Thư Viện
Bài Học 26: 2 Nê Phi 4


Bài Học 26

2 Nê Phi 4

Lời Giới Thiệu

Sau khi Lê Hi qua đời, La Man và Lê Mu Ên trở nên tức giận Nê Phi “vì những lời khiển trách của Chúa” mà Nê Phi đã nói với họ (xin xem 2 Nê Phi 4:13–14). Buồn phiền vì thái độ và hành động của các anh của mình cũng như vì những yếu kém và tội lỗi của mình, Nê Phi đã ghi lại những cảm nghĩ của mình bằng lời lẽ truyền cảm và đầy thi vị. Ông mô tả tình yêu mến của ông dành cho thánh thư và lòng biết ơn của ông về các phước lành và sức mạnh ông đã nhận được từ Chúa (xin xem 2 Nê Phi 4:15–35).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 4:1–11

Lê Hi khuyên dạy và ban phước cho gia đình của mình

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết câu hỏi sau đây lên trên bảng:

Nếu các em là một người ông hay người bà trung tín và con cái của các em không sống theo các tiêu chuẩn phúc âm, thì các em sẽ đưa ra lời khuyên dạy nào cho các cháu của mình?

Bắt đầu lớp học bằng cách mời các học sinh trả lời câu hỏi ở trên bảng. Sau khi các học sinh trả lời, hãy hỏi:

  • Cha mẹ và ông bà có trách nhiệm nào trong việc giảng dạy và khuyên nhủ con cháu của mình?

Là một phần của cuộc thảo luận này, các anh chị em có thể muốn đọc hoặc yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây:

“Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống. Những người chồng và những người vợ—những người mẹ và những người cha—sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế trong việc hoàn thành các bổn phận này. … Các thân quyến xa gần nên giúp đỡ khi cần thiết” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Ensign, tháng Mười Một năm 2010, 129).

Giới thiệu 2 Nê Phi 4 bằng cách giải thích rằng trước khi qua đời, Lê Hi đã khuyên nhủ con cháu của ông nên tuân giữ các lệnh truyền. Mời các học sinh đọc 2 Nê Phi 4:3–11, bằng cách nhận ra những người Lê Hi đã giảng dạy và lời khuyên nhủ ông đã đưa ra cho họ.

  • Lê Hi đã giảng dạy ai? (Xin xem 2 Nê Phi 4:3, 8, 10–11).

  • Lê Hi đưa ra lời hứa nào cho con cái của La Man và Lê Mu Ên? (Xin xem 2 Nê Phi 4:7, 9).

  • Căn cứ vào 2 Nê Phi 4:5, các em sẽ nói Chúa đã ban cho các bậc cha mẹ một trách nhiệm gì? (Các học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau để trả lời cho câu hỏi này, nhưng hãy chắc chắn họ hiểu rằng cha mẹ có một trách nhiệm do Thượng Đế ban cho để giảng dạy phúc âm cho con cái).

  • Các em đã học được một số lẽ thật nào từ cha mẹ hay ông bà của mình?

Khuyến khích các học sinh trở thành những mối liên kết vững mạnh trong dòng dõi gia đình của mình— để sống theo phúc âm và chuẩn bị làm các bậc cha mẹ ngay chính. Các anh chị em có thể muốn trưng bày tấm bích chương “Hãy Là Một Mối Liên Kết Vững Mạnh” (xin xem http://lds.org/liahona/2003/09/poster?lang=eng).

2 Nê Phi 4:12–35

Nê Phi nhận ra những yếu kém của mình và bày tỏ lòng tin cậy của mình nơi Chúa

Viết lên trên bảng Tâm hồn tôi hân hoan trong …

Yêu cầu các học sinh viết cụm từ này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ và hoàn tất lời phát biểu này, liệt kê những điều làm cho tâm hồn họ hân hoan.

Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 4:15–16 để biết Nê Phi đã hoàn tất cụm từ này như thế nào.

  • Chúng ta có thể làm một số điều nào nếu tâm hồn chúng ta hân hoan nơi thánh thư?

  • Hân hoan nơi những sự việc của Chúa có nghĩa là gì đối với các em?

  • Nê Phi nói rằng ông suy ngẫm trong lòng về những sự việc ông đã nghe thấy Điều này có ý nghĩa gì đối với các em?

Hãy nêu lên rằng Nê Phi đã cảm nhận được niềm vui lớn lao trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, ông cũng đã gặp những khó khăn. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc Nê Phi 4:12–13 để thấy một vài thử thách Nê Phi gặp phải vào lúc này trong cuộc sống của ông. (Việc Lê Hi qua đời và cơn tức giận của La Man, Lê Mu Ên và các con trai của Ích Ma Ên).

Nhiều thử thách của Nê Phi là do hành động và thái độ của các anh của ông mà ra. Nhưng Nê Phi cũng đã cảm thấy buồn phiền vì chính những yếu kém của mình. Viết lên trên bảng Lòng tôi sầu khổ vì …

Mời các học sinh đọc 2 Nê Phi 4:17–18 và tìm ra các lý do Nê Phi cảm thấy sầu khổ.

Khi các học sinh đã có thì giờ để đọc những câu này, hãy hỏi họ đã tìm thấy điều gì. Hướng sự chú ý của họ đến những từ khốn thay, xác thịt,quấy nhiễu trong các câu này. Giải thích rằng từ khốn thay có nghĩa là khổ sở hoặc thấp kém. Trong thánh thư, từ xác thịt thường ám chỉ sự yếu kém chúng ta có vì chúng ta sống trong một trạng thái sa ngã. Từ quấy nhiễu có nghĩa là bao vây hoặc dồn ép từ mọi phía.

  • Một số ví dụ nào về những nỗi khó khăn có thể quấy nhiễu chúng ta? (Những câu trả lời có thể gồm có những rắc rối phiền toái ở nhà, áp lực của bạn bè, bài tập khó, và những cám dỗ).

Yêu cầu một học sinh đọc 2 Nê Phi 4:19. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh tô đậm câu nói “Tuy nhiên, tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi.” Hãy nêu lên rằng trong 2 Nê Phi 4:19, những lời của Nê Phi thay đổi từ buồn bã sang hy vọng.

  • Các em nghĩ Nê Phi đã có ý nói gì khi ông nói: “Tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi.”?

  • Làm thế nào việc ghi nhớ Chúa và lòng nhân từ của Ngài có thể giúp chúng ta trong những lúc thất vọng?

Đọc to 2 Nê Phi 4:20–25. Yêu cầu các học sinh dò theo trong thánh thư của họ. Mời họ tìm kiếm những lời và cụm từ cho thấy rằng Thượng Đế hỗ trợ những người đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài.

  • Các em thấy những từ hoặc cụm từ nào có ý nghĩa trong 2 Nê Phi 4:20–25? Tại sao?

  • Hãy nghĩ đến một thời gian khi Chúa hỗ trợ các em hoặc giúp đỡ các em trong lúc khó khăn. Ngài đã giúp đỡ các em như thế nào? Kinh nghiệm đó ảnh hưởng đến các em như thế nào?

Có thể là bổ ích để cho các học sinh thời giờ suy nghĩ về những kinh nghiệm như vậy và ghi lại trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. Các học sinh cũng có thể được lợi ích nếu các anh chị em kể về một thời gian mà Thượng Đế đã hỗ trợ hoặc giúp đỡ các anh chị em.

Giúp các học sinh hiểu rằng khả năng của Nê Phi để ghi nhớ và biết ơn điều Chúa đã làm cho ông trong quá khứ cho ông hy vọng và khuyến khích ông trở nên tốt hơn. Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 4:26–30, tìm kiếm những kinh nghiệm của Nê Phi đã ảnh hưởng như thế nào đến ước muốn của ông để được ngay chính. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ điều họ khám phá.

Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to 2 Nê Phi 4:30–35. Cùng với lớp học hãy nhận ra những cam kết Nê Phi đã lập với Chúa và các phước lành ông đã thỉnh cầu.

  • Chúng ta có thể học đuợc gì từ lời cầu nguyện này mà có thể giúp chúng ta trong những lời cầu nguyện riêng của mình? (Các học sinh có thể sử dụng những từ khác biệt để trả lời câu hỏi này, nhưng hãy chắc chắn họ hiểu rằng lời cầu nguyện chân thành có thể củng cố cam kết của chúng ta để khắc phục tội lỗi và nỗi thất vọng).

Mời các học sinh nghĩ tới một thời gian mà lời cầu nguyện đã giúp họ khắc phục tội lỗi hoặc nỗi thất vọng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng họ chia sẻ hoặc ghi lại những kinh nghiệm vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

Cho các học sinh một giây lát để tìm kiếm một đoạn trong 2 Nê Phi 4 phản ảnh một ước muốn của họ. Sau khi có đủ thời giờ, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ về lời cầu nguyện có thể khuyến khích sự tăng trưởng phần thuộc linh như thế nào:

“Có lẽ có những điều trong cá tính, hành vi của chúng ta, hoặc liên quan đến sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta mà chúng ta cần phải hội ý với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện vào buổi sáng. Sau khi bày tỏ lời cảm tạ thích đáng về những phước lành nhận được, chúng ta khẩn nài để có được sự hiểu biết, sự hướng dẫn, và sự giúp đỡ để làm những điều mà chúng ta không thể làm được một mình bằng sức mạnh của riêng mình. Ví dụ, khi cầu nguyện, chúng ta có thể:

“• Nghĩ về những lần mà chúng ta đã nói năng một cách cộc cằn và không thích hợp với những người mình yêu thương nhất.

“• Nhìn nhận rằng chúng ta biết rõ hơn khi hành động như vậy, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng hành động theo những gì mình biết.

“• Bày tỏ nỗi ân hận về sự yếu đuối của mình vì đã không từ bỏ con người thiên nhiên một cách nghiêm chỉnh hơn.

“• Quyết định noi gương của Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của chúng ta.

“• Nài xin có được sức mạnh lớn lao hơn để làm và trở nên tốt hơn” (“Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 41).

Kết thúc bằng cách nhắc đến các cụm từ mà các anh chị em đã viết trên bảng trước đó trong bài học (“Tâm hồn tôi hân hoan trong …” và “Lòng tôi sầu khổ vì …”). Hãy bày tỏ sự tin tưởng của các anh chị em rằng ngay cả khi chúng ta gặp tình huống khó khăn, chúng ta cũng có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc và bình an nếu chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Xin lưu ý: Tùy vào bài học dài hay ngắn để có thể cho phép thời giờ làm sinh hoạt ôn lại phần thông thạo thánh thư sau đây. Các anh chị em có thể điều khiển sinh hoạt vào lúc bắt đầu lớp học, như là lúc nghỉ giữa những phần của bài học, hoặc vào lúc cuối giờ học. Hãy chắc chắn giữ cho sinh hoạt này ngắn để có đủ thời giờ cho bài học. Đối với các sinh hoạt ôn lại khác, xin xem phần phụ lục vào cuối quyển sách học này.

Phần thi đố có thể giúp các học sinh ghi nhớ điều họ đã học được và đo lường khả năng học hỏi của họ. Chọn một vài đoạn thánh thư thông thạo mới, và mời các học sinh đọc và đánh dấu các đoạn này trong thánh thư của họ. Sau đó đưa ra cho họ một phần thi đố bằng miệng về các đoạn đó và các đoạn thánh thư thông thạo khác mà họ đã học rồi. Đối với mỗi đoạn, hãy đọc một từ hay cụm từ chính từ chỗ đánh dấu trong lớp giáo lý. Sau đó yêu cầu các học sinh tìm kiếm đoạn đúng trong thánh thư của họ.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 4:16–35. Khắc phục những tội lỗi và yếu kém của chúng ta

Trong khi nghiên cứu lời khẩn nài chân thành của Nê Phi với Chúa để giúp ông khắc phục những tội lỗi và yếu kém của ông, chúng ta thấy rằng mình có thể đi đến Chúa để có được cùng sự giúp đỡ đó. Những lời của Nê Phi được lặp lại trong những lời của các vị tiên tri ngày sau.

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy:

“Khi con người càng đến gần sự hoàn hảo thì quan điểm của người ấy sẽ càng rõ ràng hơn, và niềm vui mừng của người ấy càng lớn lao hơn, cho đến khi người ấy khắc phục được những điều xấu xa của cuộc sống mình và mất hết ước muốn để phạm tội” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 210–11).

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ làm chứng về các phước lành chúng ta nhận được khi chúng ta hối cải:

“Tại sao Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải hối cải? Bởi vì hai Ngài yêu thương chúng ta. Hai Ngài biết rằng tất cả chúng ta sẽ vi phạm các luật pháp vĩnh cửu. Dù những vi phạm này nhẹ hay nặng, thì công lý cũng đòi hỏi rằng mỗi luật pháp bị vi phạm phải được làm thỏa mãn để giữ lại lời hứa về niềm vui trong cuộc sống này và đặc ân để được trở về với Cha Thiên Thượng. Nếu không được làm thỏa mãn, trong Ngày Phán Xét, công lý sẽ khiến cho chúng ta bị khai trừ khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế để chịu sự kiểm soát của Sa Tan [xin xem 2 Nê Phi 9:8–10; 2 Nê Phi 2:5].

“Chính Đấng Thầy của chúng ta và hành động cứu chuộc của Ngài sẽ làm cho chúng ta có thể tránh được sự đoán phạt như thế. Điều đó được thực hiện qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, việc vâng theo các lệnh truyền của Ngài, và sự kiên trì đến cùng trong sự ngay chính.

“Các anh chị em có đang triệt để sử dụng quyền năng cứu chuộc của sự hối cải trong cuộc sống của mình để có thể được bình an và có niềm vui lớn lao hơn không? Những cảm nghĩ hoang mang bối rối và chán nản thường là dấu hiệu cho việc cần hối cải. Ngoài ra, việc thiếu sự hướng dẫn thuộc linh mà các anh chị em tìm kiếm trong cuộc sống của mình có thể là kết quả từ việc vi phạm luật pháp. Nếu cần, sự hối cải trọn vẹn sẽ làm cho cuộc sống của các anh chị em được trở lại tốt lành. Điều đó sẽ giải quyết tất cả nỗi đau khổ thuộc linh phức tạp đến từ sự phạm tội. Nhưng trong cuộc sống này không có gì có thể cứu chữa được một số hậu quả về thể xác do sự phạm trọng tội mà ra. Hãy khôn ngoan và luôn sống trong giới hạn của sự ngay chính đã được Chúa định rõ” (“Con Đường Dẫn đến Sự Bình An và Niềm Vui,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 31).