Bài Học 34
2 Nê Phi 21–24
Lời Giới Thiệu
Nhiều lời tiên tri của Ê Sai trong Sách Mặc Môn là về những ngày sau cùng. Ông tiên tri về Sự Phục Hồi phúc âm, Tiên Tri Joseph Smith, Ngày Tái Lâm, và sự hủy diệt kẻ tà ác. Ông thấy trước rằng Chúa sẽ “dựng lên một cờ hiệu cho các nước” để quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng (xin xem 2 Nê Phi 21:11–12). Ê Sai cũng làm chứng rằng Chúa sẽ chiến thắng Sa Tan và khai mở Thời Kỳ Ngàn Năm, một kỷ nguyên bình an và hân hoan.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
2 Nê Phi 21:1–5, 10–12
Ê Sai thấy trước Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau
Trưng bày tấm hình Mô Rô Ni Hiện Đến cùng Joseph Smith trong Phòng của Ông (62492; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 91). Giải thích rằng khi lần đầu tiên Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith, thì “ông trích dẫn chương mười một trong sách Ê Sai và nói rằng lời tiên tri đó sắp được ứng nghiệm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:40). Lời tiên tri trong Ê Sai 11 cũng được tìm thấy trong 2 Nê Phi 21.
Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 21:1. Hướng sự chú ý của họ đến cụm từ “có một chồi non sẽ nứt ra từ gốc Y Sai.” Rồi mời họ im lặng đọc 2 Nê Phi 21:10. Hướng sự chú ý của họ đến cụm từ “rễ Y Sai.” Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh đánh dấu các cụm từ này. Giải thích rằng Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được mặc khải về các cụm từ này. Mời các học sinh giở đến Giáo Lý và Giao Ước 113:1–6. Đọc to đoạn này. Trước khi các anh chị em đọc, hãy yêu cầu các học sinh cùng đọc theo và tìm kiếm những ý nghĩa của các cụm từ này. Các anh chị em có thể muốn viết những ý nghĩa này lên trên bảng như được cho thấy dưới đây. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh viết những ý nghĩa này trong thánh thư của họ.
Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe đặc tính của “chồi non” và “rễ Y Sai.”
“Có phải chúng ta sai sót khi nói rằng vị tiên tri được đề cập ở đây là Joseph Smith, là người có chức tư tế, là người đã nhận được các chìa khóa của vương quốc, và là người đã dựng lên cờ hiệu cho cuộc quy tụ dân của Chúa trong gian kỳ của chúng ta không? Và ông cũng không phải là ′tôi tớ trong tay của Đấng Ky Tô, người này một phần là hậu duệ của Y Sai và cũng của Ép Ra Im, hay của gia tộc Giô Sép, và được ban cho rất nhiều quyền năng′ sao?” (The Millennial Messiah: The Second Coming of the Son of Man [1982], 339–40).
Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 21:10, 12. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ và cụm từ liên quan đến Joseph Smith và Sự Phục Hồi phúc âm và Giáo Hội của Chúa. Trước khi các học sinh đọc, các anh chị em có thể muốn nhắc họ nhớ rằng từ cờ hiệu ám chỉ một lá cờ hoặc ngọn cờ được sử dụng làm điểm tập trung hoặc một dấu hiệu để tập hợp lại (xin xem bài học 32).
-
Làm thế nào công việc của Joseph Smith làm tròn lời tiên tri về rễ Y Sai?
-
Chúng ta quy tụ ngày nay bằng những cách nào với tư cách là tín hữu của Giáo Hội? Chúng ta nâng cao cờ hiệu bằng những cách nào để giúp những người khác biết nơi nào để quy tụ?
Làm chứng rằng Chúa đã phục hồi phúc âm và Giáo Hội của Ngài qua Tiên Tri Joseph Smith và hiện đang quy tụ dân Ngài trong những ngày sau cùng.
2 Nê Phi 21:6–9; 22
Ê Sai mô tả Thời Kỳ Ngàn Năm
Yêu cầu các học sinh tưởng tượng rằng một người bạn là tín hữu của một giáo hội khác đã hỏi họ là họ tin gì về Thời Kỳ Ngàn Năm. Yêu cầu họ im lặng nghiên cứu 2 Nê Phi 21:6–9 và 22:1–6, tìm kiếm các lẽ thật họ có thể chia sẻ trong một cuộc chuyện trò như vậy. Mời họ viết những ý nghĩ của họ vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ. Để giúp họ thảo luận về điều họ đã tìm ra, hãy hỏi một số hoặc tất cả những câu hỏi sau đây:
-
Những điều mô tả trong 2 Nê Phi 21:6–8 gợi ý gì về những tình trạng trên thế gian trong Thời Kỳ Ngàn Năm?
-
Theo như 2 Nê Phi 21:9, tại sao thế gian sẽ là một nơi bình an trong Thời Kỳ Ngàn Năm? (Giúp các học sinh hiểu rằng trong Thời Kỳ Ngàn Năm, thế gian sẽ là một nơi bình an vì sẽ có đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa).
-
Làm thế nào sự hiểu biết về Chúa giúp chúng ta sống bình an hơn bây giờ?
-
Trong 2 Nê Phi 22:1–6, Ê Sai mô tả tinh thần thờ phượng mà dân chúng sẽ có trong Thời Kỳ Ngàn Năm Làm thế nào chúng ta có thể phát triển cùng một thái độ đó ngày nay?
-
Các em muốn có một số khía cạnh nào của Thời Kỳ Ngàn Năm trong cuộc sống của mình vào lúc này? (Khuyến khích các học sinh suy ngẫm điều họ có thể làm để nhận được một số phước lành trong cuộc sống của họ).
2 Nê Phi 23–24
Ê Sai dạy rằng kẻ tà ác sẽ bị diệt vong và Chúa sẽ có lòng thương xót đối với dân Ngài
Giải thích rằng trong 2 Nê Phi 23, Ê Sai tiên tri về sự hủy diệt của Ba Bi Lôn và so sánh sự hủy diệt này với sự hủy diệt kẻ tà ác vào Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Mời các học sinh đọc mục “Ba Bi Lôn” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Giải thích rằng trong một số đoạn thánh thư, từ Ba Bi Lôn thường ám chỉ sự tà ác của thế gian. Ê Sai đã tiên tri rằng sự hủy diệt tàn khốc sẽ giáng xuống kẻ tà ác ở Ba Bi Lôn và trong những ngày sau cùng.
Để giúp các học sinh nhận ra những hậu quả dành cho kẻ tà ác trong những ngày sau cùng, hãy giúp họ im lặng đọc 2 Nê Phi 23:1, 5–9, 11, 15, 19, và 22.
Giải thích rằng Ê Sai ám chỉ sự sa ngã của Lu Xi Phe, hay Sa Tan, là một điều minh họa khác về kẻ tà ác sẽ bị diệt vong như thế nào. Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 24:12–16.
-
Các cụm từ nào trong những câu này cho thấy tính ngạo mạn của Sa Tan?
-
2 Nê Phi 24:16 mô tả cảm nghĩ của chúng ta về Sa Tan như thế nào nếu chúng ta có thể thấy bản chất thật sự của nó?
Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:
“Trong đại hội ở tiền dương thế, chính là tính kiêu ngạo đã đánh ngã Lu Xi Phe, ′con trai của ban mai.′ (2 Nê Phi 24:12–15; xin xem thêm GLGƯ 76:25–27; Môi Se 4:3). … Trong đại hội tiền dương thế, Lu Xi Phe đã đưa đề nghị của mình ra cạnh tranh với kế hoạch của Đức Chúa Cha mà đã được Chúa Giê Su Ky Tô ủng hộ. (Xin xem Môi Se 4:1–3). Nó mong muốn được vinh hiển trên tất cả mọi người khác. (Xin xem 2 Nê Phi 24:13). Nói tóm lại, ước muốn đầy kiêu ngạo của nó là truất phế ngôi Thượng Đế. (Xin xem GLGƯ 29:36; 76:28).” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 4–5).
Hướng sự chú ý của các học sinh đến lời của Chúa vào phần kết thúc của 2 Nê Phi 23:22: “Ta sẽ thương xót dân ta, còn những kẻ độc ác sẽ phải bị diệt vong.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh đánh dấu lời phán này trong thánh thư của họ. (Hãy lưu ý rằng câu cuối cùng trong câu thánh thư này không có trong câu tương ứng trong sách Ê Sai trong Kinh Thánh Phiên Bản King James. Điều này gợi ý rằng các bảng khắc bằng đồng chứa đựng một số chi tiết nào đó không nằm trong Kinh Thánh).
-
Các em nghĩ việc ở giữa dân của Chúa có nghĩa là gì?
Yêu cầu vài học sinh đọc to 2 Nê Phi 24:1–7, 24–27, thay phiên nhau đọc một hoặc hai câu. Mời lớp học tìm kiếm những lời hứa của Chúa cho dân Ngài. Khuyến khích họ chia sẻ với nhau những điều họ nhận xét. Các anh chị em có thể cân nhắc việc cho một học sinh viết những điều nhận xét này lên trên bảng.
-
Các câu này chia sẻ những sứ điệp nào với những người đau khổ vì sự tà ác của những người khác?
-
Các em thấy được bằng chứng nào về hạnh phúc và hy vọng trong các câu này?
Hãy chắc chắn các học sinh hiểu rằng Chúa sẽ thương xót dân Ngài, nhưng kẻ tà ác sẽ bị diệt vong. Giúp các học sinh hiểu rằng những lời tiên tri của Ê Sai trong 2 Nê Phi 21–24 phản ảnh một trong số các sứ điệp chính của Sách Mặc Môn—rằng người vâng lời sẽ thịnh vượng và kẻ tà ác sẽ bị diệt vong. Làm chứng rằng chúng ta có thể sống trong sự ngay chính và thịnh vượng ngày nay khi chúng ta trông chờ Thời Kỳ Ngàn Năm.