Bài học 41
2 Nê Phi 32
Lời Giới Thiệu
Sau khi giảng dạy về “con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:18), Nê Phi nhận thấy rằng dân của ông muốn biết họ nên làm gì sau khi bắt đầu đi trên con đường đó. Ông đã trả lời những câu hỏi của họ bằng cách khuyến khích họ phải “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” và “cầu nguyện luôn luôn” (2 Nê Phi 32:3, 9). Ông bảo đảm với họ rằng nếu họ chịu làm những điều này, thì Đức Thánh Linh sẽ giúp họ biết phải làm gì.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
2 Nê Phi 32:1–7
Nê Phi khuyên bảo chúng ta nên tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng qua những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô và những thúc giục của Đức Thánh Linh
Mời các học sinh nghĩ về một thời gian mà họ đã giải thích cách để đi từ một nơi này đến nơi khác. Yêu cầu họ giải thích lý do tại sao là điều dễ dàng hay khó khăn để đưa ra những chỉ dẫn đó.
Hãy nhắc các học sinh nhớ rằng trong bài học trước, họ đã học những chỉ dẫn mà Nê Phi đã đưa ra cho dân của ông. Sau khi chia sẻ những lời chỉ dẫn này, ông nói: “Đây là con đường” (2 Nê Phi 31:21). Để giúp các học sinh xem lại điều họ đã học, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây:
-
Nếu chúng ta tuân theo những lời chỉ dẫn của Nê Phi, thì những lời chỉ dẫn này sẽ dẫn chúng ta đến đâu? (Đến cuộc sống vĩnh cửu; xin xem 2 Nê Phi 31:20).
-
Theo như 2 Nê Phi 31:17–18, chúng ta bắt đầu trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu như thế nào?
Giải thích rằng 2 Nê Phi 32 là phần tiếp tục của những lời giảng dạy của Nê Phi trong 2 Nê Phi 31. Yêu cầu các học sinh tìm trong 2 Nê Phi 32:1 một câu hỏi mà dân của Nê Phi đã có về điều ông đã giảng dạy cho họ. Mời một vài học sinh đặt ra câu hỏi này bằng chính lời riêng của họ. (Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu là những người dân đó muốn biết họ nên làm gì sau khi đã bắt đầu trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu).
Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 32:2–3. Yêu cầu lớp học tìm kiếm câu trả lời của Nê Phi cho câu hỏi của những người dân Nê Phi. Hãy nêu lên rằng 2 Nê Phi 32:3 là một đoạn thánh thư để thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích các học sinh đánh dấu đoạn này một cách đặc biệt để họ sẽ có thể dễ dàng tìm ra.
-
Những lời nào trong 2 Nê Phi 32:3 mô tả cách chúng ta nên tiếp nhận những lời nói của Đấng Ky Tô? Việc ăn thỏa thuê khác với việc ăn qua loa như thế nào?
-
Các em nghĩ việc nuôi dưỡng (hay ăn thỏa thuê) những lời nói của Đấng Ky Tô có nghĩa là gì?
-
Nê Phi đã nói kết quả sẽ là gì khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô?
-
Chúng ta có thể tìm thấy những lời của Chúa Giê Su Ky Tô ở một số nơi nào? (Những câu trả lời có thể gồm có thánh thư, những lời nói của các vị tiên tri thời nay, và sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh).
Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu là khi chúng ta nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, thì những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho chúng ta biết tất cả những điều chúng ta nên làm.
Để giúp các học sinh nghĩ về việc họ nuôi dưỡng những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô một cách hữu hiệu như thế nào, hãy đọc bản liệt kê sau đây, ngừng lại sau mỗi danh mục. Yêu cầu các học sinh viết bản liệt kê vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ hoặc trên một tờ giấy.
-
Việc học thánh thư riêng
-
Lễ Tiệc Thánh
-
Đại hội trung ương
-
Việc học thánh thư với gia đình
-
Lớp giáo lý
-
Buổi họp tối gia đình
-
Buổi họp nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn hoặc lớp học Hội Thiếu Nữ
-
Sự cầu nguyện riêng
Mời các học sinh nghĩ về việc họ tìm kiếm những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô giỏi như thế nào trong mỗi bối cảnh này. Đối với mỗi danh mục, yêu cầu họ viết ăn thỏa thuê, ăn qua loa hoặc đói. Ví dụ, một học sinh có thể nuôi dưỡng (ăn thỏa thuê) trong việc học thánh thư riêng nhưng chỉ xem (ăn) qua loa đại hội trung ương. Một học sinh không chú ý trong buổi lễ Tiệc Thánh có thể viết từ đói cạnh danh mục đó.
Yêu cầu các học sinh chọn một trong số các sinh hoạt mà trong đó họ hiện đang “ăn qua loa” hoặc “đói,”và mời họ lập mục tiêu mà sẽ giúp họ “nuôi dưỡng lời nói của Đấng Ky Tô” nhiều hơn trong bối cảnh đó. (Các anh chị em có thể khuyến khích họ nghĩ về các mục tiêu của họ trong Bổn Phận đối với Thượng Đế hoặc Sự Tiến Triển Cá Nhân liên quan đến các mục tiêu này).
Để củng cố thêm sự hiểu biết của các học sinh về trách nhiệm của họ để tìm kiếm sự hướng dẫn cá nhân từ Đức Thánh Linh, hãy yêu cầu họ im lặng đọc 2 Nê Phi 32:4–7. Rồi yêu cầu họ thảo luận những câu hỏi sau đây với một người bạn trong nhóm. (Các anh chị em có thể muốn đưa ra những câu hỏi này trên một tờ giấy phân phát hoặc viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu).
-
Trong câu 4, các em nghĩ “cầu xin” hoặc “gõ cửa” có nghĩa là gì? Nê Phi nói những hậu quả là gì đối với những người không chịu cầu xin hoặc gõ cửa?
-
Nê Phi đã hứa các phước lành nào chúng ta có thể có khi chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh?
-
Tại sao Nê Phi than khóc vì dân ông?
Hãy bảy tỏ sự tin tưởng của các anh chị em rằng nếu các học sinh nuôi dưỡng những lời nói của Chúa Giê Su Ky Tô thì Đức Thánh Linh sẽ giúp họ đi theo con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.
2 Nê Phi 32:8–9
Nê Phi khuyên bảo chúng ta nên cầu nguyện luôn luôn
Giải thích rằng sau đó Nê Phi tập trung vào một điều mà chúng ta có thể làm để nhận được những lời của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 32:8, và tìm kiếm điều Nê Phi nói là chúng ta nên làm. Sau khi họ đã nhận ra câu trả lời, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây để giúp họ suy ngẫm về tầm quan trọng của việc cầu nguyện:
-
Các em nghĩ tại sao Đức Thánh Linh muốn các em phải cầu nguyện?
-
Các em nghĩ tại sao Sa Tan không muốn chúng ta cầu nguyện? Sa Tan có thể cố gắng thuyết phục loài người không cầu nguyện bằng những cách nào?
Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 32:9. Hãy nêu lên rằng 2 Nê Phi 32:8–9 là một đoạn thánh thư để thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích các học sinh đánh dấu đoạn này một cách đặc biệt để họ có thể dễ tìm ra đoạn đó.
-
Chúng ta nên cầu nguyện thường xuyên như thế nào? Các em nghĩ “cầu nguyện luôn luôn” có nghĩa là gì?
Hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. (Nếu có thể được, hãy sao chụp ra nhiều bản của lời trích dẫn này để các học sinh có thể đọc dò theo và tập trung vào những lời của Anh Cả Bednar. Nếu các anh chị em có sao chụp ra nhiều bản, thì hãy lưu ý rằng lời trích dẫn sẽ tiếp tục về sau trong bài học sau một cuộc thảo luận ngắn. Cũng hãy gồm vào phần ấy của lời phát biểu). Mời các học sinh lắng nghe lời khuyên dạy của Anh Cả Bednar về cách “cầu nguyện luôn luôn.”
“Có lẽ có những điều trong cá tính, hành vi của chúng ta, hoặc liên quan đến sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta mà chúng ta cần phải hội ý với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện vào buổi sáng. …
“Trong ngày, chúng ta giữ một lời cầu nguyện trong lòng mình để tiếp tục có được sự giúp đỡ và hướng dẫn …
“Chúng ta thấy rằng trong một ngày đặc biệt này, nếu có những dịp mà chúng ta thường có khuynh hướng nói năng cộc cằn thì chúng ta không làm như thế; hoặc có thể có chiều hướng giận dữ nhưng chúng ta không làm như vậy. Chúng ta thấy rõ có sự giúp đỡ và sức mạnh của thiên thượng và khiêm nhường nhận biết những sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình. Ngay cả trong giây phút nhìn nhận đó, chúng ta cũng dâng lên một lời cầu nguyện biết ơn thầm” (“Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 41–42).
Để giúp các học sinh suy ngẫm về lời khuyên dạy này, hãy hỏi:
-
Các em có thể nghĩ về những giây phút của ngày hôm nay hoặc trong những ngày mới gần đây mà các em có thể đã tuân theo lời đề nghị này của Anh Cả Bednar không? (Các anh chị em có thể muốn yêu cầu các học sinh im lặng suy ngẫm về câu hỏi này thay vì trả lời lớn tiếng).
Tiếp tục đọc lời khuyên dạy của Anh Cả Bednar:
“Vào cuối ngày của mình, một lần nữa chúng ta quỳ xuống và tường trình lên Cha Thiên Thượng. Chúng ta duyệt xét lại những sự kiện trong ngày và bày tỏ lòng biết ơn chân thành về các phước lành và sự giúp đỡ mà chúng ta nhận được. Chúng ta hối cải và, với sự giúp đỡ của Thánh Linh của Chúa, nhận ra những cách thức mà chúng ta có thể làm và trở nên tốt hơn vào ngày mai. Như vậy, lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta xây đắp và là một sự tiếp tục của lời cầu nguyện buổi sáng của chúng ta. Và lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta cũng là một sự chuẩn bị cho lời cầu nguyện đầy ý nghĩa vào buổi sáng hôm sau.
“Những lời cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối—và tất cả những lời cầu nguyện ở giữa hai thời gian đó—đều không phải là những sự kiện riêng biệt, không liên quan với nhau; thay vì thế chúng liên kết với nhau mỗi ngày và suốt cả ngày, cả tuần, cả tháng và thậm chí cả năm. Đây là một phần trong cách chúng ta làm tròn lời khuyên dạy của thánh thư là ′phải cầu nguyện luôn luôn′ Lu Ca 21:36; 3 Nê Phi 18:15, 18; GLGƯ 31:12). Những lời cầu nguyện đầy ý nghĩa như vậy là phương tiện để đạt được các phước lành tuyệt diệu nhất mà Thượng Đế dành cho các con cái trung tín của Ngài” (“Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” 42).
Để giúp các học sinh hiểu phần cuối của 2 Nê Phi 32:9, hãy giải thích rằng từ dâng hiến có nghĩa là “cung hiến, làm cho thánh thiện, hay trở nên ngay chính” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Dâng Hiến, Luật Dâng Hiến,” scriptures.lds.org).
-
Tại sao chúng ta nên cầu nguyện bất cứ lúc nào chúng ta “làm bất cứ một công việc gì trong Chúa”?
-
Các em nghĩ việc Chúa sẽ thánh hóa điều chúng ta làm vì sự an lạc của tâm hồn chúng ta có nghĩa là gì?
-
Lời khuyên của Anh Cả Bednar có thể giúp chúng ta sống một cuộc sống thánh thiện hơn như thế nào?
Hãy làm chứng rằng khi cầu nguyện luôn luôn, chúng ta sẽ có thể làm tất cả những gì Chúa phán bảo chúng ta làm vì sự an lạc của tâm hồn chúng ta.
Để tóm lược những gì các học sinh đã thảo luận trong bài học này, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Spencer J. Condie thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:
“Các em có thể gặp phải những quyết định liên quan đến công việc truyền giáo, nghề nghiệp tương lai của mình và cuối cùng là hôn nhân. Khi đọc thánh thư và cầu nguyện xin được hướng dẫn, các em có thể không thực sự thấy câu giải đáp dưới hình thức những chữ được in ra trên trang giấy, nhưng khi đọc, các em sẽ nhận được những ấn tượng rõ ràng, cũng như những thúc giục. và như đã được hứa, Đức Thánh Linh ′sẽ chỉ dẫn cho các anh em tất cả mọi việc phải nên làm.′ 2 Nê Phi 32:5.]” (“Trở Nên Nguồn Lợi Ích Lớn Lao cho Đồng Loại Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2002, 45).