Thư Viện
Bài Học 29: 2 Nê Phi 9:1–26


Bài Học 29

2 Nê Phi 9:1–26

Lời Giới Thiệu

Trong một bài giảng cho dân Nê Phi, Gia Cốp bắt đầu bằng cách trích dẫn một số lời tiên tri của Ê Sai về việc Chúa cứu chuộc dân giao ước của Ngài. Phần này của bài giảng của Gia Cốp được tìm thấy trong 2 Nê Phi 6–8 (xin xem bài học 28 trong sách học này). Phần tiếp tục của bài giảng trong hai ngày này được tìm thấy trong 2 Nê Phi 9–10. Sau khi trích dẫn lời Ê Sai, Gia Cốp đã chia sẻ chứng ngôn của mình về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giải cứu chúng ta khỏi những hậu quả của Sự Sa Ngã và những hậu quả của tội lỗi chúng ta. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith dạy rằng 2 Nê Phi 9 chứa đựng “một trong số các bài thuyết giảng được làm sáng tỏ nhất từ trước đến giờ mà đã được đưa ra về sự chuộc tội.” Ông nói: “Bài thuyết giảng này cần phải được đọc kỹ bởi mỗi người đang tìm kiếm sự cứu rỗi” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập. [1957–66], 4:57).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 9:1–9

Gia Cốp giải thích các hậu quả của Sự Sa Ngã

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết con yêu quỷ ghê gớm ở giữa tấm bảng.

Bắt đầu bài học bằng cách giải thích rằng 2 Nê Phi 9 chứa đựng phần tiếp tục của bài giảng mà các học sinh đã bắt đầu nghiên cứu trong bài học trước. Nhắc các học sinh nhớ rằng trong phần đầu của bài giảng này, được tìm thấy trong 2 Nê Phi 6–8, Gia Cốp đã trích dẫn lời của Ê Sai để giảng dạy về lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi và quyền năng của Ngài để giải thoát dân giao ước của Ngài khỏi trạng thái thất lạc và phân tán. Trong khi tiếp tục bài giảng của mình, Gia Cốp đã giảng dạy cách Đấng Cứu Rỗi cứu chuộc tất cả chúng ta khỏi trạng thái sa ngã và tội lỗi như thế nào.

Hướng sự chú ý của các học sinh đến cụm từ mà các anh chị em đã viết ở trên bảng.

  • Điều gì đến với tâm trí khi các em nghĩ đến một con yêu quỷ ghê gớm?

Để trả lời câu hỏi này, các học sinh có thể đề cập đến những con vật tưởng tượng. Nếu họ làm như vậy, thì hãy giải thích rằng một số điều có thật thì có thể khủng khiếp hơn là các con vật tưởng tượng vì chúng có thể mang đến tai hại lâu dài. Cho các học sinh biết rằng Gia Cốp sử dụng cụm từ “con yêu quỷ ghê gớm” để mô tả một tình trạng mà chúng ta đều đối phó và tai hại vĩnh cửu có thể từ đó mà ra. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 9:10, tìm kiếm hai yếu tố của con yêu quỷ mà Gia Cốp đã mô tả. Khi các học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy, hãy thêm các câu trả lời lên trên bảng như được cho thấy dưới đây:

Awful Monster

Để giúp các học sinh hiểu việc sử dụng các từ của Gia Cốp cái chếtngục giới, hãy giải thích rằng cả hai từ đều ám chỉ một kiểu tách rời. Khi dùng từ cái chết trong bài giảng này, Gia Cốp ám chỉ “cái chết thể xác,” tức là sự tách rời linh hồn khỏi thể xác. Khi dùng từ ngục giới, ông ám chỉ “cái chết linh hồn,” tức là tách rời một người khỏi sự hiện diện của Thượng Đế. Trong thánh thư, sự tách rời này thường được nói đến như là “cái chết thuộc linh.”

Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 9:6. Yêu cầu họ tìm kiếm nguyên nhân của cái chết thể xác và cái chết thuộc linh.

  • Sự kiện nào mang đến cái chết thể xác và cái chết thuộc linh cho tất cả chúng ta? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng vì Sự Sa Ngã nên tất cả mọi người đều bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Thượng Đế và tất cả mọi người cuối cùng sẽ chết về phần thể xác).

Giải thích rằng trong 2 Nê Phi 9:7–9, Gia Cốp giảng dạy điều sẽ xảy ra cho chúng ta nếu không có Sự Chuộc Tội và những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã tồn tại bất tận. Để chuẩn bị cho các học sinh nghiên cứu những câu này, các anh chị em có thể muốn định nghĩa một vài từ trong câu 7: Khi Gia Cốp nói về “sự đoán phạt đầu tiên đến với loài người,” ông ám chỉ những kết quả của Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Khi nói đến “sự hư nát,” ông ám chỉ thể xác hữu diệt của chúng ta, tức là thể xác sẽ chết. Khi nói đến “sự không hư nát,” ông ám chỉ thể xác được phục sinh của chúng ta tức là thể xác sẽ được sống vĩnh viễn.

Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:7–9. Mời lớp học tìm kiếm các cụm từ mô tả điều sẽ xảy ra cho thể xác và linh hồn của chúng ta nếu cái chết thể xác và linh hồn tồn tại bất tận.

  • Nếu không có Sự Chuộc Tội thì điều gì sẽ xảy ra cho thể xác của chúng ta?

  • Nếu không có Sự Chuộc Tội thì điều gì sẽ xảy ra cho linh hồn của chúng ta?

Để nhấn mạnh việc số mệnh của chúng ta sẽ ra sao nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Anh Cả  D. Todd Christofferson

“Nếu sự tách rời của chúng ta khỏi Thượng Đế và cái chết thể xác của chúng ta là cố định thì quyền tự quyết về mặt đạo đức sẽ không có ý nghĩa gì cả. Vâng, chúng ta sẽ được tự do lựa chọn, nhưng vấn đề đó sẽ là gì? Kết quả cuối cùng sẽ luôn luôn giống nhau bất cứ hành động của chúng ta là gì: cái chết mà không có hy vọng để phục sinh và không có hy vọng về thiên thượng. Cho dù chúng ta có thể chọn sống cuộc sống tốt lành hay xấu xa, thì chúng ta cũng sẽ thành ′quỷ sứ.′ 2 Nê Phi 9:9.]” (“Moral Agency,” Ensign, tháng Sáu năm 2009, 50).

2 Nê Phi 9:10–26

Gia Cốp dạy rằng qua Sự Chuộc Tội, Đấng Cứu Rỗi giải thoát chúng ta khỏi những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã và cung ứng cho chúng ta sự tha thứ khỏi các tội lỗi của mình

Yêu cầu các học sinh đọc lại 2 Nê Phi 9:10.

  • Theo như câu này, Thượng Đế đã chuẩn bị điều gì cho chúng ta?

Nhấn mạnh rằng sứ điệp chính của Gia Cốp trong bài giảng này là Thượng Đế đã sửa soạn “con đường cho chúng ta tránh được sự vồ chụp của … sự chết và ngục giới.” Sự thoát khỏi—cái chết thể xác và thuộc linh này do Sự Sa Ngã mang đến—được bảo đảm nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chia lớp ra thành hai nhóm. Mời nhóm thứ nhất im lặng đọc 2 Nê Phi 9:5, 19–21, tìm kiếm những điều mô tả về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta. Mời nhóm thứ hai im lặng đọc 2 Nê Phi 9:11–12, 15, 22, tìm kiếm những cụm từ về việc Chúa Giê Su Ky Tô cứu rỗi chúng ta khỏi cái chết thể xác. (Có thể hữu ích để viết những phần tham khảo này lên trên bảng).

Khi các học sinh đã có thời giờ để đọc, hãy hỏi nhóm thứ nhất những câu hỏi sau đây:

  • Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng chịu đau khổ để Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi cái chết thể xác và thuộc linh? Các em đã tìm ra những phần mô tả nào có ý nghĩa đối với các em không?

  • Gia Cốp nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã lãnh nhận những nỗi đau đớn của tất cả mọi người. Điều này có ý nghĩa gì đối với các em? Sự hiểu biết này ảnh hưởng đến những cảm nghĩ của các em về Đấng Cứu Rỗi như thế nào? (Để giúp các học sinh suy ngẫm về tính trọng đại của sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, các anh chị em có thể muốn ngừng cuộc thảo luận và nhấn mạnh rằng Đấng Cứu Rỗi lãnh nhận những nỗi đau đớn của tất cả mọi người đã từng sống và sẽ sống trên thế gian. Để giúp các học sinh suy ngẫm về tính chất riêng tư của sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, hãy cân nhắc việc mời họ viết tên của họ ở ngoài lề giấy bên cạnh 2 Nê Phi 9:21, làm một điều nhắc nhở rằng Đấng Cứu Rỗi đã lãnh nhận những nỗi đau đớn của họ).

Hỏi nhóm thứ hai những câu hỏi sau đây:

  • Các em đã tìm ra các cụm từ nào về việc Chúa Giê Su Ky Tô cứu rỗi chúng ta khỏi cái chết thể xác?

  • Theo như 2 Nê Phi 9:22, ai sẽ được phục sinh và được mang trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế?

Hãy nhắc lại cụm từ “con yêu quỷ ghê gớm” ở trên bảng. Mời các học sinh nói bằng lời riêng của họ điều Gia Cốp đã giảng dạy về cách chúng ta có thể được cứu rỗi khỏi “con yêu quỷ” này. Hãy chắc chắn các học sinh hiểu rằng qua Sự Chuộc Tội, Chúa Giê Su Ky Tô giải thoát tất cả nhân loại khỏi cái chết thể xác và thuộc linh do Sự Sa Ngã mang đến. Mời một học sinh viết lẽ thật này lên trên bảng.

Nhắc các học sinh nhớ rằng ngoài việc giải thoát tất cả nhân loại khỏi cái chết thể xác và thuộc linh do Sự Sa Ngã mà có, Chúa Giê Su Ky Tô còn có thể giải thoát chúng ta khỏi cái chết thuộc linh do tội lỗi của chúng ta gây ra.

Giải thích rằng Gia Cốp đã mô tả trạng thái của những người đứng trong tội lỗi của họ trước Thượng Đế. Mời các học sinh tìm kiếm những điều mô tả này trong khi một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:15–16, 27.

  • Gia Cốp đã mô tả trạng thái của những người sẽ đứng trước Thượng Đế trong tội lỗi của họ như thế nào?

Giải thích rằng Gia Cốp cũng mô tả trạng thái của những người đứng trước Thượng Đế trong sự thuần khiết. Mời các học sinh tìm kiếm những điều mô tả này trong khi một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:14, 18.

  • Gia Cốp đã mô tả trạng thái của những người sẽ đứng trước Thượng Đế trong sự thuần khiết như thế nào?

Hãy nêu lên rằng trong khi việc giải thoát khỏi Sự Sa Ngã là một ân tứ cho tất cả loài người, thì sự giải thoát khỏi những hậu quả của các tội lỗi chúng ta tùy thuộc vào phần nào ước muốn và hành động của chúng ta. Viết lên trên bảng câu sau đây: Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục các hậu quả của các tội lỗi của mình khi chúng ta …

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:21, 23–24. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các cụm từ để hoàn tất câu viết trên bảng.

  • Theo như các câu thánh thư này, các em sẽ hoàn tất câu này như thế nào? (Các câu trả lời của các học sinh nên phản ảnh cách hoàn tất câu này như sau: Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể khắc phục các hậu quả của các tội lỗi của mình khi chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm, và kiên trì đến cùng. Trong khi họ chia sẻ những câu trả lời của mình, hãy hoàn tất câu này trên bảng).

Kết thúc bài học này bằng cách chọn một trong số các sinh hoạt sau đây. Cả hai sinh hoạt này đều nhằm giúp các học sinh phản ảnh Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi có ý nghĩa gì đối với họ và chia sẻ những cảm nghĩ của họ về Ngài.

  1. Yêu cầu các học sinh đọc lướt qua 2 Nê Phi 9:1–22 và tìm kiếm tất cả các câu bắt đầu với từ Ôi. Hãy mời các học sinh đọc to các câu đầu tiên của các câu thánh thư đó.

    Mời các học sinh viết những lời phát biểu tương tự vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ, mô tả những cảm nghĩ biết ơn của cá nhân họ đối với Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh của Ngài dành cho họ. Yêu cầu họ noi theo mẫu mực của Gia Cốp, bắt đầu mỗi lời phát biểu với từ Ôi. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ lời phát biểu của họ khi thích hợp. Hãy chắc chắn họ hiểu rằng họ không cần cảm thấy phải bắt buộc chia sẻ những cảm nghĩ hay kinh nghiệm quá riêng tư.

  2. Cùng với lớp học hát hoặc đọc lời của bài “Lòng Cảm Kích Vô Cùng” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22) hoặc một bài thánh ca khác về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các học sinh chọn ra những cụm từ trong bài thánh ca này phản ảnh những cảm nghĩ của họ về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Để cho họ kể cho lớp học nghe về những cụm từ họ đã chọn ra và giải thích các lý do tại sao họ biết ơn những hàng chữ đó.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 9:7. “Sự chuộc tội vô hạn” là gì?

Trong những lời phát biểu sau đây, Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích tính chất vĩnh cửu của Sự Chuộc Tội và khả năng độc nhất vô nhị của Đấng Cứu Rỗi để thực hiện Sự Chuộc Tội:

“Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn—không có kết thúc. [Xin xem 2 Nê Phi 9:7; 25:16; An Ma 34:10, 12, 14.] Sự Chuộc Tội này cũng vô hạn trong ý nghĩa rằng tất cả nhân loại sẽ được cứu rỗi khỏi cái chết không bao giờ kết thúc. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về phương diện nỗi đau khổ mãnh liệt của Ngài. Sự Chuộc Tội này là vô hạn về thời gian, trong việc chấm dứt tục dâng của lễ thiêu con vật trước đó. Sự Chuộc Tội này là vô hạn trong phạm vi—Sự Chuộc Tội được thực hiện một lần cho mãi mãi. [Xin xem Hê Bơ Rơ 10:10.] Và lòng thương xót của Sự Chuộc Tội không những dành cho vô số người, mà còn cho vô số thế giới do Ngài sáng tạo. [Xin xem GLGƯ 76:24; Môi Se 1:33.] Sự Chuộc Tội là vô hạn vượt quá bất cứ dụng cụ đo lường nào của nhân loại hoặc sự am hiểu nào của người trần thế.

“Chúa Giê Su là Đấng duy nhất có thể ban cho một sự chuộc tội vô hạn như vậy, vì Ngài được sinh ra bởi một người mẹ trần thế và một Đức Cha bất diệt. Nhờ vào quyền thừa kế độc nhất vô nhị ấy mà Chúa Giê Su là một Đấng vô hạn” (“The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 35).

“Theo luật pháp vĩnh cửu, sự chuộc tội đó đòi hỏi một sự hy sinh cá nhân của một người bất tử không phải chết. Tuy nhiên, Ngài phải chết và thể xác của Ngài sống lại một lần nữa. Đấng Cứu Rỗi là Đấng duy nhất có thể thực hiện được điều này. Ngài đã thừa hưởng quyền năng để chết từ mẹ của Ngài. Ngài nhận được quyền năng vượt qua cái chết từ Cha của Ngài” (“Constancy amid Change,” Ensign, tháng Mười Một năm 1993, 34).

2 Nê Phi 2:7. Nếu không có Sự Chuộc Tội, ảnh hưởng của Sự Sa Ngã sẽ là gì?

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích rằng số phận của chúng ta sẽ như thế nào nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Cũng giống như cái chết sẽ hủy diệt chúng ta và làm cho quyền tự quyết của chúng ta trở thành vô nghĩa, nhưng vì sự cứu chuộc của Đấng Ky Tô, thậm chí như thế, nếu không có ân điển của Ngài, thì các tội lỗi và những lựa chọn xấu của chúng ta sẽ làm cho chúng ta thất lạc vĩnh viễn. Sẽ có không có cách nào phục hồi hoàn toàn những lỗi lầm của chúng ta, và khi sống ô uế, chúng ta không bao giờ có thể sống lại một lần nữa nơi hiện diện của [Thượng Đế].

“… Chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi, một Đấng Trung Gian là Đấng có thể khắc phục những hậu quả của các tội lỗi và lỗi lầm của chúng ta để các tội lỗi và lỗi lầm này không nhất thiết là tai hại. Chính là nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà chúng ta có thể phục hồi từ những sự lựa chọn xấu và được biện minh theo luật pháp thể như chúng ta đã không phạm tội vậy” (“Moral Agency,” Ensign, tháng Sáu năm 2009, 50).

2 Nê Phi 9:10. “Ôi, vĩ đại thay tấm lòng nhân từ của Thượng Đế chúng ta”

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã bày tỏ lòng biết ơn về vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong việc làm tròn Sự Chuộc Tội:

“Xin cảm tạ Thượng Đế về sự kỳ diệu và vẻ uy nghi của kế hoạch vĩnh cửu của Ngài. Cảm tạ và vinh danh Con Trai Yêu Quý của Ngài là Đấng với nỗi thống khổ không tả xiết, phó mạng sống của Ngài trên cây thập tự ở Đồi Sọ để trả nợ cho tội lỗi của thế gian. Ngài chính là Đấng, qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, đã bẻ gãy vòng trói buộc của cái chết và với quyền năng của Thượng Đế đã đắc thắng sống lại từ mộ phần. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Tác Giả của sự cứu rỗi của chúng ta” (“The Victory over Death,” Ensign, tháng Năm năm 1985, 51).

2 Nê Phi 9:22. “Để cho tất cả mọi người đều có thể đứng trước mặt Ngài”

Tất cả mọi người đều rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Vì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả mọi người sẽ trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế để được phán xét. Để biết thêm về đề tài này, xin xem các đoạn sau đây: 2 Nê Phi 2:9–10; 9:15, 22, 38; An Ma 11:43–44; 12:12–15, 24; 42:23; Hê La Man 14:15–17; 3 Nê Phi 26:4; Mặc Môn 9:12–13.