Thư Viện
Bài Học 23: 2 Nê Phi 2 (Phần 1)


Bài Học 23

2 Nê Phi 2 (Phần 1)

Lời Giới Thiệu

2 Nê Phi 2 chứa đựng phần giảng dạy tiếp theo của Lê Hi ngay trước khi ông qua đời. Khi nói thẳng với con trai của mình là Gia Cốp, Lê Hi đã làm chứng về khả năng của Chúa để biệt riêng sự đau khổ của chúng ta thành lợi ích cho chúng ta. Khi nói với tất cả các con trai của mình, ông đã giảng dạy về Sự Sa Ngã của A Đam—tại sao điều đó là cần thiết và ảnh hưởng đến nhân loại như thế nào—và về sự cần thiết phải có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (Lê Hi cũng giảng dạy giáo lý về quyền tự quyết. Giáo lý này sẽ được đề cập đến trong bài học kế tiếp).

Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 2:1–4

Lê Hi nói với Gia Cốp về những thử thách và phước lành

Để giúp các học sinh thấy rằng 2 Nê Phi 2 là quan trọng trong cuộc sống của họ, hãy yêu cầu họ nghĩ về một người mà họ biết đã đương đầu với những khó khăn và hoạn nạn đáng kể. Mời họ suy ngẫm điều họ có thể nói để khuyến khích người đó. Yêu cầu họ chuẩn bị chia sẻ ý nghĩ của họ với lớp học.

Giải thích rằng 2 Nê Phi 2 chứa đựng một biên sử về Lê Hi ngỏ lời cùng một nguời con trai đã trải qua những khó khăn. Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 2:1. Yêu cầu họ nhận ra người con trai nào Lê Hi đã giảng dạy (Gia Cốp) và điều đã làm cho người con trai này phải đau khổ (tính tình lỗ mãng của các anh ông). Sau đó yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 2:2–3. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng họ đánh dấu những từ và cụm từ mô tả điều Chúa sẽ làm cho Gia Cốp.

Yêu cầu các học sinh chia sẻ những cụm từ họ đã tìm ra. Rồi đặt ra những câu hỏi sau đây để giúp họ hiểu rằng Chúa có thể biệt riêng sự đau khổ của chúng ta thành lợi ích cho chúng ta:

  • Cụm từ “biệt riêng sự đau khổ của con thành lợi ích cho con” có ý nghĩa gì đối với các em? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng biệt riêng có nghĩa là dâng hiến hoặc thánh hóa).

  • Các em đã thấy Chúa có thể biệt riêng sự đau khổ của chúng ta thành lợi ích cho chúng ta vào lúc nào?

2 Nê Phi 2:5–25

Lê Hi giảng dạy cho các con trai của mình về Sự Sa Ngã và về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Giải thích rằng Lê Hi đã dạy Gia Cốp và các con trai khác của ông về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Các anh chị em có thể cần giải thích rằng cụm từ “Sự Sa Ngã” ám chỉ những trạng thái đến với A Đam và Ê Va và con cháu của họ bởi vì sự lựa chọn của A Đam và Ê Va để ăn trái cấm trong Vườn Ê Đen.

  • Chúa đã ban cho A Đam và Ê Va điều gì để lựa chọn trong Vườn Ê Đen? (Ngài cho phép họ chọn ăn hoặc không ăn trái cấm).

  • Theo như 2 Nê Phi 2:15, tại sao Chúa ban cho họ sự lựa chọn này? (“Để mang lại các mục đích vĩnh cửu cho loài người.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh đánh dấu cụm từ này).

  • Các mục đích vĩnh cửu của Thượng Đế dành cho chúng ta là gì? (Để ban cho chúng ta cơ hội tiếp nhận cuộc sống vĩnh cửu và trở thành giống như Ngài. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh ghi chép câu này trong thánh thư của họ bên cạnh cụm từ “các mục đích vĩnh cửu.” Các anh chị em cũng có thể muốn yêu cầu họ đọc Môi Se 1:39.)

Vẽ lại biểu đồ sau đây lên trên bảng, để trống hai ô ở bên dưới. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh vẽ lại biểu đồ này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ hoặc sổ ghi chép trong lớp học).

Nếu không có Sự Sa Ngã

Vì Sự Sa Ngã

Tất cả mọi vật đều ở nguyên trong trạng thái như lúc mới được sáng tạo (xin xem 2 Nê Phi 2:22).

A Đam và Ê Va sẽ không có con cái (xin xem 2 Nê Phi 2:23).

A Đam và Ê Va sẽ ở trong trạng thái ngây thơ, không thể biết vui mừng hay đau khổ, điều tốt lành hay tội lỗi (xin xem 2 Nê Phi 2:23).

A Đam và Ê Va bị đuổi ra khỏi khu vườn để trồng trọt đất đai (xin xem 2 Nê Phi 2:19).

A Đam và Ê Va sinh sản con cái—gia đình của cả thế gian (xin xem 2 Nê Phi 2:20).

A Đam và Ê Va và con cháu của họ sẽ trải qua cuộc sống trần thế, kể cả nỗi khổ sở, niềm vui và khả năng làm điều tốt và phạm tội (xin xem 2 Nê Phi 2:23, 25).

Chúng ta phải trải qua cái chết thể xác và thuộc linh (xin xem 2 Nê Phi 9:6; Hê La Man 14:16).

Mời một học sinh đến tấm bảng và làm người ghi chép cho lớp học. Yêu cầu các học sinh im lặng tra cứu 2 Nê Phi 2:19–25, nhận ra (1) những kết quả sẽ đưa đến việc A Đam và Ê Va đã không ăn trái cấm và sa ngã và (2) những kết quả từ Sự Sa Ngã mà có. Yêu cầu người ghi chép viết vào biểu đồ những câu trả lời của các học sinh. Các câu trả lời cần phải gồm có những câu trả lời được liệt kê ở trên (ngoại trừ chi tiết về cái chết thể xác và thuộc linh mà sẽ được thêm vào sau).

Mời các học sinh xem lại các câu trả lời của họ dưới tiêu đề “Nếu không có Sự Sa Ngã.”

  • Trạng thái trong Vườn Ê Đen đã có lẽ ngăn cản A Đam và Ê Va tiến triển trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng như thế nào? (Xin xem 2 Nê Phi 22–23.)

Mời các học sinh xem lại bản liệt kê dưới tiêu đề “Vì Sự Sa Ngã.” Hãy chắc chắn rằng họ hiểu là vì chúng ta là con cháu của A Đam và Ê Va nên chúng ta phải trải qua các trạng thái đã đến với họ sau khi họ sa ngã (xin xem 2 Nê Phi 2:21).

  • Cụm từ “trồng trọt đất đai” có nghĩa là sau khi A Đam và Ê Va bị đuổi ra khỏi khu vườn thì họ đã phải làm việc để có được thức ăn. Các em nghĩ sự làm việc giúp chúng ta tiến triển như thế nào trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

  • Việc có được con cái sẽ giúp A Đam và Ê Va trở thành giống như Cha Thiên Thượng hơn như thế nào? Trong những cách thức nào gia đình là quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

  • Làm thế nào cơ hội để cảm nhận được niềm vui và nỗi khổ sở có thể giúp chúng ta tiến triển trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?

Sau khi thảo luận những câu hỏi này, hãy nhấn mạnh rằng Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va là phần thiết yếu trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng.

Hãy nêu lên rằng 2 Nê Phi 2:25 là một đoạn thánh thư để thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích các học sinh đánh dấu đoạn đó. Vì đoạn đó ngắn nên các anh chị em có thể muốn dành thời giờ ra để giúp các học sinh thuộc lòng đoạn đó.

Giải thích rằng mặc dù Sự Sa Ngã mở đường cho chúng ta để tiến triển, nhưng nó cũng mở đầu cho nỗi đau đớn, khổ sở, tội lỗi và cái chết trên thế gian. Để giúp học sinh khai triển sự hiểu biết của họ về lẽ thật này, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:6. Sau đó yêu cầu một học sinh khác đọc to Hê La Man 14:15–17. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những kết quả của Sự Sa Ngã đã được mô tả trong các câu này.

  • Các câu này dạy gì về Sự Sa Ngã? (Sự Sa Ngã mang đến cái chết thể chất tức là cái chết của thể xác, và cái chết thuộc linh tức là trạng thái bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế. Viết Chúng ta chịu cái chết thể xác và thuộc linh lên trên bảng dưới tiêu đề “Vì Sự Sa Ngã.”)

Để giúp các học sinh nghĩ về cách họ đã cảm nhận được những kết quả của Sự Sa Ngã mà được liệt kê ở trên bảng, hãy khuyến khích họ thầm suy ngẫm những câu hỏi sau đây. (Đọc từ từ những câu hỏi và ngừng lại giữa các câu hỏi để cho các học sinh đủ thời giờ suy nghĩ).

  • Một số nguyên nhân khổ sở trong cuộc sống này là gì?

  • Tại sao cái chết là một phần cần thiết của kế hoạch cứu rỗi?

  • Những rắc rối và buồn phiền có thể giúp chúng ta học hỏi và phát triển như thế nào?

Giải thích rằng khi hiểu việc Sự Sa Ngã ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, thì chúng ta nhận biết rằng chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

Chủ Tịch Ezra Taft Benson

“Cũng giống như một người không thật sự muốn thức ăn cho đến khi đói thì cũng vậy, người ấy không muốn sự cứu rỗi của Đấng Ky Tô cho đến khi người ấy biết lý do tại sao người ấy cần Đấng Ky Tô.

“Không một người nào biết một cách đúng đắn và thích đáng lý do tại sao mình cần Đấng Ky Tô cho đến khi người ấy biết và chấp nhận giáo lý về Sự Sa Ngã và ảnh hưởng của Sự Sa Ngã đối với tất cả nhân loại. Và không có một cuốn sách nào khác trên thế gian giải thích giáo lý thiết yếu này gần một cách rõ ràng như Sách Mặc Môn” (“The Book of Mormon and the Doctrine and Covenants,” Ensign, tháng Năm năm 1987, 85).

Sau khi các học sinh đã có đủ thời gian để suy ngẫm những câu hỏi này, hãy trưng bày một bức hình của Đấng Cứu Rỗi. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội, nên Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và cung ứng sự cứu chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 2 Nê Phi 2:5–10, 21An Ma 7:11–13. Yêu cầu lớp học nhận ra các cụm từ trong các câu này mà cho thấy điều Đấng Cứu Rỗi đã làm để cứu chuộc chúng ta khỏi ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và khỏi các tội lỗi cá nhân của mình. (Về câu 9, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng cụm từ “can thiệp” có nghĩa là khẩn nài thay cho một người khác hoặc hành động thay cho một người khác). Để giúp các học sinh phân tích các cụm từ họ đã nhận ra, hãy hỏi:

  • Các cụm từ nào trong các câu này cho thấy rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Rỗi sẽ cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết thể xác?

  • Các cụm từ nào cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết thuộc linh (bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế)?

  • Các cụm từ nào cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi có thể cứu chuộc chúng ta khỏi các tội lỗi của mình?

  • Các cụm từ nào cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta qua những lúc thử thách như bệnh tật và đau đớn?

Theo như 2 Nê Phi 2:7–9, 21, chúng ta cần phải làm gì để nhận được tất cả các phước lành có sẵn nhờ vào Sự Chuộc Tội? (Về câu 7, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng một người “có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” thì khiêm nhường và sẵn sàng tuân theo ý muốn của Thượng Đế. Một người như vậy cảm thấy rất buồn về tội lỗi và chân thành mong muốn hối cải).

Sau khi thảo luận những câu hỏi này, hãy yêu cầu các học sinh xem xét thầm các câu đã được chỉ định và tìm kiếm những cụm từ có ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Yêu cầu các học sinh chia thành từng cặp và chia sẻ các cụm từ họ đã cùng nhau chọn. Mời họ chia sẻ lý do tại sao những cụm từ này có ý nghĩa đối với họ.

Mời một hoặc hai học sinh tóm lược cho lớp học nghe lý do Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu của kế họach cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Rồi yêu cầu họ chia sẻ những cảm nghĩ của họ về việc Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã như thế nào.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—2 Nê Phi 2:25

Ghi chú: Hãy cân nhắc việc sử dụng sinh hoạt sau đây để giúp các học sinh sử dụng 2 Nê Phi 2:25 khi họ giảng dạy phúc âm. Vì đề tài và chiều dài của bài học ngày hôm nay, các anh chị em có thể muốn sử dụng sinh hoạt này vào một ngày khác, khi có nhiều thời giờ hơn.

Mời các học sinh chuẩn bị một bài học về giáo lý về Sự Sa Ngã, bằng cách sử dụng 2 Nê Phi 2:25. Họ có thể giảng dạy bài học này trong một buổi họp tối gia đình hoặc trong một bối cảnh khác. Hỏi một vài học sinh xem họ có sẵn lòng báo cáo lại những kinh nghiệm của họ sau khi giảng dạy không. Để cho các học sinh bắt đầu sự chuẩn bị của họ trong lớp học, nếu thời giờ cho phép.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 2:15. Trái cấm

Chúa tôn trọng quyền tự quyết của A Đam và Ê Va sau khi dạy cho họ biết về những hậu quả của việc ăn trái cấm. Thượng Đế phán: “Ngươi có thể tự chọn lựa” (Môi Se 3:17). Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giúp chúng ta hiểu những lời chỉ dạy của Chúa cho A Đam và Ê Va về trái cấm.

“Cũng giống như lý do tại sao Chúa phán với A Đam rằng Ngài cấm ông ăn trái cây đó thì không được đề cập đến rõ ràng trong câu chuyện trong Kinh Thánh [xin xem Sáng Thế Ký 2:17], nhưng trong nguyên bản khi tới tay chúng ta trong Sách Môi Se [xin xem Môi Se 3:17] thì điều đó được dứt khoát rõ ràng. Chính Chúa đã phán với A Đam rằng nếu ông muốn được sống trong khu vườn như lúc đó thì ông không được ăn trái cấm, nhưng nếu ông muốn ăn trái cấm và nhận lấy cái chết thì ông được tự do làm như vậy” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập [1957–66], 4:81).

2 Nê Phi 2:14, 25–26. Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội

Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Những sự kiện quan trọng nhất đã từng hoặc sẽ xảy ra trong suốt thời vĩnh cửu … là Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội.

“Ngay cả trước khi chúng ta có thể bắt đầu thông hiểu sự sáng tạo vật chất của vạn vật, chúng ta cần phải biết cách thức và theo cách nào ba chân lý vĩnh cửu này— Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội—đều liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một kế hoạch cứu rỗi. Không có một chân lý nào trong ba chân lý này đứng một mình; mỗi một chân lý này ràng buộc với hai chân lý kia; và nếu không có sự hiểu biết về tất cả ba chân lý này thì không thể nào biết được lẽ thật về bất cứ chân lý nào trong ba chân lý này cả.

“… Hãy ghi nhớ, Sự Chuộc Tội là vì Sự Sa Ngã mà đến. Đấng Ky Tô đã chuộc trả cho sự phạm giới của A Đam. Nếu không có Sự Sa Ngã thì sẽ không có Sự Chuộc Tội với kết quả bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của nó. Do đó, cũng chắc chắn như sự cứu rỗi đến nhờ vào Sự Chuộc Tội, sự cứu rỗi cũng đến vì Sự Sa Ngã” (“Christ and the Creation,” Ensign, tháng Sáu năm 1982, 9).

2 Nê Phi 2:24. “Theo sự thông sáng của Đấng thông hiểu mọi sự việc”

Chủ Tịch Brigham Young đã dạy rằng Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va là một phần kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng:

“[A Đam và Ê Va] có đi ra chống đối trực tiếp với Thượng Đế và sự trị vì của Ngài không? Không. Nhưng họ đã vi phạm một lệnh truyền của Chúa, và qua sự phạm giới đó tội lỗi đã vào thế gian. Chúa đã biết rằng họ sẽ làm điều này, và Ngài đã trù tính rằng họ sẽ làm” (Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn [1954], 103).