa cấm bởi vì các hành vi này làm suy yếu các mục đích của Ngài. Trong vòng giao ước thiêng liêng của hôn nhân, các mối quan hệ như vậy là tuân theo kế hoạch của Ngài. Khi được kinh nghiệm bằng cách khác, thì các mối quan hệ này đều trái với ý muốn của Ngài. Các quan hệ này gây ra tác hại nghiêm trọng về cảm xúc và tinh thần. Mặc dù những người tham dự không nhận biết rằng điều đó hiện đang xảy ra nhưng về sau họ sẽ nhận biết. Sự vô luân về mặt tình dục tạo ra một rào cản đối với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh với tất cả các khả năng nâng cao tinh thần, soi sáng và khả năng làm cho có khả năng của Đức Thánh Linh. Điều này gây ra sự kích thích mạnh mẽ về thể chất và cảm xúc. Cuối cùng điều đó tạo ra một nỗi khát khao không thỏa mãn được đã thúc đẩy người phạm tội còn phạm vào tội lỗi nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Điều đó gây ra tính ích kỷ và có thể tạo ra những hành động mạnh bạo như sự tàn bạo, phá thai, lạm dụng tình dục và tội ác bạo lực. Sự kích thích như vậy có thể dẫn đến hành vi đồng tính luyến ái, và điều đó là xấu xa và hoàn toàn sai trái” (“Making the Right Choices,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 38).
Mời các học sinh xem lại phần đầu sách Gia Cốp 2:28 và nhận ra điều làm Chúa hài lòng. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh đánh dấu điều họ tìm thấy. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu là Chúa hài lòng về sự trinh khiết).
-
Dựa trên điều chúng ta đã thảo luận ngày hôm nay, các em nghĩ tại sao Chúa hài lòng về sự trinh khiết?
Hãy cân nhắc việc cho thấy một tấm hình của gia đình các anh chị em. Làm chứng về các phước lành đến với các anh chị em và gia đình các anh chị em khi đã sống theo luật trinh khiết của Chúa. Nhấn mạnh rằng khả năng để có con cái là một ân tứ tuyệt diệu từ Cha Thiên Thượng khi khả năng này được sử dụng trong phạm vi Ngài đã định. Khuyến khích các học sinh nên thanh khiết và trong sạch để Chúa có thể ″hài lòng về sự trinh khiết [của họ]″ (Gia Cốp 2:28).
Để giúp các học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ về việc sống theo luật trinh khiết, các anh chị em có thể muốn đặt ra câu hỏi sau đây:
-
Các em có thể nói gì với một người nào đó mà cho rằng luật trinh khiết là lỗi thời và vô ích? (Trong khi các học sinh trả lời câu hỏi này, hãy nhắc nhở họ làm chứng về các phước lành của việc tuân giữ luật trinh khiết, không phải chỉ những nguy cơ của việc không tuân theo luật đó mà thôi).
Hãy cho các học sinh biết rằng các anh chị em tin tưởng rằng họ có thể được trong sạch về mặt đạo đức. Hãy nhấn mạnh rằng nếu họ vi phạm luật trinh khiết, thì họ cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ giám trợ hay chủ tịch chi nhánh của họ, là người có thể giúp họ hối cải và trở nên trong sạch qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.