Thư Viện
Bài Học 157: Mô Rô Ni 8


Bài Học 157

Mô Rô Ni 8

Lời Giới Thiệu

Trong khi tiếp tục thêm vào biên sử thiêng liêng, Mô Rô Ni gồm vào một bức thư ông đã nhận được từ cha ông là Mặc Môn. Trong bức thư này, Mặc Môn đã ghi lại một điều mặc khải ông đã nhận được về việc tại sao trẻ thơ không cần phải được báp têm. Mặc Môn cũng dạy về cách chúng ta có thể chuẩn bị để được ở với Thượng Đế. Ông kết thúc bức thư của mình bằng cách bày tỏ mối quan tâm về sự tà ác của dân Nê Phi và sự hủy diệt sắp xảy ra của họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Rô Ni 8:1–24

Mặc Môn dạy rằng trẻ thơ được sống trong Đấng Ky Tô

Em Bé Gái Chịu Phép Báp Têm

Trước khi bắt đầu học, hãy trưng bày hình của Em Bé Gái Chịu Phép Báp Têm (Bộ Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 104) hoặc một tấm hình khác của một đứa trẻ tám tuổi tại buổi lễ báp têm của em ấy. Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng:

Tại sao trẻ em không được báp têm cho đến khi chúng tám tuổi?

Khi các học sinh đến, hãy mời họ nhìn vào bức ảnh và suy ngẫm về câu hỏi ở trên bảng.

Khi lớp học bắt đầu, hãy nói cho các học sinh biết rằng trong một bức thư gửi cho con trai của ông là Mô Rô Ni, Mặc Môn đã giảng dạy về sự cứu rỗi của trẻ thơ. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 8:4–6, và yêu cầu lớp học tìm kiếm điều Mặc Môn đã quan tâm đến. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng trong câu 6, từ lớn lao có nghĩa là nghiêm trọng, đáng xấu hổ, hoặc tai hại).

Sau khi các học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy được, hãy mời họ đọc thầm Mô Rô Ni 8:7 và nhận ra điều Mặc Môn đã làm khi ông biết được vấn đề này.

  • Chúng ta có thể học hỏi được gì từ tấm gương của Mặc Môn?

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 8:8–9, và yêu cầu lớp học tìm kiếm sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của Mặc Môn. Khi các học sinh báo cáo điều họ tìm thấy, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng cụm từ “lời nguyền rủa A Đam” ám chỉ sự tách rời A Đam khỏi sự hiện diện của Thượng Đế là do Sự Sa Ngã mà ra. Một số người lầm tưởng rằng mọi đứa trẻ đều được sinh ra trong một trạng thái tội lỗi vì Sự Sa Ngã. Với ý nghĩ sai này, họ nghĩ rằng trẻ thơ không xứng đáng được ở nơi hiện diện của Thượng Đế nếu chúng chết mà không được báp têm. Khi giải thích điều này, các anh chị em có thể muốn yêu cầu các học sinh đọc thuộc lòng tín điều thứ hai. Các anh chị em cũng có thể đề nghị rằng họ tham khảo chéo Mô Rô Ni 8:8–9 với Những Tín Điều 1:2.

Viết câu dở dang sau đây lên trên bảng: Sự hối cải và phép báp têm là cần thiết cho tất cả những người …

Yêu cầu các học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 8:10, tìm ra các từ và cụm từ để hoàn thành câu ở trên bảng. Sau khi các học sinh báo cáo những câu trả lời của họ, hãy hoàn tất câu đó như sau: Sự hối cải và phép báp têm là cần thiết cho tất cả những ai có trách nhiệm và có thể phạm tội. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh đánh dấu các cụm từ trong Mô Rô Ni 8:10 mà dạy về lẽ thật này.

Lẽ thật này có thể giúp làm sáng tỏ rằng tội lỗi là “cố tình bất tuân các giáo lệnh của Thượng Đế” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tội Lỗi,” scriptures.lds.org). Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Dallin H. Oaks

“Chúng ta hiểu từ giáo lý của mình rằng trước khi đến tuổi chịu trách nhiệm một đứa trẻ ‘không thể phạm tội’ (Mô Rô Ni 8:8). Trong thời gian đó, trẻ em có thể phạm lỗi lầm, thậm chí những lỗi lầm rất nghiêm trọng và tai hại mà phải được sửa chỉnh, nhưng hành động của chúng không bị xem là tội lỗi” (“Sins and Mistakes,” Ensign, tháng Mười năm 1996, 65).

Chia lớp học ra làm hai. Mời một nửa số học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 8:11–18 và một nửa số kia đọc thầm Mô Rô Ni 8:11, 19–24. (Các anh chị em có thể muốn viết những đoạn tham khảo này lên trên bảng). Trước khi họ đọc, hãy yêu cầu các học sinh ở cả hai nhóm nhận ra điều Mặc Môn đã dạy về phép báp têm cho trẻ thơ. Khi các học sinh đã có đủ thời gian để đọc, hãy mời một vài người trong mỗi nhóm báo cáo điều họ đã tìm thấy. Các anh chị em có thể sử dụng một số các câu hỏi sau đây để giúp các học sinh suy nghĩ thêm về những lời giảng dạy của Mặc Môn:

  • Các em nghĩ việc trẻ thơ “được sống trong Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 8:12, 22). (Chúng được cứu chuộc qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng không thể phạm tội, vì quyền năng không được ban cho Sa Tan để cám dỗ trẻ thơ. Xin xem thêm Mô Rô Ni 8:10; GLGƯ 29:46–47).

  • Chúng ta cần phải làm gì để được sống trong Đấng Ky Tô? (Xin xem 2 Nê Phi 25:23–26; Mô Rô Ni 8:10).

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ các câu này về cách trẻ thơ được cứu rỗi? (Các học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ nên nhận ra lẽ thật sau đây: Trẻ thơ được cứu rỗi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các học sinh cũng có thể nêu lên rằng trẻ thơ được sống trong Đấng Ky Tô, rằng Thượng Đế không phải là một Thượng Đế thiên vị, và rằng Thượng Đế không thay đổi).

Viết các ví dụ sau đây lên trên bảng hoặc trên một tờ giấy phát tay. Mời mỗi học sinh chọn một trong số các ví dụ này. Sau đó yêu cầu các học sinh chọn một hoặc hai câu từ Mô Rô Ni 8:8–23 và giải thích cách các lẽ thật trong những câu đó giải quyết mối quan tâm được bày tỏ trong ví dụ mà họ đã chọn.

Ví dụ 1: Là một người truyền giáo, các em gặp một cặp vợ chồng đang vô cùng buồn khổ vì con gái hai tháng của họ đã qua đời. Người lãnh đạo của giáo hội họ đã nói với họ rằng trẻ thơ có tội khi sinh ra vì sự phạm giới của A Đam. Người này nói rằng vì con gái của họ đã không được báp têm trước khi chết, nên nó có thể không được cứu rỗi.

Ví dụ 2: Các em có một người bạn đã gặp những người truyền giáo và đi nhà thờ với các em. Người này quyết định rằng mình muốn gia nhập Giáo Hội, nhưng vẫn còn do dự để chịu phép báp têm. Người này giải thích: “Tôi chịu phép báp têm khi tôi còn bé.” “Như thế không đủ sao?”

Khi các học sinh chia sẻ những ý nghĩ của họ về ví dụ thứ hai, các anh chị em có thể cần phải nhắc nhở họ rằng sự hối cải và phép báp têm là cho “những ai hiểu biết trách nhiệm và có thể phạm tội được” (Mô Rô Ni 8:10). Chúa đã phán rằng trẻ em bắt đầu phải chịu trách nhiệm trước mặt Ngài lúc tám tuổi. Những điều mặc khải về lẽ thật này được tìm thấy trong Joseph Smith Translation,Sáng Thế Ký 17:11 (trong bản phụ lục của phiên bản của Thánh Hữu Ngày Sau Bản Dịch Kinh Thánh King James) và Giáo Lý và Giao Ước 68:25–27.

Mô Rô Ni 8:25–30

Mặc Môn giảng dạy điều mà những người chịu trách nhiệm phải làm để được ở với Thượng Đế

Giải thích rằng sau khi Mặc Môn đã dạy Mô Rô Ni về lý do tại sao trẻ thơ không cần phải được báp têm, thì ông giảng dạy về lý do tại sao cần có phép báp têm cho những người có trách nhiệm. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 8:25–26. Mời lớp học dò theo cùng tìm kiếm phước lành đến cho những người sử dụng đức tin, hối cải, và chịu phép báp têm.

  • Các em đã thấy các phước lành nào trong các câu này? (Trong khi các học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, các anh chị em có thể muốn liệt những câu trả lời của họ lên trên bảng. Những câu trả lời có thể gồm có việc đức tin, sự hối cải, và phép báp têm dẫn đến sự xã miễn tội lỗi, sự nhu mì và khiêm tốn trong lòng, sự viếng thăm của Đức Thánh Linh, hy vọng, tình thương yêu trọn vẹn, và cuối cùng, phước lành được ở với Thượng Đế).

Khi các học sinh liệt kê các phước lành họ thấy trong Mô Rô Ni 8:25–26, các anh chị em có thể muốn hỏi những câu hỏi tiếp theo này:

  • Tại sao các em nghĩ rằng việc nhận được một sự xá miễn cho những tội lỗi của chúng ta dẫn đến sự như mì và khiêm tốn trong lòng?

  • Làm thế nào sự nhu mì và khiêm tốn trong lòng mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta?

  • Tại sao Đức Thánh Linh giúp chúng ta chuẩn bị để sống với Thượng Đế?

  • Các em nghĩ tại sao chúng ta cần phải siêng năng và thành tâm để cho tình thương yêu trọn vẹn được bền chặt trong cuộc sống của chúng ta?

Viết câu còn dở dang sau đây lên trên bảng: Qua sự trung thành tuân theo các lệnh truyền, chúng ta có thể nhận được Đức Thánh Linh, mà chuẩn bị cho chúng ta để …

Mời các học sinh nhận ra một cụm từ trong Mô Rô Ni 8:25–26 mà hoàn tất nguyên tắc này: Qua sự trung thành tuân theo các lệnh truyền, chúng ta có thể nhận được Đức Thánh Linh, mà chuẩn bị cho chúng ta được ở với Thượng Đế.

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 8:27, và yêu cầu lớp học tìm kiếm kết quả của tính kiêu ngạo của dân Nê Phi. Sau đó yêu cầu các học sinh thầm xem lại Mô Rô Ni 8:26Mô Rô Ni 8:27, đối chiếu các kết quả của sự nhu mì và khiêm tốn trong lòng với kết quả của tính kiêu ngạo.

Mời một học sinh khác đọc to Mô Rô Ni 8:28. Hãy nêu lên rằng sau khi Mặc Môn bày tỏ mối quan tâm về dân Nê Phi, ông nói: “Hãy cầu nguyện cho họ, hỡi con trai của cha, để sự hối cải có thể đến cùng họ.” Nhắc các học sinh nhớ về quyền năng mà có thể đến với cuộc sống của người ta khi những người khác cầu nguyện cho họ.

Để kết thúc bài học này, hãy mời các học sinh chia sẻ những cảm nghĩ của họ về quyền năng của Sự Chuộc Tội để cứu rỗi trẻ thơ và cứu rỗi tất cả chúng ta khi chúng ta cố gắng trung thành với các giao ước của mình.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Rô Ni 8:8. “Ở trong ta, lời nguyền rủa A Đam đã được cất bỏ khỏi chúng”

Một số người tin rằng vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, nên trẻ sơ sinh đi vào thế giới ô uế bởi tội lỗi. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích rằng điều giảng dạy này là sai:

“Tất cả những người tin rằng con người, kể cả trẻ sơ sinh, cũng bị ô uế bởi ‘tội nguyên thủy,’ (nói cách khác là sự phạm giới của A Đam), phủ nhận lòng thương xót của máu chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Kinh Thánh (cũng như thánh thư hiện đại của chúng ta) dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô quả thật chính là Đấng Cứu Chuộc nhân loại khỏi sự sa ngã. Ngài đã trả món nợ mà nhân loại đã trở thành người thừa kế qua sự phạm giới của A Đam. Món nợ đè nặng trên linh hồn của chúng ta đã được trả đầy đủ. Điều đó không còn là hình phạt mà đòi hỏi một hành động nào đó bằng cách, hoặc thay cho, bất cứ sinh linh nào, để giải thoát con người khỏi ‘tội nguyên thủy.’ Giáo lý cho rằng trẻ sơ sinh ra đời trên thế gian này dưới lời nguyền rủa của ‘tội nguyên thủy,’ là một giáo lý khả ố dưới mắt Thượng Đế, và phủ nhận tính vĩ đại và sự thương xót của sự chuộc tội. (Xin xem Mô Rô Ni Chương 8).”(Church History and Modern Revelation: A Course of Study for the Melchizedek Priesthood Quorums, 4 tập. [1949], 4:99).

Mô Rô Ni 8:10. Tuổi hiểu biết trách nhiệm

Sự hối cải là đối với những người hiểu biết trách nhiệm. “Trẻ thơ không thể hối cải” (Mô Rô Ni 8:19). Trẻ em dưới tám tuổi không hiểu biết trách nhiệm trước Thượng Đế (xin xem GLGƯ 68:25–27), vì vậy chúng không cần phải hối cải. Những người có khuyết tật trí tuệ và không thể có ý định hối cải cũng có thể được coi là không hiểu biết trách nhiệm. Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về trẻ em trở nên hiểu biết trách nhiệm như thế nào:

“Việc hiểu biết trách nhiệm không bỗng nhiên xảy ra cho một đứa trẻ ở bất cứ lúc nào trong cuộc sống của nó. Trẻ em trở nên hiểu biết trách nhiệm dần dần, qua nhiều năm. Việc hiểu biết trách nhiệm là một tiến trình, không phải là một mục tiêu phải đạt được khi một số năm, ngày, và giờ nhất định đã trôi qua. Trong điều mặc khải ban cho chúng ta, Chúa phán: ‘Chúng không thể phạm tội, vì quỷ Sa Tan không được ban cho quyền năng cám dỗ trẻ thơ cho đến khi nào chúng bắt đầu đến tuổi hiểu biết trách nhiệm trước mặt ta.’ (GLGƯ 29:47.) Tuy nhiên, sẽ đến lúc mà việc hiểu biết trách nhiệm là có thật và thực tế và tội lỗi hiện diện trong cuộc sống của những người phát triển bình thường. Đó là lúc tám tuổi, tuổi chịu phép báp têm. (GLGƯ 68:27.)” (“The Salvation of Little Children,” Ensign, tháng Tư năm 1977, 6).

Mô Rô Ni 8:8–24. Phép báp têm cho trẻ sơ sinh

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng trẻ thơ không cần phép báp têm:

“‘[Chúng ta] có tin vào phép báp têm cho trẻ sơ sinh không?’ Không. … Không … Vì điều đó không được ghi chép ở đâu trong Kinh Thánh cả. Phép báp têm là cho việc xá miễn các tội lỗi. Trẻ em không có tội. Trẻ em đều được sống trong Đấng Ky Tô, và những đứa trẻ lớn hơn qua đức tin và sự hối cải” (History of the Church, 5:499).

Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ kể về những người truyền giáo toàn thời gian đã có thể an ủi một người mẹ đau buồn trước cái chết của đứa con trai nhỏ của mình:

“Hai người truyền giáo đang phục vụ ở vùng núi miền nam Hoa Kỳ. Một ngày nọ, từ một đỉnh đồi, họ thấy người ta quy tụ lại trong một khu đất phá hoang ở đằng xa phía dưới đó. Những người truyền giáo thường không có nhiều người để có thể thuyết giảng nên họ đi xuống khu đất đó.

“Một đứa bé trai bị chết đuối, và lúc đó là tang lễ của nó. Cha mẹ của nó đã cho mời vị mục sư đến để nói chuyện trong tang lễ của con trai họ. Những người truyền giáo đứng ở phía sau trong khi vị mục sư du hành đó đứng đối diện với hai người cha mẹ đang đau buồn và bắt đầu bài giảng của mình. Nếu hai người cha mẹ đó trông mong nhận được sự an ủi từ vị mục sư này thì chắc hẳn họ sẽ thất vọng.

“Vị mục sư quở trách họ một cách nghiêm khắc vì đã không để cho đứa bé đó chịu phép báp têm. Họ đã trì hoãn việc đó vì lý do này hay lý do khác, và giờ đây thì đã quá trễ. Vị mục sư ấy nói thẳng thừng với họ rằng đứa con của họ đã đi xuống địa ngục rồi. Đó là lỗi của họ. Họ phải chịu trách nhiệm về nỗi thống khổ bất tận của đứa bé.

“Sau khi bài giảng kết thúc và ngôi mộ đã được lắp đất, hai anh cả tiến đến gần hai cha mẹ đang buồn phiền. Họ nói với người mẹ: “Chúng tôi là tôi tớ của Chúa, và chúng tôi đến đây với một sứ điệp cho bà.” Trong khi hai người cha mẹ nức nở khóc và lắng nghe, hai anh cả đọc từ những điều mặc khải và làm chứng về sự phục hồi các chìa khóa cứu chuộc cho người sống lẫn người chết.

“Tôi có phần nào cảm thông với vị mục sư thuyết giảng đó. Vị ấy đã làm hết sức mình với ánh sáng và hiểu biết mà mình có. Nhưng còn có thêm nhiều điều nữa mà vị ấy đáng lẽ phải mang đến cho người khác. Đó là phúc âm trọn vẹn.

“Hai anh cả này đã đến với tư cách là người an ủi, giảng viên, tôi tớ của Chúa, hai giáo sĩ được phép giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô” (“Một Đứa Con Trẻ Sẽ Dắt Chúng Nó Đi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2012, 7).