Các Sinh Hoạt Thông Thạo Thánh Thư
Lời giới thiệu
Phần này cung cấp một số ý kiến mà các anh chị em có thể sử dụng để phụ giúp các học sinh trong việc thông thạo các đoạn thánh thư chính. Khi hỗ trợ và khuyến khích học sinh phát triển những kỹ năng này, các anh chị em đang giúp họ trở nên tự lực trong việc học thánh thư. Các học sinh có thể sử dụng các kỹ năng thông thạo này trong suốt cuộc đời của họ để xác định vị trí, hiểu, áp dụng, và thuộc lòng các đoạn trong thánh thư một cách hiệu quả hơn. Các ý kiến giảng dạy cho mỗi yếu tố của việc thông thạo thánh thư được liệt kê dưới đây. Việc sử dụng nhiều loại sinh hoạt này có thể giúp các học sinh thành công hơn trong việc thông thạo các đoạn thánh thư.
Các Sinh Hoạt Giúp Học Sinh Tìm Ra Các Đoạn Thánh Thư Thông Thạo
Đánh Dấu Các Đoạn Thánh Thư
Việc đánh dấu các đoạn thánh thư thông thạo có thể giúp các học sinh nhớ lại các đoạn này và tìm ra chúng nhanh hơn. Hãy cân nhắc việc khuyến khích các học sinh đánh dấu những đoạn chính yếu này trong thánh thư của họ theo cách để đặt các đoạn này riêng ra khỏi các đoạn khác mà họ đánh dấu.
Biết Rõ Các Sách
Việc thuộc lòng tên và thứ tự của các sách trong Sách Mặc Môn có thể giúp các học sinh tìm ra các đoạn thánh thư thông thạo nhanh chóng hơn. Sau đây là các ví dụ về các sinh hoạt mà có thể giúp các học sinh trở nên quen thuộc với các sách trong Sách Mặc Môn:
-
Tìm Kiếm Bản Mục Lục—Giúp các học sinh tìm ra bản mục lục trong Sách Mặc Môn, có tựa đề “Tên và Thứ Tự Các Sách trong Sách Mặc Môn.”
-
Ca một Bài Hát—Dạy cho các học sinh bài hát “The Books in the Book of Mormon” (Children’s Songbook, trang 119). Thỉnh thoảng cho họ ca bài hát đó trong suốt năm để giúp họ ghi nhớ tên và thứ tự các sách trong Sách Mặc Môn.
-
Sử Dụng Chữ Cái Đầu Tiên—Viết lên trên bảng các chữ cái đầu tiên của các sách trong Sách Mặc Môn (1N, 2N, G, E, và vân vân). Yêu cầu các học sinh thực hành việc nói tên của các sách tương ứng với mỗi chữ cái. Lặp lại sinh hoạt này cho đến khi họ có thể đọc thuộc lòng tên của các sách.
-
Thi Đua Tìm Kiếm Sách—Loan báo một trong số các sách có một đoạn thánh thư thông thạo trong đó, và yêu cầu các học sinh mở thánh thư của họ ra đến bất cứ trang nào trong cuốn sách đó. Tìm hiểu xem sẽ mất bao lâu để cả lớp học tìm thấy mỗi sách. Sinh hoạt này có thể được lặp đi lặp lại để cho phép các học sinh trở nên thành thạo hơn trong việc ghi nhớ và tìm kiếm các sách trong Sách Mặc Môn.
Ghi Nhớ Các Tài Liệu Tham Khảo và Nội Dung
Khi các học sinh học về vị trí và nội dung của các đoạn thánh thư thông thạo, thì Đức Thánh Linh có thể giúp họ nhớ lại các phần tham khảo thánh thư khi cần (xin xem Giăng 14:26). Các từ hoặc cụm từ chính, chẳng hạn như “Con sẽ đi và làm” (1 Nê Phi 3:7) và “tự ý lựa chọn” (2 Nê Phi 2:27) có thể giúp học sinh ghi nhớ nội dung và những lời giảng dạy giáo lý của mỗi đoạn thánh thư. Các phương pháp sau đây có thể giúp các học sinh liên kết các phần tham khảo thánh thư thông thạo với nội dung hoặc các từ chính yếu. (Các anh chị em có thể muốn để dành các sinh hoạt gồm có sự tranh đua, thi đua, hoặc được định giờ giấc đến sau này trong năm, sau khi các học sinh đã cho thấy rằng họ biết tìm các đoạn thánh thư thông thạo ở nơi nào. Sau đó, các sinh hoạt như vậy sẽ giúp củng cố điều họ đã học được).
-
Các Phần Tham Khảo và Các Từ Chính Yếu—Khuyến khích các học sinh thuộc lòng các phần tham khảo và các từ chính yếu của mỗi đoạn thánh thư thông thạo được liệt kê trên các tấm thẻ thánh thư thông thạo. (Tấm thẻ thánh thư thông thạo có thể được đặt hàng trực tuyến tại store.lds.org. Các anh chị em cũng có thể yêu cầu các học sinh tự tạo ra bộ thẻ thánh thư thông thạo cho mình). Cho các học sinh thời gian để học các tấm thẻ với một bạn cùng lớp và sau đó đố nhau. Khuyến khích các học sinh nên có óc sáng tạo trong cách họ học với nhau và đố nhau. Khi họ trở nên thành thạo hơn với những đoạn thánh thư thông thạo, các anh chị em có thể mời họ sử dụng những manh mối có liên quan đến bối cảnh hoặc cách áp dụng các giáo lý và nguyên tắc từ các đoạn thánh thư đó. Người được đố có thể trả lời bằng miệng hoặc bằng cách viết xuống.
-
Các Tấm Thẻ Thánh Thư Thông Thạo—Sinh hoạt này có thể được sử dụng để giới thiệu hoặc ôn lại một tập hợp các đoạn thánh thư thông thạo. Chọn một số tấm thẻ thánh thư thông thạo, và chuẩn bị để phân phối thẻ đó trong số các học sinh của các anh chị em. (Hãy chắc chắn để có nhiều bản sao của mỗi tấm thẻ để mỗi học sinh đều nhận được cùng một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn có đủ thẻ cho mỗi học sinh để có được hai hoặc ba đoạn khác nhau). Chuyền các tấm thẻ khắp lớp học. Cho học sinh thời gian để học đoạn thánh thư thông thạo, phần tham khảo, các từ chính yếu, lời phát biểu về văn cảnh, giáo lý hoặc nguyên tắc, và những ý nghĩ để áp dụng trên mỗi tấm thẻ. Nói ra một số manh mối từ các tấm thẻ (ví dụ, những từ trong đoạn thánh thư thông thạo hoặc các từ chính yếu, văn cảnh, giáo lý hoặc nguyên tắc, hoặc cách áp dụng). Các học sinh có tấm thẻ liên quan nên đứng lên và nói to phần tham khảo thánh thư thông thạo.
-
Thi Đua Tìm Kiếm Câu Thánh Thư—Sử dụng các manh mối để giúp các học sinh nhanh chóng tìm ra các đoạn trong thánh thư của họ. Để có manh mối, các anh chị em có thể sử dụng những từ chính yếu, những lời phát biểu về văn cảnh, các giáo lý và nguyên tắc, và những ý kiến áp dụng từ các tấm thẻ thánh thư thông thạo. Các anh chị em cũng có thể tự đặt ra các manh mối riêng Các sinh hoạt thi đua tìm kiếm thánh thư là sinh hoạt trong đó các học sinh thi đua để tìm ra các đoạn có thể giúp họ tích cực tham gia vào việc học các đoạn thánh thư thông thạo. Khi sử dụng các sinh hoạt thi đua tìm kiếm thánh thư để giúp đỡ việc thông thạo thánh thư, thì hãy làm điều đó theo một cách mà không làm phật lòng hoặc xúc phạm đến Thánh Linh. Giúp các học sinh tránh sử dụng thánh thư của họ một cách bất kính hoặc là cạnh tranh thái quá. Cũng cân nhắc việc cho các học sinh tranh đua với một tiêu chuẩn thay vì với nhau. Ví dụ, các học sinh có thể thi đua với giảng viên, hoặc các anh chị em có thể cho họ thi đua để xem có một tỷ lệ nào đó của lớp học có thể tìm thấy một đoạn cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể.
-
Thi Đua Tìm Kiếm Câu Chuyện—Đưa ra các manh mối bằng cách tạo ra những tình huống cho thấy mối liên quan của các đoạn thánh thư với cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, như một manh mối cho 1 Nê Phi 3:7, các anh chị em có thể nói: “John biết rằng Chúa truyền lệnh cho tất cả các thanh niên xứng đáng phải phục vụ truyền giáo, nhưng cậu ta lo lắng rằng tính nhút nhát của mình sẽ ngăn cậu ta phục vụ một cách hiệu quả. Sau đó, cậu ta nhớ lại việc Nê Phi đã đáp ứng với nhiệm vụ khó khăn để lấy các bảng khắc bằng đồng như thế nào. John có can đảm rằng Chúa sẽ cung cấp một cách cho cậu ta để trở thành một người truyền giáo có năng lực.” Khi các học sinh lắng nghe các tình huống, hãy yêu cầu họ tìm ra các đoạn thánh thư thông thạo liên quan trong thánh thư của họ.
-
Câu Đố và Bài Trắc Nghiệm—Cho các học sinh cơ hội để trắc nghiệm khả năng thuộc lòng các đoạn thánh thư thông thạo. Các manh mối có thể gồm có các từ chính yếu hoặc các đoạn tham thảo thánh thư, những phần trích dẫn từ các đoạn, hoặc tình huống minh họa các lẽ thật được giảng dạy trong các đoạn thánh thư đó. Câu đố và bài trắc nghiệm có thể được đưa ra bằng cách nói, hoặc viết lên trên bảng hoặc trên giấy. Sau khi các học sinh đã làm xong một câu đố hoặc bài trắc nghiệm thì hãy cân nhắc việc ghép đôi các học sinh có số điểm cao với các học sinh có số điểm thấp hơn. Học sinh có số điểm cao hơn có thể hành động như là giảng viên để giúp học sinh với số điểm thấp hơn học và tiến bộ. Là một phần của nỗ lực này, đôi học sinh này cũng có thể đặt ra mục tiêu để đạt được tổng số điểm cao hơn trong bài trắc nghiệm kế tiếp. Hãy cân nhắc việc lập ra một biểu đồ hoặc bản thông báo để trưng bày các mục tiêu của các học sinh và nhận ra tiến bộ của họ.
Các Sinh Hoạt Giúp Các Học Sinh Hiểu Các Đoạn Thánh Thư Thông Thạo
Định Nghĩa Các Từ và Cụm Từ
Việc định nghĩa các từ và cụm từ trong các đoạn thánh thư thông thạo (hoặc giúp các học sinh định nghĩa các từ và cụm từ này) sẽ giúp các học sinh hiểu được ý nghĩa của cả đoạn này. Khi những định nghĩa như vậy rất thiết yếu cho việc hiểu biết về các giáo lý và nguyên tắc trong một đoạn thánh thư, thì các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh nên viết những định nghĩa này trong thánh thư của họ. Ôn lại ý nghĩa của các từ và cụm từ khi các anh chị em ôn lại các đoạn thánh thư thông thạo.
Nhận Ra Văn Cảnh
Nhận ra văn cảnh của một đoạn thánh thư có thể giúp các học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa của đoạn đó. Văn cảnh bao gồm các thông tin liên quan đến người đang nói chuyện với ai và tại sao, bối cảnh của đoạn đó (lịch sử, văn hóa và địa lý), và câu hỏi hay tình huống mà từ đó nẩy sinh ra nội dung của đoạn thánh thư. Ví dụ, văn cảnh 1 Nê Phi 3:7 bao gồm sự kiện là Nê Phi đã được cha của ông là Lê Hi, một vị tiên tri, yêu cầu trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng. Việc biết được thông tin này có thể giúp các học sinh hiểu rõ hơn lý do tại sao Nê Phi nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.” Khi các anh chị em dạy các bài học bao gồm các đoạn thánh thư thông thạo, hay nhấn mạnh đến văn cảnh xung quanh các đoạn đó. Thêm các sinh hoạt giống như sinh hoạt dưới đây cũng có thể giúp các học sinh hiểu những đoạn chính yếu này.
-
Nhận Ra Văn Cảnh—Viết các tiêu đề sau đây theo hàng ngang trên đầu tấm bảng: Người Nói, Người Nghe, Mục Đích, Những Sự Hiểu Biết Hữu Ích Khác. Chia các học sinh ra thành các nhóm, và chỉ định mỗi nhóm một đoạn thánh thư thông thạo. Mời họ khám phá ra văn cảnh của các đoạn thánh thư đã được chỉ định cho họ bằng cách nhận ra các thông tin tương ứng với các tiêu đề trên bảng. Yêu cầu họ viết ra những điều họ đã tìm thấy lên trên bảng. Sau đó, yêu cầu mỗi nhóm giải thích văn cảnh của các đoạn thánh thư đã được chỉ định cho họ và các thông tin này ảnh hưởng đến sự hiểu biết của họ về các lẽ thật trong mỗi đoạn thánh thư đó như thế nào. Để thêm một khía cạnh khác cho sinh hoạt này, các anh chị em có thể muốn yêu cầu lớp học đoán các phần tham khảo thánh thư thông thạo dựa trên những điều mô tả ở trên bảng trước khi mỗi nhóm giải thích điều họ đã viết.
Phân tích
Việc phân tích gồm có nhận ra các giáo lý và nguyên tắc nằm trong các đoạn thánh thư. Việc này cũng gồm có việc giúp các học sinh hiểu các lẽ thật này liên quan đến họ như thế nào. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng sâu hơn về các giáo lý và nguyên tắc trong cuộc sống của họ. Các sinh hoạt sau đây có thể giúp các học sinh phân tích các đoạn thánh thư thông thạo:
-
Viết Các Manh Mối—Khi các học sinh trở nên quen thuộc hơn với các đoạn thánh thư thông thạo thì hãy mời họ đặt ra các câu hỏi, tạo ra các tình huống, hoặc các manh mối khác để minh họa các giáo lý và nguyên tắc được giảng dạy trong các đoạn này. Những điều này có thể được sử dụng để đố cả lớp học.
Giải thích
Việc yêu cầu các học sinh giải thích các đoạn thánh thư thông thạo gia tăng sự hiểu biết của họ và gia tăng khả năng của họ để giảng dạy các giáo lý và nguyên tắc từ thánh thư. Sau đây là hai phương pháp có thể giúp các học sinh học để giải thích những đoạn thánh thư thông thạo:
-
Các Từ và Cụm Từ Chính Yếu— Hãy mời các học sinh đọc cùng một đoạn thánh thư thông thạo của họ và nhận ra một từ hoặc cụm từ mà họ nghĩ là đặc biệt quan trọng đối với ý nghĩa của đoạn đó. Rồi mời một học sinh đọc đoạn thánh thư đó cho lớp học nghe và nhấn mạnh đến từ hoặc cụm từ mà em ấy đã chọn. Yêu cầu học sinh ấy giải thích lý do tại sao từ hoặc cụm từ đó là quan trọng để hiểu đoạn đó. Mời một vài học sinh khác cũng làm như vậy. Các học sinh có thể chọn các từ hoặc cụm từ khác cho cùng một đoạn thánh thư. Khi các học sinh nghe những quan điểm khác nhau này, họ có thể hiểu sâu hơn về đoạn thánh thư đó.
-
Chuẩn bị một buổi họp đặc biệt Devotional—Cho các học sinh cơ hội để sử dụng các đoạn thánh thư thông thạo khi họ chuẩn bị và trình bày buổi họp đặc biệt devotional lúc bắt đầu lớp học. Giúp họ chuẩn bị tóm lược nội dung, giải thích các giáo lý và nguyên tắc, chia sẻ những kinh nghiệm hoặc tấm gương có ý nghĩa, và làm chứng về các giáo lý và nguyên tắc trong các đoạn thánh thư này. Các anh chị em cũng có thể đề nghị các học sinh cân nhắc việc sử dụng một bài học với đồ vật để giải thích những ý kiến trong các đoạn thánh thư này.
Cảm Thấy Tầm Quan Trọng của Các Giáo Lý và Nguyên Tắc
Giúp các học sinh hiểu và đạt được một sự làm chứng của Thánh Linh về các giáo lý và nguyên tắc được dạy trong các đoạn thánh thư thông thạo. Anh Cả Robert D Hales giải thích: “Một khi đã giảng dạy các sự kiện về phúc âm … , một giảng viên tận tâm dẫn dắt [các học sinh] đến một bước xa hơn để đạt được sự làm chứng thuộc linh và sự hiểu biết trong lòng họ nhằm mang đến hành động và việc làm” (“Teaching by Faith” [bài nói chuyện cùng các nhà giáo dục tôn giáo Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 1 tháng Hai năm 2002], 5, si.lds.org). Khi các học sinh cảm nhận được lẽ thật, tầm quan trọng, và sự thôi thúc mạnh mẽ của một nguyên tắc hay giáo lý qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh thì họ càng mong muốn áp dụng lẽ thật đó vào cuộc sống của họ hơn. Các giảng viên có thể giúp học sinh mời gọi và nuôi dưỡng những cảm nghĩ này về Đức Thánh Linh bằng cách cho họ cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm họ đã có với việc sống theo các nguyên tắc phúc âm được tìm thấy trong các đoạn thánh thư thông thạo. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các lẽ thật được giảng dạy trong các đoạn thánh thư thông thạo và bảo đảm rằng các lẽ thật này được in sâu vào lòng của các học sinh. Sinh hoạt sau đây có thể giúp các học sinh cảm nhận được tầm quan trọng của các giáo lý và nguyên tắc được các đoạn thánh thư thông thạo này giảng dạy:
-
Lắng Nghe Các Đoạn Thánh Thư—Mời các học sinh lắng nghe các đoạn thánh thư thông thạo trong các bài nói chuyện và bài học ở nhà thờ, trong các bài nói chuyện tại đại hội trung ương, và trong các cuộc thảo luận với gia đình và bạn bè. Thỉnh thoảng mời các học sinh báo cáo về các đoạn nào họ đã nghe, các đoạn này đã được sử dụng như thế nào, các lẽ thật nào đã được giảng dạy, và những kinh nghiệm nào họ hoặc những người khác đã có với các lẽ thật đã được giảng dạy. Tìm kiếm cơ hội để làm chứng (và mời các học sinh làm chứng) về các lẽ thật đã được các đoạn thánh thư thông thạo giảng dạy.
Các Sinh Hoạt Giúp Các Học Sinh Áp dụng Các Đoạn Thánh Thư Thông Thạo
Giảng dạy
Các đoạn thánh thư thông thạo và Các Giáo Lý Cơ Bản đã được phát triển chung với nhau và được cố ý liên kết vì lợi ích của học sinh. (Các đoạn thánh thư thông thạo được cho thấy trong suốt tài liệu Các Giáo Lý Cơ Bản). Khi các học sinh học và nói rõ về các giáo lý và nguyên tắc trong các đoạn thánh thư thông thạo, thì họ cũng sẽ học hỏi và nói rõ về Các Giáo Lý Cơ Bản. Và khi các học sinh học cách bày tỏ Các Giáo Lý Cơ Bản bằng lời riêng của họ, thì họ có thể dựa vào các đoạn thánh thư thông thạo đã thuộc lòng để giúp đỡ họ. Khi học sinh có cơ hội để giảng dạy các giáo lý và nguyên tắc của phúc âm bằng cách sử dụng các đoạn thánh thư thông thạo thì điều đó có thể làm cho họ tự tin tưởng nơi bản thân và nơi sự hiểu biết về thánh thư của họ hơn. Khi các học sinh giảng dạy và làm chứng về các giáo lý và nguyên tắc được tìm thấy trong các đoạn thánh thư thông thạo, họ cũng có thể củng cố chứng ngôn của họ. Khuyến khích các học sinh nên sử dụng các đoạn thánh thư thông thạo để giảng dạy và giải thích phúc âm trong lớp và trong những cuộc trò chuyện với bạn bè, gia đình, và những người khác.
-
Trình Bày một Sứ Điệp—Chỉ định các học sinh chuẩn bị các bài nói chuyện hoặc bài học dài từ 3 đến 5 phút dựa trên các đoạn thánh thư thông thạo. Yêu cầu họ chuẩn bị trong lớp học hay ở nhà. Ngoài các đoạn thánh thư thông thạo ra, họ còn có thể sử dụng các nguồn tài liệu khác để giúp họ chuẩn bị, chẳng hạn như thẻ thánh thư thông thạo, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, hoặc Trung Thành cùng Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm. Mỗi bài nói chuyện hay bài học nên gồm có một lời giới thiệu, đoạn thánh thư thông thạo, một câu chuyện hoặc một ví dụ về nguyên tắc được giảng dạy, và chứng ngôn của học sinh đó. Các học sinh có thể tình nguyện để trình bày sứ điệp của họ trong lớp học, trong một buổi họp tối gia đình, hoặc cho nhóm túc số hay các lớp học của họ như là một phần của các nỗ lực về Bổn Phận đối với Thượng Đế hoặc Sự Tiến Triển Cá Nhân. Nếu các học sinh trình bày các bài nói chuyện hay bài học của họ ở bên ngoài lớp học, thì hãy cân nhắc việc mời họ báo cáo về các kinh nghiệm của họ.
-
Đóng Vai Trò Người Truyền Giáo—Chuẩn bị một số thẻ với những câu hỏi của một người tầm đạo mà có thể được trả lời với sự giúp đỡ của các đoạn thánh thư thông thạo (ví dụ, “Các tín hữu của giáo hội bạn tin gì về Chúa Giê Su Ky Tô?”). Mời mỗi cặp học sinh ra trước lớp để trả lời một câu hỏi được chọn từ các tấm thẻ. Để giúp các học sinh hiểu những người truyền giáo có thể trả lời các câu hỏi tương tự như thế nào, các anh chị em có thể đề nghị một vài phương pháp giảng dạy hiệu quả, chẳng hạn như (1) nêu rõ văn cảnh của đoạn thánh thư, (2) giải thích một giáo lý hay nguyên tắc, (3) đặt câu hỏi để tìm hiểu xem những người mà họ giảng dạy có hiểu hay tin điều đã được giảng dạy không, (4) chia sẻ những kinh nghiệm và chứng ngôn, và (5) mời những người mà họ giảng dạy nên hành động theo lẽ thật đã được giảng dạy. Yêu cầu lớp học đưa ra ý kiến phản hồi về điều họ thích về cách mỗi cặp học sinh trả lời câu hỏi của họ.
-
Làm chứng—Mời các học sinh xem qua các đoạn thánh thư thông thạo và chọn một đoạn trong đó có một giáo lý hoặc nguyên tắc mà họ có thể làm chứng. Mời họ làm chứng về lẽ thật họ đã chọn ra và chia sẻ những kinh nghiệm đã dẫn họ đến việc có thể làm chứng về lẽ thật đó. Khi các học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ, Đức Thánh Linh sẽ xác nhận lẽ thật của các giáo lý hay nguyên tắc mà họ đang làm chứng. Chứng ngôn của họ cũng có thể soi dẫn cho những người khác để hành động trong đức tin.
Xin lưu ý: Cơ hội cho các học sinh để chia sẻ chứng ngôn của họ phải là tự nguyện. Các học sinh không nên bị bắt buộc phải chia sẻ chứng ngôn của họ hoặc bị làm cho cảm thấy rằng họ phải tuyên bố sự hiểu biết mà họ không cảm thấy là họ có. Ngoài ra, một số học sinh đã miễn cưỡng chia sẻ chứng ngôn của họ, vì họ lầm tưởng rằng họ cần phải mở đầu với câu “Tôi muốn chia sẻ chứng ngôn của tôi…” hoặc lời phát biểu về chứng ngôn của họ cần phải được đi kèm với một sự biểu lộ cảm xúc. Giúp các học sinh hiểu rằng khi họ làm chứng, họ có thể chỉ giản dị chia sẻ các giáo lý hoặc nguyên tắc mà họ biết là chân chính. Việc chia sẻ chứng ngôn có thể giản dị như là nói “Tôi tin rằng điều này là đúng” hoặc “Tôi biết điều này là chân chính” hoặc “Tôi hết lòng tin điều này.”
Sống theo
Việc đề nghị những cách mà các học sinh có thể áp dụng các giáo lý và nguyên tắc trong các đoạn thánh thư (hoặc mời các học sinh nghĩ ra những cách) mang đến cho họ cơ hội để học hỏi bằng cách sử dụng đức tin. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói:
“Một người học hỏi sử dụng quyền tự quyết bằng cách hành động theo các nguyên tắc đúng thì mở rộng lòng mình cho Đức Thánh Linh và mời gọi điều giảng dạy, quyền năng làm chứng và sự làm chứng khẳng định của Ngài. Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi nỗ lực tinh thần, tình cảm và thể chất chứ không phải chỉ lãnh nhận một cách thụ động. Chính trong sự chân thành và kiên trì của hành động do đức tin soi dẫn mà chúng ta cho Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, thấy rằng mình sẵn lòng để học hỏi và tiếp nhận chỉ dẫn từ Đức Thánh Linh” (“Seek Learning by Faith,” Ensign, tháng Chín năm 2007, 64).
Cho các học sinh cơ hội để chia sẻ và làm chứng về những kinh nghiệm mà họ đã có với việc áp dụng các giáo lý và nguyên tắc. Sau đây là một cách để khuyến khích các học sinh áp dụng các đoạn thánh thư thông thạo trong cuộc sống của họ:
-
Đặt Mục Tiêu—Dựa vào phần áp dụng của các tấm thẻ thông thạo thánh thư, hãy mời các học sinh đặt ra các mục tiêu cụ thể để sống theo các nguyên tắc được tìm thấy trong các đoạn thánh thư thông thạo một cách nghiêm túc hơn. Cho họ viết các mục tiêu của họ trên một tờ giấy để mang theo như một điều nhắc nhở. Khi thích hợp, hãy mời các học sinh báo cáo về những thành công của họ.
Các Sinh Hoạt Giúp Các Học Sinh Thuộc Lòng Các Đoạn Thánh Thư Thông Thạo
Thuộc lòng
Việc thuộc lòng các đoạn thánh thư có thể gia tăng sự hiểu biết và thêm vào khả năng giảng dạy phúc âm của học sinh. Khi các học sinh thuộc lòng các câu thánh thư, Đức Thánh Linh có thể mang lại các cụm từ và ý kiến vào trí nhớ của họ trong những lúc cần thiết (xin xem Giăng 14:26; GLGƯ 11:21). Hãy nhớ làm cho các sinh hoạt thuộc lòng thích nghi với khả năng của các học sinh của các anh chị em. Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyến khích việc thuộc lòng thánh thư khi ông nói:
“Quyền năng lớn lao có thể đến từ việc thuộc lòng thánh thư. Thuộc lòng một câu thánh thư tức là tạo ra một tình bạn mới. Điều đó giống như khám phá ra một người mới mà có thể giúp đỡ trong lúc cần, để soi dẫn, an ủi, và là một nguồn động lực cho sự thay đổi cần thiết” (“Quyền Năng của Thánh Thư,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 6).
Mỗi sinh hoạt trong số các sinh hoạt sau đây có thể được lặp đi lặp lại trong vài ngày liên tiếp vào lúc bắt đầu lớp học hoặc cuối giờ học để giúp các học sinh thuộc được lâu:
-
Cuộc Thi Đua với Một Từ/Cụm Từ—Yêu cầu lớp học nói một đoạn thánh thư thông thạo, mỗi lần một học sinh nói một từ/cụm từ. Ví dụ, khi giúp học sinh thuộc lòng An Ma 39:9, học sinh đầu tiên sẽ nói cụm từ giờ đây, học sinh thứ hai sẽ nói hỡi học sinh thứ ba sẽ nói con trai và vân vân cho đến khi cả câu được hoàn tất. Tính giờ cho lớp học, và cho họ thử nhiều lần để đạt được thời gian đã định. Khi các anh chị em lặp lại sinh hoạt này, hãy cân nhắc việc chuyển đổi thứ tự của các học sinh để họ phải nói những từ/cụm từ khác nhau.
-
Các Chữ Cái Đầu Tiên—Hãy viết lên trên bảng các chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong một đoạn thánh thư thông thạo. Chỉ vào các chữ cái trong khi lớp học lặp lại đoạn thánh thư với các anh chị em, bằng cách sử dụng thánh thư của họ nếu cần. Lặp lại sinh hoạt này cho đến khi các học sinh cảm thấy tự tin vào khả năng của mình để đọc thuộc lòng một đoạn chỉ dựa vào các chữ cái đầu tiên. Các anh chị em có thể muốn xóa đi một vài chữ cái mỗi lần các học sinh đọc thuộc lòng đoạn đó. Điều này sẽ khó dần cho đến khi các học sinh có thể lặp lại cả đoạn thánh thư mà không cần nhìn vào các chữ cái đầu tiên.
-
Trò Chơi Đố bằng Giấy Ghi Chữ—Viết, hoặc bảo các học sinh viết, những từ của một đoạn thánh thư thông thạo trên một tờ giấy có dòng kẻ. Cắt tờ giấy ra thành nhiều mảnh, chừa lại nguyên vẹn dòng chữ của thánh thư. Cắt ra một số mảnh trong số những mảnh giấy này ngắn hơn để chỉ gồm có một vài từ của đoạn đó trên mỗi mảnh giấy. Trộn lẫn các mảnh giấy và đưa các mảnh giấy đó cho các cặp hoặc các nhóm nhỏ học sinh. Yêu cầu các học sinh sắp xếp các mảnh giấy theo thứ tự, bằng cách sử dụng thánh thư để hướng dẫn. Cho họ tập cho đến khi họ không còn cần phải sử dụng thánh thư nữa. Sau khi họ đã hoàn tất, hãy yêu cầu họ đọc to thuộc lòng đoạn thánh thư đó. Các anh chị em cũng có thể tính giờ cho các học sinh để xem nhóm nào có thể đặt các mảnh giấy theo đúng thứ tự nhanh nhất. Hoặc các anh chị em có thể tính giờ cho cả lớp để xem phải mất bao lâu cho tất cả các nhóm để hoàn tất trò chơi đố (sau khi các nhóm đầu tiên làm xong, hãy để cho họ phụ giúp các nhóm chậm hơn).