Thư Viện
Bài Học 28: 2 Nê Phi 6–8


Bài Học 28

2 Nê Phi 6–8

Lời Giới Thiệu

Trong khi ghi lại giáo vụ của dân mình, Nê Phi đã gồm vào bài giảng trong hai ngày của em trai ông là Gia Cốp. Bài giảng này được tìm thấy trong 2 Nê Phi 6–10, và đây là bài đầu tiên trong số ba bài giảng này. Vào lúc bắt đầu bài giảng, Gia Cốp đã đọc những lời tiên tri của Ê Sai về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên, cho thấy rằng “Đức Chúa Trời sẽ làm tròn những giao ước mà Ngài đã lập với con cái của Ngài” (2 Nê Phi 6:12).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 6

Gia Cốp làm chứng rằng Chúa sẽ nhớ tới dân giao ước của Ngài

Để giúp các học sinh thấy rằng những lời giảng dạy của Gia Cốp liên quan đến cuộc sống của họ, hãy yêu cầu họ suy ngẫm cách phản ứng của họ nếu một người bạn hay một người trong gia đình đối xử với họ không tử tế, từ chối không tin điều họ nói, hoặc cho thấy qua hành động hay thái độ rằng mối quan hệ không còn quan trọng đối với những người này nữa.

Yêu cầu các học sinh im lặng suy nghĩ câu hỏi sau đây:

  • Các em có bao giờ cho thấy các hành động hay thái độ tương tự như vậy đối với Chúa không?

Giải thích rằng trong 2 Nê Phi 6–8, chúng ta thấy được cách Chúa đáp ứng với những người xa lánh Ngài. Những chương này chứa đựng biên sử của Nê Phi về một phần bài giảng của em trai Gia Cốp của ông. Phần còn lại của bài giảng của Gia Cốp được ghi lại trong 2 Nê Phi 9–10. Các chương này sẽ được giảng dạy hết trong hai bài kế tiếp.

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 6:3–4 và 9:1, 3. Yêu cầu lớp học nhận ra các lý do tại sao Gia Cốp đưa ra bài giảng này.

Mời một học sinh làm một người ghi chép. Yêu cầu học sinh này viết tiêu đề Các Mục Đích của Bài Thuyết Giảng của Gia Cốp lên trên bảng. Sau đó yêu cầu các học sinh chia sẻ điều họ đã khám phá trong các câu họ vừa đọc. Yêu cầu người ghi chép viết những câu trả lời của họ dưới tiêu đề đó. Giúp các học sinh thấy rằng Gia Cốp đã giảng dạy cho dân ông về “sự an lạc của tâm hồn [họ]” (2 Nê Phi 6:3). Ông muốn giúp họ “vinh danh Thượng Đế của [họ]” (2 Nê Phi 6:4), “biết được những giao ước [của] Chúa” (2 Nê Phi 9:1), và “được vui mừng, và ngước đầu lên mãi mãi” (2 Nê Phi 9:3). Hãy chắc chắn rằng những mục đích này được gồm vào trong bản liệt kê của các học sinh. Đề nghị rằng trong khi các học sinh nghiên cứu bài giảng của Gia Cốp, họ có thể tìm kiếm những điều giảng dạy nhằm giúp làm tròn các mục đích này.

Sao chép lại thời gian biểu sau đây lên trên bảng. (Các anh chị em có thể muốn sao chép lại thời gian biểu này trước khi lớp học bắt đầu). Mời một học sinh đọc 2 Nê Phi 6:4. Hãy nêu lên rằng Gia Cốp bắt đầu bài giảng của ông bằng cách nói rằng ông sắp nói về những tình trạng hiện có trong thời kỳ của ông và sẽ tồn tại trong tương lai (“những điều đang xảy ra và cả những điều sẽ xảy ra trong tương lai nữa”).

Timeline

Chỉ vào số 1 trên thời gian biểu.

  • Trong 2 Nê Phi 6:8, Gia Cốp nói điều gì đã xảy ra cho dân Do Thái ở Giê Ru Sa Lem vì họ xa lánh Chúa? (Một số người bị giết chết, và một số người bị bắt tù đày. Các anh chị em có thể muốn nhắc các học sinh nhớ rằng Lê Hi, Giê Rê Mi, và các vị tiên tri khác đã nói tiên tri rằng những điều này sẽ xảy ra. Những lời tiên tri của họ được ứng nghiệm vào khoảng 587 Trước Công Nguyên, khi dân Ba Bi Lôn xâm chiếm Giê Ru Sa Lem và bắt nhiều dân Do Thái tù đày ở Ba Bi Lôn. Xin xem “Niên Đại Ký” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư cho ngày này và những ngày khác).

Chỉ vào số 2.

  • Theo như câu đầu tiên của 2 Nê Phi 6:9, điều gì cuối cùng sẽ xảy ra cho con cháu của dân Do Thái là những người bị bắt tù đày ở Ba Bi Lôn? (Họ sẽ được trở về lại Giê Ru Sa Lem. Lời tiên tri này được ứng nghiệm vào khoảng năm 537 Trước Công Nguyên, khi Vua Si Ru cho phép dân Do Thái trở lại quê hương của họ).

Chỉ vào số 3, và giải thích là Gia Cốp đã nói tiên tri rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ sống trên trần thế ở giữa dân Do Thái.

  • Trong 2 Nê Phi 6:9–10, các cụm từ nào mô tả việc một số dân Do Thái sẽ hành động và cảm nghĩ về Đấng Cứu Rỗi trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài như thế nào? (Những câu trả lời có thể gồm có “quất Ngài bằng roi,” “đóng đinh Ngài,” và “chai đá trong lòng và cứng cổ chống lại Ngài”).

  • Theo như 2 Nê Phi 6:10–11, điều gì sẽ xảy ra cho dân Giu Đa là dân đã chối bỏ Đấng Mê Si? (Họ sẽ bị đau đớn trong xác thịt, bị phân tán, bị đánh đập và bị thù ghét).

Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 6:6–7, 11–12, 14, 17. Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng trong các câu 6–7, Gia Cốp đọc một lời tiên tri của Ê Sai về Sự Phục Hồi phúc âm và sự quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên. Yêu cầu các học sinh nhận ra các cụm từ mô tả cách Chúa sẽ đáp ứng với gia tộc Y Sơ Ra Ên, dân giao ước của Chúa, mặc dù họ sẽ chối bỏ Ngài. Yêu cầu các học sinh chia sẻ các cụm từ họ đã tìm được. Giúp họ hiểu ý nghĩa của một vài cụm từ trong số các cụm từ này bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Trong 2 Nê Phi 6:7, các em nghĩ “trông chờ” Chúa có nghĩa là gì?

  • Gia Cốp hứa rằng “Chúa sẽ thương xót” Y Sơ Ra Ên (2 Nê Phi 6:11). Trong những phương diện nào, một số cụm từ các em đã nhận ra ám chỉ lòng thương xót của Chúa?

  • Gia Cốp cũng hứa rằng Chúa sẽ “phục hồi” Y Sơ Ra Ên (2 Nê Phi 6:14). Các em nghĩ việc Đấng Cứu Rỗi phục hồi một người nào đó có nghĩa là gì?

  • Theo như 2 Nê Phi 6:11–12, 14, chúng ta cần phải làm gì để nhận được lòng thương xót của Chúa?

Trong khi các học sinh chia sẻ những sự hiểu biết của họ, hãy chắc chắn họ hiểu rằng Chúa thương xót những người trở lại cùng Ngài.

Hãy nêu ra rằng trong 2 Nê Phi 6, Gia Cốp nói về việc Chúa thương xót dân giao ước của Ngài ngay cả sau khi họ đã sống rất tà ác. Cam đoan với các học sinh rằng nếu Chúa thương xót những người này thì chắc chắn Ngài cũng sẽ thương xót mỗi người chúng ta nếu chúng ta đến cùng Ngài và tuân giữ các giao ước của chúng ta với Ngài. Mời các học sinh suy ngẫm những cách mà Chúa đã thương xót họ. Yêu cầu họ viết cụm từ sau đây vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ: Tôi biết Chúa thương xót vì. … Rồi mời họ viết những ý tưởng và cảm nghĩ của họ để hoàn tất câu đó. Sau khi họ đã có đủ thời giờ để viết rồi, các anh chị em có thể muốn mời một vài người chia sẻ điều họ đã viết.

2 Nê Phi 7–8

Gia Cốp chia sẻ lời tiên tri của Ê Sai về khả năng của Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc dân giao ước của Ngài

Giải thích rằng trong 2 Nê Phi 78, Gia Cốp đọc một lời tiên tri từ những bài viết của Ê Sai. Chương 7 chứa đựng lời của Chúa phán cùng những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên là những người bị phân tán và sống trong cảnh tù đày vì tội lỗi của họ. Yêu cầu một học sinh đọc 2 Nê Phi 7:1. Các anh chị em có thể muốn mời lớp học đánh dấu những câu hỏi mà Chúa hỏi.

Để giúp các học sinh hiểu những câu hỏi trong câu 1, hãy giải thích rằng các cụm từ “bỏ ngươi,” “chứng thư li dị của mẹ ngươi,” và “tự bán mình” ám chỉ ý nghĩ vi phạm hoặc từ bỏ một giao ước. Giúp các học sinh hiểu rằng những câu hỏi của Chúa có thể được nói lại như sau: “Ta có bỏ rơi ngươi không? Ta có bỏ qua một bên giao ước chúng ta đã lập không?”

  • Câu trả lời cho những câu hỏi này là gì? (Câu trả lời là không. Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta hoặc quên các giao ước Ngài đã lập).

  • Theo như phần cuối của 2 Nê Phi 7:1, tại sao những người này bị tách rời khỏi Chúa và bị thống khổ trong cảnh tù đày? (Vì họ đã phạm tội và xa lánh Chúa).

Hãy nêu lên rằng trong 2 Nê Phi 7:2, Chúa đã đặt ra một câu hỏi khác mà có thể giúp chúng ta thấy rằng Ngài muốn giúp đỡ chúng ta và Ngài có quyền năng để làm như vậy. Mời các học sinh tìm kiếm và gạch dưới câu hỏi. (“Phải chăng tay ta quá ngắn đến nỗi không cứu chuộc được ai hay ta không đủ quyền năng để giải cứu?”)

Để giúp các học sinh hiểu câu hỏi này, hãy hỏi họ xem họ sẽ nói lại câu hỏi này bằng lời riêng như thế nào. (Nếu họ không hiểu từ ngữ “phải chăng tay ta quá ngắn,” hãy mời một học sinh giơ tay ra cho một học sinh khác nắm lấy giống như đang giúp đỡ. Sau đó, người học sinh đầu tiên phải “rút” tay lại, minh họa ý nghĩ rút lại hay giữ lại sự giúp đỡ). Các học sinh có thể nói lại câu hỏi của Chúa bằng câu giống như sau: “Ta có đang giữ lại hoặc không tìm tới cứu chuộc các ngươi không? Các ngươi có tin rằng ta có quyền năng cứu rỗi các ngươi không?”

Nói cho các học sinh biết rằng để trả lời cho câu hỏi này, phần còn lại của 2 Nê Phi 78 chứa đựng vài ví dụ cho thấy ước muốn của Đấng Cứu Rỗi để cứu chuộc dân giao ước của Ngài và những ví dụ cho thấy rằng Ngài có quyền năng để làm như vậy.

Để giúp các học sinh khám phá sự hiển nhiên rằng Đấng Cứu Rỗi mong muốn cứu chuộc dân giao ước của Ngài và có quyền năng để làm như vậy, hãy chia sáu đoạn thánh thư sau đây từ 2 Nê Phi 8 trong số các nhóm học sinh: các câu 1–3, 4–6, 7–8, 10–11, 12–13, và 14–16. (Nếu các anh chị em có 12 hoặc nhiều học sinh trong lớp học của mình, hãy chỉ định các đoạn cho từng cặp hoặc các nhóm nhỏ khác. Nếu có ít hơn 12 học sinh, hãy chỉ định nhiều hơn một đoạn cho một vài nhóm). Hãy yêu cầu mỗi nhóm tìm kiếm một cụm từ trong đoạn hay các đoạn đã được chỉ định của họ cho thấy ước muốn của Chúa để cứu chuộc chúng ta và quyền năng của Ngài để làm như vậy. Sau khi đã có đủ thời giờ, mời mỗi nhóm đọc cụm từ mà họ đã chọn cho lớp học nghe. Yêu cầu họ chia sẻ điều họ đã học được từ đoạn ấy. Các anh chị em có thể muốn mời các học sinh đánh dấu các cụm từ mà các bạn học cùng lớp của họ đã chia sẻ.

Để kết thúc, hãy nhắc tới bản liệt kê các mục đích của Gia Cốp đã được viết ở trên bảng. Mời các học sinh suy nghĩ về các giao ước họ đã lập với Chúa và các phước lành Ngài đã hứa với họ nếu họ tuân giữ các giao ước đó. Hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta và các giao ước của Ngài cho chúng ta, và làm chứng về lòng thương xót và sự cứu chuộc chúng ta có thể nhận được nếu chúng ta trung tín với các giao ước của mình với Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 6:2. Lê Hi, Nê Phi và Gia Cốp nắm giữ chức tư tế nào?

Gia Cốp nói rằng ông “đã được Thượng Đế kêu gọi và sắc phong theo thánh ban của Ngài” và rằng ông “đã được lập lên bởi anh [của ông], Nê Phi” (2 Nê Phi 6:2). Khi nói về “thánh ban” này, ông đã ám chỉ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith viết rằng “dân Nê Phi thi hành trách nhiệm nhờ vào Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc từ thời kỳ của Lê Hi đến thời kỳ Đấng Cứu Rỗi hiện đến giữa họ” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập. [1957–66], 1:124).

2 Nê Phi 8. Sự quy tụ ngày sau

Lời tiên tri của Ê Sai được trích dẫn trong 2 Nê Phi 8 nói về sự quy tụ ngày sau của Y Sơ Ra Ên. Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy về tính chất thuộc linh của sự quy tụ này:

“Vậy thì điều gì liên quan đến sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên? Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên gồm có việc tin tưởng và chấp nhận cùng sống phù hợp với tất cả những gì Chúa đã có lần ban cho dân được chọn lựa trong thời xưa của Ngài. Sự quy tụ này gồm có việc có được đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Sự quy tụ này gồm có việc tin vào phúc âm, gia nhập Giáo Hội và vào vương quốc. Sự quy tụ này gồm có việc tiếp nhận thánh chức tư tế, được làm lễ thiên ân trong những nơi thiêng liêng với quyền năng từ trên cao, và tiếp nhận tất cả các phước lành của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp, qua giáo lễ của hôn nhân thượng thiên” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 515).