Bài Học 35
2 Nê Phi 25
Lời Giới Thiệu
Khi tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng về những lời tiên tri của Ê Sai, Nê Phi đã giải thích rằng bất cứ ai có tinh thần tiên tri cũng có thể bắt đầu hiểu và biết ơn những lời của Ê Sai. Ông đã chia sẻ mục đích của bài viết của ông: “để thuyết phục con cháu chúng ta, và luôn cả các anh em chúng ta nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế” (2 Nê Phi 25:23). Ông mời tất cả mọi người hãy tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và “thờ phượng Ngài với tất cả năng lực, tâm trí, sức mạnh, và tâm hồn mình” (2 Nê Phi 25:29).
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
2 Nê Phi 25:1–8
Nê Phi dạy rằng chúng ta có thể hiểu những lời của Ê Sai khi chúng ta có được tinh thần tiên tri
Trưng bày một cái ổ khóa mà không thể mở nếu không có chìa khóa (hoặc vẽ hình một cái khóa móc và chìa khóa lên trên bảng). Hãy nêu lên rằng khi người ta muốn giữ cho của cải quý báu được an toàn, họ thường khóa chúng lại. Họ có thể chỉ giữ một chìa khóa để mở khóa, hoặc họ có thể đưa một cái chìa khóa giống như vậy cho một người đáng tin cậy là một người bạn hoặc người trong gia đình.
Giải thích rằng Nê Phi biết là những lời tiên tri của Ê Sai “có một giá trị lớn” (2 Nê Phi 25:8). Tuy nhiên, ông không giữ bí mật về chúng. Ông còn dạy về một bí quyết cho bất cứ người nào muốn hiểu rõ ý nghĩa của những lời của Ê Sai. Mời một học sinh đọc câu đầu tiên trong 2 Nê Phi 25:4. Yêu cầu lớp học tìm kiếm bí quyết đó để hiểu biết những lời của Ê Sai.
-
Các em tìm ra bí quyết nào? (“Tinh thần tiên tri”).
Để giúp các học sinh hiểu ý nghĩa của việc có được “tinh thần tiên tri,” hãy đọc lời phát biểu sau đây từ Sách Hướng Dẫn Các Thánh Thư:
“Lời tiên tri gồm có những lời nói hay những điều ghi chép được soi dẫn từ thiên thượng, mà một người nhận được qua sự mặc khải từ Đức Thánh Linh. Chứng ngôn về Chúa Giê Su là tinh thần tiên tri (Khải Huyền 19:10). Lời tiên tri có thể thuộc về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Khi một người tiên tri, người ấy nói hay viết những điều mà Thượng Đế muốn người ấy được biết, vì lợi ích của chính người đó hay vì lợi ích của những người khác. Các cá nhân có thể nhận được lời tiên tri hay mặc khải cho cuộc sống riêng của mình” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tiên Tri, Lời, Tiên Tri,” scriptures.lds.org).
Giúp các học sinh thấy rằng sự hiểu biết của họ về những lời của Ê Sai sẽ gia tăng khi họ (1) tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và (2) có được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và một ước muốn để học về Ngài. Khi họ học những lời của Ê Sai theo cách này, thì luôn luôn tìm kiếm những cách mà những lời tiên tri của ông làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, họ sẽ có thể biết được điều Thượng Đế muốn họ biết, vì lợi ích của chính họ hoặc vì lợi ích của những người khác.
Hãy nêu lên rằng Nê Phi đã chia sẻ những ý nghĩ khác mà có thể gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về những lời của Ê Sai. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 25:1, và tìm kiếm lý do tại sao nhiều người dân của Nê Phi thấy rằng những lời tiên tri của Ê Sai rất khó hiểu.
-
Các em tìm thấy được điều gì? (Họ không biết gì “về lề lối tiên tri giữa người Do Thái”).
-
Dựa vào điều các em đã đọc về những lời của Ê Sai, một số đặc tính của các lời tiên tri của người Do Thái thời xưa là gì? (Các câu trả lời có thể gồm có việc Ê Sai và các vị tiên tri khác đã sử dụng biểu tượng và thơ văn).
-
Khi các em đọc những lời của Ê Sai, tại sao là điều hữu ích để nhận biết lề lối tiên tri này?
Giải thích rằng một ý kiến hữu ích khác được tìm thấy trong 2 Nê Phi 25:5–6. Mời một học sinh đọc to các câu này. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những kinh nghiệm của Nê Phi đã giúp ông hiểu những lời của Ê Sai.
-
Các em nghĩ tại sao điều đó đã giúp cho Nê Phi sống được ở Giê Ru Sa Lem? Dựa vào điều các em đã đọc về những lời của Ê Sai, các em nghĩ tại sao đó là một lợi thế cho Nê Phi để “được chứng kiến nhiều điều của người Do Thái” và “hiểu rõ các miền quanh” Giê Ru Sa Lem?
-
Chúng ta có thể làm gì để hiểu biết đôi chút về những điều này? (Chúng ta có thể nghiên cứu văn hóa, lịch sử và địa lý của Y Sơ Ra Ên thời xưa).
Đọc 2 Nê Phi 25:7–8 cho các học sinh nghe. Trong khi các anh chị em đọc, hãy nêu lên rằng những lời tiên tri của Ê Sai sẽ có một giá trị lớn đối với chúng ta khi chúng ta thấy những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm. Để minh họa lẽ thật này, hãy hỏi:
-
Trong vài ngày qua, chúng ta đã học về những lời tiên tri nào mà đã được ứng nghiệm? (Các học sinh có thể nhớ lại những lời tiên tri về Đền Thờ Salt Lake [xin 2 Nê Phi 12:2–3], sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô [xin xem 2 Nê Phi 19:6], và Joseph Smith [xin xem 2 Nê Phi 21:1, 10]). Những lời tiên tri này trở nên có ý nghĩa hơn trong những cách nào khi các em thấy rằng chúng đã được ứng nghiệm?
Để kết luận phần này của bài học, hãy bày tỏ sự tin tưởng của các anh chị em rằng các học sinh có thể tăng trưởng trong sự hiểu biết của họ về những lời của Ê Sai khi họ tìm kiếm tinh thần tiên tri. Hãy nêu lên rằng họ có thể gia tăng sự hiểu biết của mình bằng cách nghiên cứu về cách tiên tri của người Do Thái thời xưa và về văn hóa, lịch sử và địa lý của Y Sơ Ra Ên thời xưa.
2 Nê Phi 25:9–19
Nê Phi tiên tri về sự phân tán và quy tụ của dân Do Thái
Tóm lược 2 Nê Phi 25:9–19 bằng cách nói rằng Nê Phi đã tiên tri về dân Do Thái và quê hương của họ ở Giê Ru Sa Lem và các vùng phụ cận. Ông nói rằng dân Do Thái mà đã bị bắt tù đày ở Ba Bi Lôn sau khi Giê Ru Sa Lem bị hủy diệt sẽ trở lại “đất thừa hưởng của mình” (xin xem 2 Nê Phi 25:9–11). Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Mê Si, sẽ sống ở giữa họ, nhưng nhiều người sẽ chối bỏ Ngài và đóng đinh Ngài (xin xem 2 Nê Phi 25:12–13). Sau khi Đấng Cứu Rỗi chết và phục sinh, Giê Ru Sa Lem một lần nữa sẽ bị hủy diệt, và dân Do Thái sẽ bị phân tán và bị các quốc gia khác ngược đãi (xin xem 2 Nê Phi 25:14–15). Cuối cùng họ sẽ tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, và Chúa sẽ phục hồi họ “khỏi trạng thái lạc lối và sa ngã” (xin xem 2 Nê Phi 25:16–19).
2 Nê Phi 25:20–30
Nê Phi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô
Yêu cầu các học sinh suy nghĩ về cách họ có thể phản ứng đối với một người nào cho rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể yêu cầu một hoặc hai học sinh vắn tắt cho biết về những kinh nghiệm mà họ đã có khi những người khác đã thách thức niềm tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi các học sinh đọc và thảo luận 2 Nê Phi 25:20–30, hãy mời họ tìm kiếm các đoạn mà họ có thể chia sẻ trong những tình huống như vậy.
Yêu cầu các học sinh nhận ra “con đường ngay chính” trong 2 Nê Phi 25:28–29. Sau khi họ đã tìm thấy rằng “con đường ngay chính tức là tin nơi Đấng Ky Tô và không chối bỏ Ngài, “thì hãy viết lên bảngTại sao việc tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là con đường ngay chính. Rồi yêu cầu các học sinh tìm kiếm 2 Nê Phi 25:20, 23–26, tìm kiếm các lý do tại sao việc tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là con đường ngay chính. Mời họ viết câu trả lời lên trên bảng dưới tựa đề mà các anh chị em đã viết. Những câu trả lời có thể gồm có như sau:
Sự cứu rỗi chỉ có được qua Chúa Giê Su Ky Tô.
Nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới có thể được cứu bởi ân điển sau khi chúng ta đã làm hết mọi điều mình có thể làm.
Qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình.
Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 25:23 và 2 Nê Phi 10:24. Hãy nêu lên rằng những câu này gồm có từ hòa hiệp có nghĩa là mang con người hoặc những sự việc vào tinh thần hòa hợp hay hòa thuận với nhau.
-
Trong cả hai câu này, các vị tiên tri khuyến khích chúng ta hòa hiệp với Thượng Đế. Các em nghĩ điều này có nghĩa là gì?
Giải thích rằng cả hai câu này cũng gồm có từ ân điển. Ân điển là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng ban cho qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Từ ân điển, như được sử dụng trong thánh thư, chủ yếu ám chỉ đến quyền làm cho có khả năng và sự chữa lành thuộc linh được cung ứng qua lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
2 Nê Phi 10:24 và 25:23 dạy gì về mối quan hệ giữa ân điển và các nỗ lực của chúng ta?
Mời các học sinh áp dụng điều họ đã học được bằng cách viết câu trả lời cho câu hỏi sau đây vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ. Các anh chị em có thể muốn viết câu hỏi lên trên bảng.
-
Việc được cứu rỗi nhờ ân điển có nghĩa là gì đối với các em?
Để giúp các học sinh hiểu lời khẳng định của Nê Phi trong 2 Nê Phi 25:24–25 rằng luật pháp đã trở nên chết đối với dân của ông, hãy giải thích rằng ông đang ám chỉ đến luật của Môi Se. Luật pháp đó, với hệ thống các nghi thức, nghi lễ, biểu tượng, và giáo lệnh, bao gồm của lễ hy sinh các con vật, vẫn còn được thực hành trong thời Nê Phi. Nê Phi và những người khác biết rằng luật pháp đó sẽ được làm tròn qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau Sự Chuộc Tội, các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi sẽ không còn cần phải tuân giữ luật Môi Se nữa. Nhưng dân Nê Phi trung tín vẫn tiếp tục tuân theo luật pháp đó vào thời này, mặc dù biết rằng luật pháp hiện hành đó sẽ được thay thế vào một ngày nào đó.
Khi nói rằng luật pháp đã trở nên chết đối với ông và những người khác, Nê Phi có ý nói rằng luật pháp đó sẽ không cứu họ. Họ tuân giữ luật pháp đó vì họ muốn vâng lời và vì họ biết luật pháp chỉ họ đến với Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng sẽ mang sự cứu rỗi đến cho họ.
-
Chúng ta có thể học được gì từ 2 Nê Phi 25:23–26 về lý do tại sao chúng ta nên tuân giữ các lệnh truyền?
-
Các em sẽ làm gì để “nói về Đấng Ky Tô” và “hoan hỷ về Đấng Ky Tô”? (2 Nê Phi 25:26). Các em sẽ làm gì để giúp những người khác tin nơi Đấng Ky Tô?
Yêu cầu các học sinh chia sẻ các đoạn họ đã tìm thấy mà sẽ giúp họ trả lời những luận điệu cho rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Yêu cầu họ cho biết về lý do tại sao họ thích các đoạn đó.
Bày tỏ chứng ngôn của các anh chị em về các lẽ thật các anh chị em đã thảo luận ngày hôm nay. Các anh chị em cũng có thể muốn cho các học sinh cơ hội để chia sẻ chứng ngôn về các lẽ thật này.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
2 Nê Phi 25:23. Giáo lý về ân điển
“Ý chính của từ [ân điển] là phương tiện giúp đỡ hay sức mạnh thiêng liêng, được ban cho qua lòng thương xót và tình yêu thương bao la của Chúa Giê Su Ky Tô.
“Chính là nhờ vào ân điển của Chúa Giê Su, đã làm cho sự hy sinh chuộc tội của Ngài có thể thực hiện được, để loài người sẽ được nâng lên vào cuộc sống bất diệt, mỗi người sẽ nhận được thể xác của mình từ mộ phần trong tình trạng của cuộc sống trường cửu. Cũng giống như thế, nhờ ân điển của Chúa mà các cá nhân, qua đức tin nơi sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải các tội lỗi của họ, nhận được sức mạnh và sự trợ giúp để làm những việc tốt lành mà nếu không có ân điển đó, họ sẽ không thể duy trì được nếu chỉ bằng khả năng riêng của mình. Ân điển này là quyền năng làm cho có khả năng mà cho phép những người nam và người nữ đạt được cuộc sống vĩnh cửu và sự tôn cao sau khi họ đã tận dụng các nỗ lực tốt nhất của mình.
“Ân điển thiêng liêng đều được mọi người cần đến vì hậu quả của sự sa ngã của A Đam và cũng vì sự yếu kém và khuyết điểm của con người. Tuy nhiên, ân điển không thể đủ nếu không có nỗ lực hoàn toàn về phần của người nhận lãnh. Do đó lời giải thích là: ′nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì mình có thể làm’ (2 Nê Phi 25:23). Thật sự chính là ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô mới làm cho sự cứu rỗi có thể thực hiện được” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Điển”).
Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai nói:
“Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng sự an toàn, bình an, niềm vui và sự bảo đảm mà chúng ta tìm kiếm chỉ được tìm thấy trong việc chấp nhận và thành thật tin tưởng vào cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế Toàn Năng. Khi chấp nhận những lời giảng dạy của Ngài, chúng ta từ bỏ tất cả các tội lỗi của mình, chúng ta hối cải, và chúng ta làm tất cả những gì trong khả năng của mình để đến cùng Ngài trong một tinh thần chân thật của vai trò môn đồ, và biết được một cách thật rõ ràng rằng chính là qua ân điển của Ngài mà chúng ta được cứu, ngay cả sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì mình có thể làm. Và khi tự hiến dâng mình lên Đấng Ky Tô, một cách trọn vẹn và hoàn toàn, chúng ta tìm thấy sự an toàn, bình an, niềm vui, và sự bảo đảm nơi Ngài” (trong “Latter-day Counsel,” Ensign, tháng Sáu năm 2001, 74).
2 Nê Phi 25:26. “Chúng Tôi Hoan Hỷ về Đấng Ky Tô”
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói rằng sự hiểu biết đạt được qua Sự Phục Hồi cho phép chúng ta thật sự hoan hỷ về Đấng Cứu Rỗi:
“Là một Giáo Hội, chúng ta bị chỉ trích rất nhiều. Họ nói chúng ta không tin vào Đấng Ky Tô theo truyền thống của Ky Tô giáo. Điều họ nói có phần nào là đúng. Đức tin, sự hiểu biết của chúng ta không dựa vào truyền thống cổ xưa, tín ngưỡng mà đến từ một sự hiểu biết hạn hẹp và từ các cuộc thảo luận hầu như bất tận của con người để cố gắng đi đến một định nghĩa về Đấng Ky Tô phục sinh. Đức tin, sự hiểu biết của chúng ta đến từ lời chứng của một vị tiên tri trong gian kỳ này, là người đã nhìn thấy trước mắt ông Thượng Đế vĩ đại của vũ trụ và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh. Hai Ngài ngỏ lời cùng ông. Ông thưa chuyện với hai Ngài. Ông đã làm chứng một cách thẳng thắn, rõ ràng, và thành thật về khải tượng trọng đại đó. Đó là khải tượng về Đấng Toàn Năng và về Đấng Cứu Chuộc của thế gian, vinh quang vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, nhưng chắc chắn và rõ ràng trong sự hiểu biết mà khải tượng đó mang lại. Chính từ sự hiểu biết đó, được thiết lập vững vàng trong sự mặc khải hiện đại, mà chúng ta ′nói về Đấng Ky Tô, chúng ta hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng ta thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng ta tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng ta viết theo những điều tiên tri của chúng ta, để cho [chúng ta và] con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà [chúng ta] có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của [chúng ta]′ (2 Nê Phi 25:26)” (“Chúng Ta Hướng về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Bảy năm 2002, 90–91).